Quan Hệ Pháp Luật Dân Sự Là Gì? Luật Hùng Sơn

Quan hệ pháp luật dân sự? Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được xác lập, tồn tại, phát triển hoặc là chấm dứt dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật. Cụ thể hơn, căn cứ vào đối tượng và phương pháp điều chỉnh, xuất hiện quan hệ pháp luật dân sự. Vậy quan hệ pháp luật dân sự là gì? Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp một số thông tin quan trọng sau đây để giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này cũng như các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật dân sự.

Quảng cáo

Quan hệ pháp luật dân sự là gì?

quan hệ pháp luật dân sự là gì
quan hệ pháp luật dân sự là gì

Trước hết, quan hệ pháp luật dân sự là một dạng của quan hệ pháp luật. Vì thế, quan hệ hệ pháp luật dân sự cũng mang đầy đủ các đặc tính của quan hệ pháp luật như:

  • Là quan hệ pháp luật xã hội được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh;
  • Mang tính ý chí;
  • Quyền, nghĩa vụ của những người tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự sẽ được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước;

Khái niệm của quan hệ pháp luật dân sự: Là những quan hệ xã hội phát sinh từ những lợi ích vật chất, lợi ích nhân thân được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh (quan hệ xã hội được phát sinh trong lĩnh vực dân sự, liên quan đến các yếu tố như thừa kế, hợp đồng, hôn nhân và gia đình…). Trong đó, các bên tham gia vào quan hệ này sẽ bình đẳng về mặt pháp lý. Đồng thời, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên cũng sẽ được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước.

Về việc phân loại các quan hệ pháp luật dân sự, có thể dựa vào các tiêu chí sau đây:

  • Căn cứ vào đối tượng:
    • Quan hệ tài sản;
    • Quan hệ nhân thân;
  • Căn cứ vào tính xác định về chủ thể:
    • Quan hệ tuyệt đối;
    • Quan hệ tương đối;
  • Căn cứ vào cách thức thực hiện quyền để thỏa mãn lợi ích của các chủ thể:
    • Quan hệ vật quyền;
    • Quan hệ trái quyền;
  • Căn cứ vào phạm vi quyền hoặc là phạm vi nghĩa vụ của các chủ thể:
    • Quan hệ đơn giản;
    • Quan hệ phức tạp;

Xem thêm: Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính

Đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự

Thứ nhất: Quan hệ pháp luật dân sự có thể tồn tại ngay cả khi không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh. Đây cũng là một đặc điểm riêng biệt giúp phân biệt quan hệ pháp luật dân sự với các quan hệ pháp luật khác.

Thứ hai: Các chủ thể tham gia đều có địa vị pháp lý bình đẳng:

  • Sự bình đẳng trước hết thể hiện ở khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự: Pháp luật dân sự quy định mọi chủ thể đều có quyền tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự theo các điều kiện cụ thể.
  • Bình đẳng thể hiện trong việc được hưởng các quyền và nghĩa vụ dân sự. Các quyền và nghĩa vụ này được phát sinh từ các quan hệ dân sự mà các chủ thể tham gia vào.
  • Bình đẳng còn được thể hiện trong việc chịu trách nhiệm dân sự do hành vi vi phạm nghĩa vụ: Mọi chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, trong những điều kiện được pháp luật dự liệu thì sẽ được đối xử bình đẳng.

Thứ ba: Quan hệ pháp luật dân sự rất đa dạng về chủ thể, khách thể và phương pháp bảo vệ:

  • Chủ thể: Đa dạng nhất trong các quan hệ pháp luật khác, gồm có cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, nhà nước;
  • Khách thể: Tài sản, hành vi, lợi ích nhân thân hoặc là kết quả của hoạt động sáng tạo tinh thần;
  • Biện pháp bảo vệ: Tất cả các quyền dân sự đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, cho phép chủ thể tự dự liệu và đưa ra biện pháp bảo vệ miễn phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội.

Yếu tố cấu thành quan hệ luật dân sự

Vì là một dạng của quan hệ pháp luật nên quan hệ pháp luật dân sự cũng có chủ thể, khách thể và nội dung cấu thành.

Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là những người tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, có cả quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật dân sự đó.

hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự
hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

Chủ thể bao gồm:

Quảng cáo

  • Cá nhân: Công dân Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch.
  • Pháp nhân: Có pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại;
  • Hộ gia đình
  • Tổ hợp tác
  • Nhà nước CHXHCN Việt Nam: Chủ thể đặc biệt.

