Quản trị rủi ro: Khái niệm và 3 Nội dung quan trọng bạn cần biết
RỦI RO LUÔN RÌNH RẬP QUANH TA. Cùng với sự phát triển của loài người, rủi ro cũng ngày càng phức tạp hơn, đa dạng hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, gây ra những hậu quả nặng nề hơn. Nhưng hãy đừng quá sợ hãi! Bởi không chỉ thuần túy gây ra những thiệt hại, rủi ro còn mang lại cơ hội thành công. Các nhà lãnh đạo tài hoa của những tập đoàn thành công nhất ngày nay không phải là những người cam chịu rủi ro mà là những người định hướng được rủi ro. Thậm chí, một số người trong số đó còn cho rằng: “Thời điểm bạn đối mặt với nhiều rủi ro nhất cũng chính là thời điểm bạn có nhiều cơ hội nhất”. Do đó, họ rất chú trọng đến công tác quản trị rủi ro.
Quản trị rủi ro là gì?
Cho đến nay chưa có khái niệm thống nhất về quản trị rủi ro. Có nhiều trường phái nghiên cứu đã đưa ra những khái niệm về quản trị rủi ro rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn, trái ngược nhau.
Trường phái cũ
Trong quá khứ, nhiều tác giả cho rằng: “quản trị rủi ro chỉ đơn thuần là mua bảo hiểm”. Tức là chuyển một phần gánh nặng rủi ro có thể gặp phải sang cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Những người theo trường phái này giới hạn, chỉ quản trị những rủi ro “thuần túy”, “những rủi ro có thể phân tán”, “những rủi ro có thể mua bảo hiểm”. Nhóm người theo trường phái này đã định nghĩa:
“Quản trị rủi ro là quá trình xác định các rủi ro và tìm cách quản lý nhằm hạn chế các thiệt hại đối với tổ chức”. Hoặc khi vận dụng vào quản trị rủi ro dự án thì “QTRR là việc xác định, phân tích và đề ra những biện pháp để kiểm soát, khống chế các tình huống bất ngờ có định hướng xấu đến dự án”.
Ngược lại, trường phái mới cho rằng cần quản trị tất cả mọi loại rủi ro của tổ chức một cách toàn diện!
Trường phái mới
Có thể tiếp cận khái niệm QTRR theo 2 góc độ “quản trị” và “rủi ro”. Trong đó, quản trị là quá trình hoạch định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch mà đối tượng quản lý cần đạt được trong một giai đoạn nhất định, tổ chức thực hiện các chiến lược, các mục tiêu đó, quản trị con người và kiểm tra các hoạt động trong tổ chức một cách có hệ thống nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Còn rủi ro là những bất trắc có thể đo lường được. Do đó, quản trị rủi ro là tập hợp các hoạt động hoạch định chiến lược và kế hoạch quản lý rủi ro, tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của tổ chức liên quan đến quản lý rủi ro sao cho đạt được mục tiêu đề ra một cách hiệu quả nhất.
Ủng hộ quan điểm này, T.Merna và F. Al-Thani (2011) cho rằng, quản trị rủi ro là một quy trình cho phép xác định, đánh giá, hoạch định và quản lý các loại rủi ro. Do đó, QTRR hướng đến 3 mục tiêu chính: phải xác định được loại rủi ro, thực hiện phân tích một cách khách quan các loại rủi ro đặc thù, ứng phó với những loại rủi ro đó một cách phù hợp, hiệu quả.
Cũng theo quan điểm “quản trị rủi ro toàn diện”, khi nghiên cứu công cụ và kỹ thuật quản trị rủi ro doanh nghiệp Robert J. Chapman (2011) cho rằng, QTRR doanh nghiệp (ERM) là 1 quy trình tích hợp và toàn diện nhằm quản trị mọi loại rủi ro trong toàn doanh nghiệp nhằm tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp đó.
Ủng hộ quan điểm “quản trị rủi ro toàn diện”, chúng tôi cho rằng: “Quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro.
Và theo cách nhìn mới, chúng tôi bổ sung thêm: “Quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện, liên tục và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro, đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công.
Từ khái niệm như đã trình bày, chúng ta thấy quản trị rủi ro bao gồm các nội dung:
- Nhận dạng – Phân tích – Đo lường rủi ro,
- Kiểm soát – Phòng ngừa rủi ro,
- Tài trợ rủi ro khi nó đã xuất hiện,
- Tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công.
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng đi vào tìm hiểu tổng quan các nội dung của QTRR.
Nội dung quản trị rủi ro
Nhận dạng – Phân tích – Đo lường rủi ro
Nhận dạng rủi ro
Để quản trị rủi ro trước hết cần nhận dạng được rủi ro.
