Quan hệ pháp luật là gì ? Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự ?

Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được xác lập, tồn tại, phát triển hoặc chấm dứt trên cơ sở quy định của các quy phạm pháp luật. Vậy, Quan hệ pháp luật dân sự được hiểu như thế nào ? Đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự của Việt Nam là gì ? Bài viết phân tích và giải đáp cụ thể:

Như vậy, Quan hệ pháp luật là các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác nhau, những quan hệ xã hội này xác lập, phát triển, tồn tại hay chấm dứt dựa trên quy định của pháp luật, các bên tham gia vào quan hệ đó là những chủ thể có quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý phát sinh được pháp luật quy định và Nhà nước sẽ bảo đảm thực hiện.

1. Phân tích nội hàm khái niệm quan hệ pháp luật:

Các quan hệ xã hội – chính trị, kinh tế và các quan hệ xã hội khác được pháp luật điều chỉnh, không mất đi thuộc tính vốn có của mình nhưng các quan hệ đó có thêm một thuộc tính mới – tính pháp luật và trở thành quan hệ pháp luật. Thuộc tính ý chí, có ý thức của quan hệ pháp luật có thể được thừa nhận từ hai góc độ:

1) Quan hệ pháp luật hình thành, phát triển, chấm dứt trên cơ sở các quy phạm pháp luật – sản phẩm của hoạt động có ý thức, thể hiện ý chí của nhà làm luật;

2) Những mệnh lệnh mang tính Nhà nước và pháp luật chứa đựng trong lòng quan hệ pháp luật, các quyển và nghĩa vụ pháp lí thể hiện trong quan hệ pháp luật chỉ được thực hiện, trở thành hiện thực thông qua hoạt động có ý thức của con người. Quan hệ pháp luật là loại quan hệ phổ biến, chủ yếu trong mọi mặt hoạt động của Nhà nước, xã hội và đời sống của công dân. Quan hệ giữa công dân với Nhà nước, giữa các quốc gia với nhau là quan hệ pháp luật.

Quan hệ pháp luật rõ ràng, đầy đủ, tiến bộ, được xác lập, duy trì, bảo vệ một cách nghiêm minh, là cơ sở để duy trì ổn định xã hội, bảo đảm sự gắn bó chặt chẽ giữa công dân với nhà nước, giữa công dân với công dân, là điều kiện vật chất đảm bảo sự phát triển không ngừng về mọi mặt của quốc gia. Quan hệ pháp luật lỏng lẻo, lạc hậu so với cuộc sống là nguyên nhân dẫn đến việc buông lỏng quản lí xã hội của nhà nước và mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Hoàn thiện không ngừng quan hệ pháp luật là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước pháp quyền.

2. Quan hệ pháp luật dân sự là gì ?

Quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Trong hệ thống pháp luật, mỗi ngành luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội khác nhau. Quan hệ pháp luật dân sự là một dạng quan hệ pháp luật, vì vậy, nó mang đầy đủ đặc tính của quan hệ pháp luật về bản chất xã hội, bản chất pháp lí, tính cưỡng chế nhà nước…

Do tác động của các quy phạm pháp luật lên các quan hệ xã hội nên các bên tham gia vào các quan hệ đó có các quyền và nghĩa vụ pháp lí tương ứng. Các quyền, nghĩa vụ pháp lí này được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Sự tác động của các quy phạm pháp luật vào các quan hệ xã hội không làm mất đi tính xã hội của các quan hệ đó mà làm cho các quan hệ này mang một hình thức mới “quan hệ pháp luật”. Hậu quả của nó là các quyền và nghĩa vụ của các bên được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội mang tính chất ý chí – ý chí của Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật mà nội dung của chúng được xác định bằng các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội tôn tại trong xã hội đó vào thời diêm lịch sử nhất định. Ngoài ra, các quan hệ pháp luật còn mang ý chí của các chủ thể tham gia vào quan hệ đó. Ý chí của các chủ thể phải phù hợp với ý chí của Nhà nước và được thể hiện khác nhau ttong từng quan hệ cụ thể, từng giai đoạn của nó (phát sinh, thực hiện hoặc chấm dứt). Có thể chỉ thể hiện khi phát sinh, lúc thực hiện hay chấm dứt một quan hệ cụ thể, song ý chí của các chủ thể tham gia vào các quan hệ này phải phù hợp với ý chí của Nhà nước thể hiện qua các quy phạm pháp luật dân sự và các nguyên tắc chung của luật dân sự được quy định ữong BLDS.

