QUY TRÌNH NUÔI
QUY TRÌNH NUÔI ẾCH THƯƠNG PHẨM
1. Chọn địa điểm nuôi
– Nơi nuôi nên xa đường lộ xe vì ếch thích sống nơi yên tĩnh
– Nơi có nguồn nước tốt
– Nơi nuôi không bị ngập nước vào mùa mưa.
2. Thả giống:
Trước khi thả giống 1 ngày cần xử lý nước và diệt khuẩn vèo nuôi bằng BKC hoặc Glutaraldehyde hoặc Iodine theo liều hướng dẫn.
Chọn giống ếch cùng lứa tuổi và đồng đều để tránh ếch ăn lẫn nhau
Cỡ giống: 100-200 con/kg
Mật độ 200-250 con/m2
Nên thả ếch vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát
Sau khi thả ếch nên xử lý Iodine để hạn chế nhiễm khuẩn do xay xát, sáng hôm sau xử lý Glutaldehyde để diệt khuẩn nước ao.
Khi thả xong buổi chiều có thể cho ếch ăn 1 ít (10-15kg thức ăn cho 100.000 con giống) để hạn chế ếch bị đói sẽ cắn nhau
Ảnh minh họa về con giống và chọn khu vực nuôi
Ảnh minh họa về con giống và chọn khu vực nuôi
3. Quản lý và cho ăn:
Lưu ý: Mỗi lần thay đổi kích cỡ thức ăn nên cho ếch ăn thức ăn cũ và mới chung với nhau 2 ngày để ếch quen với thức ăn mới.
Cho ăn 2 lần /ngày vào sáng sớm và chiều mát.
Tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và tốc độ phát triển của ếch thì có thể thu hoạch khi ếch được 45 ngày tuổi trở lên.
3. Phòng bệnh cho ếch:
Đề phòng tỷ lệ chết cao, phải theo dõi ếch liên tục để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh khi nuôi:
– Chọn ếch giống cùng cỡ do ếch con rất háo ăn, nếu để đói dễ ăn thịt lẫn nhau nhất là những con nhỏ hơn, giai đoạn này tỷ lệ chết tương đối cao.
– Phải quét dọn thức ăn rơi rãi thường xuyên vì nếu thức ăn rơi rãi trong hồ nhiều sẽ làm nước thối, sinh bệnh, ếch dễ bị ghẻ lở, mù mắt, vẹo cổ, …
– Trong thời gian nuôi, nếu phát hiện trong bể có ếch bệnh, ốm yếu, bỏ ăn nên tách ra nuôi riêng, điều trị khỏi mới thả lại xuống bể nuôi.
– Trong thời gian nuôi nếu không thật cần thiết không nên vào quấy rầy ếch sẽ làm ếch giật mình, ếch có thể bỏ ăn.
– Mỗi lần thay đổi thức ăn nên cho ếch ăn chung với thức ăn cũ rồi từ từ bớt dần để thay mới hoàn toàn.
– Khi nhiệt độ thấp dưới 25oC ếch sẽ giảm ăn, nhưng nếu khi tiết trời nóng bức ếch cũng sẽ giảm ăn và trú nóng. Nuôi ếch thịt nên tránh nuôi những tháng lạnh và nếu nuôi những tháng nóng nên tạo môi trường mát mẻ cho ếch mới có hiệu quả cao.
– Nhiệt độ thấp, việc tiêu hóa thức ăn giảm, nếu cho ếch ăn nhiều sẽ làm cho ếch bị sình bụng. Chỉ được cho ếch ăn sau khi thay nước, cấm tuyệt đối cho ếch ăn trước khi thay nước vì môi trường nước dơ dễ làm ếch bị nhiễm bệnh.
– Cho ếch ăn 2 lần/ngày lúc 7 – 8 giờ sáng và từ 5 – 6 giờ chiều, phần ăn buổi chiều nhiều gấp 2 lần phần ăn buổi sáng, nên cho ăn đúng giờ vì khi ếch đói dễ cắn nhau, khi cho ăn rải đều thức ăn và giữ cho bệ ăn khô ráo, ở giai đoạn ếch non nên cho ăn ngày 3 lần sau đó giảm còn 2 lần/ngày.
– Ếch thải chất thải nhiều nên dễ làm dơ nước, cần thay nước ngay khi môi trường nước nuôi xấu, gây mùi hôi, những ngày oi bức nước xấu đi rất nhanh. Khi thay nước tháo bỏ hết nước cũ, xịt nhẹ nước từ đầu vào các góc hồ để tống đẩy các chất cặn bã tập trung ra lỗ xả, trường hợp phải vào hồ cọ rửa nên dùng thanh gỗ dài có gắn bàn chải để làm và cho nước vào từ từ. Những thao tác này nên nhẹ nhàng tránh gây tiếng động lớn làm ếch hoảng sợ, phóng nhảy bị trượt ngã, bỏ ăn hoặc vỡ bụng chết.
– Mỗi ngày kiểm tra thấy ếch chết dùng vợt vớt bỏ đi, nếu ếch chết nhiều có dấu hiệu bị nhiễm bệnh nên cách ly những con bị bệnh để xử lý, xác định bệnh chữa trị.
– Nuôi ếch thịt phải nuôi đồng cỡ để tránh ăn lẫn nhau.
– Nên thường xuyên phân cỡ ếch nuôi, chuyển ếch đồng cỡ nuôi chung hồ để phòng ếch ăn thịt lẫn nhau, có thể làm việc này trong lúc thay nước, dùng vợt lưới vớt bắt nhẹ nhàng. Việc kiểm tra vừa phòng chống bệnh, vừa tách ếch bị bệnh ra nuôi riêng để tiện cho việc điều trị, cứ sau 2-3 tuần nên tuyển chọn những con ếch lớn vượt trội ra nuôi riêng, mặt khác kiểm tra mật độ của ếch đang nuôi để điều chỉnh kịp thời, nhằm đạt hiệu quả nuôi.
