‘Quê bạn ở đâu?’ – câu hỏi gốc gác làm người trẻ Trung Quốc bối rối
Với làn sóng di cư đến thành phố lớn ồ ạt, giới trẻ Trung Quốc ngày càng mất kết nối và không cảm thấy thân thuộc với quê hương, gốc gác thật sự của họ.
Tháng 8 năm ngoái, khi đưa con trai về thăm nhà ông bà nội, cách 2.000 km so với nơi ở hiện tại là thành phố phía bắc Thiên Tân, phó giáo sư Zhou Wang (Đại học Nankai, Trung Quốc) bắt gặp khoảnh khắc khó xử của cậu bé.
Wang kể lại với Sixth Tone về tình huống khi có người hỏi “Quê cháu ở đâu?”, con trai anh không biết trả lời sao. Câu hỏi về gốc gác tưởng chừng đơn giản, đáp án dễ dàng nhưng lại phức tạp hơn nhiều người nghĩ.
Câu hỏi “bạn đến từ đâu” hay “quê bạn ở đâu” có thể khiến cho nhiều đứa trẻ Trung Quốc bối rối vì cha mẹ đến từ 2 vùng miền khác nhau, còn bản thân chúng lại được sinh ra và lớn lên ở thành phố khác. Ảnh: AP.
“Một hộ gia đình, hai người di cư, ba thành phố”
Phó giáo sư Wang đến từ vùng Tây Nam Trung Quốc, vợ đến từ miền Đông, còn con trai anh lại sinh ra và lớn lên ở Thiên Tân, phía Bắc nước này.
Ba nơi cách nhau hàng nghìn km, chưa nói đến sự khác biệt giữa ngôn ngữ địa phương, ẩm thực và văn hóa từng vùng miền. Theo phó giáo sư, vì nhà anh có thói quen chia kỳ nghỉ lễ giữa các địa điểm, nhiều khả năng con trai chưa hình thành cảm giác thân thuộc với bất kỳ nơi nào.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở đất nước tỷ dân, người dân chứng kiến làn sóng di cư ồ ạt trong nước. Trong 40 năm qua, thế hệ trẻ Trung Quốc từ khắp nơi trên đất nước di chuyển đến các thành phố lớn để học hành, xây dựng sự nghiệp.
Đông đảo trong số đó chọn ở lại thay vì về quê nhà và bắt đầu xây dựng gia đình của họ tại miền đất mới. Làn sóng di cư này hình thành nên mô hình gia đình mới với tên gọi “một hộ gia đình, hai người di cư, ba thành phố”.
Những gia đình nơi cha mẹ đến từ hai nơi khác nhau đòi hỏi sự gắn kết và dung hòa lẫn nhau vì luôn có sự khác biệt đáng kể giữa lối sống địa phương, văn hóa ở từng vùng.
Trong 40 năm qua, thế hệ trẻ Trung Quốc từ khắp nơi trên đất nước di chuyển đến các thành phố lớn để học hành, xây dựng sự nghiệp. Ảnh: Ctgn.
“Khi cha mẹ có gốc gác khác nhau sống cùng nhau, họ phải thích nghi với lối sống và nhiều thói quen khác của bạn đời. Điều này càng đúng hơn đối với con cái của họ, vì chúng phải thay đổi lối sống của không chỉ gia đình cha và gia đình mẹ, mà còn ở thành phố cả nhà đang cư trú”, phó giáo sư Wang phân tích.
Wang dẫn chứng cảnh bàn ăn gia đình vào mỗi dịp Tết lễ: các món cay đặc trưng ở vùng Tây Nam mà anh đã quen thuộc, các món miền Đông có vị ngọt hơn vợ Wang thích, cộng với một số món địa phương của miền Bắc Trung Quốc.
“Gia đình chúng tôi không phải duy nhất. Nhiều đồng nghiệp và bạn học cũ của tôi có hoàn cảnh tương tự cũng trải qua những chuyện này. Lũ trẻ trải qua sự pha trộn của nhiều phong tục, thói quen mỗi ngày của nhiều vùng miền”, Wang nói.
