Quản trị nguồn nhân lực – Vai trò, mục tiêu và các chức năng chính
Nguồn lực về con người luôn nắm vai trò quyết định trong sự phát triển của một công ty. Vì vậy, việc quản lý nguồn lực đó cũng quan trọng không kém. Vậy để hiểu rõ hơn quản trị nguồn nhân lực là gì, cũng như vai trò của nó đối với doanh nghiệp, thì bạn hãy đọc tiếp bài viết này nhé!
I. Quản trị nguồn nhân lực – HRM là gì?
Nhân lực là tiềm năng, khả năng của con người để thực hiện những công việc, nhiệm vụ nào đó cho cá nhân, tổ chức hoặc công ty. Nhân lực bao gồm cả trí lực và thể lực. Trí lực hay còn gọi là “chất xám” là khả năng suy nghĩ,học hỏi, tiếp thu kiến thức, suy luận, phán đoán. Còn thể lực thì chỉ về thể trạng, tình trạng sức khỏe, khả năng chống chọi với bệnh tật. Có đủ cả hai yếu tố này thì một người sẽ sống và làm việc rất hiệu quả.
Nguồn nhân lực là tập hợp tất cả nhân lực có tham gia và góp phần trong hoạt động của một tổ chức, công ty. Nguồn nhân lực của công ty thì bao gồm cả lãnh đạo, trưởng phòng, các nhân viên ở các phòng ban.
Quản trị nguồn nhân lực là tất cả những hoạt động liên quan đến việc quản lý con người, nó ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa toàn thể nhân viên với công ty. Cụ thể hơn đó là các công việc hoạch định, triển khai, kiểm soát kế hoạch nhằm sử dụng nguồn lực của công ty một cách hiệu quả nhất, đem lại kết quả tối ưu. Ngoài ra cũng bao gồm việc giải quyết các vấn đề về đào tạo, phúc lợi, lương thưởng nhằm tạo động lực cho nhân viên. Quản trị nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược của công ty.
Có thể bạn quan tâm: HR là gì?
II. Mục tiêu quản trị nguồn nhân lực
– Mục tiêu của quản trị nhân sự: quản lý tốt đội ngũ nhân viên của công ty, đảm bảo từng người, từng phòng ban làm việc theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh đối với từng nhân viên.
– Mục tiêu thuộc về tổ chức: giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực nội bộ về con người, tận dụng những nhân tài để để họ phát huy tốt nhất khả năng của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp hoàn thành các mục tiêu chiến thuật, chiến lược một cách tốt nhất và tiết kiệm thời gian nhất.
– Mục tiêu chức năng và nhiệm vụ: hoàn thành tất cả nhiệm vụ từ nhỏ đến lớn liên quan đến con người, nhân sự trong công ty. Ví dụ như giải quyết các vấn đề cho từng nhân viên cũng như thường xuyên đào tạo, đưa lời khuyên để khuyến khích họ cống hiến cho công ty một cách tận tâm và hết lòng.
– Mục tiêu cá nhân: đảm bảo từng nhân viên mình quản lý sẽ nhận được những lợi ích, bài học và kỹ năng, phát huy, thể hiện được khả năng của mình trong công việc. Bên cạnh đó, đảm bảo tất cả mọi người đều có cơ hội được khen thưởng, thăng tiến tại doanh nghiệp
– Mục tiêu xã hội: đề xuất và triển khai được các kế hoạch đào tạo khiến nhân viên nhận thức được trách nhiệm đóng góp cho xã hội, khiến xã hội ngày càng văn minh, phát triển. Ngoài ra, phải tạo điều kiện việc làm một cách công bằng cho tất cả mọi người, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp của đất nước.
