[Podcast] Pháp lý về công nghệ số tại Việt Nam – Góc nhìn từ mô hình Spin-Off – Phần 2: Giải pháp phát triển công nghệ số theo mô hình Spin-Off tại Việt Nam – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ

Phát triển công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số theo mô hình Spin-Off được xem là một mô hình kinh điển của các quốc gia trên thế giới. Với hệ thống pháp luật hiện hành và mô hình hoạt động của các Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay có thể thực hiện thành công mô hình này hay không là vấn đề cần phải nghiên cứu. Ở phần 2 của bài viết, nhóm tác giả nêu ra một số giải pháp nhằm phát triển công nghệ số theo mô hình Spin-Off tại Việt Nam.

Dựa trên những phân tích về thực tiễn thực thi pháp luật liên quan đến phát triển công nghệ số theo mô hình Spin-Off như đã trình bày ở Phần 1, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển công nghệ số theo mô hình này.

Hoàn thiện các quy định về thành lập Tổ chức khoa học và công nghệ, xác nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chuyển đổi mô hình

Liên quan đến thủ tục đăng ký hoạt động tại Cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động khoa học & công nghệ ngoài công lập, Luật khoa học & công nghệ năm 2013 nên bãi bỏ quy định này đối với các tổ chức trong nước nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức này dễ dàng hoạt động hơn và phù hợp với nguyên tắc chung về tự do sáng tạo, tự do nghiên cứu những gì mà pháp luật không cấm.

Luật khoa học & công nghệ năm 2013 hiện nay nên sửa lại định nghĩa về “Doanh nghiệp khoa học & công nghệ” như sau: “Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”.

Với sự xuất hiện của loại hình doanh nghiệp khoa học & công nghệ, do đó, Luật doanh nghiệp năm 2020 nên có quy định bổ sung thêm loại hình này vào Luật, tương tự như loại hình doanh nghiệp xã hội, tạo tiền đề để phát triển các doanh nghiệp khoa học & công nghệ trong tương lai.

Hoàn thiện các quy định về khái niệm Quyền tài sản, Công nghệ, Công nghệ thông tin

Về khái niệm Quyền tài sản: nhằm thể hiện vai trò là Bộ luật nền tảng cho các Đạo luật Chuyên ngành, cũng như tạo sự thống nhất với các Đạo luật này (ví dụ như: Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC[2], Luật Doanh nghiệp, Luật khoa học & công nghệ, Luật Chuyển giao Công nghệ) trong việc ghi nhận các loại tài sản trí tuệ hiện nay và có thể là các loại tài sản mới phát sinh trong tương lai, Bộ luật dân sự năm 2015 nên hoàn thiện quy định tại Điều 115 như sau:

Quy định hiện nay

Điều 115. Quyền tài sản

“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Quy định đề xuất sửa đổi

Điều 115. Quyền tài sản

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất, và các quyền tài sản khác.

Về khái niệm

Công nghệ

: khái niệm về công nghệ của Luật khoa học & công nghệ hiện nay đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và cần phải sửa đổi, khái niệm về Công nghệ hiện nay nên được định nghĩa theo cách tiếp cận khái niệm của ESCAP, cụ thể:

“Công nghệ là hệ thống kiến thức về giải pháp kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu, thông tin và năng lượng. Bao gồm tất cả các kỹ năng; kiến thức; phương pháp; quy trình, thiết bị sử dụng trong sản xuất, chế tạo, dịch vụ, quản lý và thông tin”.

Về khái niệm Công nghệ thông tin: khái niệm về công nghệ thông tin có một số khiếm khuyết, và cần phải sửa đổi cho phù hợp, phương án sửa đổi bổ sung như sau:

Quy định tại Điều 4.1, Luật công nghệ thông tin số 10/VBHN-VPQH

“Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số”.

Quy định đề xuất sửa đổi

Công nghệ thông tin là tập hợp các công nghệ kỹ thuật phần cứng, phần mềm, mạng máy tính và viễn thông và thiết bị số hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ, bảo mật và trao đổi thông tin số; hoặc được ứng dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại và quản lý Nhà nước.

Hoàn thiện các quy định về định giá và chuyển giao công nghệ

Đối với các quy định của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC: Một là, đối với quy định tại Điều 1, cần phải sửa đổi là loại trường hợp đấu giá không thuộc phạm vi điều chỉnh ra khỏi quy định; Hai là, đối với quy định tại Điều 4.2, cần phải bổ sung cụ thể các chủ thể được xem là tổ chức dịch vụ hỗ trợ định giá và các trường hợp được yêu cầu định giá đối với từng chủ thể, điều này giúp cho các bên tham gia trong quan hệ thẩm định giá và chuyển giao công nghệ biết được cụ thể là các tổ chức nào, vì trong trường hợp không tìm được Tổ chức thẩm định giá thích hợp, các bên có thể chủ động liên hệ với các tổ chức này nhằm rút ngắn thời gian chuyển giao Công nghệ do phải chờ đợi kết quả định giá mà không biết ai là người có thẩm quyền; Ba là, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ra đời trước so với một số Tiêu chuẩn thẩm định giá ban hành sau, do đó, cũng cần phải cập nhật thêm các phương pháp định giá mới, nhằm tạo sự tương thích và thống nhất trong việc áp dụng Luật giá.

Về khái niệm Chuyển giao Công nghệ và Đối tượng chuyển giao công nghệ đề xuất được sửa đổi như sau:

Khái niệm hiện nay

“Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ”

Khái niệm đề xuất sửa đổi

Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ; hoặc chuyển giao các thông tin được xem là bí quyết; hoặc chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ theo hình thức Hợp đồng.

