QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ VẬT TƯ Y TẾ

Mục Lục

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ VẬT TƯ Y TẾ

Để thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân theo phương châm công bằng và hiệu quả, cần sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài chính y tế. Tạo kinh phí cho hoạt động y tế từ nhiều nguồn khác nhau được coi là một phần quan trọng trong quản lý tài chính y tế quốc gia. Cùng với quản lý tài chính, quản lý vật tư tài sản cũng là một dung cơ bản trong quản lý y tế, vì quản lý tốt công tác này sẽ làm cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe đạt được hiệu quả cao. 

Các khái niệm cơ bản

Khái niệm tài chính và tài chính y tế

Tài chính là một hệ thống các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối và sử dụng dưới hình thức giá trị nguồn của cải vật chất xã hội, thông qua đó các quỹ tiền tệ tập trung và không tập trung được hình thành và sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu về tái sản xuất và thoả mãn nhu cầu đời sống của các cá nhân và cộng đồng.

Tài chính y tế là một bộ phận của hệ thống tài chính quốc gia hoạt động trong lĩnh vực y tế.

Khái niệm vật tư, trang thiết bị y tế

Vật tư y tế là những phương tiện kỹ thuật hay vật liệu được sử dụng một cách trực tiếp hay gián tiếp cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Có hai loại vật tư y tế: vật tư kỹ thuật và vật tư thông dụng.

Vật tư kỹ thuật là những phương tiện kỹ thuật giúp cho người thầy thuốc phát triển kỹ thuật nâng cao chất lượng trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học của mình, như các loại máy móc xét nghiệm và chẩn đoán (XN máu, siêu âm, x-quang, điện tim, v.v… ) hay những máy phục vụ điều trị, như máy điện châm, máy chạy tia xạ, máy hút, …). Nhiều loại vật tư kỹ thuật phải nhập từ nước ngoài nên thường quý hiếm và đắt, cần phải có kế hoạch quản lý tốt để khỏi mất mát hư hỏng.

Vật tư thông dụng là những vật tư nhiều ngành kinh tế kỹ thuật dùng đến như vải, gỗ, xi măng, sắt, thép, hay các nhiên liệu như xăng, dầu hoả hoặc các vật tư chuyên dụng như bông băng, cồn, gạc… Các loại vật tư này hoặc nhập hoặc sản xuất trong nước.

Trang thiết bị y tế được dùng để chỉ tất cả các dụng cụ, thiết bị kỹ thuật, phương tiện vận chuyển, vật tư chuyên dụng và thông dụng phục vụ cho các hoạt động phòng bệnh, chẩn đoán và chữa bệnh của ngành y tế.

Khái niệm quản lý tài chính và vật tư y tế

Quản lý tài chính vật tư y tế là việc sử dụng các phương pháp quản lý tài chính và vật tư y tế phù hợp, khoa học để phục vụ hiệu quả cho các hoạt động cần thiết của các cơ sở y tế theo đúng pháp luật và đúng các nguyên tắc của Nhà nước đã quy định. 

Hệ thống và cơ chế hoạt động của hệ thống tài chính y tế Việt Nam

Cơ chế hoạt động của hệ thống tài chính y tế

Hệ thống tài chính y tế gồm có 4 phần cơ bản: Người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, người thanh toán trung gian và Chính phủ giữ vai trò hạt nhân của hệ thống.

Hình 11.1. Sơ đồ hệ thống và cơ chế hoạt động của hệ thống tài chính y tế

Chính phủ: Chính phủ giữ vai trò ban hành luật pháp, giám sát và điều hành tài chính giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ thông qua chính sách, nội dung chi của ngân sách quốc gia và các quy định về kiểm soát hoạt động chu chuyển và thanh toán tiền tệ trong hệ thống tài chính y tế. Chính phủ cũng có thể điều chỉnh cơ chế hoạt động của hệ thống tài chính y tế trong những trường hợp cần thiết.

