Quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh
Thứ ba, 22 Tháng 4 2014 15:37
3709 Lượt xem
(LLCT) – Trong quá trình phát triển, mỗi quốc gia luôn phải đối mặt và giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra, trong đó có nhận thức và giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Sinh thời, Hồ Chí Minh là người đã nêu tấm gương mẫu mực trong việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này.
Theo Hồ Chí Minh, truyền thống là những gì được hình thành trong quá trình lịch sử và có tính ổn định, bền vững tương đối. Truyền thống được hình thành từ lâu đời như: truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, cần cù, kiên cường chống giặc ngoại xâm… Cũng có thể là những giá trị mới được định hình nhưng đã khẳng định được tính ổn định, bền vững qua thực tiễn như: truyền thống anh dũng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân ta… Tuy nhiên, dù thời gian hình thành có khác nhau, truyền thống vẫn có điểm chung nhất đó là những giá trị tinh thần có ảnh hưởng quan trọng và chi phối mạnh mẽ trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
Điều đáng chú ý là khi đề cập về truyền thống, xuất phát từ vai trò, ảnh hưởng của chúng đối với đời sống thực tế, Hồ Chí Minh luôn có sự phân biệt rõ ràng giữa hai loại truyền thống. Đó là truyền thống tốt đẹp (Người còn gọi là truyền thống quý báu, truyền thống vẻ vang) và truyền thống lạc hậu. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”(1). Mặt khác, Người cũng chỉ rõ, trong những kẻ địch mà người cách mạng phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết phòng chống thì “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ”(2). Khái niệm truyền thống thường được Người sử dụng với ý nghĩa là những giá trị tích cực, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cần trân trọng gìn giữ và phát huy. Điều này xuất phát từ quan niệm có tính phương pháp luận của Người là lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực, lấy xây để chủ động chống.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, “hiện đại” là khái niệm thường gắn liền với những gì mới mẻ, tiến bộ, để đối lập với sự lạc hậu, với cái cũ. Khi xác định mục tiêu xây dựng một xã hội mới, Người thường nhấn mạnh tiêu chí có nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có trình độ khoa học – kỹ thuật phát triển, nền văn hoá tiên tiến.
Nhận thức và giải quyết đúng đắn quan hệ giữa truyền thống và hiện đại là sự thể hiện và khẳng định trí tuệ và cống hiến kiệt xuất của Người đối với lịch sử dân tộc và sự phát triển của tư tưởng nhân loại.
Việt Nam bị xâm chiếm và trở thành thuộc địa của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ XIX. Chủ quyền dân tộc bị mất, đất nước bị xoá tên và bị chia cắt, các phong trào yêu nước lần lượt bị dập tắt, đại bộ phận người dân sống trong cảnh cùng khổ, không có tương lai, con đường phát triển của dân tộc lâm vào bế tắc. Yêu cầu bức thiết nhất của lịch sử dân tộc lúc này là phải giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, khai thông con đường phát triển của đất nước. Như vậy, thực chất sự nghiệp cứu nước, cứu dân lúc này cũng chính là làm sao tìm ra, xây dựng một triết lý phát triển đúng đắn cho đất nước, dân tộc, trong đó không thể thiếu việc nhận thức và giải quyết quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.
Sự thất bại trong chủ trương cứu nước của các nhà cách mạng tiền bối ở Việt Nam, xét về một khía cạnh nhất định cũng xuất phát từ việc chưa nhận thức và giải quyết đúng đắn quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, không xác định được những truyền thống nào vẫn còn giá trị, không biết từ bỏ những truyền thống nào đã lỗi thời và cũng không chọn lọc đúng những giá trị tiến bộ để tiếp biến và phát triển.
Nhờ trân trọng kế thừa, gìn giữ, phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc – trước hết là chủ nghĩa yêu nước truyền thống – và tìm đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đưa ra cách giải quyết chính xác quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.
Theo Hồ Chí Minh, truyền thống và hiện đại không hoàn toàn ngăn cách, tách biệt nhau, mà chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Điều này được thể hiện tập trung ở mấy điểm cơ bản sau:
Thứ nhất,truyền thống là điểm xuất phát của hiện đại, hiện đại là sự tiếp nối của truyền thống ở một trình độ cao hơn. Những giá trị hiện đại chính là kết quả phát triển không ngừng của những giá trị truyền thống và có nguồn gốc từ những giá trị truyền thống, chứa đựng trong bản thân nó ít nhiều những giá trị truyền thống. Không có giá trị hiện đại nào mà hoàn toàn tách rời, thoát ly các giá trị truyền thống. Đó chính là sự phủ định biện chứng, phủ định mang tính kế thừa trong quá trình phát triển của thế giới sự vật, hiện tượng mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra. Đây cũng là điều mà Hồ Chí Minh đã thực hiện khi tìm đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin – bước ngoặt trọng đại trong sự phát triển tư tưởng của Người. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao học thuyết Mác – Lênin, coi đó là “cẩm nang thần kỳ”, là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”, là chân lý của thời đại. Nhưng Người không coi đó là học thuyết duy nhất có giá trị, không vì đó mà quên đi các giá trị truyền thống của dân tộc và nhân loại, mà tích hợp những điểm tinh túy nhất của các học thuyết, để vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, dân tộc. Người khẳng định: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”(3).
