Quốc hội chính thức cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê
Chiều 17-6, với 90,27% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi).
Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cho biết Về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
Một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà thực hiện theo Luật hiện hành, đồng thời đổi tên gọi là “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6.
Theo báo cáo tổng hợp kết quả Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong Luật Đầu tư: Đồng ý phương án 1: quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Tổng số phiếu: 317/409 (chiếm 77.51%). Đồng ý phương án 2: không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Tổng số phiếu: 91/409 (chiếm 22.25%)
Có 90.27% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút đồng ý cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”
Tại phiên họp chiều nay 17-6, có 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút đồng ý cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6. Chỉ có 2,69% tổng số đại biểu đồng ý cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy, với 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” chính thức không được phép hoạt động.
Sau đó, với 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật Đầu tư (sửa đổi)