Người cung cấp dịch vụ y tế:Người cung cấp dịch vụ y tế giữ vai trò đảm bảo các dịch vụ y tế cho nhân dân và nhận tiền từ người sử dụng dịch vụ hay người thanh toán trung gian.

Người sử dụng dịch vụ y tế:Người sử dụng dịch vụ y tế giữ vai trò nhận (hưởng) các dịch vụ và thanh toán trực tiếp hoặc gián tiếp cho người cung cấp dịch vụ y tế. Người sử dụng dịch vụ y tế có thể thanh toán một phần hoặc toàn bộ giá thành của các dịch vụ, phần còn lại có thể do Chính phủ, người thanh toán trung gian hoặc một quỹ nào đó khác thanh toán tuỳ theo quy định.

Người thanh toán trung gian:Người thanh toán trung gian giữ vai trò nhận tiền từ người sử dụng dịch vụ y tế hay từ Chính phủ để thanh toán cho người cung cấp dịch vụ y tế.

Trong hoạt động tài chính, 4 bộ phận cơ bản này quan hệ với nhau một cách chặt chẽ.

Quản lý tài chính y tế

Quản lý tài chính trong các cơ sở y tế với phương châm là sử dụng các nguồn lực đầu tư cho y tế để cung cấp các dịch vụ y tế cho nhân dân một cách hiệu quả và công bằng. Tính hiệu quả chú trọng đến trình độ trang bị kỹ thuật, phương pháp phân phối nguồn lực, hiệu lực quản lý hành chính và chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho nhân dân. Tính công bằng đòi hỏi phải cung cấp các dịch vụ y tế bằng nhau cho những người có cùng mức độ bệnh tật như nhau. Nói cách khác, ai có nhu cầu cần được chăm sóc y tế nhiều hơn thì được đáp ứng nhiều hơn.

Định nghĩa

Quản lý tài chính y tế là việc quản lý toàn bộ các nguồn vốn (vốn do Chính phủ cấp, vốn viện trợ, vốn vay và các nguồn vốn khác), tài sản, vật tư của đơn vị để phục vụ công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế ban đầu và tuyên truyền, huấn luyện.

Nguyên tắc

Trong quản lý tài chính, người quản lý tài chính ở bất kỳ cơ sở y tế nào cũng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài Ngân sách Nhà nước cấp là nguồn kinh phí chính phục vụ cho các hoạt động của cơ sở y tế công, còn có các nguồn khác có thể tạo ra được như từ viện phí, huy động tham gia bảo hiểm y tế, các khoản viện trợ, v.v…

Phân bổ hợp lý cho các khoản chi tiêu, tập trung nguồn kinh phí cho các nội dung hoạt động chính. Trong một cơ sở y tế công, có rất nhiều lĩnh vực hoạt động cần chi như  chi cho sự nghiệp y tế, chi cho hành chính, quản lý, chi cho đào tạo, chi cho nghiên cứu khoa học. Cần ưu tiên chi cho các hoạt động trực tiếp phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm các khoản chi hành chính, quản lý.

Trong từng hoạt động y tế phải chú ý tới các mặt hiệu quả. Hiệu quả cần được hiểu là hiệu quả về mặt y học (sức khỏe), hiệu quả về kinh tế (tiết kiệm được chi phí) và hiệu quả về mặt xã hội (đem lại nhiều lợi ích cho xã hội). 

Phải mềm dẻo trong sử dụng các nguồn tài chính. Thông thường khi sử dụng các khoản kinh phí cho các hoạt động phải theo kế hoạch đã lập trước đó. Tuy nhiên, trên thực tế không nên cứng nhắc máy móc, trong nhiều trường hợp cần thiết phải thay đổi và cân đối lại kinh phí cho từng hoạt động để đảm bảo hiệu quả. 

Quan trọng nhất là với nguồn tài chính có hạn, làm thế nào để đảm bảo được mọi hoạt động y tế, đảm bảo sức khỏe của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính của cơ sở y tế công luôn hạn chế, cần phân bổ hợp lý chi tiêu để đảm bảo các hoạt động chăm sóc sức khỏe đều có khoản kinh phí nhất định thích hợp  duy trì hoạt động đó một cách hiệu quả. 