Xuất phát từ tinh thần trên, trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, Hồ Chí Minh đã trân trọng kế thừa chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, bổ sung và phát triển trong điều kiện lịch sử mới, nâng lên một trình độ mới cao hơn, tạo thành chủ nghĩa yêu nước mới – chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Cũng theo tinh thần trên, Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc để xây dựng thành tư tưởng chiến lược về đại đoàn kết và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, với những nguyên tắc và phương pháp khoa học. Người cũng kế thừa những khái niệm truyền thống của đạo đức Nho giáo như trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… và đưa vào đó những nội hàm mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng.
Thứ hai, loại bỏ những cái lạc hậu, không còn phù hợp, đồng thời cũng kế thừa, thâu nhận có chọn lọc những giá trị hiện đại. Như phép biện chứng mácxít đã chỉ ra, quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng thực chất là quá trình không ngừng thay thế cái cũ lạc hậu bằng cái mới tiến bộ. Trong truyền thống cũng vậy, có những yếu tố vẫn có giá trị tích cực, góp phần làm ổn định và phát triển xã hội hiện tại; nhưng cũng có những yếu tố đã lạc hậu, trở thành lực cản tiến trình phát triển của xã hội. Hồ Chí Minh đã lên án những thói quen, hủ tục lạc hậu trong việc ma chay, cưới xin, bệnh quan liêu hách dịch, tham lam, đố kỵ, hẹp hòi, thói gia trưởng, coi thường phụ nữ, v.v.. Người coi đây cũng là những kẻ địch, mỗi người cần phải cảnh giác phòng trừ, loại bỏ. Trong trường hợp này, những yếu tố truyền thống lạc hậu phải được thay thế bằng những giá trị mới, hiện đại hơn, văn minh hơn.
Sức mạnh của cái mới, của những giá trị hiện đại là tất yếu khách quan. Tuy nhiên, với Hồ Chí Minh, không phải trong bất cứ hoàn cảnh nào, cái mới, cái hiện đại cũng mang giá trị tích cực. Nói cách khác, cái mới, cái hiện đại phải phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi khu vực, mỗi quốc gia. Bài học của nhiều nước XHCN trong việc quá nhấn mạnh vai trò của quan hệ sản xuất mới XHCN đối với lực lượng sản xuất trong thế kỷ XX đã cho thấy rõ điều này. Chính với tầm nhìn vượt trước như vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thực hiện đời sống mới “không phải cái gì cũng làm mới”(4) và nhấn mạnh “Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”(5). Điều này cũng đồng thời có nghĩa là cái gì mới, hiện đại mà không hay thì cần phải tránh.
Với quan niệm như trên, khi lựa chọn mô hình phát triển tương lai của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã không chọn con đường của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp. Bởi lẽ Người nhận rõ đó là những cuộc “cách mệnh không đến nơi”, cách mạng rồi nhưng quyền không giao cho dân chúng số nhiều, mà nằm trong tay một số ít người. Từ sự phân tích sâu sắc thực tiễn, Hồ Chí Minh xác định rõ rằng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga mới xứng đáng là tấm gương cho dân tộc Việt Nam học tập noi theo. Bởi vì, đó là cuộc cách mạng đã thành công và thành công đến nơi, đã thực sự mang lại hạnh phúc, tự do, bình đẳng cho đại đa số người dân.
Thứ ba, truyền thống là cơ sở để tiếp thu hiện đại. Quá trình du nhập những giá trị hiện đại không thể thiếu cơ sở, tiền đề của sự phù hợp với các yếu tố truyền thống. Vai trò này được biểu hiện cụ thể ở hai khía cạnh: Một là các yếu tố nội tại tương thích với các giá trị hiện đại được du nhập vào, chẳng hạn như để có thể du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam thì phải có giai cấp công nhân và phong trào công nhân; Hai là thông qua truyền thống làm cầu nối, phương tiện để chuyển tải, du nhập các giá trị hiện đại, chẳng hạn như trường hợp của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo khi truyền bá vào Việt Nam đều phải thông qua lăng kính truyền thống của dân tộc là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và chủ nghĩa yêu nước truyền thống.
