Quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong tình hình mới
Cán bộ, chiến sĩ tàu tuần tra cao tốc Hải đội Biên phòng 2 quán triệt mệnh lệnh trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Biên Cương
Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Lãnh thổ Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất, bất khả xâm phạm, diện tích đất liền khoảng 332.698km2, với 4.550km đường biên giới, có bờ biển dài 3.260km, có chủ quyền vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2, có trên 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nơi sinh sống của trên 90 triệu dân thuộc 54 dân tộc anh em đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Trong mọi giai đoạn lịch sử, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhất là bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc là một nội dung đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia có nội dung toàn diện phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước có liên quan. Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia bao gồm: bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán quốc gia trên các vùng biển. Vùng biển bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo và quần đảo. Quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là bảo vệ các quyền của quốc gia về biển phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước có liên quan. Đó là quyền của quốc gia về bảo tồn, quản lý, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển, vùng trời, các đảo và quần đảo.
Đảng ta khẳng định: Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc ngày nay là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, của các lĩnh vực… kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân”.
Quán triệt quan điểm của Đảng vào đặc điểm tình hình trên biển nước ta trong những năm qua và dự kiến sự phát triển tình hình trong những năm tới, phương thức bảo vệ biển, đảo cần có sự kết hợp sức mạnh của mọi ngành, mọi lực lượng, vận dụng linh hoạt các hình thức, với tinh thần tự lực là chính; duy trì, giữ vững an ninh trật tự, an toàn – xã hội trên biển và vùng ven biển; sẵn sàng ngăn chặn, đẩy lùi, đánh thắng các hành động xâm lấn của kẻ thù để bảo vệ biển, đảo.
Bối cảnh hiện nay và trong những năm tới, tình hình trên Biển Đông vẫn là điểm nóng thu hút dư luận của cộng đồng quốc tế và còn diễn biến hết sức phức tạp. Cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không mơ hồ, chủ quan khi phân tích, đánh giá tình hình trên biển, dự báo đúng âm mưu, ý đồ, khả năng, thủ đoạn của các đối tượng để có biện pháp đối phó kịp thời, phù hợp. Trong mọi trường hợp đều phải tính đến những tác động có thể có đối với mục tiêu hòa bình, ổn định để xử lý, nhằm triệt tiêu những nhân tố đối phương có thể lợi dụng để gây mất ổn định, dẫn tới xung đột vũ trang trên biển, đẩy đất nước vào tình thế khó khăn. Kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những nguy cơ xung đột; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, có phương án xử lý với các tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Quản lý, bảo vệ biển, đảo là sự nghiệp của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Phát huy sức mạnh của mọi lực lượng dân sự và quân sự, trong đó có xác định lực lượng nòng cốt. Vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh, đồng thời phải dựa vào sức mình là chính để ngăn chặn, đẩy lùi xung đột vũ trang, giành thắng lợi trong mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.