Nội dung quản lý tài chính bệnh viện

Quản lý các nguồn thu của bệnh viện

Các nguồn thu của bệnh viện bao gồm: Ngân sách Nhà nước; viện phí (thu trực tiếp từ người bệnh và thu từ bảo hiểm y tế); viện trợ và các khoản thu khác.

Quản lý các khoản chi thường xuyên

Các khoản chi cơ bản trong bệnh viện gồm có 20 khoản. Ngoài khoản chi sửa chữa lớn tài sản cố định và khoản chi mua sắm tài sản cố định là các khoản chi đầu tư, còn các khoản chi khác đều là chi thường xuyên. Trong các khoản chi thường xuyên có thể tập hợp thành các nhóm chi hoặc tính cho từng khoản chi cụ thể.

Nội dung quản lý tài chính của y tế huyện

Quản lý các khoản thu chi y tế huyện

Tài chính y tế huyện có 6 khoản thu và 11 khoản chi cơ bản cần báo cáo gồm: 

6 khoản thu là: Thu từ ngân sách Trung ương; từ ngân sách địa phương; từ BHYT; từ viện phí; từ nguồn viện trợ và từ nguồn thu khác.

11 khoản chi: Chi lương và phụ cấp cán Bộ Y tế; chi đào tạo, giáo dục; chi nghiên cứu khoa học; chi phòng bệnh; chi chữa bệnh; chi công tác KHHGĐ; chi quản lý hành chính; chi chương trình y tế khác; chi xây dựng cơ bản; chi nâng cấp trang thiết bị y tế và khoản chi khác.

Nếu lấy tổng thu hoặc tổng chi của trung tâm y tế huyện trừ đi tổng thu hoặc tổng chi của bệnh viện sẽ được mức thu hoặc chi tương ứng cho hoạt động khác ngoài công tác KCB của huyện (tạm gọi là chi cho y tế công cộng).

Có thể phân tích được tình hình tài chính cho toàn bộ các hoạt động trên địa bàn huyện, trong đó có tài chính bệnh viện, tài chính cho các hoạt động y tế công cộng của y tế huyện và tài  chính của tuyến xã.

Do cấp phân bổ ngân sách ở các địa phương không thống nhất: Có tỉnh ngân sách y tế xã, huyện được UBND địa phương cấp; có tỉnh, ngân sách y tế được Sở Y tế cấp xuống y tế huyện, và từ y tế huyện được cấp xuống xã. Như vậy, cách ghi chép nguồn ngân sách Nhà nước cho y tế xã từ Trung ương, tỉnh, huyện và xã có sự khác nhau. Trong ngân sách cấp cho TYT xã khó nhận thấy các khoản chi từ UBND xã (đóng góp thêm). Nếu cấp từ huyện có thể thấy được các khoản chi từ UBND xã.

Các khoản thu chi của y tế xã

Các khoản thu của y tế xã gồm: Ngân sách Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) ; BHYT; phí dịch vụ KCB; viện trợ; lãi do bán thuốc; nhân dân đóng góp và các nguồn khác.

Các khoản chi của y tế xã gồm: Chi lương và phụ cấp; mua sắm; xây dựng cơ bản; chi cho bệnh nhân miễn phí và các khoản chi khác.

Nhiệm vụ quản lý tài chính trong một cơ sở y tế

Quản lý tài chính trong một cơ sở y tế tốt sẽ góp phần đạt được mục tiêu chung là sử dụng các nguồn lực đầu tư cho hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân một cách hiệu quả và công bằng. Trong công tác quản lý tài chính có những nhiệm vụ sau:

Dự toán thu chi

Dự toán thu là tính hết các nguồn thu sẵn có và thường xảy ra trong năm, đồng thời dự toán các nguồn thu mới.

