Quá Trình Nuôi Ếch Thịt
1. Nuôi ếch trong bể xi măng
– Mật độ nuôi: 80 con -> 100 con/m2
– Hồ xây cao khoảng 90cm.
– Diện tích khoảng 15m2 đến 20m2 là vừa, xây lớn quá khó thay nước. Hồ có chiều ngang 3m chiều dài 5m hoăc 7m. Độ nghiêng đầu này với đầu kia là 2cm. Có người hỏi tôi tại sao độ nghiêng nhỏ quá? với độ nghiêng này chúng ta mới nuôi được 100 con/m2, làm độ nghiêng cao hơn thì một đầu nước ngập nửa thân ếch thì đầu kia ếch bị hụt chân sẽ bơi lên chỗ cạn hơn nên diện tích sử dụng thì mất đi thì làm sao nuôi mật độ cao được. Đó là độ nghiêng của chiều dài còn chiều ngang ta làm nghiêng vào giữa hồ khoảng 1cm. Giữa hồ vét một rảnh theo chiều dài của hồ để đặt ống thoát nước bằng chiều dài của hồ, rảnh này khi đặt ống thoát vào thì ống thoát phải ngập tức mặt trên ống thấp hơn đáy hồ 1cm, trêm ống dùng mũi khoan 1cm khoan nhiều lổ để ếch có nằm trên lổ này thì còn lổ khác thoát nước. Làm thoát nước kiểu này tốn thêm ống nước nhưng hiệu quả thoát nước thì tuyệt vời. Còn tiết kiệm làm một lổ cuối hồ thì khi sổ nước ếch tụ lại thì nước không chảy được.
– Mô hình này có nhượt điểm là:
+ Chi phí xây hồ cao,
+ Độ thông thoáng thấp
+ Tỉ lệ tiêu tốn thức ăn cao khoảng 1.5 kg thức ăn được 1kg ếch thịt.
+ Ếch hay bị trầy da
+ Ếch chậm lớn hơn nuôi trong vèo, nuôi khoảng 3 tháng mới đạt trọng lượng 5 con/kg
– Tôi cải tiến lại mô hình nay như hình bên dưới:
– Chúng ta chỉ cần xây hai lớp gạch rồi trải bạt lên, hồ ngang 3m dài 5m thì dùng bạt ngang 4m dài 6m ta cuốn bạt lên xung quanh 40cm tính từ đáy hồ để chiều tối ếch không nhảy tìm đường thoát ra ngoài. từ mép bạt lên trên 50 cm ta dùng lưới mịn ( loại người ta dùng để trồng rau sạch ) quay xung quanh. Làm như vậy thì rẻ tiền hơn, độ thông thoáng cao hơn hồ ở trên, ếch không bị trầy da. nhượt điểm lài bạt và lưới thì dùng khoảng 2 năm sẽ hư.
– Nâng mức nước lên bằng hai viên gạch, bên trong bỏ đệm lót cho ếch leo lên ăn uống và nghỉ ngơi. Nuôi mô hình này thì rút ngắn thời gian nuôi còn 2 tháng đạt 5 con/kg, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn 1.2kg được 1kg ếch thịt
2. Nuôi Ếch Trong Vèo (Tráng):
– Đây là mô hình nuôi mang lại hiệu quả cao nhất hiện nay, vì ta nuôi thêm được cá trê, rô phi, rô đồng .v.v mà không cần cho cá ăn, cá sẽ ăn thức ăn dư thừa và da ếch.
– Một số nơi người ta đóng vĩ tre bỏ vào trong vèo cho ếch nằm thì có nhượt điểm là lâu ngày vĩ tre ngấm nước khi thu hoạch phải lấy vĩ tre ra rất nặng nhọc, nhượt điểm nữa là mật độ nuôi thấp. Tôi khắc phục những nhượt điểm này bằng cách thay vĩ tre bằng đệm lót cao su. Đệm lót cao su đặt dưới đáy vèo nên nuôi mật độ như trên hồ lót bạt.
– Ưu điểm của mô hình này là:
+ Không mất công thay nước hàng ngày nên tiết kiệm tiền điện.
+ Một công có thể nuôi 100,000 con, vì ta chỉ cho ăn thôi.
+ Ếch lớn nhanh, ít bệnh, tỉ lệ tiêu tốn cho 1kg ếch thịt là 1.2kg thức ăn.
+ Nuôi thêm cá nên hiệu quả kinh tế cao.
+ Vèo thì rẻ tiền hơn xây hồ rất nhiều.
– Nhượt Điểm là chỉ nuôi được ở những vùng có ao hồ nước ra vào, sông lớn.
3. Các Mô Hình Khác:
– Ngoài hai mô hình trên còn có mô hình nuôi ếch trong ao đất, nuôi trong chai nhựa, nuôi trong vỏ xe, nuôi trong thùng xốp. Những mô hình này để nuôi chơi chứ không triển khai qui mô được nên tôi không trình bài chi tiết. Nếu bà con muốn biết thì gọi điện tôi sẽ tư vấn.
