Quản trị doanh nghiệp là gì? Nội dung, chức năng & nguyên tắc quản trị doanh nghiệp – JobsGO Blog
Đánh giá post
Quản trị doanh nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng, luôn được các tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu hiện nay. Vậy hiểu đúng về quản trị doanh nghiệp là gì? Vai trò của hoạt động này như thế nào và các nguyên tắc thực hiện ra sao? Đáp án sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.
1. Quản trị doanh nghiệp là gì?
Quản trị doanh nghiệp là tập hợp những quy tắc, quy định, cơ chế được tạo ra để điều hành, kiểm soát doanh nghiệp. Mục tiêu của quản trị doanh nghiệp chính là đảm bảo cho sự cân bằng về quyền lợi của các bên có liên quan như cổ đông, khách hàng, người lãnh đạo, quản lý,…
Hay hiểu theo cách khác, đây là quá trình tác động liên tục và có tổ chức, có mục đích của lãnh đạo đến người lao động trong doanh nghiệp. Nó bao gồm tất cả các hoạt động quản lý, điều hành, các mối quan hệ,… nhằm sử dụng một cách tốt nhất những cơ hội, tiềm năng sẵn có, thúc đẩy cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Quản trị doanh nghiệp được thực hiện bởi các nhà quản lý và lãnh đạo của doanh nghiệp. Nó đòi hỏi kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, marketing, quản lý sản xuất, quản lý nhân sự,…
Xem thêm: Quản trị là gì? Phân biệt quản trị và quản lý
2. Tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp
Quản trị doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một doanh nghiệp. Cụ thể, những vai trò đó gồm:
- Thiết lập ra những nguyên tắc, quy tắc giúp kiểm soát sự minh bạch trong doanh nghiệp, định hướng và tạo ra tính liêm chính trong kinh doanh.
- Gắn kết lợi ích của các bên liên quan như cổ đông, ban giám đốc, ban quản lý, nhân viên,… trong doanh nghiệp.
- Giúp xây dựng nên niềm tin với các nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức cộng đồng.
- Thúc đẩy mạnh mẽ khả năng tài chính, lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho quá trình kêu gọi vốn hay tăng giá của cổ phiếu.
- Giảm bớt các yếu tố rủi ro, lãng phí, thất thoát về tài chính.
Tóm lại, quản trị doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp phát triển, tăng trưởng và đạt được mục tiêu kinh doanh của mình, đồng thời đảm bảo sự bền vững và phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
3. Chức năng của quản trị doanh nghiệp
Quản trị doanh nghiệp có 5 chức năng chính gồm:
3.1 Lập kế hoạch
Chức năng này giúp xây dựng các kế hoạch, định hướng phát triển cho doanh nghiệp trong tương lai, đồng thời dự báo được những vấn đề có thể xảy ra để doanh nghiệp đưa ra phương án dự trù hợp lý.
Các hoạt động chính thực hiện chức năng lập kế hoạch là:
- Nghiên cứu hoạt động kinh doanh của thị trường.
- Xác định rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
- Xác định mục tiêu, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
- Phân bổ công việc theo phạm vi, nguồn lực, thời gian kèm điều kiện cụ thể.
Xem thêm: Kỹ năng lập kế hoạch cho công việc hiệu quả
3.2 Tổ chức, sắp xếp nhân sự
Để vận hành một cách trơn tru, doanh nghiệp cần phải có cơ cấu tổ chức, bố trí, sắp xếp nhân sự một cách có hệ thống. Vậy nên, chức năng tối ưu công việc, thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tầm nhìn là rất quan trọng, cần thiết đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, chức năng này gồm những hoạt động sau:
- Tổ chức, xây dựng bộ máy với các cấp bậc, vị trí khác nhau, trong đó mỗi vị trí sẽ cần có yêu cầu về trách nhiệm, quyền hạn hay chế độ phúc lợi riêng.
- Bố trí, sắp xếp nguồn lực phù hợp cho mỗi bộ phận, phòng ban theo thứ tự cấp bậc từ lớn đến nhỏ.
- Đưa ra các chính sách, quy tắc để đảm bảo vận hành mọi hoạt động, vấn đề trong doanh nghiệp được hiệu quả nhất.
