Quảng Ninh: Kinh nghiệm triển khai mỗi xã một sẩn phẩm (OCOP)

Quảng Ninh: Kinh nghiệm triển khai mỗi xã một sẩn phẩm (OCOP)

Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh luôn được sự quan tâm của khách hàng (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới để tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở 111/111 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP. Hạ Long). Đến nay, sau gần 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số kết quả tích cực: Đã có 03 đơn vị cấp huyện (Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả) và 72/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 65%), không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới để tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở 111/111 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP. Hạ Long). Đến nay, sau gần 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số kết quả tích cực: Đã có 03 đơn vị cấp huyện (Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả) và 72/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 65%), không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.

Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… trong phát triển nông thôn, điển hình là phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan. Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP Quảng Ninh) và đây là một nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chương trình xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở; theo 3 nguyên tắc cơ bản (i) Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu, (ii) Tự lực, tự tin và sáng tạo, (iii) Đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (Từ sản xuất ngoài cánh đồng – thu hoạch – chế biến – tiêu thụ) để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa, Chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là Sản phẩm (sản phẩm và dịch vụ) và Tổ chức kinh tế (tập trung vào hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do vậy, Chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại. Các nhiệm vụ quan trọng của chương trình OCOP được đề ra, gồm: (1) Xây dựng Chu trình OCOP thực hiện từ đăng ký ý tưởng sản phẩm, lập các dự án sản xuất, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng cộng đồng; (2) Xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất như ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lãi suất tín dụng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phân cấp quản lý quyết định đầu tư cho cấp huyện, cấp xã; (3) Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và thi xếp hạng sản phẩm theo cấp độ 1 đến 5 sao; (4) Thi thiết kế logo, kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm. (5) Tổ chức thị trường: Quy hoạch, đầu tư hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP trên toàn địa bàn tỉnh; Tổ chức xúc tiến thương mại và Hội chợ OCOP thường niên.

Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức sơ kết đánh giá giai đoạn I Đề án đã khẳng định hướng đi đúng và Năm 2017 tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn II (2017 – 2020), với quan điểm đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu theo hướng từng bước tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế: Với mục tiêu: (1) Đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của Tỉnh nhằm phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị; (2) Tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư trong tỉnh; tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị; Lựa chọn và xác định ít nhất có 31 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư để đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia, trong đó (Có 12/31 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm cấp Tỉnh; Có 6/12 sản phẩm đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia).

Gian hàng sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Nguồn: vietnamnet.vn

Đến nay sau 6 năm (2014 – 2019) triển khai thực hiện Chương trình OCOP Quảng Ninh đã mang lại những hiệu quả đó là:

Thứ nhất, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn (từ chỗ phải tuyên truyền, vận động hướng dẫn đến nay người dân đã chủ động tham gia thực hiện: đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện sản phẩm…), tổng vốn huy động vào phát triển sản xuất giai đoạn 2014 – 2019 trên 2.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất, máy móc thiết bị, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại… khoảng 240 tỷ đồng chiếm khoảng 12% );

Thứ hai, đã phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển sản phẩm OCOP. Năm 2018, cộng đồng dân cư đã đăng ký và được chấp thuận 93 ý tưởng sản phẩm mới tăng hơn 3 lần so với mục tiêu đề ra của năm. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019 đã có 97 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP tăng 67 sản phẩm so với chỉ tiêu đề ra của năm 2019 là 30 sản phẩm, bằng cả năm 2018, điều này đã khẳng định OCOP đã có một sức hút mạnh mẽ với doanh nghiệp và người dân. Nhiều gia đình đã giàu lên bằng việc phát triển sản phẩm OCOP. Những năm trước đây các sản phẩm đăng ký tham gia vào OCOP dễ dàng, nhưng nay các sản phẩm mới đều được hội đồng và chuyên gia thẩm định kỹ lưỡng, phải đạt các tiêu chí đặc sắc, chất lượng, an toàn trong sản xuất và chế biến mới có cơ hội tham gia OCOP.