3. Đặc điểm các quan hệ pháp luật dân sự ?

Ngoài các đặc điểm chung của quan hệ pháp luật, quan hệ pháp luật dân sự còn mang những đặc điểm riêng. Những đặc điểm riêng này xuất phát từ bản chất của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh và những đặc điểm của phương pháp điều chỉnh.

– Chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự đa dạng, bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Tuy nhiên khi tham gia vào quan hệ dân sự, các chủ thể độc lập với nhau về tổ chức và tài sản. Xuất phát từ các quan hệ mà luật dân sự điều chỉnh là những quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân – những quan hệ phát sinh trong đời sống thường nhật của các cá nhân cũng như trong các tập thể, trong tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho nên, cá nhân và tổ chức đều là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự:

Trong giao lưu dân sự, pháp nhân tham gia vào các quan hệ dân sự, các chủ thể này độc lập với nhau về tổ chức và tài sản, được quyền tự định đoạt khi tham gia vào các quan hệ nhưng buộc phải thực hiện các nghĩa vụ khi đã tham gia vào các quan hệ đó.

– Địa vị pháp lí của các chủ thể dựa trên cơ sở bình đẳng, không bị phụ thuộc vào các yếu tố xã hội khác. Mặc dù trong quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, các bên tham gia là các chủ thể đối lập nhau trong việc phân định quyền và nghĩa vụ: một bên mang quyền, một bên gánh chịu nghĩa vụ và thông thường, ữong quan hệ dân sự, các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối nhau. Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi sự bình đẳng mà nó chỉ hạn chế sự bình đẳng so với trước khi tham gia vào quan hệ dân sự. Khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ pháp luật dân sự, các bên không được áp đặt ý chí của mình để buộc bên kia thực hiện nghĩa vụ mà tạo điều kiện cho họ lựa chọn cách thức thực hiện các quyền và nghĩa vụ sao cho có lợi nhất cho các bên.

– Lợi ích (trước tiên là lợi ích kinh tể) là tiền đề trong phần lớn các quan hệ dân sự. Quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá – tiền tệ và được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các chủ thể thông qua các biện pháp pháp lí để thoả mãn các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Sự đền bù tương đương là đặc trưng của quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá – tiền tệ do luật dân sự điều chỉnh. Bởi vậy, bồi thường toàn bộ thiệt hại là đặc trưng của trách nhiệm dân sự. Quan hệ dân sự chủ yếu là quan hệ tài sản, do vậy, yếu tố tài sản là cơ sở, là tiền đề phát sinh quan hệ dân sự, cho nên bảo đảm bằng tài sản là đặc trưng để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của họ và bên có quyền có thể thông qua các biện pháp bảo đảm này để thoả mãn các quyền tài sản của mình.

– Các biện pháp cưỡng chế đa dạng không chỉ do pháp luật quy định mà có thể tự các bên quy định về các biện pháp cưỡng chế cụ thể và hình thức áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó. Nhưng đặc tính tài sản là đặc trưng cho các biện pháp cưỡng chế trong luật dân sự.

Mọi vướng mắc pháp lý về luật dân sự, thừa kế, quan hệ tài sản và các vấn đề khác liên quan … Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế trực tuyến.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật Minh Khuê (biên tập)