Quản lý là gì? Chức năng và vai trò của một nhà quản lý – JobsGO Blog
5/5 – (1 vote)
Các nhà quản lý đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công chung của một công ty. Họ chịu trách nhiệm dẫn dắt một nhóm nhân viên đạt được các mục tiêu. Nếu bạn đang chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động, sẽ rất hữu ích nếu bạn hiểu “quản lý là gì?” cũng như đặc điểm, chức năng của quản lý.
1. Quản lý là gì?
Quản lý là gì? Quản lý là một hoạt động quản trị đối với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi lợi nhuận,… Hoạt động này bao gồm việc thiết lập chiến lược và điều phối các nguồn lực có sẵn nhằm hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Hoạt động quản lý bắt nguồn từ sự hợp tác trong lao động, sự phân công nhiệm vụ và các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc cần có sự nỗ lực của tập thể. Qua đó nó sẽ giúp bạn hoàn thành được mục tiêu chung mà tổ chức đặt ra.
Quản lý trong tiếng Anh là gì? Quản lý trong tiếng Anh là Manage. Từ điển Cambridge định nghĩa Manage như sau: “to be responsible for controlling or organizing someone or something, especially a business or employees” nghĩa là “chịu trách nhiệm kiểm soát hoặc tổ chức ai đó, điều gì đó; thường là doanh nghiệp hoặc nhân viên“.
2. Nhà quản lý là gì? Phân cấp nhà quản lý
Nhà quản lý là người chịu trách nhiệm kiểm soát hoặc điều hành tất cả hoặc một phần công việc và nhân viên của tổ chức. Nhà quản lý có quyền thuê, sa thải, kỷ luật, đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên; điều khiển công việc của những người khác. Không những vậy, nhà quản lý cũng chính là người lập kế hoạch, lãnh đạo và kiểm soát các nguồn lực (tài chính, con người,..) nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra và chịu trách nhiệm với kết quả hoạt động đạt được.
Nhà quản lý được phân thành các cấp quản trị cụ thể như sau:
Phân cấp
Vai trò, nhiệm vụ
Nhà quản lý cấp cao
- Họ là những người đặt ra mục tiêu chiến lược cho tổ chức.
- Họ đặt ra các cách thức hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.
- Họ nằm trong ban điều hành, luôn đưa ra các định hướng cho quản lý cấp trung, quản lý cấp cơ sở.
- Các quyết định được quản lý cấp cao đưa ra thường mang tính dài hạn và áp dụng cho toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp.
- Quản lý cấp cao là giám đốc điều hành, chủ tịch hoặc thành viên trong hội đồng quản trị.
Nhà quản lý cấp trung
- Họ cung cấp các phương hướng cho nhà quản lý cấp cao.
- Họ truyền đạt các mục tiêu chiến lược từ quản lý cấp cao đến quản lý cấp cơ sở.
- Họ có thể là quản lý chi nhánh, quản lý bộ phận, quản lý khu vực.
Nhà quản lý cấp cơ sở
- Họ là những người giảm sát, quản lý trực tiếp nhân viên.
- Họ tiếp nhận công việc, định hướng từ quản lý cấp trung hoặc quản lý cấp cao.
- Họ sẽ phân công và định hướng công việc cụ thể với từng nhân viên dưới trướng.
- Quyết định của quản lý cấp cơ sở chỉ mang tính thời vụ, áp dụng trong một giai đoạn, thời gian ngắn hạn.
- Họ có thể là trưởng phòng, trưởng nhóm, giám sát viên.
3. Đặc điểm của quản lý
Đặc điểm của quản lý là gì? Quản lý là sự tác động có chủ đích lên một chủ thể nhất định có thể là con người hoặc tổ chức. Người quản lý sẽ là các cá nhân có quyền uy, quyền hạn và trách nhiệm liên kết các hoạt động từ các nhân viên đơn lẻ với nhau để đạt được mục tiêu chung.
Uy quyền chính là một trong những phương tiện giúp nhà quản lý điều khiển chỉ đạo các nhân viên thực hiện bằng yêu cầu và mệnh lệnh. Uy quyền được hình thành từ uy tín cá nhân, khả năng chuyên môn, cũng như các quan hệ xã hội của nhà quản lý.