Dự toán chi là một kế hoạch đảm bảo kinh phí cho đơn vị hoạt động, đòi hỏi kịp thời, sát thực tế và toàn diện cần chú ý:

Về thời gian dự toán của năm phải hoàn toàn trước một quý, của một quý phải trước một tháng.

Về tính toàn diện: đòi hỏi tất cả các cá nhân, các khoa, phòng, các bộ phận nhỏ trong đơn vị xây dựng lên để đơn vị tổng hợp thành nhu cầu của đơn vị.

Về tính chính xác: cần có những dự toán xuất phát từ những yêu cầu cụ thể của từng việc cụ thể của từng việc làm.

Những căn cứ để xây dựng dự toán một cách thực tế và toàn diện:

Phương hướng nhiệm vụ của đơn vị.

Chỉ tiêu kế hoạch có thể thực hiện được.

Kinh nghiệm thực hiện của các năm trước, quý trước.

Khả năng ngân sách Nhà nước cho phép.

Khả năng cung cấp vật tư của Nhà nước và của thị trường.

Khả năng tổ chức quản lý và kỹ thuật của đơn vị.

Thực hiện dự toán

Sau khi đã được Nhà nước và cơ quan tài chính xem xét thông báo cấp vốn hạng mức, vốn sản xuất hay vốn lưu động. Ngoại tệ để nhập thuốc men, hoá chất, trang thiết bị, từng cơ quan đơn vị theo chức năng đã phân cấp, phân bổ ngân sách cho từng đơn vị, từng bộ phận trong lĩnh vực quản lý cơ sở để chủ động sử dụng cho nhiệm vụ kế hoạch.

Tổ chức thực hiện thu nhận từ các nguồn theo kế hoạch và quyền hạn.

Tổ chức thực hiện các khoản chi theo:

Chế độ.

Tiêu chuẩn.

Định mức Nhà nước đã quy định.

Trong chi tiêu để thực hiện dự án ban đầu cần lưu ý:

Chi theo dự toán: Nếu không có dự toán mà cần chi thì phải có quyết định đặc biệt của thủ trưởng.

Có thứ tự ưu tiên việc gì trước việc gì sau.

Thanh tra và kiểm tra

Công tác thanh ra, kiểm tra và tự kiểm tra phải được thường xuyên chú ý để phát hiện những sai sót, uốn nắn và đưa công tác đi vào nề nếp. Mỗi tháng đơn vị tự kiểm tra một lần, ba tháng cấp trên xuống kiểm tra một lần, có thể kiểm tra đột xuất, kiểm tra điểm hoặc thông báo trước.

Quyết toán và đánh giá

Quyết toán tài chính là tập hợp các báo cáo tài chính theo hệ thống, tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, tình hình cấp phát, tiếp nhận kinh phí của Nhà nước, kinh phí viện trợ, tài trợ và tình hình sử dụng của từng loại kinh phí có tại đơn vị; tổng hợp tình hình thu, chi và kết quả từng loại hoạt động kinh doanh, dịch vụ của đơn vị.  Khi quyết toán phải lập bảng báo cáo kết quả việc quản lý sử dụng vốn bằng số liệu cụ thể, trên cơ sở số liệu đó đánh giá hiệu quả phục vụ chính của đơn vị, đánh giá ưu khuyết điểm của từng bộ phận sau một năm hoặc một quý. Muốn đánh giá phải:

Tổ chức bộ máy kế toán theo quy định.

Mở sổ sách theo dõi đầy đủ và đúng quy định.

Ghi chép cập nhật, phản ánh kịp thời và chính xác.

Đối chiếu kiểm tra thường xuyên.

Cuối kỳ báo cáo theo mẫu biểu thống nhất và xử lý những trường hợp trái với chế độ để tránh tình trạng trên phải ra lệnh xuất toán.

Báo cáo quý sau 15 ngày và báo cáo năm sau 45 ngày theo quy định của Nhà nước.

