Phương pháp giáo dục Montessori: Tìm hiểu những ưu nhược điểm phụ huynh cần biết | Edu2Review

Montessori là tên một phương pháp giáo dục hiện đại do tiến sĩ, bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori sáng lập vào thế kỷ 20. Đây là phương pháp giáo dục sớm cho trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn, âm thanh, phim ảnh,..

Điểm đặc biệt ở phương pháp Montessori so với giáo dục truyền thống là lấy trẻ làm trọng tâm. Phương pháp này có thể khai thác tiềm năng học tập sẵn có của trẻ em. Tuy nhiên, để quyết định có lựa chọn phương pháp giáo dục sớm Montessori cho trẻ hay không cần phải xem xét đến nhiều yếu tố, đặc biệt là ưu nhược điểm của mô hình giáo dục này.

5 ưu điểm nổi bật của phương pháp Montessori

Sớm phát hiện tài năng ở trẻ

Lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp giáo dục Montessori nhấn mạnh và khơi gợi tiềm năng học tập, tính chủ động, sáng tạo và tìm tòi của các con. Vì thế, trẻ em được tự do tìm hiểu cũng như khám phá thế giới xung quanh theo mong muốn và sở thích cá nhân.

Điều này vừa giúp trẻ bộc lộ khả năng của mình rõ rệt, vừa giúp phụ huynh phát hiện ra tài năng của trẻ sớm hơn. Đồng thời, bố mẹ cũng có thể định hình phương thức giáo dục theo cách trẻ muốn.

phuong-phap-giao-duc-montessori Phương pháp Montessori giúp trẻ sớm bộc lộ tài năng (Nguồn: Pregnancy and Baby)

Giúp trẻ tự lập hơn

Thực hành cuộc sống là một trong những lĩnh vực giảng dạy của phương pháp Montessori. Trong môn học này, trẻ được học các bài liên quan đến cách tự phục vụ bản thân như việc tự mặc và cởi áo khoác, chuẩn bị đồ ăn, buộc dây giày hay tự rửa tay, vệ sinh cá nhân…

Qua những bài học này, dần hình thành cho trẻ thói quen và tính tự lập, để các bé không ỷ lại hay phải trông cậy vào sự trợ giúp của người lớn vì chính mình cũng có thể làm được.

Phát triển trí thông minh

Phương pháp giáo dục Montessori đề cao sự phát triển tự nhiên cũng như thúc đẩy tiềm năng học tập có sẵn ở trẻ. Điều này đã tác động rất lớn đến trí thông minh cũng như khả năng tư duy của các con.

Thông qua việc tự học sẽ giúp các em hình thành được cách suy nghĩ độc lập. Bộ não của trẻ cũng sẽ phát triển hơn so với việc học tập thụ động, chỉ làm theo hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, Montessori tập trung giảng dạy ở 5 lĩnh vực: Thực hành cuộc sống, Ngôn ngữ, Giác quan, Toán học và Văn hóa là cơ hội để trẻ sớm tiếp thu khối lượng kiến thức phong phú ngay từ nhỏ.

phuong-phap-giao-duc-montessori Trẻ được trang bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết trong chương trình Montessori (Nguồn: Island Children’s Montessori School)

Giúp con cải thiện trí nhớ

Không chỉ giúp trẻ tăng cường khả năng tư duy, việc tự học còn nâng cao trí nhớ. Trẻ sẽ ghi nhớ những kiến thức, bài học này lâu và sâu sắc hơn thông qua quá trình tự tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh.

Giúp trẻ phát triển nhân cách

Ngoài việc tự cham sóc chính mình, trong lĩnh vực Thực hành cuộc sống, ntrẻ còn học được cách chăm sóc mọi người và môi trường xung quanh. Dạy trẻ theo phương pháp Montessori giúp con phát triển về nhân cách, hình thành tính cách hiền hòa, nhân ái và tự chủ.

Một số nhược điểm của phương pháp Montessori

Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm tuyệt vời kể trên, chương trình học Montessori vẫn tồn tại những nhược điểm nhất định.

Chi phí cao

Để áp dụng chương trình Montessori, các trường cần chuẩn bị rất nhiều tài liệu, giáo cụ giảng dạy cũng như các món đồ chơi, tuyển chọn đội ngũ giáo viên chất lượng, xây dựng chương trình giảng dạy với số tiền khá lớn. Vì vậy, các chương trình giáo dục theo đúng chuẩn Montessori quốc tế thường rất đắt đỏ. Do đó, học phí tại các trường mầm non Montessori cũng cao hơn so với trường công lập. Đây là một trở ngại cho các gia đình khi có ý định cho con đ học tại các lớp Montessori.

phuong-phap-giao-duc-montessori Với dụng cụ, đồ chơi hiện đại, kích thích trí thông minh của trẻ nên học phí tại những trường Montessori thường là trở ngại của phụ huynh (Nguồn: Trường Mầm non Song ngữ Quốc tế Sakura Montessori)

Chương trình học không hoàn toàn giống nhau

Cùng chung 1 triết lý, 1 bộ giáo cụ và bộ quy chuẩn giảng dạy nhưng ở 2 trường mầm non Montessori sẽ có chương trình giảng dạy không giống nhau. Tùy theo mỗi địa phương, mỗi trường mà chương trình giảng dạy Montessori sẽ có sự khác biệt cơ bản, đặc biệt là với từng đối tượng học sinh khác nhau. Bên cạnh đó, chương trình Montessori có cấu trúc ít hơn so với các lớp học truyền thống nên phụ huynh cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định cho trẻ theo học.

Sự độc lập Không phải lúc nào cũng tốt

Đề cao khả năng rèn luyện sự tự lập và độc lập ở trẻ là một trong những điểm nổi bật của phương pháp Montessori . Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, không phải lúc nào sự độc lập cũng tốt. Nguyên nhân vì độc lập quá mức khiến trẻ khó làm việc theo nhóm và đôi khi sống quá quy tắc, cứng nhắc. Độc lập thôi chưa đủ, trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay, trẻ cần có cả kỹ năng giao tiếp, tương tác, và teamwork.

Cấu trúc lớp học tự do có thể gây ra phiền phức

Trẻ thường có xu hướng thích những gì đã quen thuộc. Tại các trường học truyền thống Việt Nam, học sinh sẽ ít được tự do hơn. Tuy nhiên, điều này lại giúp duy trì được môi trường học tập trật tự, quy củ.

Chính vì vậy, nếu trẻ đã học Montessori và quen với môi trường tự do thì khi chuyển cấp vào lớp 1 và học tại những ngôi trường truyền thống sẽ gặp phải không ít khó khăn.

Sự khác biệt có thể khiến trẻ mất nhiều thời gian hơn để làm quen hoặc phản đối không muốn đến lớp. Đây cũng là một trong những điều bố mẹ cần lưu tâm khi quyết định chọn trường mầm non Montessori cho trẻ.

phuong-phap-giao-duc-montessori Môi trường lớp học tự do trong chương trình Montessori có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi vào lớp 1 công lập (Nguồn: Trường Mầm non Song ngữ Quốc tế Sakura Montessori)

Ngày nay, nhiều trường mầm non quốc tế cũng như các bậc phụ huynh đã áp dụng phương pháp giáo dục Montessori cho học sinh và con em của mình. Tuy nhiên, bất kể phương pháp nào cũng vậy, trước khi áp dụng, phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ những ưu nhược điểm. Từ đó, bố mẹ có thể áp dụng một cách hiệu quả và toàn diện nhất.

Anh Thư (Tổng hợp)

Nguồn ảnh cover: Educação para Paz