3.3 Lãnh đạo, quản lý
Chức năng này thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến chính sách, cơ chế, quy tắc, phong cách làm việc, quản trị doanh nghiệp,… nhằm thúc đẩy quá trình làm việc, hoàn thành các nhiệm vụ của nhân viên.
Theo đó, người lãnh đạo sẽ đóng vai trò chủ chốt, nhân viên được chỉ thị, hướng dẫn làm việc một cách rõ ràng, cụ thể để đạt kết quả tốt nhất.
Xem thêm: [Chia sẻ] Các kỹ năng lãnh đạo cần cho một nhà quản lý giỏi
3.4 Điều phối
Đây là chức năng nhằm tạo ra động lực, khuyến khích nhân viên cố gắng làm việc, duy trì tính kỷ luật của công ty, tạo ra không khí thoải mái, hòa đồng,… Nhờ đó, các hoạt động của doanh nghiệp sẽ được phối hợp ăn ý, hiệu quả.
3.5 Kiểm soát, đo lường, đánh giá và điều chỉnh
Việc kiểm soát, kiểm tra, giám sát và đo lường hoạt động thường xuyên sẽ giúp nhà lãnh đạo nắm rõ được tình hình, thu thập được thông tin thực tế. Từ đó họ sẽ biết được doanh nghiệp có đang đi đúng mục tiêu không để có các quyết định điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời.
Các hoạt động chính trong chức năng này gồm:
- Thiết lập KPI theo mục tiêu, định hướng của doanh nghiệp.
- Đo lường, báo cáo tình hình hoạt động.
- Đánh giá kết quả so với chỉ tiêu đưa ra.
- Điều chỉnh, thay đổi các biện pháp phù hợp.
4. Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp
Để quản trị doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt nhất, các nhà lãnh đạo cần lưu ý 14 nguyên tắc dưới đây:
4.1 Chuyên môn hóa, phân công hóa lao động
Đây được hiểu là việc phân chia công việc, nhiệm vụ cho người lao động theo các mức độ khác nhau. Mỗi người ở mỗi vị trí sẽ đảm nhiệm những việc riêng, phù hợp với khả năng của họ. Điều này giúp thúc đẩy quá trình làm việc trong doanh nghiệp năng suất, hiệu quả hơn.
4.2 Thẩm quyền kết hợp trách nhiệm
Thẩm quyền thường dành cho những người nắm giữ vị trí cao trong doanh nghiệp. Theo đó, họ sẽ có quyền được đưa ra các quyết định trong vấn đề nào đó của doanh nghiệp. Điều này phải đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ có trách nhiệm đối với quyết định của mình.
4.3 Tuân thủ, chấp hành kỷ luật
Để một doanh nghiệp hoạt động tốt, phát triển thì phải có nguyên tắc, kỷ luật. Tất cả mọi người từ ban lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên sẽ phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định mà doanh nghiệp đặt ra. Với những người vi phạm cần phải được xử lý nghiêm, đảm bảo sự bình đẳng, không thiên vị.
4.4 Thống nhất đường lối
Ban lãnh đạo là những người vạch ra mục tiêu, định hướng, đường lối, chỉ đạo các bộ phận, nhân viên thực hiện. Toàn bộ đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp sẽ cần phải thực hiện theo đúng sự dẫn dắt, chỉ đạo, phối hợp tốt trong mọi hoạt động.
4.5 Thống nhất mệnh lệnh
Thống nhất mệnh lệnh tức là một bộ phận/nhân viên sẽ chỉ nhận nhiệm vụ từ một lãnh đạo. Bởi một doanh nghiệp có thể có nhiều người quản lý, điều hành và mỗi người sẽ có những quan điểm, yêu cầu chỉ đạo khác nhau. Chính vì thế mà việc nghe theo nhiều người sẽ khiến nhân viên khó xử, không biết phải thực hiện nhiệm vụ sao cho đúng.
4.6 Ưu tiên lợi ích chung
Tất cả ban lãnh đạo, nhân viên trong doanh nghiệp sẽ phải làm việc vì lợi ích chung, đặt chúng lên hàng đầu và thực hiện. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng cần phải có sự kết hợp quyền lợi của nhân viên một cách khéo léo, không để xảy ra xung đột.
4.7 Thù lao xứng đáng
Không ai muốn cống hiến mà không công. Nhân viên cố gắng, nỗ lực, đạt được thành quả tốt thì phải nhận được thù lao, sự công nhận xứng đáng. Mức thù lao này cũng cần được xác định dựa vào năng lực, những gì đạt được và đảm bảo sự công bằng.
