Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để thiết thực nâng cao đạo đức cách mạng
Bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra mắt bạn đọc đúng ngày 3/2, kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng. Điều đó có ý nghĩa biết bao! Là tâm nguyện thiết tha của Bác đối với công tác xây dựng Đảng, là tấm lòng của Bác đối với đội ngũ chúng ta.
TÔI còn nhớ, cách đây gần 50 năm, trong chuyến công tác ở một tỉnh miền núi phía bắc, nói chuyện với cán bộ địa phương, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn rất băn khoăn, đặt câu hỏi: Tại sao trong hoạt động cách mạng, trong chiến tranh, đảng viên không tiếc hy sinh xương máu, thậm chí lên máy chém, vẫn một dạ kiên trung, bất khuất. Nhưng giờ đây, một số người, Đảng không đòi hỏi phải hy sinh như lớp cha anh, mà lại bị khuất phục trước chủ nghĩa cá nhân.
Gần đây nhất, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân” (1). Tôi nhẩm tính, từ ngày Bác viết bài “Chủ nghĩa cá nhân” đăng báo, đến nay đã hơn 70 năm, bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” cũng đã trải qua 53 năm. Các văn kiện đại hội, Điều lệ Đảng, nghị quyết Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, phát biểu của Tổng Bí thư qua các thời kỳ, đều đề cập chống chủ nghĩa cá nhân. Nhưng vì sao chủ nghĩa cá nhân cứ ngày càng phát triển, ngày càng trầm trọng, tinh vi, len lỏi mọi lúc, mọi nơi. Nhớ bài “Chủ nghĩa cá nhân”, Bác Hồ chỉ nêu, “vẫn còn một vài người, một vài cơ quan hãy chưa tẩy hết cái bệnh chủ nghĩa cá nhân”, mà sao giờ đây đội ngũ này đông đảo thế!. Phải chăng, chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh nan y, nhiều người mắc phải không chữa khỏi, hoặc người mắc bệnh cố tình tìm cách giấu đi?
Như mọi người đều biết, chủ nghĩa cá nhân hay cá nhân chủ nghĩa là một hệ thống tư tưởng, quan điểm phản ánh khuynh hướng lấy việc thực hiện những mục đích và quyền lợi riêng tư làm lẽ sống, làm điểm xuất phát cho mọi suy nghĩ và hành động, cho mọi quan hệ đối xử với người khác trong xã hội. Đó là thế giới quan dựa trên cơ sở đối lập quyền lợi cá nhân riêng lẻ với quyền lợi của xã hội, quyền lợi tập thể. Không ít người cho rằng quyền lợi tập thể làm triệt tiêu quyền lợi cá nhân, quyền con người. Trong bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác nhấn mạnh: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Rõ ràng, chủ nghĩa cá nhân không đứng ngang hàng các căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng,… mà chính là nguồn gốc đẻ ra các căn bệnh mà Đảng ta đang kiên quyết bài trừ.
Vậy, khởi điểm của chủ nghĩa cá nhân có từ đâu? Tôi không đồng tình chỉ thiên về lý giải điều kiện kinh tế-xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cả trong hoàn cảnh, khó khăn chồng chất,… Tôi nghĩ có lẽ bắt đầu từ sự phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc của một bộ phận khá đông trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
HƠN 35 năm của chặng đường đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhìn lại chặng đường ấy, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với thời kỳ trước đổi mới. Những kỳ tích đó càng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Bác Hồ mở ra và Đảng ta kiên trì thực hiện là con đường phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đó là ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, là sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, năng động, sáng tạo của tổ chức đảng các cấp và sự cố gắng, phấn đấu không ngừng của đội ngũ đa số cán bộ, đảng viên. Tôi không đồng tình với cách phóng đại, “nhìn cây mà chẳng thấy rừng” của một số người về những mặt yếu kém, hạn chế, tiêu cực trong Đảng, để phù họa, tung hô theo luận điệu của các thế lực thù địch “Đảng mất uy tín, dân thiếu lòng tin”.
Một đất nước đi ra từ chiến tranh, bao khó khăn chồng chất, chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp làm sao không có những tác động lớn lao đến một đội ngũ ngày càng đông mà chưa thật sự trong sạch, vững mạnh. Dấu ấn đậm của cơ chế cũ đan xen cơ chế mới đang hình thành, mâu thuẫn thế hệ nảy sinh trong gia đình truyền thống, quan hệ xã hội có nhiều đổi thay, phân cực giàu nghèo càng lộ rõ. Trong điều kiện hạn chế về trình độ, thiếu thông tin định hướng đúng rất dễ làm cho một số người phân tâm trước cái đúng, cái sai, thật giả khó lường. Sự phân tâm, bối rối, hoang mang mà không ít người trở nên vô cảm, không tức giận, không xót xa, mất đi cả tình thương yêu, bao dung và đùm bọc.