Nhận dạng rủi ro là quá trình xác định liên tục và có hệ thống các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của tổ chức. Hoạt động nhận dạng rủi ro nhằm phát triển các thông tin về nguồn gốc rủi ro, các yếu tố mạo hiểm, hiểm họa, đối tượng rủi ro và các loại tổn thất.
Nhận dạng rủi ro bao gồm các công việc theo dõi, xem xét, nghiên cứu môi trường hoạt động và toàn bộ hoạt động của tổ chức nhằm thống kê được tất cả những rủi ro, không chỉ là những rủi ro đã và đang xảy ra, mà còn dự báo được những dạng rủi ro mới có thể xuất hiện đối với tổ chức, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp kiểm soát và tài trợ rủi ro thích hợp.
Phương pháp nhận dạng rủi ro:
- Lập bảng câu hỏi nghiên cứu về rủi ro và tiến hành điều tra.
- Phân tích các báo cáo tài chính.
- Phương pháp lưu đồ.
- Nghiên cứu hiện trường/ nghiên cứu tại chỗ.
- Phân tích các hợp đồng.
Phân tích rủi ro
Bước tiếp theo là phải phân tích rủi ro, phải xác định được những nguyên nhân gây ra rủi ro, trên cơ sở đó mới có thể tìm ra các biện pháp phòng ngừa.
Đây là công việc phức tạp, bởi không phải mỗi rủi ro đều do một nguyên nhân đơn nhất gây ra, mà thường do nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, nguyên nhân gần và nguyên nhân xa, …
Đo lường rủi ro
Để đo lường rủi ro, cần thu thập số liệu và phân tích, đánh giá theo 2 khía cạnh: Tần suất xuất hiện rủi ro và mức độ nghiêm trọng của rủi ro . Trên cơ sở kết quả thu thập được, lập ma trận đo lường rủi ro:
Trong đó:
- Tần suất xuất hiện rủi ro là số lần xảy ra tổn thất hay khả năng xảy ra biến cố nguy hiểm đối với tổ chức trong một khoảng thời gian nhất định (thường là năm, quý, tháng).
- Mức độ nghiêm trọng của rủi ro đo bằng những tổn thất, mất mát, nguy hiểm, …
- Ô I tập trung những rủi ro có mức độ nghiêm trọng cao và tần suất xuất hiện cao.
- Ô II tập trung những rủi ro có mức độ nghiêm trọng cao, nhưng tần suất xuất hiện thấp.
- Ô III gồm những rủi ro có mức độ nghiêm trọng thấp, nhưng tần suất xuất hiện cao.
- Ô IV gồm những rủi ro có mức độ nghiêm trọng thấp và tần suất xuất hiện cũng thấp.
Để đánh giá mức độ quan trọng của rủi ro đối với tổ chức, người ta sử dụng cả 2 tiêu chí: Mức độ tổn thất nghiêm trọng và tần suất xuất hiện. Trong đó, mức độ tổn thất nghiêm trọng đóng vai trò quyết định.
Vì vậy, sau khi đo lường, phân loại các rủi ro sẽ tập trung quản trị trước hết những rủi ro thuộc nhóm I, sau đó theo thứ tự mới đến những rủi ro nhóm II, III, cuối cùng là rủi ro thuộc nhóm IV.
Kiểm soát – Phòng ngừa rủi ro
Người ta nói kiểm soát rủi ro là một “nghệ thuật”. Bởi nó luôn đòi hỏi phải sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo. Mỗi tổ chức có thể gặp những loại rủi ro khác nhau và tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mình mà họ sẽ có những cách khác nhau để phòng tránh rủi ro. Các biện pháp kiểm soát rủi ro được chia thành những nhóm sau:
- Các biện pháp né tránh rủi ro.
- Các biện pháp ngăn ngừa tổn thất.
- Các biện pháp giảm thiểu tổn thất.
- Các biện pháp chuyển giao rủi ro.
- Các biện pháp đa dạng rủi ro.
Các biện pháp né tránh rủi ro
Né tránh rủi ro là những hoạt động hoặc nguyên nhân làm phát sinh tổn thất, mất mát có thể có. Để né tránh rủi ro có thể sử dụng 1 trong 2 biện pháp:
- Chủ động né tránh từ trước khi rủi ro xảy ra.
- Né tránh bằng cách loại bỏ những nguyên nhân gây ra rủi ro.
Các biện pháp ngăn ngừa tổn thất
Ngăn ngừa tổn thất là sử dụng các biện pháp để giảm thiểu số lần xuất hiện các rủi ro hoặc giảm mức độ thiệt hại do rủi ro mang lại. Bao gồm:
- Các biện pháp tập trung tác động vào chính mối nguy để ngăn ngừa tổn thất.
- Các biện pháp tập trung tác động vào môi trường rủi ro.
- Các biện pháp tập trung vào sự tương tác giữa mối nguy cơ và môi trường rủi ro.
- Thường xuyên cập nhật và theo dõi đầy đủ các chính sách xuất nhập khẩu của Nhà nước.
Các biện pháp giảm thiểu tổn thất
Đây là nhóm biện pháp để giảm thiểu những thiệt hại, mất mát do rủi ro gây ra. Bao gồm:
- Cứu vớt những tài sản còn sử dụng được.
- Chuyển nợ.
- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa rủi ro.
- Dự phòng.
- Phân tán rủi ro.
Chuyển giao rủi ro
Được thực hiện bằng cách:
- Chuyển tài sản hoặc hoạt động có rủi ro đến cho người khác/ tổ chức khác.
- Chuyển rủi ro thông qua con đường ký hợp đồng với người/ tổ chức khác. Trong đó quy định chỉ chuyển giao rủi ro, không chuyển giao tài sản cho người nhận rủi ro.
Đa dạng hóa rủi ro
Gần giống kỹ thuật phân tán rủi ro, đa dạng hóa rủi ro thường được sử dụng trong hoạt động của doanh nghiệp: đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa khách hàng, … để phòng chống rủi ro.
Tài trợ rủi ro
Như đã trình bày ngay từ đầu, rủi ro có rất nhiều loại và có thể xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Rủi ro có thể đến với bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào. Do đó, dù phòng bị kỹ đến đâu, dù kiểm soát chặt chẽ bằng cách nào thì cũng không thể né tránh, ngăn chặn hết tất cả mọi tổn thất. Người ta chỉ có thể giảm thiểu, ngăn chặn bớt, chứ không thể né tránh, tiêu diệt hết những hậu quả xấu. Vậy một khi tổn thất xảy ra thì phải giải quyết bằng cách nào?
Trước hết, cần theo dõi, giám định tổn thất, xác định được chính xác những tổn thất về tài sản, về nguồn nhân lực, về giá trị pháp lý.
Tiếp theo, cần có những biện pháp tài trợ rủi ro thích hợp. Các biện pháp được chia làm 2 nhóm:
- Tự khắc phục rủi ro.
- Chuyển giao rủi ro.
Tự khắc phục rủi ro
Còn được gọi là lưu giữ rủi ro. Đây là biện pháp mà người/ tổ chức bị rủi ro tự thanh toán các tổn thất. Nguồn bù đắp rủi ro là nguồn tự có của chính tổ chức đó, cộng với nguồn mà tổ chức đó đi vay và có trách nhiệm hoàn trả.
Để có thể tự khắc phục rủi ro một cách hiệu quả thì cần lập quỹ tự bảo hiểm và lập kế hoạch tài trợ tổn thất một cách khoa học.
Chuyển giao rủi ro
Đối với những tài sản/ đối tượng đã mua bảo hiểm thì khi tổn thất xảy ra việc đầu tiên phải làm là khiếu nại đòi bồi thường.
Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong trường hợp hàng hóa bị tổn thất, người được bảo hiểm cần thực hiện các công việc sau:
Trường hợp tổn thất riêng:
Khi phát hiện hàng hóa bị tổn thất phải thông báo ngay cho công ty/ người bảo hiểm tiến hành giám định tổn thất. Đồng thời gửi ngay thư khiếu nại cho người chuyên chở hoặc chính quyền cảng về tổn thất do họ gây ra.
Trường hợp nghi ngờ hàng hóa bị tổn thất:
Gửi ngay thư dự kháng cho thuyền trưởng của tàu có liên quan đến tổn thất. Yêu cầu và tổ chức giám định đối tịch (chủ hàng, bảo hiểm, tàu).
Trường hợp tổn thất chung:
Ký các văn bản liên quan đến tổn thất chung theo yêu cầu của chủ tàu, thông báo cho công ty/ người bảo hiểm để làm thủ tục bảo lãnh hoặc ký quỹ tổn thất chung.
Trường hợp hàng hóa bị tổn thất toàn bộ:
Thông báo ngay cho công ty bảo hiểm mọi thông tin đã thu thập được. Cùng với công ty bảo hiểm tiến hành mọi thủ tục và biện pháp giải quyết sao cho mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Hy vọng với những thông tin vừa thu thập, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về quản trị rủi ro là gì và các nội dung quan trọng trong QTRR.
Chúc bạn thành công!
xem thêm
Theo Giáo trình Quản Trị Rủi Ro Và Khủng Hoảng
Nhóm Tác giả: GS. TS. Đoàn Thị Hồng Vân (chủ biên), Th.S Kim Ngọc Đạt – Th.S Hà Đức Sơn
Nhà xuất bản Lao Động – Hà Nội năm 2013.