II. Bệnh Ếch Và Biện Pháp Phòng Trừ:
– Trong phần này tôi chỉ nói về cách phòng và trị bệnh, còn nguyên nhân thì từ yếu tố môi trường là chính. Nước dơ, nuôi mật độ quá cao, thức ăn ôi thiu là những tác nhân tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh cho ếch.
– Biện pháp phòng bệnh chung là khắc phục những điều tôi vừa nói ở trên, ngoài ra trong quá trình nuôi ta bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho ếch thì ếch ít bị bệnh tật. Sau đây là một số bệnh thường gặp.
1. Bệnh Gan Thận Mủ:
– Khi ếch bị chết, mổ bụng thấy gan, thận ếch có những đốm trắng nhỏ như mụn mủ. Bệnh này thường xảy ra đối với ếch từ một tháng tuổi trở lên. Bệnh này có thể gây chết 90% ếch trong đàn. Bệnh gan thận mủ hiện nay xuất hiên trên tôm, cá tra rất phổ biến. Nuôi ếch bằng nước giếng thì ít bị bệnh này, nuôi bằng nước sông gần khu trồng lúa, hoa màu thì xuất hiện bệnh này nhiều hơn có thể do tồn dư hóa từ đồng ruộng làm hại gan, thận. Nguyên nhân thứ hai là từ thức ăn công nghiệp, trong thức ăn có chứa chất tăng trọng, chất bảo quản.
– Bệnh này chỉ xuất hiện trên ếch từ 3 tháng tuổi trở lên.
– Thuốc dùng chữa bệnh này bà con nên mua thuốc có thành phần chính là Flophenicol, các thuốc khác con vi khuẩn đã kháng thuốc trị không hiệu quả.
– Phương pháp chữa bệnh là làm ẩm thức ăn rồi trộn thuốc vào để khô lại rồi cho ếch ăn nếu trường hợp ếch còn ăn mạnh. Trường hợp ếch không ăn thì hòa tan thuốc rồi ngâm ếch vào trong nước đó, chữa bằng cách này thì tốn thuốc rất nhiều mà hiệu quả cũng không cao lắm. Liều dùng thì bà con dùng gấp 1.5 lần theo hướng dẫn của nhà cung cấp, thời gian trị khoảng 7 ngày. Khi kết thúc thời gian trị bệnh thì trộn VitaminC và men tiêu hóa để ếch phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
– Để ngăn ngừa bệnh thì trộn thuốc giải độc gan cho ăn định kỳ cứ 10 ngày thì cho ăn 2 ngày, lưu ý khi còn 15 ngày xuất bán thì không nên dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
2. Hội chứng Bệnh Viêm ruột, mù mắt một bên, quẹo cổ:
– Những triệu chứng này có thể xuất hiện cùng một lúc hoặc riêng lẻ, bệnh xuất hiện
do môi trường bất lợi như gặp sương muối, trời nắng nhiều ngày rồi mưa lại, bệnh xảy ra nhiều lúc đầu mùa đến khoảng tháng 7 thì giảm dần. bệnh này cũng lây lan rất nhanh và hao hụt nhiều và xảy ra trên mọi lứa tuổi.
– Trị Bệnh này bà con dùng thuốc Ampicilline, hoặc thuốc M1 của thái lan để trị, liều dùng cũng tăng 1.5 lầ, dùng liên tục 7 ngày. Khi kết thúc điều trị thì cũng trộn Vitamin C và Men tiêu hóa như trên.
3. Bệnh Sình Bụng:
– Bệnh này xuất hiện trên cả nòng nọc và ếch ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân là do thức ăn ôi thiu, nước dơ.
– Phòng bệnh này bà con trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho nòng nọc, ếch ăn theo định kỳ cứ 2 ngày 3 ngày cho ăn một lần.
4. Bệnh Đỏ Chân:
– Bệnh này chỉ xuất hiện trên ếch và ở mọi lứa tuổi còn nòng nọc chưa có chân nên không bị. Bệnh xuất hiện khi thời tiết không thuận lợi, nước dơ.
– Trị bệnh này cũng dùng Ampicilline hoặc thuốc Gentacin của thái, liều dùng cũng giống như các bệnh ở trên.
5. Bệnh Ghẻ Lở:
– Ếch hay cắn nhau làm trầy da sinh ghẻ.
– Phòng hiện tượng này thì nuôi mật độ hợp lý, cho ăn đủ và cho ăn nhiều lần trong ngày.
– Trị bệnh thì ngâm ếch trong thuốc sát trùng như Iodine, BKC v.v. cũng có thể dùng thêm Ampicilline cho ếch ăn sẽ nhanh lành vết thương hơn.
Trên đây là những bệnh thường gặp mà tôi biết, kể ra thì thấy sợ nhưng nếu trong quá trình nuôi chúng ta đảm bảo nguồn nước sạch, thức ăn không bị ôi thiu, mốc, độ đạm phù hợp với từng lứa tuổi thì hầu như ếch không bị bệnh và rất nhanh lớn. Để giảm được những bệnh tật ở trên mời bà con xem phần nuôi ếch không thay nước.
Xin chúc bà con nuôi ếch thành công !