Quản trị chuỗi cung ứng là gì? Các mô hình quản trị chuỗi cung ứng
Quản trị chuỗi cung ứng (Supply chain Management) là khái niệm chỉ việc xây dựng, phát triển, tối ưu hóa hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực khác, nhằm lưu chuyển dòng hàng hóa, dịch vụ trong sản xuất và thương mại một cách hiệu quả nhất. Trong bài viết dưới đây, Blog TopCV sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể logistic và quản trị chuỗi cung ứng là gì, quản lý chuỗi cung ứng làm những công việc gì và tại sao doanh nghiệp cần tối ưu mô hình quản trị chuỗi cung ứng?
Mục Lục
Logistic và quản trị chuỗi cung ứng là gì?
Logistics là gì?
Logistics (tiếng Việt: hậu cần) là khái niệm dùng để chỉ những hoạt động liên quan đến hoạt động dịch chuyển hàng hóa từ điểm này tới điểm khác, bao gồm: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan hoặc các thủ tục giấy tờ khác, trực tiếp hoặc gián tiếp tư vấn khách hàng, tham gia đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá
>>> Tham khảo: Giải mã các thuật ngữ phổ biến trong ngành Logistics
Quản trị chuỗi cung ứng là gì?
Theo định nghĩa của CSCMP – Hội đồng các chuyên gia Quản trị chuỗi cung ứng thì quản trị chuỗi cung ứng bao gồm lên kế hoạch, tìm kiếm nguồn cung ứng, thu mua nguyên vật liệu thô cho tới khi thành sản phẩm hoàn thiện và cuối cùng là các hoạt động hậu cần phân phối đi qua các kênh phân phối khác nhau và đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Như vậy có thể thấy Logistics là một khâu trong toàn thể hệ thống chuỗi cung ứng.
Logistic và quản lý chuỗi cung ứng là gì?
Bản chất của quản trị chuỗi cung ứng không chỉ là việc vận chuyển mà nó còn là quản trị cung cầu và chi phí nguyên liệu – hàng hóa, tối ưu hóa khả năng dự trữ, phân phối nhằm giảm tỷ lệ lưu kho, nâng cao khả năng cung ứng, điều phối hàng hóa. Từ đó tối ưu hóa dòng sản xuất hoạt động sản xuất và dịch vụ, kiểm soát mối quan hệ giữa các bên: nhà cung ứng, doanh nghiệp và khách hàng trong nền công nghiệp.
>>> Tham khảo: Mô tả công việc nhân viên thu mua và những câu hỏi phỏng vấn thường gặp
Tại sao phải quản trị chuỗi cung ứng?
Quản trị chuỗi cung ứng được coi là “xương sống” của cả hai ngành sản xuất và dịch vụ. Muốn phát triển năng lực sản xuất và bán hàng thì doanh nghiệp buộc phải nâng cao khả năng quản trị chuỗi cung ứng. Những lợi ích của việc tối ưu hóa hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp bao gồm
Giảm 25-60% lượng hàng tồn kho
Chuỗi cung ứng được quản trị tốt sẽ làm tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa, từ đó giảm chi phí kho bãi lãng phí, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đặc biệt với những mặt hàng đông lạnh như thủy hải sản, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng lạnh (cold supply chain) có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Nâng cao 30-50% khả năng cung ứng hàng hóa
Khi chuỗi cung ứng của doanh nghiệp hoạt động nhịp nhàng từ khâu nhập nguyên vật liệu, phụ kiện,… cho tới sản xuất và vận chuyển, việc cung ứng hàng hóa tới các kênh phân phối sẽ đạt hiệu quả tốt, hạn chế tình trạng dư thừa/ thiếu hụt hàng hóa, hay giao hàng không đúng hạn. Ngoài ra, nó còn giúp việc dự báo và lên kế hoạch sản xuất chính xác hơn, giảm thiểu sai lệch so với thực tế, từ đó giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp
Do đó, có thể thấy rằng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, thương mại, việc nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng sẽ mang tới nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo ước tính, việc tối ưu chuỗi cung ứng trung bình sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận sau thuế lên tới 20%.
Quản trị chuỗi cung ứng là gì? Tại sao phải quản trị chuỗi cung ứng
Quản trị chuỗi cung ứng làm những công việc gì?
- Lập kế hoạch: bao gồm các hoạt động: Hoạch định và dự báo nhu cầu, từ đó lên kế hoạch vật tư, nguyên vật liệu và sản xuất; Thiết lập và điều chỉnh kế hoạch cung ứng; Thu thập, phân tích và đánh giá các xu hướng sản xuất
- Tìm nguồn cung ứng: Tìm và mua vật liệu và hàng hóa với giá cả cạnh tranh thông qua xây dựng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp để đảm bảo khả năng cạnh tranh đồng thời đáp ứng kế hoạch sản xuất cũng như nhu cầu thị trường
- Hỗ trợ hoạt động sản xuất: Đảm bảo việc sản xuất đạt hiệu suất cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
- Cung cấp dịch vụ Logistics và dịch vụ khách hàng: Đảm bảo hoạt động cung ứng, phân phối sản phẩm tới nhà bán buôn, thương lái, nhà bán lẻ,… Đảm bảo tính sẵn sàng của hàng hóa tại kho bãi, kệ hàng,…và quản lý hệ thống đơn hàng.
>>> Tham khảo: Nhân viên cung ứng là gì? Tìm hiểu công việc của nhân viên cung ứng
Các mô hình quản trị chuỗi cung ứng
Mô hình quản trị chuỗi cung ứng đơn giản: Đây là mô hình quản trị chuỗi cung ứng mà trong đó, doanh nghiệp chỉ sử dụng các vật tư đầu vào từ một đơn vị cung cấp, sau đó tự mình thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất và cuối cũng là tự phân phối hàng hóa tới tay khách hàng. Hệ thống chuỗi cung ứng đơn giản này chỉ còn tồn tại tại những doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất gia đình,
Mô hình quản trị chuỗi cung ứng phức tạp: Đây là mô hình quản trị chuỗi cung ứng mà trong đó doanh nghiệp cần thu mua nhiều nguyên vật liệu khác từ nhiều nhà cung cấp (trực tiếp hoặc trung gian), có thể outsources một hoặc nhiều công đoạn sản xuất cho các doanh nghiệp khác (gia công sản xuất hoặc liên doanh sản xuất) để có được sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Công tác vận chuyển, phân phối và và kinh doanh cũng được thực hiện qua nhiều kênh và nhiều đối tác khác nhau từ bán buôn (sỉ) cho tới bán lẻ. Do đó, mô hình quản trị chuỗi cung ứng phức tạp đòi hỏi doanh nghiệp cần có tầm nhìn chiến lược bao quát và cách thức vận hành sản xuất – phân phối một cách khoa học và chặt chẽ.
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu Quản trị chuỗi cung ứng là gì? Các mô hình quản trị chuỗi cung ứng, bạn đã có thêm kiến thức về ngành Quản lý chuỗi cung ứng. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí việc làm logistics hấp dẫn nhất nhé!