Các chỉ số tài chính thường sử dụng để đánh giá nguồn thu của bệnh viện: 

Tỷ lệ và mức tăng, giảm thu so với các năm trước.

Tỷ lệ ngân sách Nhà nước so với tổng thu

Tỷ lệ thu trực tiếp (viện phí) từ người bệnh so với tổng thu và tỷ số thu từ

BHYT

Tỷ lệ tăng, giảm thu viện phí so với các năm trước

Phân bổ tỷ lệ các nguồn thu tổng cộng từ các khoản 1 đến 16 (theo biểu 10.2-TC).

Phân bổ tỷ lệ các nhóm thu: cho chẩn đoán (1+6+7+8+9+10+11+12+13+15) cho chữa bệnh (3+4+5+14)

Bình quân thu từ ngân sách Nhà nước và từ khoản thu khác cho một giường bệnh/năm.

Ý nghĩa của một số chỉ số trong đánh giá nguồn thu của bệnh viện: 

Chỉ số “Tỷ lệ và mức tăng, giảm thu so với các năm trước” nói lên mức tăng thu với các năm trước. Nếu lưu lượng bệnh nhân không giảm, thông thường phải có mức thu tăng hàng năm tương ứng với mức tăng đầu tư cho y tế của địa phương. Trường hợp tăng quá nhiều hoặc không tăng tương ứng với lưu lượng bệnh nhân cần phải tìm hiểu nguyên nhân.

Nguồn thu từ ngân sách và BHYT càng chiếm tỷ trọng lớn thì mức tăng thu càng nhiều, khả năng đảm bảo hoạt động bệnh viện càng cao và ngược lại, nếu tăng từ thu trực tiếp  của người bệnh thì tăng nguy cơ người nghèo không đến được bệnh viện để chữa bệnh (ảnh hưởng đến tính công bằng trong tiếp cận với bệnh viện).

Nếu song song với phân tích các nguồn thu, mức thu, nếu phân tích các khoản chi hoặc/ và các hoạt động sẽ cho thấy mức độ hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực cũng như các yếu tố liên quan đến công bằng trong cung cấp dịch vụ y tế.

Chỉ số “Bình quân thu từ ngân sách Nhà nước và từ khoản thu khác cho một giường bệnh/ năm” cho thấy: Bình quân 1 giường bệnh/ năm nhận được bao nhiêu tiền từ ngân sách, bao nhiêu từ thu trực tiếp. Thông thường, một giường bệnh tuyến huyện mỗi năm nhận được từ 8 – 10 triệu đồng, tuỳ từng khu vực mà mức này tăng giảm khác nhau. Nếu vùng nghèo, thu viện phí và thu BHYT được ít nhưng mức thu từ ngân sách Nhà nước không cao hơn hoặc có cao hơn nhưng không làm cho tổng thu/1 giường bệnh/ năm đảm bảo cho các hoạt động thì cần đề xuất tăng mức phân bổ từ ngân sách Nhà nước để bù lại sự chênh lệch tổng thu so với mặt bằng chung.

Một số phép đo lường công bằng y tế xét về góc độ phân bổ ngân sách y tế hàng năm

Quản lý tài chính cũng là làm thế nào cho đồng tiền được sử dụng vừa có hiệu quả, vừa công bằng. Vậy thế nào là công bằng trong phân bổ tài chính? Các tiêu chí sau đây giúp chúng ta hiểu cụ thể hơn về quản lý tài chính một cách công bằng.

Trả phí dịch vụ y tế được gọi là công bằng khi

Mức trả phí cho cùng một dịch vụ tỷ lệ thuận với mức thu nhập. Người giàu phải đóng góp ( trả phí) nhiều hơn và ngược lại, người nghèo phải đóng góp ít hơn.

Như vậy sẽ không công bằng khi:

Người giàu và nghèo phải trả phí cho cùng một dịch vụ như nhau.

Vùng giàu và nghèo (huyện) trong một địa phương (tỉnh) cùng có chung một mức phân bổ ngân sách hoặc mức ưu tiên theo đầu người không khác nhau rõ.

