QR58: Ăn trầu – Hút thuốc lào
QR58: Ăn trầu – Hút thuốc lào
I. Điếu bát và tục hút thuốc lào
Hình ảnh một số điếu bát được trưng bày tại khu khảo cổ tầng hầm B1 – Nhà Quốc hội
Trong hoàng cung tìm thấy khá nhiều điếu bát – một loại điếu dùng để hút thuốc lào. Điếu gồm 3 bộ phận chính: điếu, bát điếu và xe điếu.
Điếu thường được làm bằng gốm men hoặc bằng sành, hình cầu, thắt eo tạo dáng, miệng có hai lỗ, một to, một nhỏ. Lỗ to ở giữa, bên trên là nơi cắm “nõ” để đặt thuốc; lỗ nhỏ để cắm xe điếu gọi là lỗ xe điếu. Điếu được đặt lọt bên trong lòng bát điếu. Bát điếu để đựng điếu, được làm bằng gỗ hoặc bằng gốm men. Ngoài chức năng đựng điếu, chức năng quan trọng nhất của bát điếu là để đựng tàn thuốc và tàn “đóm”. Xe điếu thường là một ống đồng hoặc một ống tre nhỏ dùng để cắm vào lỗ xe điếu.
Để hút thuốc lào, ngoài điếu bát còn có một loại điếu khác gọi là điếu cày được làm bằng một ống tre cái, đường kính thân khoảng 5 – 7cm; dài khoảng 50 – 60cm. Ống tre dùng để đựng nước, bên hông gắn nõ điếu để đặt thuốc, hút bằng cách đặt miệng lên miệng điếu để hít.
Việc tìm thấy điếu cho thấy thuốc lào không chỉ là thức hút yêu thích trong dân gian mà còn là thức hút phổ biến trong cung. Thuốc lào là một chi của thuốc lá, có hàm lượng nicotin cao, vốn có nguồn gốc từ khu vực Nam Mỹ, sau được truyền đến Trung Quốc và Việt Nam. Trong Vân Đài loại ngữ, Lê Quý Đôn, một nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII chép rằng Thuốc lá (âm Hán – Việt gọi là Yên Diệp) tên thật là tobacco. Đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 3 (năm 1660), người Ai Lao (tức là người Lào) đem thứ cây ấy đến, dân ta mới đem trồng nên gọi là thuốc lào. Tuy nhiên, trên thực tế, từ thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông đã có thơ vịnh về Điếu và Xe Điếu là các dụng cụ sử dụng để hút thuốc lào. Trong bài Cái xe điếu, ông đã mô tả: “Động sóng, tuôn mây khi chán miệng; Nghiêng trời, lệch đất thuở buông tay”. Theo mô tả của vua Lê Thánh Tông, thuốc lào là thứ mà từ quý tộc đến thứ dân đều say mê: “Dưới từ nội lục trên đền đỏ , Ai chẳng quen hơi mến đức này”.
Hình ảnh một người ngồi hút thuốc lào bằng điếu bát
Đến thế kỷ XVII đã có quá nhiều người hút thuốc lào, từ quan đến dân, đàn ông đến đàn bà đua nhau hút, đến nỗi có người nói nhịn ăn cơm ba ngày còn được, chứ nhịn hút thuốc một chốc là không chịu nổi. Năm 1665 vua Lê Thần Tông đã hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt người trồng thuốc, bán thuốc, hoặc hút trộm mà cũng không bỏ được. Để trốn lệnh cấm của vua, nhiều người khoét tre làm điếu ống, hoặc chôn giấu điếu bát xuống đất mà hút. Hiện tượng mê say hút thuốc lào trong dân gian cũng đã được phản ánh qua câu thơ:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”;
“Thuốc lào chồng hút vợ say, thằng con châm điếu lăn quay ra nhà,
Có chị hàng xóm đi qua, hít phải khói thuốc cũng say ba bốn tuần”.
Điếu ống ban đầu do những người đi cày chế ra để hút trộm ở ngoài đồng vì thế còn được gọi là điếu cày. Do sự tiện lợi, dễ làm, không tốn kém của điếu cày nên điếu cày thường được dùng phổ biến trong dân gian, trong khi điếu bát thường được sử dụng trong gia đình ở tầng lớp cao trong xã hội.
Về sau, khi nhà nước bỏ lệnh cấm, nhân dân lại hút như thường, và tục hút thuốc lào còn kéo dài đến ngày nay. Những vùng trồng thuốc lào nổi tiếng là Tiên Lãng (Hải Phòng), Thanh Hóa.