Tìm việc làm, tuyển dụng Nhân sự có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên HR Data Analyst/ HR Data Admin
– Chuyên viên Phát Triển Tổ Chức OD
– Nhân viên Đào Tạo (Kỹ năng mềm, Kiến thức, Coaching, Văn hóa cty)
III. Tầm quan trọng của quản trị nguồn nhân lực
Trong thời đại nền kinh tế không biên giới như hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng mở rộng quy mô và dây chuyền sản xuất để để liên doanh, xuất khẩu ra các nước khác. Với quy mô lớn thì việc điều hành cũng trở nên khó khăn hơn cả về nguồn lực máy móc và con người. Trong đó, nguồn lực con người là quan trọng hơn cả nhưng cũng khó quản lý hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có những con người có khả năng quản lý nguồn nhân lực nội bộ thật tốt để khuyến khích nhân viên làm việc hết năng suất, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp. Nếu tận dụng được tốt toàn bộ nhân lực thì đó sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, quản trị nhân lực còn giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhân viên của mình để có thể tạo mối quan hệ tốt để dễ dàng giúp đỡ nhân viên nếu có gặp khó khăn và khuyến khích, động viên nhân viên cống hiến cho công ty.
IV. Các chức năng của quản trị nguồn nhân lực
1. Thu hút, tuyển chọn và bố trí nhân sự
Chức năng đầu tiên của quản trị nguồn nhân lực đó là đảm bảo có đủ số lượng nhân viên làm việc trong từng mảng hoạt động của công ty. Việc này bắt đầu từ tìm hiểu nhu cầu nhân sự của công ty, phân tích công việc đang thiếu nhân sự, hoạch định kế hoạch tuyển dụng. Để thực hiện tốt chức năng này, người quản trị nguồn nhân lực phải hiểu rõ tính chất công việc và nắm được khả năng chi trả của công ty để tiến hành tìm kiếm được các ứng viên phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đó.
2. Khai thác, đào tạo và phát triển
Đây là chức năng tập trung vào việc sử dụng và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên QC. Họ có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động đào tạo, hướng nghiệp, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, cách quản lý công việc hiệu quả cho nhân viên. Giúp nhân viên phát huy tối đa khả năng của mình và có cơ hội phát triển kỹ năng cá nhân, đóng góp tốt cho công việc và sự phát triển của công ty.
3. Duy trì và sử dụng nguồn nhân lực
Với chức năng này, người làm trong bộ phận quản trị nguồn nhân lực có nhiệm vụ động viên, khuyến khích, kích thích nhân viên trong việc tạo mối quan hệ tốt với hai đối tượng. Thứ nhất là mối quan hệ với các đồng nghiệp, những người cùng làm việc trong doanh nghiệp để giúp đỡ nhau phát triển bản thân. Thứ hai là với chính doanh nghiệp, khiến nhân viên hài lòng với môi trường làm việc, các chính sách lương thưởng để mọi người yêu công ty và ở lại công ty cống hiến trong dài hạn.
4. Thông tin và dịch vụ về nhân sự (Quan hệ lao động)
Chức năng cuối cùng liên quan đến các quyền lợi mà nhân viên được nhận khi làm việc trong một doanh nghiệp như lương thưởng, phúc lợi, bảo hiểm,… Người làm quản trị nhân lực phải đề xuất, triển khai kế hoạch về các vấn đề này nhằm đảo bảo quyền lợi cho nhân viên. Họ cũng phải giải quyết các vấn đề phát sinh liên với cả nhân viên và nhà quản lý, đảm bảo cả hai bên đạt được thỏa thuận hợp lý nhất. Bên cạnh đó, họ còn có nhiệm vụ thông tin các vấn đề quan trọng từ phía lãnh đạo cho toàn thể nhân viên trong công ty.
V. Công việc chính của quản trị nguồn nhân lực
1. Hoạch định nguồn nhân lực
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp sẽ có rất nhiều sự cố nhân sự xảy ra khiến cho công việc chung không được đảo bảo nữa. Ví dụ như nhân viên nghỉ việc đột xuất, nhân viên nghỉ phép dài hạn vì sinh con,… Lúc này, người quản trị nguồn nhân lực phải biết được thực trạng nhân sự, tìm hiểu, tính toán xem bộ phận, vị trí nào đang cần thiết mà còn trống. Sau đó lập một kế hoạch, hoạch định nguồn nhân lực cần thiết để chuẩn bị cho việc tuyển dụng.
