Quản lý các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung theo hướng dẫn của Thông tư số 15/2021/TT-BXD

Quản lý các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung theo hướng dẫn của Thông tư số 15/2021/TT-BXD

07/03/2022

1. GIỚI THIỆU CHUNG

    Tính đến năm 2021, Việt Nam có 886 đô thị và hàng nghìn khu dân cư tập trung. Các đô thị đều có hệ thống thoát nước (HTTN) chung có xử lý nước thải (XLNT) tập trung hoặc chưa có XLNT, HTTN riêng hoặc hệ thống hỗn hợp giữa mạng lưới cống chung và mạng lưới cống riêng từng khu vực. Tuy nhiên, mạng lưới cống thoát nước chưa bao phủ hết diện tích và tỉ lệ đấu nối nước thải, nước mưa vào HTTN tập trung, số lượng nước thải thu gom được để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường còn hạn chế. Vì vậy, ô nhiễm môi trường nước và úng ngập đô thị là thực trạng phổ biến ở các thành phố và khu dân cư tập trung ở nước ta.

    Ngoài tập trung đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, Nhà nước đã có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn quản lý, trong đó có các công trình thu gom và thoát nước thải. Đặc biệt, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP cũng đã quy định về hoạt động thoát nước và XLNT tại các đô thị, các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nội dung của nhiều văn bản pháp lý cũng chưa cụ thể nên các ngành và các địa phương khó triển khai thực hiện.

    Luật BVMT số 72/2020/QH14 trong khoản 2 Điều 6 đã quy định nghiêm cấm xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. Trong khoản 7 Điều 86 về thu gom, XLNT, Luật BVMT cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/20021 (gọi tắt là Thông tư 15) hướng dẫn về công trình công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung, kịp với thời gian Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong Thông tư 15 đã làm rõ các quy định về đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom và xây dựng, quản lý các công trình của HTTN thải đô thị, khu dân cư tập trung.

2. ĐẤU NỐI NƯỚC THẢI

    Khoản 2 Điều 6 của Luật BVMT 2020 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường [1]. Đấu nối thoát nước là kết nối ống thoát nước thải từ hộ thoát nước (HTN), là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước, nước ngoài sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, vào HTTN [2]. HTTN thải của HTN là các tuyến ống và công trình xử lý sơ bộ nước thải, lắp đặt trong phạm vi đất của HTN nhằm thu gom nước thải/hoặc nước mưa và chuyển tải đến điểm đấu nối.

    Các HTN xả nước thải vào HTTN phải qua hộp đấu nối. Điểm đấu nối là các điểm xả nước thải qua hộp đấu nối của các HTN vào HTTN. Hộp đấu nối là thiết bị hoặc là giếng kiểm tra được xây dựng tại điểm đấu nối nước thải, nước mưa của HTN vào HTTN, để kết nối và phục vụ kiểm tra, duy trì, nạo vét đường cống. Nước thải sinh hoạt từ các hộ dân cũng có thể được đấu nối vào HTTN thải qua thiết bị đấu nối. Nước thải từ các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoặc công trình công cộng phải được đấu nối qua giếng kiểm tra. Ví dụ sơ đồ tổ chức đấu nối nước thải sinh hoạt từ HTN được nêu trên Hình 1.

Hình 1. Sơ đồ tổ chức đấu nối nước thải từ hộ thoát nước

    Trong Khoản 2 Điều 6 của Thông tư 15 đã nêu các yêu cầu đấu nối nước thải vào HTTN tập trung như sau:

– Nếu đô thị, khu dân cư tập trung có HTTN riêng và Nhà máy XLNT tập trung, nước thải sinh hoạt của các HTN được nối trực tiếp vào hộp đấu nối, có thể không cần qua xử lý nước thải tại chỗ bằng bể tự hoại. Trong trường hợp cải tạo HTTN chung thành HTTN riêng, dựa vào hiện trạng và điều kiện thoát nước tại khu vực cơ quan có thẩm quyền của địa phương quyết định bể tự hoại có phải duy trì hoặc không duy trì.

– Cống thoát nước thải của HTN phải đấu nối vào hộp đấu nối hoặc công trình thoát nước thải khác tại khu vực chưa có hộp đấu nối.

– Nước thải chưa được xử lý phải đấu nối vào cống thu gom của HTTN, không được để thấm xuống lòng đất hoặc chảy vào các nguồn nước khác.

– Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… trong đô thị, khu dân cư tập trung phải thu gom và xử lý sơ bộ nước thải đảm bảo yêu cầu quy định của đô thị hoặc quy định của chính quyền địa phương trước khi đấu nối vào công trình thu gom, thoát nước thải.

– Nước thải sau xử lý tại chỗ của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị, khu dân cư tập trung phải phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường  hoặc yêu cầu về bảo vệ môi trường theo từng loại nước thải trước khi đấu nối vào công trình thu gom, thoát nước thải.

    Một số nội dung tại Điều 41 về công trình, thiết bị XLNT, khí thải tại chỗ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân của Thông tư số 02/2012/TT-BTNMT cũng phù hợp với yêu cầu XLNT tại chỗ  của Thông tư 15 [3].

    Thực hiện đấu nối nước thải từ HTN vào HTTN tập trung như sau:

     Trước khi thực hiện thỏa thuận đấu nối, đơn vị thoát nước có trách nhiệm kiểm tra khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước hiện hữu, việc xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải không được làm ảnh hưởng tới khả năng thoát nước của khu vực hiện hữu.

    Đối với các hộ thoát nước thuộc lưu vực của hệ thống thoát nước chung, đơn vị thoát nước phải cung cấp ít nhất một điểm đấu nối chung cho cả nước thải và nước mưa. Đối với các hộ thoát nước thuộc lưu vực của hệ thống thoát nước riêng đơn vị thoát nước phải cung cấp ít nhất một điểm đấu nối vào cống thoát nước thải và ít nhất một điểm đấu nối vào cống thoát nước mưa.

    Cao độ của điểm đấu nối tại hộp đấu nối phải thấp hơn cao độ các công trình của hộ thoát nước. Trường hợp thời điểm xây dựng công trình đã có điểm đấu nối lắp đặt cố định, chủ đầu tư xây dựng công trình phải tuân thủ cao độ nền của hộp đấu nối đã được cung cấp nhằm đảm bảo độ dốc, tránh nước thải từ cống thu gom chảy ngược vào công trình của HTN.

    Trường hợp do hiện trạng công trình hoặc địa hình có cao độ điểm xả nước thải bên trong công trình của hộ thoát nước thấp hơn hộp đấu nối thì đơn vị thoát nước hướng dẫn hộ thoát nước thực hiện các giải pháp khắc phục để nước thải của hộ thoát nước được đấu nối vào hệ thống thoát nước bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật đấu nối.

    Hộp đấu nối vào cống thoát nước phải được xây dựng cố định tại điểm đấu nối nhằm bảo đảm ổn định, an toàn, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng khi cần thiết, tránh rò rỉ nước thải.

3. XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH THU GOM, THOÁT NƯỚC THẢI

    Trong Thông tư 15 đã làm rõ các công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung. Đó là các công trình chính bao gồm hộp đấu nối, cống cấp 3, cống cấp 2, cống cấp 1, trạm bơm thoát nước, giếng tách nước thải, giếng thăm, cửa xả,…và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải và XLNT đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để xả vào nguồn tiếp nhận.

     Nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải thể hiện trong Điều 4 của Thông tư 15 như sau:

    Đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.

    Việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và XLNT; bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Khuyến khích sử dụng giải pháp thi công không đào hở cống thoát nước, đặc biệt tuyến cống cấp 1 trong đô thị cũ có mật độ giao thông cao.

    Đối với đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu đã có mạng lưới thoát nước chung, Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý về thoát nước và XLNT lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư, nâng cấp, cải tạo thành HTTN riêng (xây dựng các giếng tràn nước mưa, các tuyến cống bao, cống gom để thu gom, vận chuyển nước thải về Nhà máy XLNT tập trung).

    Đô thị, khu dân cư tập trung mới phải có hệ thống thu gom, XLNT riêng biệt với HTTN mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.

    Công trình chính trong HTTN đô thị, khu dân cư tập trung để tách và thu gom, vận chuyển nước thải về Nhà máy XLNT tập trung được làm rõ trong Thông tư 15: Cống thoát nước của HTN là hệ thống đường ống, cống, rãnh hoặc kênh mương thoát nước được xây dựng trong phạm vi đất của HTN nhằm thu gom nước thải, nước mưa và chuyển tải đến điểm đấu nối; Cống cấp 1 là tuyến cống chính thu gom dẫn nước thải từ các lưu vực thoát nước đến nhà máy XLNT; Cống cấp 2 là cống vận chuyển nước thải cho khu vực, tiểu lưu vực thoát nước đến cống cấp 1; Cống cấp 3 là cống thu gom nước thải từ các hộ thoát nước đến cống cấp 2 hoặc cống cấp 1.

Hình 2. Sơ đồ bố trí các công trình thu gom nước thải từ HTN vào HTTN tập trung

    Đối với HTTN chung, các công trình đặc thù để tách và vận chuyển nước thải từ các tuyến cống thu gom chung: Giếng tràn nước mưa (hoặc giếng tách nước thải) là công trình bố trí trên HTTN chung để tách nước thải về Nhà máy XLNT tập trung, đồng thời tràn hỗn hợp nước mưa và nước thải ra nguồn tiếp nhận khi mưa với cường độ lớn; và Cống gom là tuyến cống cấp 1, cấp 2 của HTTN chung để thu gom toàn bộ nước thải khi không có mưa và một phần cố định nước mưa hòa trộn với nước thải khi có mưa và chuyển tải đến trạm bơm về nhà máy XLNT.

    Trong Thông tư 15 cũng nêu rõ: Cơ quan chuyên môn về thoát nước tham mưu, giúp UBND các cấp tại địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước và XLNT; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.

4. KẾT LUẬN

    Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/20021 đã có những hướng dẫn công trình công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung theo yêu cầu nêu trong khoản 7 Điều 86 của Luật BVMT 2020. Các nội dung nêu trong Thông tư là cơ sở để xây dựng các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thoát nước đô thị và tiêu chuẩn thiết kế các công trình và mạng lưới thoát nước bên ngoài.

    Theo Thông tư này, UBND các cấp theo phân cấp quản lý lập kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống công trình thu gom riêng nước mưa và công trình thu gom, xử lý nước thải,… như yêu cầu trong Luật BVMT 2020 và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và XLNT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật BVMT số 72/2020/QH14;

  2. Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về Thoát nước và xử lý nước thải;

  3. Thông tư số 02/2012/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.

GS.TS Trần Đức Hạ

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường

Hội Cấp thoát nước Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)