Hồ Chí Minh ý thức rất rõ điều này. Ngay từ đầu những năm 20 thế kỷ XX, trong khi nhiều nhà cách mạng của Quốc tế Cộng sản còn chưa hiểu nhiều về phong trào cách mạng Việt Nam và các nước châu Á, vẫn coi châu Âu là trung tâm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là nơi chủ nghĩa cộng sản phát triển mạnh mẽ, sẽ giành thắng lợi trước tiên trên toàn thế giới, Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đặt vấn đề “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Từ những luận cứ khoa học, Người khẳng định: “chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”. Bởi lẽ, Người đã phát hiện thấy những yếu tố truyền thống của Việt Nam và các nước phương Đông phù hợp với chủ nghĩa cộng sản. Đó là chế độ ruộng đất công, là tư tưởng đại đồng của Khổng Tử và tư tưởng trọng dân, thân dân của Mạnh Tử(6).
Khi truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng thường dùng cách diễn đạt giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với tâm lý và trình độ nhận thức của người dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét rất tinh tế: “kinh qua Hồ Chủ tịch, tinh hoa của thế giới đã Việt Nam hoá rồi, đã mượn hình dáng, bộ điệu ngôn ngữ Việt Nam, cho đến tinh thần Việt Nam nữa”(7).
Đặc biệt, trong lĩnh vực đạo đức, để truyền bá, đưa vào dân tộc những giá trị đạo đức mới – đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh thường sử dụng các mệnh đề, câu chữ trong kinh điển Nho giáo nhưng đã thay đổi nội hàm, bổ sung thêm các nội dung đạo đức mới để diễn đạt, khiến cho các giá trị mới này trở nên gần gũi, dễ hiểu và dễ chấp nhận đối với suy nghĩ của người dân. Chính vì vậy, Người đã thành công trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực đạo đức, cùng với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Thứ tư, cả truyền thống và hiện đại đều thống nhất chặt chẽ với nhau trong mục tiêu tạo lập sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, dân tộc. Nói đến “truyền thống” thường là nhấn mạnh đến cái tĩnh, cái ổn định và nói đến “hiện đại” là nhấn mạnh đến cái động, cái phát triển. Truyền thống góp phần quyết định tạo nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc, làm nên sức sống của dân tộc trước những thách thức. Hiện đại giúp dân tộc không ngừng tiếp thu những tri thức mới của nhân loại, để theo kịp bước tiến chung của nhân loại. Tuy nhiên, sự phân định về vai trò của truyền thống và hiện đại chỉ mang ý nghĩa tương đối. Bởi lẽ, trên thực tế, ổn định là để phát triển, chứ không phải để bảo thủ, đóng kín; phát triển đến lượt nó là để góp phần ổn định, chứ không phải phát triển bằng mọi giá, để rồi đến một lúc nào đó phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Đối với Hồ Chí Minh, sự phát triển ổn định nhất, bền vững nhất chính là sự phát triển dựa trên việc động viên đến mức cao nhất sự chung sức, chung lòng của toàn dân và sâu sắc hơn là nhằm đích phục vụ lợi ích của toàn dân. “Nước lấy dân làm gốc… Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” mang ý nghĩa sâu xa là như thế. Vì vậy, có thể gọi triết lý phát triển Hồ Chí Minh một cách rõ hơn là triết lý phát triển vì con người. Các giá trị truyền thống và hiện đại được Hồ Chí Minh chọn lựa, vận dụng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đều có chung một tiêu chí là phục vụ toàn dân, mang lại ích lợi cho toàn dân.
Như vậy, nhờ giải quyết đúng đắn quan hệ giữa truyền thống và hiện đại mà Hồ Chí Minh có thái độ ứng xử rất mực văn hoá đối với những tinh hoa của dân tộc và nhân loại, từ truyền thống đến hiện đại. Người không đoạn tuyệt với quá khứ mà biết chắt lọc trong đó những tinh hoa giá trị phục vụ cho sự nghiệp cách mạng hiện tại. Đồng thời, Người cũng kiên quyết không chấp nhận những gì nhân danh cái mới, cái hiện đại, đi ngược lại lợi ích của quần chúng nhân dân lao động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp cách mạng; mà biết chọn lọc, tiếp thu những cái mới phù hợp với đặc điểm cụ thể của đất nước, dân tộc. Qua đó, Người nêu một tấm gương mẫu mực về thái độ trân trọng những giá trị truyền thống, đồng thời vẫn không ngừng phấn đấu cho sự phát triển, tiến bộ của dân tộc và ở tầm cao hơn là nhân loại
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.171.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.287.
(3) Hồ Chí Minh truyện, bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, 6-1949, dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 43.
(4),(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.94, 95.
(6) Xem Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr.33-36.
(7) Phạm Văn Đồng: Hồ Chủ tịch lãnh tụ của chúng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.18.
TS Lý Việt Quang
Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh