Quân dân Thanh Hóa góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ
Đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa vận chuyển lương thực tiếp vận chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Những ngày tháng 5, rất nhiều các bạn trẻ tìm đến ngôi nhà cụ Hà Thị Dón ở bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa để tìm hiểu lịch sử. Cùng các thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông cơ sở xã Hồi Xuân, tôi được nghe những câu chuyện hết sức cảm động của những người con xứ Thanh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng khi nhắc tới Chiến dịch Điện Biên Phủ, giọng nói của cụ hồ hởi lạ thường. Theo như lời cụ kể lại, ngày ấy, vào khoảng đầu năm 1953, khi cụ ở mười tám, đôi mươi. Nhìn cha mỗi đêm hối hả cùng bà con trong làng gom thóc, xay giã, dần, sàng đóng gạo vào xe thồ vận chuyển lên chiến trường Điện Biên, lần lượt các anh em trong gia đình khoác ba lô ra trận, cụ cũng ao ước có ngày được cha đồng ý cho tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến. Ao ước ấy thành hiện thực. Ngày cụ nhập vào đoàn dân công của xã, cha đã chuẩn bị cho cụ 2 chiếc bồ nhỏ, mỗi chiếc có thể đựng được 10kg gạo, một túi ruột tượng đựng 5kg gạo để ăn dọc đường.
Theo đoàn dân công tải lương lên Điện Biên Phủ, cụ và đoàn phải đi nhiều đường khác nhau để tránh sự phát hiện của mật thám, máy bay địch. Từ chuyến đi đầu tiên đó, cụ không nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu chuyến và vận chuyển bao nhiêu tấn hàng hóa lên Điện Biên. “Ngày đó, những người cùng thế hệ như tôi đều tham gia dân công hỏa tuyến, riêng xã tôi có đến hàng nghìn người tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng nay hầu hết đã về với thế giới “người hiền”. Những ngày tháng đó là kỷ niệm hào hùng một thời son trẻ mà mình đã vinh dự được góp chút sức nhỏ bé vào chiến thắng lừng lẫy của cả dân tộc” – Cụ Dón cười đôn hậu.
Còn với ông Mai Thế Tất, ở xóm 10, xã Nga An, huyện Nga Sơn, nguyên là Đại đội phó Thanh niên xung phong, thuộc Đội 40 – Đoàn TNXP làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, dẫn đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: Ngày đó Đội 40 có 34 người đều quê ở Thanh Hóa. Mà không riêng gì đội ông mà các đội khác trong Đoàn đều rất đông người xứ Thanh. Làm trên mặt đường mỗi lần có đơn vị hành quân đi qua hoặc đoàn dân công thồ hàng ra mặt trận tin tức từ quê nhà luôn được cập nhật. Vì thế các phong trào thi đua giữa hậu phương và tiền tuyến của những người con Thanh Hóa luôn lan tỏa trên khắp các mặt trận.
Những người như cụ Dón, cụ Tất cùng hàng trăm nghìn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của quê hương xứ Thanh đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chân động địa cầu”. Lịch sử LLVT tỉnh Thanh Hóa ghi rõ: Trong chiến cục Ðông xuân 1953-1954, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Thanh Hóa đóng góp hơn 2,3 triệu ngày công sửa chữa 114km đường giao thông phục vụ tiền tuyến. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa huy động 11.000 xe thồ, 1.500 chiếc thuyền, 120 con ngựa thồ, 120.254 dân công dài hạn, 76.670 dân công ngắn hạn, vận chuyển 50% khối lượng lương thực, 40% khối lượng thực phẩm phục vụ chiến dịch và có 5,6 vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã bổ sung một tiểu đoàn, hai đại đội, hai trung đội và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu. Những tấm gương anh hùng, liệt sĩ như: Trần Ðức, Lê Công Khai, Trương Công Man, Tô Vĩnh Diện… và hàng nghìn dân công hỏa tuyến tỉnh Thanh Hóa ngã xuống trên các nẻo đường chiến dịch, hóa mình vào núi sông. Nhưng, những gì họ đã hiến cho non sông Tổ quốc là bản anh hùng ca bất tử tạc vào sử sách, trường tồn với thời gian và luôn vang mãi trong trái tim các thế hệ người dân quê hương xứ Thanh.
Sáu mươi hai năm đi qua nhưng kinh nghiệm về việc huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa phát huy, vận dụng hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nổi bật nhất trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình, phần việc ban đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã nhận được sự đồng tâm, đồng lòng của toàn dân. Nhờ vậy, đã có nhiều công trình lớn được xây dựng lên từ ý Đảng, lòng dân. Bộ mặt địa phương từng bước được khởi sắc, hiện nay Thanh Hóa đã có nhiều khu công nghiệp, nhiều công trình trọng điểm đi vào hoạt động. Trong những năm qua, các lĩnh vực như, văn hóa – xã hội luôn đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Quốc phòng – An ninh luôn ổn định tạo đà cho kinh tế phát triển, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân.
NGỌC THĂNG