Khách thể của quản lý là trật tự quản lý, nó được quy định bởi nhiều quy phạm như: Đạo đức, chính trị, tôn giáo, pháp luật,… Phương tiện để quản lý rất đa dạng, có thể là lương tâm, dư luận xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, kỷ luật công ty,…
4. Chức năng của nhà quản lí là gì?
Nhà quản lý có những chức năng như sau:
- Hoạch định: Họ sẽ xác định mục tiêu, sau đó đưa ra các quyết định về các việc cần làm ở hiện tại và tương lai, từ đó lập ra các kế hoạch hành động cụ thể.
- Tổ chức: Nhà quản lý sẽ sử dụng các tài nguyên: Tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống khách hàng thân thiết, đối tác,… để tối ưu hóa việc tổ chức thực hiện kế hoạch.
- Bố trí nhân lực: Nhà quản lý sẽ phân tích công việc, sau đó tiến hành phân công cho các cá nhân cụ thể để đảm nhận những vai trò nhất định.
- Lãnh đạo, động viên: Họ không chỉ là người chỉ đạo nhân viên làm việc mà nhà quản lý còn giúp đỡ, động viên nhân viên để học cống hiến cho công việc. Từ đó nhân viên có thể đạt được hiệu quả cao và đúng với kế hoạch mà quản lý đã đề ra.
- Kiểm soát: Nhà quản lý là người giám sát và kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động của nhân viên khi thực hiện kế hoạch. Từ đó, họ có thể nắm bắt nhanh chóng tình hình triển khai và thay đổi kế hoạch sao cho phù hợp nhất với thực tế.
5. Vai trò của nhà quản lý
Nhà quản lý có vai trò giao tiếp, quan hệ, thông tin và ra quyết định. Cụ thể như sau:
- Vai trò giao tiếp và quan hệ: Nhà quản lý là đại diện cho công ty, tổ chức, cơ quan khi đối ngoại với bên ngoài. Còn trong nội bộ họ chính là người kết nối mọi yếu tố để đạt được mục tiêu chung đề ra.
- Vai trò thông tin: Nhà quản lý sẽ tiếp nhận nguồn thông tin từ cấp dưới, sau đó phổ biến thông tin lên cấp cao hơn và cung cấp thông tin ra bên ngoài. Không những vậy, các thông tin, quyết định đưa ra cũng sẽ truyền đạt lại cho quản lý cấp thấp hơn và đến nhân viên công ty.
- Vai trò quyết định: Đây là vai trò chính của nhà quản lý và họ có quyền đưa ra các quyết định cho tổ chức của mình. Tuy nhiên họ luôn phải chịu trách nhiệm với những lựa chọn của bản thân.
6. Yêu cầu đối với nhà quản lý
Để trở thành nhà quản lý, các bạn cần đáp ứng các yêu cầu như sau:
6.1 Bằng cấp
Một nhà quản lý không chỉ cần kiến thức chuyên ngành mà còn am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau. Tùy thuộc vào tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan mà yêu cầu bằng cấp với nhà quản lý sẽ khác nhau, nhưng thường sẽ là từ trình độ đại học trở lên.
6.2 Kỹ năng
Nhà quản lý cần phải có đầy đủ các kỹ năng cần thiết như sau:
- Kỹ năng chuyên môn: Có am hiểu và khả năng thực hiện một công việc chuyên ngành.
- Khả năng tư duy: Nhà quản lý phải là người có khả năng nhận thức thông tin, biết nắm bắt cơ hội, phân tích nguy cơ.
- Khả năng nhân sự: Họ phải có khả năng lãnh động, giao tiếp, động viên nhân viên,…
Còn tùy thuộc vào từng vị trí quản lý trong các doanh nghiệp mà yêu cầu về kỹ năng sẽ có chút khác nhau.
6.3 Phẩm chất
Nhà quản lý phải là người hội tụ các phẩm chất sau:
- Là người quyết đoán và giám chịu trách nhiệm với các quyết định của bản thân.
- Là người có tính logic, có cách lập luận chặt chẽ và phân tích chi tiết.
- Là người biết cách phân công công việc và không bỏ dở nửa chừng khi dự án chưa hoàn thành.
- Là người biết cách xây dựng niềm tin với nhân viên, biết đoàn kết mọi người để họ tự động cống hiến.
- v.v…
Bạn có muốn trở thành một nhà quản lý? Bằng cách hiểu rõ “quản lý là gì?” và đặc điểm, chức năng của nhà quản lý, bạn sẽ biết mình cần thay đổi ra sao để chạm đến ước mơ. Chúc bạn thành công trên con đường sự nghiệp!
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)