Hiện nay các bệnh viện chưa có cơ chế thu phí rõ ràng và chưa có cơ sở pháp lý để thu thấp hơn đối với những bệnh nhân nghèo. Người nghèo thường trả phí thấp hơn do hạn chế xét nghiệm và dịch vụ cũng như dùng thuốc nội, thuốc rẻ tiền hơn so với những người có khả năng chi trả cao. Điều này thực chất là mất công bằng.

Mỗi hộ gia đình một năm phải chi cho y tế bằng bao nhiêu (%) so với thu nhập?

Các hộ nghèo phải chi ra một số tiền với tỷ lệ cao so với mức thu nhập của họ. Ví dụ: Bình quân thu nhập đầu người của hộ gia đình thuộc nhóm nghèo là 1 triệu đồng/ năm. Qua điều tra hộ gia đình cho thấy nhóm nghèo trung bình 1 năm chi cho y tế là 100 000đ/ người nghĩa là bằng 10% so với thu nhập. Tương tự như thế đối với nhóm giàu nhất, tỷ lệ này là 2%. Hai tỷ lệ trên có khoảng cách khá xa nhau, đó là sự mất công bằng.

Có bằng chứng nào cho thấy người dân gặp khó khăn hoặc không thể trả viện phí, tiền thuốc hoặc phải vay nợ để chi cho KCB, không chữa gì khi ốm hoặc tự mua thuốc về chữa mà không khám hay không?

Để trả lời câu hỏi này cần tổ chức điều tra hộ gia đình. Tuy nhiên, với số liệu thống kê bệnh viện, biểu 10.3.TC cho thấy số tiền và số người không thu được vì nghèo, vì không có người nhận, trốn viện và vì lý do khác không phải cho diện chính sách. Số liệu từ biểu này có thể tính thành chỉ số % bệnh nhân không có khả năng chi trả (trong số các bệnh nhân nội trú bệnh viện)

Tỷ lệ phân bổ ngân sách cho tuyến cơ sở (xã và huyện), tỉnh là bao nhiêu?

Nếu người nghèo là đối tượng đang được Nhà nước tập trung ngân sách y tế để hỗ trợ thì có nghĩa là tỷ lệ % ngân sách cho tuyến cơ sở phải nhiều hơn cho tuyến tỉnh và Trung ương.

Mức phân bổ ngân sách y tế hiện nay dựa vào quy mô của cơ sở y tế là chính. Quy mô này đôi khi không hoàn toàn phù hợp với quy mô dân số và nhu cầu CSSK. Khá khó xác định tỷ lệ nào là phù hợp, nhưng có thể nhận biết qua sự biến động theo thời gian và địa điểm. Ví dụ: Nếu có xu hướng tỷ lệ ngân sách dùng cho tuyến tỉnh ngày càng tăng, ngân sách dùng cho tuyến huyện và xã ngày càng giảm (ở cùng một tỉnh trong thời gian 5 năm) thể hiện sự thiếu công bằng trong phân bổ ngân sách. Tương tự như thế, khi đối chiếu tỷ lệ ngân sách dành cho tuyến cơ sở của các địa phương nghèo lại thấp hơn so với ngân sách dành cho tuyến cơ sở của các địa phương không nghèo cũng cho thấy một cách tương đối hiện tượng mất công bằng trong phân bổ ngân sách.

Tỷ lệ % của ngân sách Nhà nước và % của các chi phí cá nhân của người dân trong tổng chi phí y tế là bao nhiêu?

Nếu % chi phí cá nhân ngày càng tăng (theo thời gian) hoặc cao hơn ở vùng nghèo hơn (theo địa điểm) là dấu hiệu của thiếu công bằng. Để có số liệu phân tích, cần phối hợp hai nguồn số liệu; báo cáo tài chính Nhà nước về tổng chi ngân sách y tế; điều tra chi tiêu y tế hộ gia đình. 