Thứ ba, các tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn: Năm 2014 có 40 tổ chức kinh tế (15 hợp tác xã và 25 hộ sản xuất) tham gia, đến nay đã có 164 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia Chương trình OCOP (42 doanh nghiệp, 59 hợp tác xã và 63 hộ sản xuất): Năm 2014: Có 40 tổ chức kinh tế tham gia (10 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã và 21 hộ sản xuất); Năm 2015: Có thêm 20 tổ chức kinh tế tham gia (9 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã và 1 hộ sản xuất); Năm 2016: Có thêm 16 tổ chức kinh tế tham gia (4 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã và 1 hộ sản xuất); Năm 2017: Có thêm 22 tổ chức kinh tế tham gia (5 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã và 9 hộ sản xuất); Năm 2018: Có thêm 25 tổ chức kinh tế tham gia (7 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 13 hộ sản xuất); 9 tháng đầu năm 2019: Có thêm 21 tổ chức kinh tế tham gia (5 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã và 8 hộ sản xuất).

Tổng số lao động hơn 4.000 người; phần lớn các mô hình kinh tế này đều có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ tư, sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phục vụ phát triển du lịch của tỉnh: Năm 2014, có 40 sản phẩm, đến nay đã có 421 sản phẩm, (trong đó có 196 sản phẩm đạt sao từ 3 – 5 sao, gồm: có 8 sản phẩm đạt 5 sao; 62 sản phẩm 4 đạt sao và 126 sản phẩm đạt 3 sao); trên 80% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy suất nguồn gốc.

Năm 2015 phát triển thêm 58 sản phẩm; Năm 2016 phát triển thêm 61 sản phẩm (có 32 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao); Năm 2017 phát triển thêm 72 sản phẩm (có 53 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao); Năm 2018 phát triển thêm 93 sản phẩm (có 53 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao); 9 tháng đầu năm 2019 phát triển thêm 97 sản phẩm (có 58 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao).

Về doanh số bán hàng OCOP

Những  năm gần  đây của  các  đơn vị  đều tăng bình quân từ  trên 40% năm, cá biệt có doanh nghiệp doanh thu tăng 100% năm(Cty Cổ phần Lâm sản Đạp Thanh Ba Chẽ với sản phẩm Trà Hoa Vàng: Doanh thu năm 2018 đạt 4 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,9 tỷ; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh với sản phẩm chủ lực là ruốc hàu, ruốc cơ trai trước khi tham gia OCOP tiêu thụ 100 sản phẩm/tháng đến nay tiêu thụ 20 nghìn sản phẩm/tháng, doanh thu năm 2018 đạt 20 tỷ, dự kiến năm 2019 đạt 40 tỷ; Cty TNHH 1 Thành viên Nam dược Y Võ có doanh thu năm 2018 là 2,8 tỷ và năm 2019 ước đạt 4 tỷ đồng).

Do các sản phẩm được đầu tư chế biến và hoàn thiện bao bì mẫu mã nên giá trị sản phẩm tăng trên 30% so với trước khi tham gia chương trình OCOP, đặc biệt một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (ruốc hầu, trà hoa vàng, sá sùng….). Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh, góp phần giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Năm 2017 tổng doanh thu khoảng: 290 tỷ đồng; Lợi nhuận: 50 tỷ đồng. Năm 2018 tổng doanh thu khoảng: 320 tỷ đồng; Lợi nhuận: 57 tỷ đồng.

Thứ năm, khơi dậy được tiềm năng lợi thế từ các sản vật truyền thống văn hóa sẵn có của địa phương tạo ra hàng hóa có giá trị cao phục vụ cộng đồng.

Duy trì và tổ chức thành công các Hội chợ OCOP thường niên cấp tỉnh (2 lần/năm). Qua 9 kỳ Hội chợ thường niên OCOP cho thấy chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, kỳ sau cao hơn kỳ trước, bình quân thu hút từ 60-70 ngàn lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trung bình 12-15 tỷ đồng/kỳ hội chợ. Những con số trên cho thấy sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm OCOP nói riêng và Hội chợ OCOP Quảng Ninh nói chung. Khẳng định vai trò cầu nối giữa cá nhân, tổ chức sản xuất và mỗi người dân.

Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các kênh phân phối luôn được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm: Đã có 29 trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; Tổ chức 7 tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các Trung tâm Thương mại và đưa gần 20 sản phẩm vào chuỗi siêu thị Vinmart+, BigC, các bếp ăn Công ty Than, điện, trường học…chuỗi các trung tâm mua sắm, cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn… đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, có đầu ra ổn định, tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng biết đến.

Hiện nay, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã được kết nối vào hệ thống BigC, Vinmart, hệ thống một số cửa hàng thực phẩm sạch như: Sói Biển, Bác Tôm, BigC Green… ; cũng như hiện diện thường xuyên tại các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An và một số tỉnh/thành phía Bắc: Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình…

Thường xuyên đăng tải các hình ảnh các sản phẩm trên hệ thống Sàn để tiêu thụ trực tuyến trên mạng internet.

Tham gia Hội chợ tại các tỉnh/thành phố trọng điểm: TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… nơi thị trường có sức tiêu thụ tốt nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển hệ thống phân phối, sau mỗi kỳ tham gia Hội chợ các doanh nghiệp/hợp tác xã đều có tăng doanh số bán hàng.

Kể từ năm 2019, đã đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham gia các hội chợ trong Khu vực: Hội chợ Thương mại Việt – Lào; Hội chợ Asean – Trung Quốc.

Những tiếp cận mới của Quảng Ninh trong giai đoạn 2 còn được thể hiện thông qua các giải pháp nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển sản phẩm OCOP. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019 cộng đồng dân cư đã đăng ký và được chấp thuận 78 ý tưởng sản phẩm mới, tăng 160% so với chỉ tiêu của cả năm 2019 (chỉ tiêu năm 2019 phát triển 30 sản phẩm). Từ các nguyên liệu và sản phẩm đã có, người dân đã sáng tạo nhiều sản phẩm mới được người tiêu dùng đánh giá cao.

8 kinh nghiệm rút ra sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP

Một là, Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế – xã hội không chỉ vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thực hiện thúc đẩy, phát triển kinh tế (tổ chức kinh tế và sản phẩm) thông qua việc phát huy nguồn lực tại địa phương (nhân lực, trí tuệ, nguyên liệu, văn hóa, cảnh quan,..). Do vậy triển khai thực hiện Chương trình OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân.

Hai là, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình quốc tế như: OVOP (Nhật Bản) và OTOP (Thái Lan), học tập về nguyên tắc chứ không dập khuôn máy móc, có sự đánh giá và điểu chỉnh từng bước trong quá trình thực hiện cho phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường trong nước và địa phương.

Ba là, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, về sản phẩm OCOP; thông qua tập huấn, hội thảo, tọa đàm từ tỉnh đến cộng đồng dân cư.

Bốn là, trong chỉ đạo: Vai trò của người đứng đầu có tính quyết định sự thành công, do đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành phải có nhận thức đầy đủ về Chương trình. Bên cạnh đó phải thiết lập được bộ máy chuyên trách tham mưu giúp việc các cấp.

Năm là, phải tạo ra sự thống nhất về nhận thức của cả hệ thống chính trị về OCOP đó là: Chương trình OCOP là chương trình mang tính cộng đồng, vì cộng đồng; đối tượng để tập trung chỉ đạo là phát triển sản phẩm và phát triển tổ chức kinh tế. Động lực của Chương trình là hướng đến lợi ích thiết thực của người sản xuất và người tiêu dùng.

Sáu là, phương trình phải được: Tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ chương trình(Chu trình, Tài liệu hướng dẫn, Bộ Tiêu chí, Tiêu chuẩn đánh giá và phân hạng sản phẩm,…). Xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm trên nền tảng hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công tác hướng dẫn lập và quản lý các dự án đầu tư, các dự án sản xuất…

Bảy là, tính hệ thống và tổ chức của chương trình phải được tổ chức chặt chẽ và được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp để thực hiện. Phải khởi động, thúc đẩy được sự đề xuất, tính sáng tạo từ dưới lên (từ nhân dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã). Người đứng đầu trong Ban điều hành OCOP các cấp phải có đủ thẩm quyền để điều hành và quyết định công việc.

Tám là, thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quyết định đến phát triển sản xuất, cùng với thiết kế sản phẩm, mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm, xây dựng được thương hiệu của chương trình OCOP và của từng sản phẩm là rất quan trọng, sẽ tác động tích cực đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020)