Phương pháp dạy học tích cực là gì? 5 phương pháp dạy học tích cực phổ biến nhất
Phương pháp dạy học tích cực là gì? Những phương pháp dạy học tích cực nào được ưu tiên ứng dụng vào việc dạy học? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết sau.
Một trong những phương pháp dạy học thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo và tính chủ động ở học sinh không thể không kể đến các phương pháp dạy học tích cực. Phương pháp này cũng đang được ứng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy cùng tìm hiểu qua bài viết để biết thêm phương pháp dạy học này là gì.
Mục Lục
1. Phương pháp dạy học tích cực là gì?
1.1. Phương pháp dạy học là gì?
Phương pháp dạy học chính là cách thức tổ chức bài học giữa người dạy và người học, nhằm đạt được mục tiêu dạy học trong từng bài học nhất định. Mỗi người có một phương pháp dạy học khác nhau tùy vào tính chất, nội dung của bài học mà không cần thiết phải tuân theo một phương pháp nhất định nào.
1.2. Thế nào là phương pháp dạy học tích cực
Những phương pháp áp dụng kĩ thuật dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của học sinh được gọi là những phương pháp dạy học tích cực.
Trong những bài giảng bình thường, giáo viên luôn là người dẫn dắt bài giảng và đưa ra một kết luận cuối cùng để học sinh có thể ghi chép, học thuộc sau buổi học kết thúc. Trong các phương pháp dạy học tích cực, giáo viên không phải là người đưa ra kết luận cuối mà giáo viên sẽ đưa ra gợi ý chung, đẩy sự tích cực vào học sinh, học sinh cần phải thảo luận và cùng tìm ra kết quả, kết luận bài học.
Các phương pháp dạy học tích cực phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của học sinh.
Phương pháp này đòi hỏi học sinh phải tự tư duy, chủ động đúc kết kiến thức qua bài giảng, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, mở đường cho các kết quả bài học.
2. Ưu điểm của các phương pháp dạy học tích cực
2.1. Ưu điểm đối với người dạy
- Bài giảng thêm phần sinh động:
Nhờ vào phương pháp này, bài giảng của giáo viên trở nên sinh động và có ý nghĩa hơn, đồng thời thầy cô sẽ thu hút được sự chú ý của học sinh và nâng cao uy tín giảng dạy.
- Nâng cao chuyên môn:
Vì phương pháp tích cực là một phương pháp khó, các thầy cô cần đầu tư nhiều thời gian và chất xám để có thể
thiết kế bài giảng
hoàn hảo. Cũng chính vì vậy, trình độ chuyên môn của thầy cô sẽ tăng lên đáng kể, ngày càng thích nghi với nhiều phương pháp đổi mới trong dạy học.
2.2. Ưu điểm đối với người học
- Chủ động hơn trong việc học:
Với phương pháp này, yếu tố quyết định buổi học có thành công hay không là do sự tham gia xây dựng bài sôi nổi của học sinh. Học sinh sẽ được chia sẻ kiến thức, chủ động tiếp thu kiến thức không những qua thầy cô mà còn qua các bạn trong lớp.
- Kích thích khả năng sáng tạo:
So với việc để thầy cô hướng dẫn và học sinh chỉ việc ghi chép như trước đây, khi áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, học sinh được phép thoải mái sáng tạo, giúp trí tưởng tượng về khối kiến thức vượt xa hơn.
- Ghi nhớ bài giảng lâu hơn:
Hầu hết những ý tưởng mình tự nghĩ ra thì sẽ nhớ lâu hơn, trong bài học cũng vậy. Học theo phương pháp tích cực sẽ giúp học sinh nhớ lâu hơn, ứng dụng vào thực tế hiệu quả hơn.
3. Đặc trưng phổ biến của các phương pháp dạy học tích cực
Các phương pháp kĩ thuật dạy học tích cực được đánh giá là những phương pháp mang đến hiệu quả giảng dạy và học tập tốt.
Dưới đây là những đặc trưng phổ biến nhất của phương pháp dạy học tích cực:
3.1. Dựa vào các hoạt động của học sinh
Giáo viên sẽ tổ chức bài giảng thông qua chuỗi các hoạt động của học sinh, chuỗi hoạt động này sẽ liên quan chặt chẽ tới kiến thức bài học. Theo hình thức này, giáo viên sẽ không đưa ra sẵn khối kiến thức mà chỉ là người đứng ra tổ chức, giúp học sinh tự nhớ lại bài học trước và cùng với sức sáng tạo những ý kiến mới để tự xây dựng nên khối kiến thức và kết luận cho chính mình.
3.2. Chú trọng hướng tới phương pháp tự học
Các phương pháp dạy học tích cực chú trọng hướng học sinh tìm các nguồn tài liệu cơ bản trong sách giáo khoa và rộng hơn là tài liệu trên báo chí, mạng internet,…giúp học sinh có thói quen luôn hướng tới tìm tòi những nguồn kiến thức mới.
3.3. Học tập cá thể phối hợp với học tập nhóm
Với nguồn kiến thức tự tìm tòi, học sinh có thể thảo luận với nhau giúp cho mỗi học sinh vừa tự học một cách độc lập, vừa hợp tác chặt chẽ với các cá thể khác trong nhóm. Nhằm tăng khả năng giao tiếp và nhờ đó tiếp cận, phát hiện và tìm tòi kiến thức mới từ cả thầy cô lẫn bạn bè.
3.4. Kết hợp đánh giá của giáo viên và học sinh
Thông qua hệ thống câu hỏi, học sinh tự đánh giá chất lượng bài học. Chú trọng phát triển tự đánh giá bản thân và đánh giá lẫn nhau của những thành viên cùng nhóm. Từ đó tìm ra nguyên nhân cách sửa đổi và rút kinh nghiệm dành cho những bài học sau.
4. Các phương pháp dạy học tích cực phổ biến
Hiện nay có rất nhiều phương pháp dạy học tích cực được các nhà nghiên cứu giáo dục đưa ra nhằm cải thiện khả năng tiếp thu kiến thức đồng thời phát triển kỹ năng toàn diện của học sinh. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả các phương pháp, giáo viên cần phân tích bài giảng, chọn ra phương pháp dạy học phù hợp nhất. Sau đây là những hệ thống phương pháp dạy học tích cực nổi bật:
4.1. Phương pháp dạy học theo nhóm
Thầy cô sẽ chia lớp thành nhiều nhóm khác nhau, đưa ra mỗi nhóm một chủ đề yêu cầu thảo luận trong một thời gian nhất định. Các nhóm sẽ thảo luận vấn đề của mình được giao và trình bày trước lớp những kiến thức cơ bản và rút ra kết luận của nhóm. Thầy cô có thể đặt điều kiện cho mỗi thành viên trong nhóm đều có khả năng trình bày và trả lời câu hỏi của các nhóm khác đề ra.
Phương pháp học tập theo nhóm giúp mỗi thành viên trong nhóm đào sâu hơn kiến thức về vấn đề được giao.
Ưu điểm: Phát huy tinh thần làm việc theo nhóm, giúp học sinh cải thiện khả năng giao tiếp và có trách nhiệm hơn. Ngoài ra còn giúp mỗi thành viên trong nhóm đào sâu hơn kiến thức về vấn đề được giao.
Nhược điểm: Năng lực và số lượng thành viên trong một nhóm khó đồng đều, nếu phần thảo luận nhóm không hiệu quả thì chất lượng buổi học cũng không hiệu quả.
4.2. Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình
Với phương pháp này, giáo viên sẽ kể một câu chuyện có thật, hoặc cho học sinh xem hình ảnh, video, nghe đoạn âm thanh. Sau đó đưa ra vấn đề của tình huống và giao nhiệm vụ cho học sinh tìm ra kết luận và kiến thức nhân văn có trong tình huống đó.
