Quản lý tình huống sư phạm của hiệu trưởng mầm non
Hiệu trưởng mầm non ở vai trò là người quản lý và chịu trách nhiệm cho toàn bộ các vấn đề xảy ra tại trường. Khi mà các tình huống sư phạm diễn ra hàng ngày, yêu cầu hiệu trưởng phải đưa ra quyết định chính xác và dứt khoát. Có thể tìm hiểu một số cách quản lý tình huống sư phạm của hiệu trưởng mầm non qua bài viết này.
Tình huống 1
Sau khi dự tiết thi giảng của một giáo viên mới, có nhiều ý kiến phản ánh việc giáo viên này đã thực hiện “dạy nháp” trước đó và phân bổ hoạt động trên lớp theo thứ tự trước đó. Nếu là hiệu trưởng nên giải quyết trường hợp này như thế nào?
Cách giải quyết
Theo Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 đã quy định thì giáo viên này đã vi phạm quy chế thi giảng giáo viên và vi phạm quy tắc đạo đức nhà giáo.
Có thể gặp riêng giáo viên đó để chia sẻ về các sai sót của giáo viên đó, nhằm giúp giáo viên đó nhận ra lỗi sai và thực hiện sửa chữa. Hướng dẫn giáo viên nhận lỗi trước tập thể sư phạm nhà trường, tự giác xin hủy kết quả thi. Giáo viên có thể đăng ký thi lại vào một hôm khác khi đã chuẩn bị tốt về tâm lý cá nhân và bài giảng.
Tình huống 2
Giáo viên A có năng lực giảng dạy khá tốt nhưng gần đây thường xuyên đến lớp trễ, chỉ trình bày lý do trễ là do việc cá nhân. Trên cương vị là hiệu trưởng nên xử lý như thế nào?
Có không ít việc cá nhân làm sai lệch lịch trình và gây ảnh hưởng đến công việc. Việc giáo viên đến lớp trễ sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ giảng dạy và quá trình học tập của trẻ nhỏ.
Có thể giải quyết theo hướng sau:
Nếu giáo viên A đến lớp trễ với thời gian muộn là 3 đến 5 phút có thể chăm chứa và linh động cho giáo viên A tiếp tục giảng dạy buổi học mà không thay đổi gì sau đó.
Nếu giáo viên A đến lớp trễ hơn thời gian trên, cần điều phối một giáo viên quản lý lớp tạm thời khi A chưa đến. Giao lại lớp học sau khi giáo viên A đến lớp.
Sau đó, vào cuộc họp định kỳ hàng tuần, đưa vấn đề ra trước hội đồng sư phạm để giáo viên A trình bày vấn đề hiện tại của bản thân. Tiến hành trao đổi và đưa ra quyết định xử lý giáo viên A. Nếu là lý do chính đáng có thể giảm nhẹ hình thức xử lý kỷ luật giáo viên này.
Tình huống 3
Sau khi ổn định tổ chức nhà trường, có một số giáo viên tỏ ra không tán thành sự chỉ đạo của trưởng bộ môn. Cần làm gì để giải quyết vấn đề này?
Cách giải quyết
Trước hết, cần gặp gỡ giáo viên không tán thành sự chỉ đạo, tìm hiểu lý do sự việc.
Nếu lý do bắt nguồn từ cá nhân, cần giải thích cho giáo viên hiểu được tổ trưởng bộ môn được bầu từ việc xin ý kiến của mọi người trong tổ, thông qua ý kiến mọi người mới được đảm nhiệm chức vụ.
Nếu lý do bắt nguồn từ sự điều hành của người tổ trưởng, cần gặp gỡ và trao đổi về phương pháp lãnh đạo và điều hành. Năng lực điều hành quá yếu kém có thể xem xét việc thay thế vị trí hiện tại bằng một giáo viên có năng lực hơn.
Tình huống 4
Có một bức thư (ẩn danh) của giáo viên phản ánh cách làm việc của hiệu trưởng là kém hiệu quả. Cần chỉnh đốn lại tác phong và đưa ra các quyết định chính xác hơn. Hiệu trưởng nên làm gì và ứng xử như thế nào trước tình huống này?
Cách giải quyết
Trên cương vị là người hiệu trưởng khi đọc xong bức thư phản ánh về mình cần xem xét lại thái độ, hành động của mình trước các sự việc bị phản ánh.
Đưa sự việc ra trước hội đồng sư phạm, thực hiện nhận trách nhiệm thiếu sót hoặc sai phạm trong các sự việc được phản ánh. Đồng thời thẳng thắn, khuyến khích người viết thư cũng như các giáo viên khác nên chỉ ra lỗi trong quá trình làm việc. Tránh các sự việc như trên gây mất đoàn kết nội bộ và cải thiện năng lực hoạt động của trường.
Quản lý các tình huống sư phạm mầm non là công việc thường nhật của người hiệu trưởng. Kỹ năng giải quyết sẽ phản ánh năng lực dẫn dắt và lãnh đạo của họ. Do đó, với cương vị là hiệu trưởng cần trang bị các kiến thức về tình huống sư phạm, rèn luyện năng lực xử lý các tình huống.