2. Phân tích công việc
Sau khi đã xác định được vị trí nhân sự nào đang thiếu thì người làm quản trị nguồn nhân lực phải ngồi xuống, phân tích từng công việc của các vị trí đó. Họ cần phải hiểu rõ khối lượng công việc, tính chất công việc của từng vị trí để quyết định số lượng cần tuyển là bao nhiêu, vị trí có cần nhiều người cùng làm hay chỉ một người là đủ. Ngoài ra, việc này giúp họ đưa ra được các yêu cầu cụ thể về kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ làm việc cho từng vị trí để sau này tuyển dụng được những ứng viên phù hợp nhất.
3. Tuyển chọn nhân sự
Để bắt đầu việc tuyển chọn thì người quản trị nguồn nhân lực sẽ làm việc với phòng nhân sự để lên kế hoạch tuyển dụng. Cụ thể như thời gian tuyển dụng, các phương pháp, các kênh đăng tải thông tin tuyển dụng, phân bổ tuyển dụng nhân sự,… Sau khi đã hoàn thành xong kế hoạch thì bắt đầu triển khai qua các bước đăng tải thông tin tuyển dụng, tìm kiếm qua các mối quan hệ, lọc CV, liên hệ phỏng vấn, lựa chọn các ứng viên tài giỏi và phù hợp nhất với từng vị trí.
4. Bố trí và sử dụng nhân lực
Sau khi đã thực hiện xong việc tuyển dụng, giờ đây công ty đã chọn ra được những nhân viên mới để làm việc cho công ty. Tiếp theo, người quản trị nguồn nhân lực sẽ bố trí các vị trí trong các bộ phận hoặc lập một kế hoạch phân bổ nhân sự nếu số lượng nhân viên mới là quá đông. Họ sẽ bước đầu hướng dẫn nhân viên mới làm quen với công ty, với đồng nghiệp, phòng ban làm việc cũng như nhiệm vụ cơ bản của từng vị trí.
5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Bước tiếp theo, nhà quản trị nguồn nhân lực sẽ kết hợp với phòng nhân sự để tiến hành đào tạo nhân viên mới. Bao gồm việc giới thiệu tổng quan tầm nhìn sứ mệnh, lĩnh vực hoạt động, văn hóa, các quy định, luật lệ của công ty, hướng dẫn cách sử dụng các công cụ hỗ trợ công việc, công việc cụ thể mà nhân viên mới sẽ đảm nhận. Bên cạnh đó cũng tổ chức các buổi huấn luyện kỹ năng mềm, phát triển năng lực cá nhân để họ có cơ hội phát triển bản thân, cống hiến tốt nhất cho công ty.
6. Đánh giá quá trình thực hiện công việc
Việc đánh giá năng lực và quá trình thực hiện công việc của công ty không chỉ riêng cho nhân viên mới mà còn cho toàn thể nhân viên cũ. Nhà quản trị nguồn nhân lực sẽ tiến hành kiểm tra xem ai chưa làm việc hiệu quả và năng suất để có các hành động phù khuyến khích, nhắc nhở phù hợp. Điều này sẽ khiến nhân viên có một chút áp lực nhưng sẽ khiến chính nhân viên đó được tiến bộ và công việc chung của công ty cũng được đảm bảo.
Mục Lục
VI. Mô hình quản trị nguồn nhân lực được áp dụng hiện nay
– Mô hình thư ký: mô hình này thường được áp dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cách thu thập thông tin, báo cáo, số liệu từ hoạt động thường ngày. Phòng nhân sự sẽ quản lý nhân sự theo quy định, quy chế và dưới quyết định của ban lãnh đạo. Ở mô hình này, vai trò của nhà quản trị nhân sự có thể bị hạn chế, dần dần trở nên bị động hơn.