– Trong quá trình nuôi ếch nên có sự ghi chép các diễn biến: ngày thả giống, số lượng ếch của từng vèo, số lượng ếch chết, lượng thức ăn ếch dùng trong ngày, số lượng ếch thu hoạch, kích cỡ ếch khi thu hoạch, ngày thu hoạch, … ghi chép như vậy để đánh giá hiệu quả sản xuất và dùng các số liệu này để tính toán tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, với kết qủa này sẽ rút kinh nghiệm để các đợt nuôi sau thành công hơn.
FCR = Số lượng thức ăn dùng (kg) / Trọng lượng ếch thu hoạch (kg)
– Ngoài ra cũng cần ghi chép các chi phí: tiền thức ăn, điều trị bệnh, dinh dưỡng bổ sung, thuốc kích dục tạo trứng, … để tính giá thành trong sản xuất và lợi nhuận trong mỗi đợt nuôi.
4. Một số bệnh thường gặp trên ếch:
a. Bệnh trương bụng:
Nguyên nhân: do ếch ăn quá nhiều hoặc thức ăn hỏng nên không tiêu hóa được, môi trường nước dơ.
Triệu chứng: Bụng ếch trương phòng lên, ếch nằm yên một chỗ, một số con có hiện tượng hậu môn bị lồi ra, ruột sưng lên trong ruột có dịch lỏng và lẫn 1 ít thức ăn
ếch bị trương bụng
ếch bị trương bụng
Cách điều trị và phòng bệnh:
– Giảm lượng thức ăn
– Vệ sinh môi trường nước
– Cho ếch ăn Cotrim và men tiêu hóa thức ăn
– Phòng bệnh bằng cách trộn men tiêu hóa định kỳ 2-3 lần/ tuần và thay nước ao thường xuyên để nước được sạch.
a. Bệnh đỏ chân đỏ đùi:
Triệu chứng:
– Ếch giảm ăn, di chuyển chậm
– Chân xuất hiện những đốm đỏ và sưng biểu hiện rõ nhất là ở đùi có tụ huyết
– Quan sát nội tạng thấy xuất huyết trong ổ bụng
Bệnh đỏ chân đỏ mùi
Bệnh đỏ chân đỏ mùi
Nguyên nhân: Nhiễm khuẩn Aeromonas hydrophila
Phòng và trị bệnh: Dùng kháng sinh thuộc nhóm quinolone hoặc Doxy liên tục 5-7 ngày. Xử lý nước ao và ếch bằng Iodine
a. Một số hiện tượng bệnh mắt mù, cổ quẹo và quay cuồng
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas. sp gây ra, do môi trường nước bị dơ hoặc nguồn gốc từ các loài chim cò.
Hiện tượng: Mắt trắng, bị đục mù, viêm sưng vùng mắt, có mủ ở mí mắt, có hiện tượng về thần kinh, thường nằm ngửa bụng thể hiện tình trạng quay cuồng, cổ quẹo. Nếu ếch mù một mắt sẽ có khả năng chữa khỏi, nếu 2 mắt ếch đều mù, cổ quẹo không ăn được hãy bắt ra ngay vì không thể chữa được nữa, ếch sẽ chết.
Trị bệnh: Xử lý nước bằng Iodine, Glutaraldehyde, tắm ếch bằng Oxytetra
Sử dụng kháng sinh 3-5 ngày thuộc các nhóm: Doxy, Flophenicol, Rifamicin, Levofloxacin
Sau khi dùng kháng sinh xong thì nên bồi dưỡng gan thận và bổ sung thêm men tiêu hóa
d. Bệnh giun sán
Nguyên nhân: Do các loại sán lá, trùng lông gây ra
Hiện tượng: Ếch chậm lớn, ăn yếu.
Cách chữa trị: Nếu ếch bị đơn nhiễm ký sinh trùng: giảm 50% lượng thức ăn và dùng thuốc xổ thuộc nhóm Fenbendazole, Levamisol, Praziquatel xổ 2 ngày liên tục sau đó cho ăn bồi dưỡng gan lại
Trường hợp có kèm theo bệnh thì 2 ngày đầu kết họp vừa xổ ký sinh trùng và kết hợp với dùng kháng sinh, sau 2 ngày thì chỉ dùng kháng sinh thêm 2 ngày để trị bệnh cho hết sau đó ăn bồi dưỡng gan lại để giải độc gan
e. Bệnh viêm gan, gan có mủ
Nguyên nhân: Ếch bị nhiễm khuẩn từ môi trường nước dơ hay các động vật gây bệnh trung gian.
Hiện tượng: Ếch mắc bệnh thường bỏ ăn, ít hoạt động, gầy đi rất nhanh. Gan ếch sưng to, tái nhợt, có chấm vàng.
Trị bệnh: Dùng kháng sinh nhóm Doxy kết hợp với Quinolon (Levo, Enro) trong 3-4 ngày kết hợp với xử lý nước bằng Iodine, Glutaldehyde, thuốc tím, đồng sulfat
Lưu ý: định kỳ xỗ nội ký sinh cho ếch 15-20 ngày 1 lần và tránh lạm dụng kháng sinh để phòng bệnh vì khi phòng bệnh bằng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khi ếch bị bệnh thì việc sử dụng kháng sinh sẽ kém hiệu quả.
Chúc bà con trúng mùa được giá!!!!