Quảng cáo ‘nổ’ không điểm dừng, TPBVSK của Đông y Lan Chi bất chấp quy định và đạo lý?
Cơ hội làm giàu nhanh từ mạng xã hội đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp đạo đức kinh doanh, dùng đủ chiêu trò gian dối để bán hàng, trong đó đáng chú ý là tình trạng “loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay. Những loại “thần dược” đang được “tung hô”, quảng cáo vô tội vạ…
Những mẫu quảng cáo có tác dụng như thuốc “Điều trị triệt để tận gốc bệnh” của Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Đan, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Chi
Dùng nhiều chiêu trò quảng cáo làm nhiễu loạn thông tin
Thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang bùng phát mạnh mẽ. Nhiều người còn cho rằng các dòng sản phẩm này đang như “ma trận”, với nhiều lớp thông tin không chính xác khiến người tiêu dùng khó lòng phân biệt thật giả và công dụng của sản phẩm nên không tránh khỏi thiệt hại về cũng tế nói chung nhiều trường hợp còn dẫn đến hệ luỵ về sức khoẻ… Chưa kể đến việc thổi phồng công dụng quá mức khiến hiệu quả điều trị không như mong muốn mà việc mua phải sản phẩm giả, sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ là điều có thể xảy ra.
Theo Cục An toàn thực phẩm, tình trạng các công ty kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm các quy định quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Các công ty sử dụng nhiều chiêu trò, hình thức để quảng cáo sai sự thật về chất lượng, công dụng sản phẩm. Thậm chí, việc quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Nhiều tổ chức, cá nhân còn lấy danh nghĩa tặng quà từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mạo danh, mượn danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an…
Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc, đưa ra nhiều thông tin khuyến cáo về sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng thế nhưng hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm trên không gian mạng vẫn không hề giảm. Nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, đạo đức trong kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Điều đáng nói là có nhiều hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng sai quy định, khi cơ quan quản lý hoặc phóng viên liên hệ làm việc, có doanh nghiệp phủ nhận trách nhiệm, biện minh rằng sản phẩm là của họ nhưng các quảng cáo vi phạm thì không biết là của ai.
Hoặc có một số đơn vị khăng khăng rằng chúng tôi chỉ phân phối tới các hệ thống đại lý trực tiếp chứ không qua mạng internet, hay đó là những sản phẩm làm giả… hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Điều đáng buồn là tình trạng bát nháo thông tin, giá cả làm cho mọi thứ trở nên nhiễu loạn, khiến cho việc nhận biết hàng thật, hàng giả lẫn lộn. Và cuối cùng, thiệt hại cả về sức khỏe, tinh thần và tài chính vẫn hướng trọn về người tiêu dùng.
Cần xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp
Thực tế mới đây, sau khi phóng viên Thương Trường khảo sát tại một số website bán hàng trên mạng, phát hiện rất nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Đông y Lan Chi quảng cáo tràn lan. Đáng chú ý, các sản phẩm quảng cáo “nổ” công dụng từ thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho tới mỹ phẩm đều được “hóa phép” thành thuốc chữa bệnh.
Đơn cử, với sản phẩm Dạ Dày Đan được quảng cáo với công dụng: Điều trị vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, tá tràng, thượng vị, trào ngược dạ dày; Điều trị trĩ nội, đi ngoài rát, buốt, ra huyết… Đặc biệt, sản phẩm này còn Điều trị dứt điểm tất cả các dạng bệnh đau viêm loét dạ dày… Hay như sản phẩm Sinh lực Nam Đế vương Lan Chi còn được quảng cáo “nổ” hết mức khi ngang nhiên đưa sản phẩm này thành thuốc “Đặc trị xuất tinh sớm, đặc trị vấn đề tinh trùng yếu, chữa vô sinh nam”…
Ngang nhiên “tự vẽ” công dụng của Thực phẩm BVSK
Thế nhưng, trên bao bì các sản phẩm này đều ghi rất rõ dòng chữ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” chứ không phải là thuốc. Như vậy, rõ ràng sản phẩm Dạ Dày Đan và Sinh lực Nam Đế Vương Lan Chi không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh hay điều trị dứt điểm các dạng bệnh như quảng cáo “nổ” nêu trên.
Trong khi đó, thông tin với phóng viên Thương Trường về tình hình các website bán sản phẩm Đông y Lan Chi đang vi phạm quy định quảng cáo, đại diện Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Chi, một người xưng là Trợ lý của Giám đốc Đậu Thị Trinh, khẳng định: Công ty chỉ phân phối sản phẩm thông qua hệ thống đại lý phân phối chính hãng. Còn các sản phẩm đang được chào bán trên các trang mạng này không phải là sản phẩm của công ty phân phối.
Sản phẩm Sinh Lực Nam Đế Vương Lan Chi được quảng cáo có tác dụng chữ vô sinh nam…
Thế nhưng, tại website https://dongylanchi.vn/ và http://dongylanchi.org/ có ghi rất rõ rằng: Nhà phân phối thảo dược trị bệnh Đông y Lan Chi do bà Lâm Thị Hải Lan làm Tổng phân phối, có địa chỉ tại: Ngõ 1 Khuất Duy Tiến, P. Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân, Hà Nội.
Để kiểm chứng thông tin do phía đại diện của Công ty Lan Chi cung cấp nêu trên, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với bà Lâm Thị Hải Lan – Tổng phân phối tại Hà Nội, thì bà Lan cho rằng: “Chúng tôi chỉ là đại lý phân phối nhỏ, các anh cứ liên hệ làm việc với công ty Lan Chi” và bà này cũng tắt máy ngay dù phóng viên chưa kịp trao đổi thêm thông tin. Thực tế rõ ràng, bà Lan đang là đầu mối phân phối chính thức tại khu vực Hà Nội các sản phẩm mang nhãn hiệu Đông y Lan Chi do Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Chi chịu trách nhiệm công bố và đưa ra thị trường.
Trước những phản hồi quanh co, và đổ thừa cho các đại lý nhằm lẩn tránh trách nhiệm trước những câu hỏi từ phóng viên cũng như lực lượng chức năng, càng cho thấy sự dối trá của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sự hám lợi và muốn giàu có nhanh chóng của nhiều tổ chức, cá nhân đang khiến họ đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, bất chấp các quy định pháp luật.
Quy định về quản lý thực phẩm chức năng đều có nêu rất rõ trách nhiệm của các đơn vị nhập khẩu, sản xuất và phân phối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn xử lý dứt điểm tình trạng quảng cáo “nổ không có điểm dừng” như hiện nay, cần xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần đấu tranh với hành vi vi phạm từ chính các doanh nghiệp.
Điều cần thiết nhất bây giờ là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan để thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng chân chính.
Ngoài coong tác thanh kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi nêu trên, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo trước nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, tôn trọng ý kiến của bác sĩ khi điều trị bệnh cũng như khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, việc quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng. Không chỉ vậy, hành vi quảng cáo gian dối cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015 (tội Quảng cáo gian dối).
Trong khi đó, tại Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 đã quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Thái Đạt