“Liệu lũ trẻ còn ý thức về gốc gác?”
“Trớ trêu thay, chính nhiều bậc cha mẹ đã cắt đứt con cái khỏi cảm giác về nơi ở của chúng. Cụ thể, mong muốn của cha mẹ, dù họ có nhận ra hay không, là mang đến cho con cái về một nền giáo dục ‘hiện đại’ hơn”, phó giáo sư phân tích.
Ví dụ như cha mẹ thường không cho phép con cái học phương ngữ địa phương ở nơi đang sống. Vì vậy, mặc dù có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại phương ngữ khu vực, con cái của họ hiếm khi thông thạo tiếng địa phương nào.
Trong một số trường hợp, chúng thậm chí thừa hưởng sự chán ghét của cha mẹ, cho rằng chỉ tầng lớp thấp mới dùng phương ngữ hay phản ứng hợm hĩnh nếu nghe thấy những đứa trẻ khác nói.
Những đứa trẻ sinh ra từ các hộ gia đình kiểu mới có xu hướng nói tiếng phổ thông chuẩn, ăn những thực phẩm đã được chế biến sẵn. Chúng không có khái niệm về gốc gác cụ thể của bản thân. Ảnh: Sixth Tone.
Tương tự, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc muốn nuôi dạy con cái với những gì họ coi là hiện đại, thói quen thành thị, hơn là những phong tục tương đối lạc hậu ở quê họ.
Bữa ăn gia đình có xu hướng hướng tới những món ăn đơn giản, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của cả cha mẹ và những khẩu vị khác nhau. Thậm chí, nhiều người cũng từ chối cho con trẻ cơ hội thử các món ăn địa phương ở quê cha, quê mẹ.
Vào các ngày lễ truyền thống, các gia đình này thích đi chi tiêu, ăn uống hoặc đi du lịch, thay vì chấp nhận phong tục địa phương của quê hương hoặc thành phố nơi họ đang sống.
Con cái của các hộ gia đình kiểu mới ở thành thị của Trung Quốc được coi là thế hệ “hiện đại” nhất từ trước đến nay của đất nước. Họ chưa bao giờ học và không biết nói tiếng địa phương, lớn lên tách biệt với thói quen ăn uống và phong tục nơi sinh sống.
Thay vào đó, họ nói tiếng phổ thông chuẩn, ăn những món đã được công nghiệp hóa. Nói cách khác, lối sống được định hình bởi các chuẩn mực chung của tầng lớp trung lưu hơn là lối sống ở các thành phố đang sống hoặc gốc gác của họ.
Phó giáo sư Wang cho rằng về mặt tích cực, thay vì bị ràng buộc bởi quá khứ hoặc hoài niệm về quê hương, thế hệ người trẻ mới này được tự do và thoải mái theo đuổi sở thích lẫn đam mê, tìm kiếm nhiều trải nghiệm mới ở bất cứ nơi nào họ đến.
“Tuy nhiên, tôi vẫn không khỏi băn khoăn. Tôi đã dành 22 năm đầu tiên của cuộc đời mình ở Tây Nam Trung Quốc. Một thập kỷ rưỡi sau, tôi vẫn nhớ nó.
Thỉnh thoảng, tôi sẽ mua những món ngon tuổi thơ chỉ để thưởng thức hương vị quê nhà. Các bạn cùng lớp với tôi đã đi những con đường khác nhau trong cuộc sống, nhưng khi gặp nhau, chúng tôi lại nói chuyện bằng tiếng địa phương của quê hương mình”, Wang bày tỏ.
“Khi con trai tôi lớn lên và bắt đầu đi học, cháu có thể sẽ dành nhiều thời gian hơn ở Thiên Tân. Liệu những đứa trẻ ngày nay, đến từ những hộ gia đình kiểu mới này, có còn ý thức về gốc gác như tôi và các bạn cùng lớp không? Nếu không, điều gì sẽ thay thế nó?”, người cha đặt câu hỏi.