Ưu điểm: Đây là một phương pháp tạo hứng thú trong việc động não, nâng cao khả năng tư duy của học sinh.
Nhược điểm: Hình thức tổ chức cồng kềnh cần nhiều thiết bị, đồ dùng phụ trợ, nếu tiết học diễn ra ngắn sẽ không đủ thời gian để vừa đưa ra tình huống, vừa giải quyết vấn đề và đưa ra kết luận.
4.3. Phương pháp nhập vai
Trong phương pháp này, giáo viên sẽ đưa ra một hoặc nhiều tình huống, chia lớp thành nhiều nhóm nhập vai và diễn thử những cách ứng xử liên quan đến tình huống đó. Tuy nhiên việc nhập vai diễn theo tình huống là một phần, phần chính là từng nhóm phải đưa ra được kết luận về tình huống. Cuối cùng giáo viên sẽ đưa ra định hướng về những kết luận đó phần nào đúng và chưa đúng giúp học sinh hiểu sâu hơn về giá trị nhân văn trong mỗi tình huống.
Ưu điểm: Giúp buổi học trở nên thú vị, phát huy được năng khiếu tiềm ẩn của mỗi học sinh. Gắn kết các thành viên trong nhóm và giúp nâng cao khả năng giao tiếp
Nhược điểm: Thời gian chuẩn bị khá lâu, cần có một kế hoạch rõ ràng. Năng khiếu thành viên của mỗi nhóm dễ bị chênh lệch.
4.4. Phương pháp tổ chức trò chơi
Đây là phương pháp lồng ghép trò chơi vào bài học để giải quyết một vấn đề nào đó. Đây được coi là một trong những phương pháp dạy học mới giúp tăng sự hứng thú, kích thích học sinh tìm hiểu vấn đề mạnh mẽ hơn.
Ưu điểm: Không tốn nhiều thời gian của tiết học, tạo không khí sôi động, kích thích sự hiếu thắng, giúp học sinh tìm tòi kiến thức bài học sâu hơn.
Nhược điểm: Khó kiểm soát sự tham gia đồng đều của học sinh, có khả năng gây ồn ào, mất kiểm soát về trật tự lớp học.
4.5. Phương pháp dự án
Đây là phương pháp đòi hỏi học sinh phải thực hiện một chuỗi nhiệm vụ gắn liền với thực tế kết hợp giữa lý thuyết bài học và thực hành. Nhiệm vụ tìm hiểu vấn đề bao gồm lập kế hoạch, thực hiện nội dung dự án và cuối cùng là đánh giá kết quả của dự án. Phương pháp này thường được thực hiện theo nhóm.
Phương án học tập theo dự án đòi hỏi học sinh phải thực hiện một chuỗi nhiệm vụ gắn liền với thực tế kết hợp giữa lý thuyết bài học và thực hành.
Ưu điểm: Giúp học sinh đào sâu hơn đồng thời ghi nhớ lâu hơn khối kiến thức bài học. Phát huy tính tự lực cá nhân trong tập thể nhóm.
Nhược điểm: Khó tổ chức, khó đồng nhất quan điểm giữa cá nhân và tập thể nhóm. Vì phương pháp này cần tính tự lực cao nên chỉ cần một thành viên trong nhóm có thái độ bỏ bê nhiệm vụ thì chất lượng bài tập nhóm sẽ ảnh hưởng và không có kết quả cao.
Kết luận
Phương pháp dạy học tích cực là một phương pháp mang lại rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Nền giáo dục nước nhà đang dần đổi mới theo từng năm, vì vậy cả người dạy và người học đều cần áp dụng các phương pháp học tập mới để phát triển bản thân và thích nghi tốt với nhiều đổi mới. Chung quy lại cũng là mục đích giúp cho nền giáo dục trở nên vượt trội. Hy vọng qua bài viết tìm hiểu về các phương pháp dạy học tích cực giúp người đọc hiểu thêm dạng phương pháp dạy học này và áp dụng hiệu quả.
Xem thêm: Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ở tiểu học