Trường hợp không có đủ 2 nguồn trên, có thể đánh giá gián tiếp qua tỷ lệ % của thu viện phí tại các bệnh viện so với tổng chi của bệnh viện. Nếu tính cho nhiều năm và so sánh nhiều địa phương có điều kiện kinh tế khác nhau trong từng năm sẽ cho thấy xu hướng tăng, giảm mất công bằng. Nếu vùng càng nghèo, tỷ lệ % viện phí trong tổng chi của bệnh viện càng lớn thì mức độ thiếu công bằng cũng càng lớn. Nếu tại một địa phương, tỷ lệ % viện phí trong tổng chi bệnh viện ngày một tăng thì nguy cơ người nghèo sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn và dẫn tới mất công bằng. Tuy nhiên, nếu mức thu từ BHYT người nghèo càng tăng thì diễn biến lại theo chiều tốt hơn, công bằng hơn. Trong khi thực hiện Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ về KCB cho người nghèo, nếu thấy tỷ lệ nhập viện của đối tượng “139” càng tăng thì càng chứng tỏ hiệu quả của quyết định trên trong việc giảm mất công bằng y tế. 

Có bằng chứng nào cho thấy có sự khác nhau trong sử dụng dịch vụ y tế theo các nhóm thu nhập hay không?

Để trả lời câu hỏi này nằm ngoài các số liệu báo cáo của bệnh viện. Thông thường số liệu chỉ có được qua điều tra y tế hộ gia đình và sử dụng đồ thị Lorenz để phân tích. Không thể ngoại suy từ số liệu báo cáo bệnh viện vì không có thông tin về thu nhập của hộ gia đình. (đồ thị Lozenz được trình bày trong phần thực hành).

Liệu sự phân bổ nguồn lực giữa các vùng này có dựa trên nhu cầu hay không?

Kinh phí là một bộ phận của nguồn lực, song nó phản ánh gián tiếp mức phân bổ các nguồn lực khác bởi vì việc mua sắm, xây dựng, trả công cho cán Bộ Y tế đều cần tiền.

Thông thường, vùng càng nghèo nhu cầu CSSK càng lớn một cách tương đối so với khả năng chi trả của họ. Vì vậy nếu phân bổ nguồn lực theo đầu dân cho vùng nghèo nhiều hơn vùng giàu sẽ là cách phân bổ công bằng.

So sánh mức phân bổ ngân sách y tế đầu dân/ năm giữa các vùng có mức thu nhập bình quân hàng năm khác nhau sẽ cho thấy sự không phù hợp hay phù hợp với nguyên tắc phân bổ nguồn lực một cách công bằng. Có thể sử dụng phương pháp vẽ biểu đồ để phân tích như ví dụ sau:

Hình 11.2. Biểu đồ mức thu nhập bình quân/ người/ năm của các huyện

Hình 11.3. Biểu đồ phân bổ ngân sách bình quân/ người/ năm của các huyện

Lẽ ra huyện C và D có mức thu nhập bình quân cao nhất thì không được nhận ngân sách y tế cao hơn các huyện nghèo khác. Kết quả trong 2 biểu đồ trên cho thấy tình trạng mất công bằng trong phân bổ ngân sách y tế. Cần giảm mức cấp ngân sách cho huyện C và D để phân bổ lại cho các huyện nghèo trong tỉnh. Bù vào đó, cần cho các huyện giàu thu phí nhiều hơn để đảm bảo ngân sách chi thường xuyên và cả xây dựng cơ bản. Biểu đồ trên cũng có thể phân tích theo thành thị và nông thôn.

Nguyên tắc Quản lý vật tư, trang thiết bị y tế

Vật tư, trang thiết bị y tế là tài sản của xã hội, là nền tảng, sức mạnh của đất nước. Vật tư, trang thiết bị y tế có được từ kết quả lao động của nhân dân và từ sự giúp đỡ bên ngoài.