– Mô hình luật pháp: mô hình luật pháp hướng tới quản lý nhân sự bằng pháp luật, chú trọng sự công bằng, minh bạch, hạn chế xung đột giữa các nhân viên với nhau. Mô hình này thường sẽ phát huy tác dụng ở những doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoặc nhân lực ngoại quốc.
– Mô hình tài chính: ở mô hình này, doanh nghiệp dựa vào các chính sách tài chính ổn định như lương thưởng, hoa hồng, chế độ đãi ngộ để quản trị nhân sự. Nhờ đó, doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc tiềm năng, cơ cấu tài chính hấp dẫn, tạo động lực cho nhân viên.
– Mô hình quản trị: ở mô hình quản trị các nhà quản lý nhân sự hiểu, chia sẻ các mục tiêu và giá trị, đồng thời làm việc với các nhà quản lý tuyến trên để tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh doanh. Mặc khác, nhân sự của bộ phận quản lý nhân sự sẽ đóng vai trò huấn luyện viên, đào tạo các chức năng quản lý nhân sự như tuyển dụng, trả lương, khen thưởng và đánh giá nhân viên.
– Mô hình nhân văn: mô hình nhân văn sẽ tạo ra một môi trường làm việc thoải mái nhất. Mô hình này khuyến khích nhân viên làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, mang lại hiệu suất cao. Môi trường này cũng sẽ giữ chân nhân viên và chiêu mộ thêm nguồn nhân lực mới.
– Mô hình khoa học hành vi: nghiên cứu hành vi của con người là giải pháp tốt nhất để hiểu rõ nhân viên cần gì, muốn gì. Từ đó, doanh nghiệp có thể thiết kế quy trình quản lý nhân sự phù hợp, khoa học, mang lại hiệu quả cao.
VII. Một số câu hỏi thường gặp của ngành quản trị nhân lực
1. Thế nào là tỷ lệ duy trì nhân viên?
Tỷ lệ duy trì nhân viên là một trong những tiêu chí trong bộ KPI đánh giá hiệu quả hoạt động của công tác quản trị nhân sự. Tỷ lệ duy trì nhân viên tức là khả năng giữ chân nhân viên của doanh nghiệp, đây là mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp nếu muốn quản trị nhân lực hiệu quả.
2. Vai trò của HRM trong việc giữ chân nhân viên là gì?
HRM hay còn gọi là bộ phận quản trị nhân sự. Đây là phòng ban chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhân sự, bao gồm các khâu: tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, thăng chức, lương thưởng, đãi ngộ và tạo không gian gắn kết nội bộ với nhau. HRM hoạt động hiệu quả thì mới đem lại thành công cho quản trị nguồn nhân lực.
3. Thế nào là nhân sự outsourcing?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí tuyển dụng, đào tạo và trả lương nên đã thuê nhân sự bên ngoài theo cách trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3. Những nhân viên không trực thuộc công ty được gọi là nhân sự outsourcing.
4. Tại sao việc thuê ngoài nhân sự lại đóng vai trò quan trọng?
Đôi lúc, doanh nghiệp sẽ có nhiều công việc phải làm gấp, vì thế tuyển dụng và đào tạo thêm nhân viên mới sẽ không đáp ứng kịp. Nhân sự outsourcing sẽ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng này. Ngoài ra, thuê nhân sự outsourcing còn giúp tối ưu chi phí hoạt động cho công ty.
Xem thêm:
– Các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp hiện nay
– Ngành quản trị nhân sự – Khái niệm, vai trò và các vị trí công việc
– Quản trị khách sạn là gì? Cơ hội việc làm và trường đào tạo
Mong rằng qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn quản trị nguồn nhân lực là gì cũng như vai trò, công việc, nhiệm vụ trong ngành này. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích thì hãy chia sẻ bài viết cho bạn bè, người quen, những ai cũng đang quan tâm đến ngành nghề này nhé!