Hình ảnh thuốc lào sau khi thái được phơi khô dưới nắng
II. Bình vôi, ống nhổ và tục ăn trầu
Bình vôi (men trắng, thời Trần và Lê sơ) trưng bày tại Khu khảo cổ học tầng hầm B1 – Nhà Quốc hội
Bình vôi là bình dùng để tôi và đựng vôi dùng để ăn trầu. Vôi để ăn trầu là vôi sạch, được nung từ đá vôi hoặc từ vỏ nhuyễn thể và được đựng, hoặc tôi trực tiếp trong các bình này. Bình vôi thường được làm bằng gốm men hoặc bằng sành; bình hình tròn, trên có quai; quai thường được tạo hình dáng giống cành cau, quả cau và lá trầu; bên hông phía trên có 1 lỗ để cho vôi vào và lấy vôi ra khi dùng.
Tại khu vực Nhà Quốc hội đã tìm thấy nhiều bình vôi của nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó các bình vôi hiện trưng bày tại đây chủ yếu có niên đại thời Lê sơ và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XV – XVIII). Các bình vôi này cho thấy, dưới các triều đại quân chủ, ăn trầu là một thói quen phổ biến được nhiều người từ quý tộc đến thứ dân yêu thích.
Ăn trầu là tục lệ phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước Đông Á. Ở Việt Nam, theo truyền thuyết, tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương. Miếng trầu gồm 4 thành phần chính: lá trầu xanh, quệt vôi trắng, kèm với cau vàng, thêm miếng vỏ cây chay nhai quyện chúng vào nhau sẽ cho ra màu đỏ thắm đậm đà. Người ăn cảm thấy nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc mặt hồng hào tươi đẹp:
“Miếng trầu ăn kết làm đôi
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng
Trầu xanh, cau trắng, chay hồng
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên…”
Miếng trầu đã trở thành nét đẹp, biểu trưng trong văn hóa ứng xử Việt Nam. Trầu cau có mặt trong mỗi cuộc vui, buồn từ thôn quê đến thành thị; từ thứ dân đến vua quan; là lời chào “Miếng trầu là đầu câu chuyện”; là lễ vật không thể thiếu trong các buổi lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ thọ, lễ mừng… trầu cau còn là quà tặng, là sính lễ trong đám hỏi và là biểu trưng của lời hẹn ước gái trai “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Và hơn hết miếng trầu là biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh – em, vợ – chồng, biểu tượng ấy được truyền tụng qua truyện cổ tích “Trầu – Cau” với câu chuyện cảm động về sự thủy chung, nghĩa tình của con người.
Truyện kể rằng, gia đình họ Cao có hai anh em giống nhau như hai giọt nước, người anh tên là Tân, người em tên là Lang. Sớm mồ côi cha mẹ nhưng hai anh em hết mực gắn bó và thương yêu nhau. Đến tuổi trưởng thành, người anh thành hôn cùng cô gái họ Lưu. Từ ngày có vợ, người anh ít quan tâm tâm đến em hơn, khiến người em nghĩ rằng anh đã “mê vợ quên ta”, nên thường thấy trong lòng buồn bực. Một hôm, Tân và Lang đi làm nương đến tối mịt mới về. Vợ người anh đang ngóng chồng, khi Lang về, cô tưởng nhầm đó là chồng mình nên liền chạy ôm chầm lấy Lang, Lang kêu lên. Cái nhầm của chị dâu làm cho cả hai người cùng ngượng nghịu xấu hổ. Giữa lúc đó thì Tân bước vào nhà. Từ đó Tân ghen với em và ngày càng thêm hững hờ xa cách khiến chàng Lang ngày càng buồn bực quyết chí bỏ nhà đi. Một sớm nọ, Lang bỏ nhà mà đi, men theo con đường mòn đi luôn mấy ngày thì gặp một con sông lớn, thấy nước chảy xiết, chàng ngồi bên bờ sông mà ôm mặt khóc, rồi hóa đá. Người anh không thấy em, biết là em bỏ đi vì giận mình, chàng lấy làm hối hận. Hôm sau nữa, cũng không thấy em về, Tân hoảng hốt để vợ lại nhà, cất bước đi tìm. Sau mấy ngày, chàng đã đến bờ một con sông rộng, không có cách gì qua được. Tân ngồi bên hòn đá người em hóa thành mà khóc đến chết, thân xác hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá. Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Nhưng cuối cùng con sông nọ cũng ngăn cản bước chân của nàng. Người đàn bà ấy ngồi lại bên cạnh cây, khóc cạn cả nước mắt. Sau cùng nàng chết vì kiệt sức, thân xác hóa thành một cây dây quấn quanh lấy cây thẳng đứng kia. Cây mọc thẳng gọi là cây cau; cây quấn quanh là trầu. Người ta lấy lá trầu, miếng cau, quệt với chút vôi nhai lẫn với nhau thì có vị là lạ ở đầu lưỡi: nó vừa ngọt lại vừa thơm, vừa cay.
__________________________________________
Dự án ONA-JICA giai đoạn 2
-
Chia sẻ:
-
Gửi mail