Trong quản lý vật tư, trang thiết bị y tế cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Nắm chắc tình hình vật tư, trang thiết bị y tế cả về số lượng và chất lượng, trị giá trên cơ sở đó có kế hoạch sản xuất, mua sắm, sửa chữa phân phối và điều hoà

Bảo quản việc nhập, xuất và giữ theo đúng chế độ

Nhập vật tư, trang thiết bị y tế: Tất cả những tài sản mua về, nhập về đều phải tổ chức kiểm nhận nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng, phải có phiếu nhập hợp lệ và biên bản cụ thể khi có hàng thừa thiếu.

Xuất vật tư, trang thiết bị y tế: Các bộ phận sử dụng tài sản vật tư phải có dự trù trước, khi xuất phải có phiếu hợp lệ và đúng chế độ. Về xuất hàng để dùng, để nhượng bán điều chuyển và huỷ bỏ.

Bảo quản vật tư, trang thiết bị y tế: Tất cả các loại tài sản vật tư dù mua hay nhận từ bất cứ nguồn nào, đều phải tổ chức kho tàng, phương tiện, người chịu trách nhiệm vào sổ theo dõi để giữ gìn và sớm phát hiện ra sự mất mát, thất lạc hoặc hư hỏng kém phẩm chất để xử lý kịp thời.

Dự trữ: vừa đủ để đảm bảo cho nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị: Mọi loại vật tư tài sản đều cần phải có một lượng dự trữ vừa đủ để đảm bảo nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan không bị ngắt quãng do cung cấp chưa kịp hoặc dự trữ quá lớn gây ra tình trạng hư hỏng và lãng phí. Ví dụ: Trong các bệnh viện thuốc thông thường chỉ cần dự trữ 3 tháng, thuốc đặc hiệu cần dự trữ 6 tháng, …

Phải thường xuyên kiểm tra đối chiếu và kiểm kê để xác định tình hình vật tư, trang thiết bị y tế

Để tránh tình trạng thất thoát tài sản nên thường xuyên hoặc đột xuất có tổ chức kiểm tra kho, đối chiếu sổ sách để phát hiện những sai sót trong quản lý bảo quản vật tư tài sản của đơn vị. Tổ chức kiểm kê đột xuất, kiểm kê khi bàn kho, bàn giao thủ kho hoặc kiểm kê định kỳ.

Mục đích của kiểm kê

Đảm bảo việc nắm vật tư tài sản được chính xác.

Đảm bảo quyết toán có căn cứ.

Nguyên tắc kiểm kê

Khi kiểm kê phải cân, đong, đo, đếm bằng những dụng cụ đo lường hợp pháp.

Khi kiểm kê phải xét, đánh giá tình hình vật chất tài sản vật tư.

Phải đối chiếu giữa sổ sách với thực tế kiểm kê để xác định đúng mức tồn kho hoặc thừa thiếu.

Phải giải quyết dứt điểm khi có tình trạng thừa thiếu.

Nếu thừa thiếu do ghi chép nhầm lẫn thì cho điều chỉnh sổ sách.

Nếu thiếu giấy tờ hợp lệ thì cho tìm kiếm đầy đủ để ghi bổ sung.

Nếu thiếu thừa do người nào đó sử dụng hoặc thủ kho thiếu trách nhiệm thì phải xử lý theo chế độ trách nhiệm vật chất.

Thiếu thừa do tự nhiên thì đối chiếu với định mức hao hụt để xem có vượt trội hay không, phần nào xử lý theo trách nhiệm vật chất, còn trong định mức hao hụt thì phải làm thủ tục ghi nhập hoặc xuất.

Tất cả các cán bộ trong đơn vị đều phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản vật tư

Bảo vệ tài sản, vật tư được coi là nghĩa vụ, là quyền lợi thiết thân của mỗi cán bộ trong từng cơ sở y tế. Những người được trực tiếp phân công quản lý, sử dụng, bảo quản, vận chuyển thì phải luôn chú ý tính toán sử dụng cho thật hợp lý, hết công suất bảo đảm cho tài sản được an toàn về số lượng và chất lượng.