Quan trắc môi trường là gì ? Tại sao phải thực hiện quan trắc môi trường ? – Trung tâm Công nghệ và Quản lý Môi trường
6/9/2019
Quan trắc môi trường là gì ?
Quan trắc là việc theo dõi có hệ thống các thành phần môi trường, kiểm soát chất lượng, cung cấp thông tin số liệu quan trắc một cách tin cậy có độ chính xác cao thông qua quá trình đo đạc để đánh giá diễn biến chất lượng nhằm phục vụ công tác quản lý và bảo vệ bền vững. Tư vấn quan trắc phải am hiểu hoạt động của từng giai đoạn phát sinh nguồn thải, phục vụ cho việc lấy mẫu quan trắc đặc trưng nhất, đánh giá sát thực mức độ ô nhiễm.
Lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ là công việc phải thực hiện theo đúng báo cáo cam kết bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp đề ra. Khối lượng quan trắc môi trường định kỳ được nêu rõ trong báo cáo môi trường, tùy vào quy mô và diện tích mà số vị trí lấy mẫu được bố trí khu vực phát thải đặc trưng nhất của nhà máy, xưởng sản xuất hoặc khu vực .
Báo cáo quan trắc môi trường định kỳ là một trong những hồ sơ pháp lý để doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách hợp pháp và chịu sự theo dõi của cơ quan quản lý môi trường có thẩm quyền. Đây cũng là phương thức để doanh nghiệp có thể thực hiện trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường, cũng như bảo đảm quyền lợi của chính công ty.
Tại sao phải thực hiện quan trắc môi trường ?
Quy định mới về quan trắc môi trường
Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới được Bộ TN&MT ban hành có Chương VI nêu rõ các quy định về việc quan trắc phát thải của các đối tượng.
Theo đó, yêu cầu các đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải, khí thải phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tần suất tối thiểu như sau: cơ sở có quy mô tương đương đối với đối tượng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP thực hiện quan trắc 01 lần/ 03 tháng; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Phụ lục 5.1 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT thực hiện quan trắc 01 lần/ 06 tháng; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 32 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT thực hiện quan trắc 01 lần/01 năm.
Đối với các đối tượng đã có hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục chỉ cần thực hiện quan trắc nước thải, khí thải định kỳ theo quy định đối với các thông số chưa được quan trắc tự động, liên tục.
Cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP thì không phải thực hiện quan trắc phát thải.
Về quan trắc nước thải tự động, các thông số quan trắc bao gồm: lưu lượng nước thải đầu vào và đầu ra, pH, nhiệt độ, COD, TSS và các thông số đặc trưng theo loại hình (trong trường hợp có công nghệ, thiết bị quan trắc tự động phù hợp trên thị trường) theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Hệ thống quan trắc nước thải tự động phải bao gồm thiết bị lấy mẫu tự động được niêm phong và quản lý bởi Sở Tài nguyên và Môi trường; phải lắp đặt thiết bị camera được kết nối internet để giám sát cửa xả của hệ thống xử lý nước thải và lưu giữ hình ảnh trong vòng 03 tháng gần nhất.
Nếu quý khách có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn trong các vấn đề về quan trắc môi trường, xử lý nước thải hoặc thiết kế hệ thống xử lý chất thải( khí thải, nước thải, chất thải rắn) và các vấn đề môi trường liên quan hãy liên hệ với Trung tâm Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường SĐT: 028 3733 2121 , để được tư vấn miễn phí và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất.