Quan hệ sản xuất là gì trong Triết học? Quan hệ sản xuất gồm?
Quan hệ sản xuất là khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong triết học Mác-Lênin. Quan hệ sản xuất là một phần không thể thiếu của cơ cấu xã hội. Vậy quan hệ sản xuất được quy định như thế nào? Bao gồm những gì?
1. Khái niệm quan hệ sản xuất trong Triết học
Theo Mac – Lênin, quan hệ sản xuất là các quan hệ xã hội do chính con người tạo ra trong quá trình sản xuất và phân phối hàng hoá, dịch vụ. Quan hệ sản xuất được hình thành một cách khách quan trong quá trình phát triển của lịch sử, không phụ thuộc vào ý chí của con người. Quan hệ sản xuất được hình thành trên cơ sở một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Để phân biệt hình thái kinh tế – xã hội này với hình thái kinh tế – xã hội khác thì quan hệ sản xuất là tiêu chí quan trọng cần phải xét đến. Và đây cũng là quan hệ cơ bản quyết định tất cả các quan hệ xã hội khác của con người.
2. Kết cấu của quan hệ sản xuất
Quan hệ sản xuất mang tính khách quan độc lập với ý thức của con người. Kết cấu của quan hệ sản xuất bao gồm ba mặt quan hệ cơ bản sau:
– Quan hệ giữa người với người trong sở hữu tư liệu sản xuất. Sở hữu là quan hệ xã hội giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải trong xã hội nhất định, mối quan hệ này đòi hỏi phải có hai người trở lên. Như vậy, sở hữu về tư liệu sản xuất là quan hệ giữa người và người hoặc giữa các cộng đồng người trong việc chiếm hữu về tư liệu sản xuất xã hội.
Sở hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò quyết định đối với các quan hệ khác vì đây là quan hệ trung tâm của quan hệ sản xuất. Bởi lẽ, ai nắm trong tay tư liệu sản xuất, người đó sẽ quyết định việc tổ chức, quản lý sản xuất cũng như phân phối sản phẩm. Sở hữu về tư liệu sản xuất có hai hình thức cơ bản, đó là sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất. Trong đó, sở hữu tư nhân là sở hữu đối với tài sản hợp pháp của mình (nó bao gồm 3 loại nhỏ đó là cá thể, sở hữu tiểu chủ và sở hữu tư bản tư nhân) còn sở hữu về tư liệu sản xuất gồm hai hình thức đó là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Các thành phần sở hữu ở nước ta, toàn dân (nhà nước), tập thể, tư bản tư nhân (tư bản nhà nước, và cá nhân) đã và đang phát huy tác dụng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước đã tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế và giữ được sự ổn định về chính trị gắn với công bằng tiến bộ xã hội… Các quan hệ sản xuất về sở hữu hiện nay đang dần được luật hóa thông qua các bộ luật khác nhau để thể hiện sức sống tốt đẹp của nó và phát huy sức mạnh của nó trong cuộc sống.
– Quan hệ giữa người với người trong tổ chức quản lý sản xuất. Quan hệ này hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Bởi vì, những chủ thể xã hội nào nắm tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, thì họ sẽ là người nắm vai trò tổ chức và quản lý sản xuất vật chất của xã hội. Quan hệ điều hành quản lý sản xuất hiện nay trong các thành phần kinh tế được luật pháp bảo vệ và theo hướng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi. Đặc biệt, với chủ trương cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất – kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như thực hiện thi đua yêu nước trong hoạt động kinh tế đã làm cho tính ưu việt của chế độ ta trong lĩnh vực kinh tế xã hội hiện nay ngày một phát huy hiệu quả.
– Quan hệ giữa người với người trong phân phối sản phẩm lao động. Quan hệ này phụ thuộc vào quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Bới vì, chủ thể xã hội nào nắm tư liệu sản xuất thì đồng thời họ là người có mức hưởng thụ nhiều hơn, và là người có quyền quyết định phân phối sản phẩm vật chất của xã hội. Quan hệ này có vai trò thúc đẩy tốc độ của nền kinh tế, tăng nhịp điệu sản xuất và năng động hóa toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Ngược lại, nếu quan hệ phân phối sản phẩm lao động không được thực hiện tốt thì có thể làm trì trệ, kìm hãm quá trình sản xuất.
Trong ba mặt quan hệ của quan hệ sản xuất đều có sự tác động qua lại lẫn nhau. Nhưng quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất là quan hệ giữ vai trò quyết định trong quan hệ sản xuất. Tuy nhiên, các mặt còn lại cũng có vai trò quan trọng trong quan hệ sản xuất, tác động đến sự kết hợp giữa các yếu tố sản xuất cũng như động lực của người lao động. Vì thế không thể xem nhẹ bất kỳ mặt nào trong quan hệ sản xuất.
Sự phát triển của các phương thức sản xuất (PTSX) trong lịch sử, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (PTSX TBCN) là phương thức sản xuất đã và đang tồn tại một cách hoàn chỉnh trong hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa. Còn phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa (PTSX XHCN), cộng sản chủ nghĩa thì đang trong thời kỳ đầu hình thành, đang trong thời kỳ quá độ của sự phát triển. PTSX XHCN hoàn thiện sẽ thay thế PTSX TBCN trong tương lai.
3. Sự tác động của quan hệ sản xuất với sự lực lượng sản xuất
Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất được thể hiện thành một quy luật cơ bản của sự vận động, phát triển xã hội loài người – quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong phương thức sản xuất.
– Thứ nhất: quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất tồn tại trong mối quan hệ thống nhất bao hàm khả năng chuyển hoá thành các mặt đối lập và phát sinh mâu thuẫn
Quan hệ sản xuất được xây dựng trên cơ sở trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, do lực lượng sản xuất quyết định. Lực lượng sản xuất càng phát triển thì sẽ luôn tạo ra khả năng phá vỡ mối quan hệ thống nhất giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Sự vận động của mâu thuẫn này là một quá trình đi từ sự thống nhất đến những sự khác biệt và đối lập từ đó làm xuất hiện nhu cầu khách quan phải được giải quyết theo nguyên tắc quan hệ sản xuất phải phù hợp với thực trạng phát triển của lực lượng sản xuất.
– Thứ hai: quan hệ sản xuất có tính độc lập tương đối so với lực lượng sản xuất và tác động trở lại sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Mục đích xã hội của nền sản xuất, hình thức tổ chức, quản lý sản xuất, khuynh hướng phát triển của các nhu cầu về lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần được quy định bởi quan hệ sản xuất. Từ đó, hệ thống những yếu tố tác động trở lại đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất được hình thành.
Như vậy có thể hiểu: Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất tồn tại trong mối quan hệ thống nhất và quy định lẫn nhau. Tương ứng với thực trạng phát triển nhất định của lực lượng sản xuất cũng phải có quan hệ sản xuất phù hợp với thực trạng phát triển của lực lượng sản xuất có trên cả 03 phương tiện cụ thể: Sở hữu tư liệu sản xuất, quản lý, tổ chức và phân phối. Điều đấy thể hiện ở chỗ nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ tạo địa bàn thuận lợi cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khi đó, quan hệ sản xuất sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Ngược lại, nếu quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì sẽ kìm hãm, cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Tác động theo chiều hướng tiêu cực của quan hệ sản xuất đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất chỉ mang ý nghĩa tương đối. Quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sớm muộn gì cũng được thay thế bằng một quan hệ sản xuất mới phù hợp hơn. Tóm lại, quan hệ sản xuất, với tư cách là hình thức kinh tế của quá trình sản xuất, nó luôn luôn có tác động trở lại lực lượng sản xuất, sự tác động này có thể diễn ra theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, điều đó phụ thuộc vào tính phù hợp hay không phù hợp của quan hệ sản xuất với thực trạng và nhu cầu khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Khuê, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác các bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!