 

Quy định hiện nay

“Điều 4. Đối tượng công nghệ được chuyển giao

1. Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:

a) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

b) Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

c) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

d) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

2. Trường hợp đối tượng công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.”

Quy định đề xuất sửa đổi

Điều 4. Đối tượng công nghệ được chuyển giao

1. Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:

a) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản này.

b) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

c) Phương án, quy trình của công nghệ sản xuất; công nghệ thông tin; Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thông tin;

 d) Thông tin khác bao gồm: thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính điều khiển máy móc thiết bị, thông tin dữ liệu về công nghệ;

2. Trường hợp đối tượng công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

3. Các đối tượng công nghệ được chuyển giao không được vi phạm các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1, Điều 11 của Luật này hoặc không rơi vào Danh mục công nghệ bị cấm theo quy định.

Hoàn thiện quy định về tính thuế thu nhập doanh nghiệp và một số quy định khác có liên quan đến phát triển công nghệ số

Liên quan đến quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH năm 2020), hiện nay, nhu cầu góp vốn bằng công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng thông qua hình thức liên doanh là 01 nhu cầu thực tế đối với các doanh nghiệp đang cần công nghệ để hoạt động và phát triển, nhưng với rào cản phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chênh lệch giá trị tài sản đánh giá lại so với nguyên giá hay chi phí đầu tư ban đầu cũng là một thách thức cho hoạt động này. Nếu như nhìn từ góc độ hiệu quả tài chính của doanh nghiệp, mô hình kinh doanh mới của liên doanh được góp vốn bằng công nghệ số, ngoài tài sản được góp vốn, mô hình mới, phải cần một lượng vốn bằng tiền để tiếp tục phát triển và hoàn thiện công nghệ cũng như duy trì sự ổn định hoạt động của công nghệ. Nếu như ngay sau khi góp vốn, bên góp vốn bằng tài sản phải nộp thêm thuế đối với phần chênh lệch, điều này dẫn đến tình trạng mất vốn lưu động bằng tiền, trong khi hiệu quả khai thác công nghệ trong mô hình kinh doanh mới vẫn còn là dấu hỏi. Thiết nghĩ, quy định này cần phải điều chỉnh lại thời điểm tính thu nhập chịu thuế là thời điểm bên góp vốn bằng tài sản chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần, để được hưởng chính sách này, công ty liên doanh nói chung và công ty được hình thành theo Mô hình Spin-Off nói riêng, chỉ được trích khấu hao khi tính thu nhập chịu thuế theo giá trị còn lại của tài sản đem góp vốn và tài sản góp vốn phải được định giá bởi các tổ chức thẩm định giá. Như vậy, với quy định này, một mặt Nhà nước đã có sự hỗ trợ tài chính thực chất hơn đối với hoạt động chuyển giao công nghệ bằng hình thức góp vốn, mặt khác, có thể quản lý được giá trị thị trường của công nghệ đem góp vốn cũng như khuyến khích các doanh nghiệp minh bạch về vốn góp, điều này có lợi cho thị trường tài chính dành riêng cho các công ty công nghệ cũng như xóa bỏ rào cản chuyển giao công nghệ cho các tổ chức khoa học & công nghệ và doanh nghiệp khoa học & công nghệ, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển và lan tỏa tri thức nhanh chóng. 

Trong tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2020 về “Danh mục Công nghệ cao ưu tiên đầu tư và phát triển và Danh mục Sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển”, nên trong tương lai, Chính phủ cần ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về ưu đãi và hỗ trợ đối với hoạt động phát triển công nghệ tại Phụ lục I có liên quan đến các loại công nghệ số, trong bối cảnh chính sách ưu đãi và hỗ trợ được quy định tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác nhau. Điều này cũng giúp cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp khoa học & công nghệ về công nghệ thông tin, gọi chung là doanh nghiệp công nghệ số có định hướng tập trung phát triển và nghiên cứu các ứng dụng về các loại công nghệ số mới nổi được liệt kê trong danh mục, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo Mô hình Spin-Off công nghệ số mới nổi phát triển trong tương lai.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Pháp lý về công nghệ số tại Việt Nam – Góc nhìn từ mô hình Spin-Off  tại đây. Nhóm Tác giả: Th.S Dương Anh Quốc – Công ty TNHH Kiểm toán Crowe Việt Nam; TS Nguyễn Thị Anh – Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. 

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #49 “Toàn cầu hóa và hệ thống tiền tệ thế giới: Sự xói mòn của đồng đô la và kịch bản cho thương mại Việt Nam”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội;

  • Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc Hội;

  • Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2917 của Quốc Hội; 

  • Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019;

  • Luật công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội;

  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015; Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021;

  • Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019;

  • Thủ tướng Chính phủ. (2015). Quyết định số: 392/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Chương trình Mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin đến năm 2020, Tầm nhìn đến 2025;

  • Thủ tướng Chính phủ. (2016). Quyết định số: 884/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về Phê duyệt “Đề án: Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”;

  • Thủ tướng Chính phủ. (2020). Quyết định số: 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, Định hướng đến năm 2030”;

  • Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC

    ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghê và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước;  

  • Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S. (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam – Hướng tới năm 2030 và 2045. CSIRO, Brisbane.

  • Ngô Đức Thế. (2014). “Mô hình công ty spin-off”. Tạp chí Kinh tế Sài gòn online. Truy cập ngày 01/9/2020, từ 

    https://www.thesaigontimes.vn/117628/Mo-hinhcong-ty-spin-off.html