Quản lý an toàn thực phẩm là gì? Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm là vấn đề nóng hổi, nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Chính vì vậy mà việc quản lý an toàn thực phẩm là yếu tố cấp thiết và vô quan trọng hiện nay. Vậy quản lý an toàn thực phẩm là gì? Tại sao phải quản lý an toàn thực phẩm?… Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
Quản lý an toàn thực phẩm là gì?
Quản lý an toàn thực phẩm là gì? Có lẽ khi nhắc đến khái niệm này hầu hết chúng ta đều định hình và hiểu được nội dung của nó nhưng để hỏi về một khái niệm hay định nghĩa cụ thể cho “Quản lý an toàn thực phẩm” thì câu trả lời là KHÔNG.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, quản lý an toàn thực phẩm là việc nhà nước thực hiện quyền lực của mình nhằm điều chỉnh, hướng dẫn các hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể, quản lý an toàn thực phẩm phải dựa trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hay những quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và các tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
Các hoạt động chủ yếu của quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm bao gồm: Hoạch định và ban hành các chính sách, văn bản, kế hoạch, chiến lược có liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm; công tác tổ chức giáo dục, tuyên truyền, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, công tác phối hợp liên ngành trong quản lý và nghiên cứu khoa học…
Tại sao phải quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm?
Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, bên cạnh những nhà sản xuất, kinh doanh có đạo đức, luôn mang đến những sản phẩm chất lượng và an toàn nhất cho người tiêu dùng thì cũng không tránh khỏi những nhà sản xuất vì yếu tố lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì vậy, trên thị trường xuất hiện rất nhiều hàng giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng dẫn đến người tiêu dùng mua và tiêu thụ sẽ bị ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng con người. Một số căn bệnh nan y hay những căn bệnh khó chữa hiện nay cũng có nguyên nhân xuất phát từ việc thường xuyên tiêu thụ và sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội thì việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là điều cần thiết và cấp bách hiện nay. Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cần phải kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc hơn. Bởi, việc tạo lập một môi trường thuận lợi cho hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn thực hiện có hiệu quả là một trong những vai trò quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Những nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm
Theo Điều 3, Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định những nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm 6 nguyên tắc như sau:
-
Thứ nhất, bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
-
Thứ hai, sản xuất, kinh doanh thực phẩm là một hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải chịu trách nhiệm về độ an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.
-
Thứ ba, quản lý an toàn thực phẩm phải dựa trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
-
Thứ tư, quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích các mối nguy đối với an toàn thực phẩm.
-
Thứ năm, quản lý an toàn thực phẩm phải đảm bảo sự phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.
-
Thứ sáu, quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.
>>> Xem thêm:
Những điều cần biết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Trách nhiệm của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm hay vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, vì vậy nó cùng lức chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hay Ủy ban nhân dân các cấp. Dưới đây là trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của từng cơ quan riêng biệt.
Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế
Tại Điều 62, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Điều 37 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có nêu cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế về quản lý an toàn thực phẩm như sau:
“1. Trách nhiệm chung:
a) Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia, quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm;
– Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
c) Yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm;
d) Quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
đ) Chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm; cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm;
e) Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết.
2. Trách nhiệm trong quản lý ngành:
a) Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;
b) Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ;
c) Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.”
Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tại Điều 63, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Điều 38 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có nêu cụ thể trách nhiệm về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
“1. Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối.
3. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
4. Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
5. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.”
Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Công thương
Theo quy định tại Điều 64, Luật An toàn thực phẩm 2010 và Điều 39 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có nêu cụ thể trách nhiệm về quản lý = an toàn thực phẩm của Bộ Công thương như sau:
“1. Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
3. Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
4. Ban hành chính sách phát triển chợ, siêu thị; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị.
5. Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm.
6. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.”
Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các cấp
Theo Điều 65, Luật An toàn thực phẩm 2010 và Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có nêu cụ thể trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
“1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương để bảo đảm việc quản lý được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.
2. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
3. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
4. Bố trí nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
5. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng, ý thức của người tiêu dùng thực phẩm.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.”
Có thể nói, với sự phân công rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm như hiện nay thì các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa, thắt chặt hơn nữa hoạt động của mình để an toàn thực phẩm không còn là vấn nạn của quốc gia cũng như toàn cầu. Người dân sẽ yên tâm và có niềm tin khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng.
Trên đây là những chia sẻ của ISOCERT về quản lý an toàn thực phẩm là gì? Cũng như những vấn đề liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng và an toàn trong chuỗi hoạt động sản xuất thực phẩm. Nếu có điều gì thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 0976.389.199 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh chóng nhất!