Mọi chủ thể đều có quyền tham gia vào quan hệ pháp luật khi có nhu cầu để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần của chủ thể đó.

Điều kiện để trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự:

  • Có năng lực pháp luật dân sự: Là khả năng của chủ thể có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định (điều kiện cần);
  • Có năng lực hành vi dân sự: là khả năng chủ chủ thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (điều kiện đủ).

Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự

Khái quát nhất, chính nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh quan hệ pháp luật dân sự được xác định là khách thể của quan hệ pháp luật dân sự.

Có những nhóm khách thể sau:

  • Tài sản là khách thể trong quan hệ pháp luật dân sự về quyền sở hữu: vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản;
  • Hành vi là khách thể trong quan hệ pháp luật dân sự về nghĩa vụ hợp đồng: là cái mà các chủ thể đều hướng tới.
  • Các giá trị nhân thân: là lợi ích phi vật chất gắn liền và không thể tách rời với chủ thể nhất định như nhân phẩm, danh dự, hình ảnh…
  • Kết quả của các hoạt động tinh thần sáng tạo: các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học – kĩ thuật; sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.

Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự

Là sự tổng hợp các quyền dân sự và cả nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể.

Về quyền dân sự:

  • Là cách xử sự được phép của người có quyền năng;
  • Quyền dân sự của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự khác nhau thì sẽ có nội dung khác nhau;
  • Các chủ thể có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình trong khuôn khổ pháp luật quy định. Thông qua các hành vi của mình nhằm thỏa mãn quyền của mình hoặc là có quyền yêu cầu người khác thực hiện hành vi nhất định (chuyển giao tài sản, trả tiền…). Ngoài ra, chủ sở hữu cũng có thể thực hiện quyền của mình thông qua người khác, được gọi là ủy quyền.
  • Và khi quyền dân sự bị vi phạm, chủ thể có thể sử dụng biện pháp để bảo vệ như tự mình bảo vệ hoặc yêu cầu pháp luật bảo vệ.

Về nghĩa vụ dân sự:

  • Là cách xử sự bắt buộc của người có nghĩa vụ đối với người có quyền;
  • Là việc mà theo quy định pháp luật, một hoặc nhiều chủ thể phải làm một công việc hoặc là không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể có quyền;
  • Nếu người có nghĩa vụ dân sự không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ một cách tự nguyện thì sẽ bị buộc phải thực hiện đúng nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, nếu gây ra thiệt hại thì sẽ phải bồi thường thiệt hại có xảy ra.

Ví dụ về quan hệ pháp luật dân sự

Với những thông tin cơ bản trên đây hẳn đã giúp bạn hiểu hơn quan hệ pháp luật dân sự là gì. Ngoài ra, Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp thêm ví dụ về quan hệ pháp luật dân sự để bạn có thể nắm vững về vấn đề này:

A ký hợp đồng với B, nội dung hợp đồng là A sẽ cho B thuê nhà với giá 10.000.000 đồng/tháng. Mỗi tháng đến ngày 5 A sẽ đến và thu tiền nhà từ B. Thời hạn hợp đồng thuê nhà là 3 năm tính từ ngày 1/5/2020.

  • Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự: A (bên cho thuê), B (bên thuê);
  • Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự: ngôi nhà cho thuê;
  • Nội dung quan hệ pháp luật dân sự:
    • Quyền của bên cho thuê nhà (A): A có quyền yêu cầu B trả tiền thuê nhà; A có quyền yêu cầu B trả lại nhà đã thuê (khi hết hạn hợp đồng);
    • Nghĩa vụ của bên cho thuê nhà (A): A có nghĩa vụ phải giao nhà; A phải bảo đảm giá trị sử dụng của ngôi nhà cho thuê; và A phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê là B;
    • Quyền của bên thuê nhà (B): có quyền cho thuê lại nhà nếu được bên cho thuê đồng ý;
    • Nghĩa vụ của bên thuê nhà (B): B có nghĩa vụ trả tiền thuê nhà; phải bảo quản tài sản cho thuê là ngôi nhà; sử dụng tài sản thuê đúng với mục đích, công dụng; trả lại ngôi nhà khi hết hạn hợp đồng;

Hy vọng với những thông tin chúng tôi cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ quan hệ pháp luật dân sự là gì? Nếu có bất cứ thắc mắc gì hãy để lại bình luận để Luật Hùng Sơn giải đáp chi tiết và cụ thể nhất nhé.

5/5 – (1 bình chọn)