Phương pháp thu hoạch và bảo quản nhãn – Kiến thức nông nghiệp
Từ khi nhãn ra hoa cho đến khi trái chín trung bình khoảng 3-4 tháng (tuỳ giống), giống nhãn tiêu da bò có thời gian chín lâu hơn. Chỉ thu hoạch quả khi vỏ chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng vàng, vỏ trái từ xù xì hơi dày chuyển sang mỏng và nhẵn, trái mềm hơn (do đã có nước nhiều), cùi có vị thơm, hạt chuyển sang màu đen hoàn toàn.
1/ Thu hoạch
Thu trái vào những ngày nắng ráo, nêu thu hái vào buổi sáng hoặc buổi chiều khi trời đã dịu nắng, tránh thu hái vào buổi trưa nắng nóng.
Khi hái nên dùng kéo cắt nhẹ nhàng, tránh làm trái bầm giập rất dễ bị các loại nấm tấn công gây thối trái trong thời gian bảo quản, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Hái xong nên đưa trái vào nơi râm mát, rải mỏng chùm quả, không nên để thành đống, trái sẽ bị hấp hơi, chóng hư hỏng. Không nên dùng tay bẻ gây trầy xước cành nhãn, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của cây.
Phải thu hoạch đúng độ chín, không nên để trái chín quá lâu trên cây vì phẩm chất sẽ giảm và không bảo quản được lâu. Sau khi hái xuống, cần tỉa bỏ những trái bị sâu bệnh gây hại, trái nhỏ, bị bầm giập, rồi mới cho vào sọt, thùng giấy để vận chuyển đi tiêu thụ.
2/ Bảo quản
Muốn bảo quản trái nhãn được lâu, giữ được ngoại hình đẹp, phẩm chất tươi ngon, phải chú ý ngay từ khi chưa thu hoạch trái, trước khi thu hoạch phải luôn đảm bảo đủ nước và phân bón cho cây, không nên bón quá nhiều phân đạm, tăng cường thêm phân lân, kali, ngừng tưới nước trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần. Để hạn chế một số nấm bệnh tiếp tục tấn công trái sau thu hái, nên dùng thuốc trừ bệnh Benlate pha với nồng độ 0,1%, nhúng cả chùm trái vào rồi vớt ra, hong nơi thoáng mát cho khô, sau đó để vào sọt, thùng giấy…