4.8 Tập trung hóa quyền lực
Nguyên tắc này nói đến việc quyền lực sẽ chỉ tập trung vào ban lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền, những nhân viên cấp dưới sẽ không có thẩm quyền đối với trách nhiệm của họ.
4.9 “Xích lãnh đạo”
Hiểu đơn giản về nguyên tắc này đó là mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên, mệnh lệnh từ cấp trên xuống sẽ cần phải rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính hợp tình, hợp lý. Đôi khi, các mệnh lệnh cũng cần có sự linh hoạt tùy vào từng trường hợp.
4.10 Đảm bảo tính trật tự
Doanh nghiệp hãy tạo cho nhân viên cảm giác họ có “chỗ đứng riêng”. Tức là mỗi người sẽ có vị trí, nhiệm vụ riêng, khi hoàn thành tốt, họ sẽ nhận thấy mình có giá trị, mình quan trọng đối với hoạt động, sự phát triển của doanh nghiệp.
4.11 Luôn công bằng
Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp là luôn phải đảm bảo sự cân bằng. Điều này sẽ cần thấm nhuần vào tư tưởng của ban lãnh đạo, quản lý để tạo nên lòng trung thành, từ đó nhân viên sẽ cố gắng để cống hiến.
4.12 Nhiệm vụ ổn định
Với nguyên tắc này, người lãnh đạo không thể yêu cầu nhân viên mới ngay lập tức quen với văn hóa hay công việc, đặt ra những thách thức quá lớn đối với họ. Nhân viên cần phải có thời gian để thích nghi, dần ổn định trong các nhiệm vụ của mình. Có như vậy, quá trình làm việc sau này mới đạt được hiệu quả cao.
4.13 Thể hiện sáng kiến
Không phải lúc nào nhân viên cũng phải tuân thủ theo sự chỉ đạo, làm việc như một chiếc máy. Doanh nghiệp nên khích lệ tinh thần sáng tạo, để nhân viên bày tỏ sáng kiến thú vị, mới lạ của mình. Điều này cũng góp phần xây dựng văn hóa, môi trường làm việc mở, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
4.14 Tập thể đoàn kết
Nguyên tắc cuối cùng trong quản trị doanh nghiệp chính là phải tạo sự đoàn kết trong tập thể. Mỗi người là một mắt xích quan trọng và phải kết nối thì mới tạo nên một dây chuyền hoạt động hiệu quả.
Xem thêm: Quản lý là gì? Chức năng và vai trò của một nhà quản lý
5. Phân biệt quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh
Quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn với nhau, tuy nhiên, chúng có một số điểm khác biệt như sau:
Tiêu chí so sánh
Quản trị doanh nghiệp
Quản trị kinh doanh
Khái niệm
Là những quy định, cơ chế được xây dựng để điều hành, kiểm soát doanh nghiệp.
Là việc quản lý hoạt động kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp.
Phạm vi
Bao gồm tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Tập trung vào các hoạt động kinh doanh cụ thể.
Đối tượng
Liên quan đến Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Ban giám đốc, Ban điều hành,…, không liên quan đến công việc hàng ngày.
Liên quan đến tất cả các thành viên trong công ty.
Mục tiêu
Đảm bảo tính công bằng về quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan.
Đảm bảo cho quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, hoàn thành đúng hạn, đủ khối lượng công việc.
Tầm nhìn
Tầm nhìn dài hạn hơn.
Tầm nhìn ngắn hơn.
Đặc tính
Được xây dựng, cải tiến thường xuyên vì nhu cầu sức khỏe của doanh nghiệp, sự lành mạnh của xã hội.
Mang tính phức tạp, tương thích với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Phương pháp
Sử dụng các phương pháp và công cụ quản lý như quản lý chiến lược, quản lý rủi ro, quản lý văn hóa doanh nghiệp, quản lý đổi mới để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Thường sử dụng các phương pháp và công cụ quản lý như tài chính, marketing, sản xuất, quản lý nhân sự để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Vậy “quản trị doanh nghiệp là gì?”, các bạn đã hiểu rõ rồi phải không? Hy vọng rằng bài viết này sẽ hữu ích, đặc biệt với những ai có định hướng phát triển, đạt đến những vị trí cao nhé.
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)