Ngày nay, trong xã hội và ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người vô cảm. Họ vô cảm trước những người yếu thế, khó khăn, nghèo đói, oan sai,… Trong lòng họ không còn sự bức xúc, phải lên tiếng đấu tranh trước những bất công, sai trái để bảo vệ lẽ phải và vì thương người. Từ sự phân tâm, vô cảm, tất nhiên dẫn đến thái độ ngoài cuộc, “mũ ni che tai”, chạy trốn liên quan để vô can, không dám dấn thân để minh tường phải trái. Trước các bức xúc chính đáng của dân, không ít người có trách nhiệm đã lạnh lùng ngoảnh mặt đi. Có lẽ từ sự phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc này của đội ngũ không ít cán bộ, đảng viên là khởi đầu cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, là nhân tố làm nên khái niệm “đông mà không mạnh”. Phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ít được thực hiện nghiêm túc, thiếu tính đấu tranh, giáo dục; nặng hình thức, xuê xoa, xuôi chiều, tâng bốc người đứng đầu. Trừ ở một số nơi, người ta lại mượn danh phê bình và tự phê bình để mạt sát, chụp mũ nhau, đấu đá phe phái, tranh giành quyền lực. Lời căn dặn cuối cùng trong Di chúc, Bác Hồ viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đáng tiếc là, rất nhiều người đã quên điều này trong Di chúc của Bác, nhưng vẫn dương dương tự đắc là mình đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
NHẤN mạnh tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương bốn (Khóa XIII) trong cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bổ sung, làm rõ thêm hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái sát hợp với tình hình mới: “nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân,…” (2). Tôi hoàn toàn tán thành kết luận vô cùng đúng đắn của Tổng Bí thư: “Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” (3).
Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương bốn, điều tôi tâm đắc nhất là tập thể lãnh đạo Đảng ta khi đề cập sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đã đi đến kết luận: Chủ nghĩa cá nhân, hay cá nhân chủ nghĩa vừa là nguyên nhân phát sinh vừa là kết quả của một quá trình thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, theo tôi, lúc này, chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp tối quan trọng, giải pháp căn cơ, giải pháp tổng hợp đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Chính vì nhận thức như thế mà đầu đề bài viết tôi xin đổi vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ở sau lên trước cụm từ “nâng cao đạo đức cách mạng”.
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để thiết thực nâng cao đạo đức cách mạng. Muốn nâng cao đạo đức cách mạng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Điều này, tôi học và làm theo Bác, đúng với ý tưởng ban đầu của Bác Hồ khi viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, Bác nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, chủ đề cần tập trung là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Nhưng lúc bấy giờ có ý kiến đề nghị với Bác xin sửa lại. Đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, chuyển vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra sau với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản.
Nghe ý kiến đó, Bác nói: “Ý kiến của các chú, Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác vẫn còn phân vân điều này: “gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế giường tủ vào” (4). Nói vậy, nhưng Bác lại tháo gỡ: “Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại tên đầu bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” (5). Cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã nhìn ra căn bệnh cực kỳ nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân. Chống chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng là hai nhiệm vụ phải làm cùng. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng và muốn nâng cao đạo đức cách mạng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong điều kiện vai trò lãnh đạo của Đảng ta ngày càng được khẳng định đối với toàn xã hội, toàn dân tộc, đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển rộng khắp thì tầm nhìn chiến lược về tác hại của chủ nghĩa cá nhân và nhiệm vụ thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng của Bác Hồ vẫn mang tính thời sự nóng hổi, cảnh báo cho các cấp lãnh đạo không thể không làm theo, không thể không thực hiện.
Tôi rất tâm đắc câu nói nhiều lần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là niềm tự hào của toàn Đảng ta, của cả dân tộc ta. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đồ sộ như ngày nay, tôi tin toàn Đảng ta sẽ đồng hành cùng Tổng Bí thư quyết tâm học tập, làm theo gương Bác, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn dân tộc
Góp phần phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Ðảng
Ngày 12/5/2022, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia, Triển lãm ảnh và sách “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 80 chuyên đề, bài tham luận trong Hội thảo tập trung phân tích, tổng kết thực tiễn, làm rõ những vấn đề lý luận và bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với Đảng, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Trong khuôn khổ đó còn có chương trình Triển lãm ảnh và sách trưng bày: 110 bảng ảnh giới thiệu về chuẩn mực đạo đức và kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tấm gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản; sách do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xuất bản.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022); kỷ niệm 53 năm ngày ra đời tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác; kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (11/4/2007-11/4/2022).
(1). Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, HN, 2022, tr.376-377.
(2). Nguyễn Phú Trọng: SDD, tr.376.
(3). Nguyễn Phú Trọng: SDD, tr.376.
(4), (5). Vũ Kỳ: Càng nhớ Bác Hồ (Hồi ký): NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2005, tr. 105.