Quản lý chất lượng giáo dục bằng phương pháp kiểm định
Về chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục – đào tạo là một khái niệm có tính tương đối. Có nghĩa là khi đánh giá chất lượng phải đối chiếu, so sánh với một thước đo nào đó thường được gọi là chuẩn. Không thể nói có chất lượng hay kém chất lượng một cách chung chung như nhiều người đang đánh giá hiện nay.
Mặt khác, chuẩn cũng chỉ là những quy định có tính giai đoạn, trong những điều kiện nhất định nào đó; nó cũng sẽ phải thay đổi khi có yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoặc các điều kiện để thực hiện giáo dục thay đổi. Chuẩn của các hệ giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và đại học xuất phát từ những cơ sở khoa học và thực tiễn rất khác nhau, do vậy chúng cũng có những đặc thù riêng. Chuẩn giáo dục phổ thông là trình độ học vấn, là mức độ của các kiến thức, kỹ năng và thái độ được các nhà giáo dục và các nhà quản lý giáo dục hoạch định ra trong những điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, có tính đến những xu thế giao lưu, hội nhập.
Trong khi đó, chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ các cấp trình độ trong hệ thống đào tạo nhân lực lại là những yêu cầu khách quan do các ngành sản xuất, dịch vụ đề ra, các nhà giáo dục phải căn cứ vào đó mà xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo chứ không thể tự định ra một cách tùy tiện, không khảo sát và căn cứ vào yêu cầu của sản xuất như chúng ta đang làm hiện nay.
Mặc dù có những khác biệt nêu trên, các chuẩn đều có những đặc biệt chung là phải rất cụ thể với những thang giá trị nhất định về kiến thức, kỹ năng và thái độ để có thể đánh giá được chất lượng giáo dục và đào tạo, không thể chung chung như: nắm được một số kiến thức cơ bản hoặc làm được một cái gì đó.
Đáng tiếc, hiện nay chúng ta chưa ban hành được những bộ chuẩn của chương trình các cấp học của giáo dục phổ thông cũng như của chương trình các cấp bậc trình độ đào tạo, do vậy chưa có cơ sở khoa học để đánh giá đúng chất lượng giáo dục – đào tạo. Cũng chính vì vậy mà có người bảo có chất lượng, có người bảo không và thực tế đang diễn ra là các xí nghiệp, công ty đang thiếu rất nhiều lao động kỹ thuật, nhưng hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học không tìm được việc làm.
Chuẩn các chương trình giáo dục và đào tạo cũng chính là cơ sở quan trọng và không thể thiếu để quản lý chất lượng giáo dục và đào tạo. Nói một cách khác, không có chuẩn thì không thể quản lý được chất lượng.
Phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo
Trên bình diện quản lý chất lượng vi mô ở cấp trường, quản lý chất lượng của từng khóa học, lớp học, từng học sinh, chất lượng thường được đánh giá theo đầu ra, theo kết quả đạt được của từng học sinh so với mục tiêu, với chuẩn kiến thức, kỹ năng và trình độ đã được quy định trong chương trình giáo dục như trên đã trình bày.
Tuy nhiên, để quản lý chất lượng giáo dục và đào tạo ở cấp độ này, với phương pháp tiếp cận “chất lượng tổng thể”, các nhà quản lý cấp trường thường phải quản lý cả một hệ thống các công đoạn và yếu tố tạo nên chất lượng của sản phẩm cuối cùng, từ công tác tuyển sinh, đến quá trình dạy và học cũng như quá trình đánh giá, thi cử; từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Nếu không quản lý như vậy mà khoán trắng cho giáo viên “vừa đá bóng vừa thổi còi”, muốn dạy ra sao thì dạy, muốn thi ra sao thì thi như hiện nay thì quả thật khó lòng mà quản lý được chất lượng.
Trên bình diện quản lý chất lượng vĩ mô cấp quốc gia, dĩ nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quản lý đến từng học sinh, từng lớp học được. Do vậy, để quản lý được chất lượng giáo dục, nhiều nước đang sử dụng một phương pháp quản lý chất lượng khác, đó là quản lý chuẩn của các chương trình và các điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục được gọi là kiểm định chất lượng. Chương trình là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên có chương trình tốt mà không có đủ các điều kiện cần thiết để triển khai thì cũng không thể bảo đảm có chất lượng tốt được. Kiểm định chất lượng là một hệ thống tổ chức và giải pháp để đánh giá các chương trình giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục và công nhận các chương trình, các cơ sở giáo dục đạt các chuẩn được quy định có nghĩa là có đủ những điều kiện để bảo đảm giáo dục và đào tạo có chất lượng.
Kiểm định chất lượng nhằm thực hiện quản lý chất lượng với hai mục đích: Hỗ trợ các cơ sở giáo dục và đào tạo luôn luôn cải tiến, phấn đấu để giáo dục và đào tạo có chất lượng, để trở thành cơ sở giáo dục chất lượng cao; xác minh và bảo đảm cho người sử dụng lao động, người học và cho xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo.
Như vậy, dù phương pháp nào thì cũng phải quản lý chất lượng trên cơ sở các chuẩn được quy định, nhưng để có thể quản lý theo phương pháp kiểm định chất lượng thì ngoài các chuẩn về chương trình (chuẩn về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà học sinh tốt nghiệp phải đạt) còn cần phải xây dựng các tiêu chí đánh giá và chuẩn cho hàng loạt yếu tố khác như giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thư viện cho đến tổ chức và quản lý nhà trường…
Các chuẩn và tiêu chí để kiểm định chất lượng đối với giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và đại học cũng có khác nhau. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của chúng ta, giáo viên đang là một vấn đề nổi cộm từ giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp cho đến cao đẳng, đại học. Với giáo dục phổ thông, giáo viên đang vừa thừa lại vừa thiếu. Một số bộ môn như ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, công nghệ… đang thiếu giáo viên nghiêm trọng. Đáng chú ý, giáo viên công nghệ, phần lớn là kiêm nhiệm, trước đây không được đào tạo để dạy môn học này.
Ở bậc đại học thì ngược lại, phần lớn các trường đều thiếu giáo viên, nhưng ngoài hệ chính quy, lại tuyển sinh tràn lan đủ các hệ tại chức, từ xa, cao đẳng, thậm chí cả dạy nghề. Giáo viên đi dạy ngoài với khối lượng thời gian rất lớn, như vậy thì làm sao để có thể bảo đảm chất lượng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan hiện nay cũng do quản lý đội ngũ giáo viên chưa tốt. Bởi vậy, để quản lý tốt chất lượng giáo dục – đào tạo, trước hết cần có biện pháp để quản lý tốt đội ngũ giáo viên ở mọi cấp, bậc học.
Một trong những khâu quan trọng không thể thiếu trong quản lý là thanh tra, kiểm tra. Đây cũng là một trong những khâu yếu của chúng ta trong quản lý giáo dục nói chung và quản lý chất lượng nói riêng. Thanh tra vừa để nắm được tình hình đang diễn ra trên thực tế ở các trường, các địa phương, để có thể đánh giá đúng chất lượng (không phải chỉ qua báo cáo) vừa để kịp thời xử lý những vướng mắc của các trường, các địa phương, và phản ánh để Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp, những điều chỉnh chủ trương kịp thời là một việc hết sức cần thiết.
Để quản lý tốt chất lượng giáo dục, chúng tôi xin kiến nghị:
Một là, nhanh chóng ban hành các chuẩn của các chương trình các cấp giáo dục phổ thông cũng như chuẩn chương trình các bậc trình độ đào tạo từ giáo dục chuyên nghiệp đến cao đẳng, đại học để làm cơ sở cho việc đánh giá cũng như quản lý chất lượng giáo dục và đào tạo.
Hai là, xây dựng và ban hành các tiêu chí, chuẩn và tiến hành kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục và đào tạo, trước hết là các trường trọng điểm, trường vùng. Đặc biệt là ban hành chuẩn và định mức giờ dạy tối đa, tối thiểu cho từng loại giáo viên và quản lý tốt việc thực hiện các chuẩn cũng như các định mức này.
Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra giáo dục, đặc biêt là trong tiến trình phân cấp quản lý về giáo dục.