Phương pháp bảo quản cam sau khi thu hoạch
Phương pháp bảo quản cam sau khi thu hoạch
Phương pháp bảo quản cam sau khi thu hoạch
Tùy theo cây giống được tạo ra từ phương pháp nào (gieo bằng hạt, chiết, ghép), giống, kỹ thuật canh tác, điều kiện môi trường sống của cây… mà sau khi trồng khoảng 2 – 4 năm, cây cam có thể cho thu hoạch. Đồng thời cũng tùy theo giống, tuổi cây, tình trạng sinh trưởng của cây mà từ khi ra bông đậu quả cho đến khi thu hoạch vào khoảng 7-8 tháng.
Quả được xác định là chín khi có 25 – 50% diện tích vỏ chuyển màu vàng. Nếu phân tích sinh hoá thì tỷ lệ độ Brix với hàm lượng acid trong quả thay đổi từ 7/1 – 10/1. Hàm lượng dịch quả chiếm khoảng 50% trọng lượng.
Nếu dùng để ăn tươi, nên thu hoạch cam sành vào khoảng 212 – 221 ngày sau khi đậu quả. Biểu hiện bên ngoài của quả lúc này là: Vỏ có màu xanh bóng, hơi vàng nhạt, dễ dàng tách khỏi phần thịt. Phần vỏ xốp có màu hơi vàng. Chính giữa đáy quả xuất hiện đốm tròn (đường kính khoảng 1,5 – 2cm). Vị chua ngọt hài hoà. Nếu thu hái khi quả còn xanh, vỏ quả có màu xanh đậm, vị chua gắt, đắng.
Khi quả đạt tới độ thu hoạch nên thu hái vào khoảng 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Thời gian này sương đã khô và quả mất độ trương, do đó giảm được sự tổn thương các tế bào chứa tinh dầu ở vỏ làm tạo những vết bầm trên quả sau khi thu hoạch. Không nên thu hái vào lúc sau mưa hoặc khi có sương mù nhiều vì dễ gây thối quả khi vận chuyển. Ngược lại, cũng không nên thu hái vào lúc trời nắng gắt vì lúc này những tế bào chứa tinh dầu trên vỏ căng mọng dễ bị vỡ.
Khi thu hái không nên bỏ hay dứt mạnh tay. Cần dùng dao sắc hoặc kéo nhẹ nhàng cắt cuống quả để tránh bị bầm giập. Sau khi hái nhẹ nhàng đặt quả vào giỏ hay sọt tre có lót lá khô hoặc giấy xung quanh để tránh làm vỏ quả bị bầm giập, xây xát. Để quả nơi thoáng mát, lau sạch vỏ và phân loại. Nếu phải vận chuyển đi xa nên cắt bớt cuống và lá trên cuống để giảm xây xát và héo quả do lá bốc hơi nước nhiều.
Nếu để trong điều kiện tự nhiên thì thời gian bảo quản thường chỉ được vài ba ngày. Thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc vào giống cam, quýt, độ chín khi thu hái, tình trạng sinh trưởng của cây… Cách này chỉ phù hợp với sản xuất nhỏ lẻ và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nếu muốn thời gian bảo quản kéo dài để phục vụ cho việc xuất khẩu đi xa thì quả phải được bảo quản trong điều kiện lạnh. Qua nghiên cứu, các nhà chuyên môn cho thấy, trái cam, quýt nếu được tồn trữ, bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 5 – 10°C, độ ẩm tương đối của không khí khoảng 85 – 92% thì thời gian tồn trữ có thể kéo dài 4 – 6 tuần lễ.
Để bảo quản trái cam sành được lâu, bà con ở một số địa phương miền Bắc thường có kinh nghiệm là thu hái quả vừa đúng độ chín (không để quả chín quá). Cắt sát cuống, lau sạch sau đó dùng vôi ướt (vôi ăn trâu) bôi vào vết cắt trên cuống, sau đó vùi quả thành từng lớp trong cát sạch, hơi ẩm. Cách này có thể bảo quản hàng tháng (trong điều kiện nhiệt độ của mùa đông – xuân). Tuy nhiên, cách-làm này cũng chỉ áp dụng nhỏ lẻ trong từng gia đình với lượng cam không nhiều.
Ngoài ra còn có phương pháp bảo quản cam bằng công nghệ sạch. Nếu ứng dụng công nghệ này đối với sản phẩm cam sành thì 3 tháng sau vụ thu hoạch, người nông dân vẫn có cam tươi để bán. Vụ cam vừa qua, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tỉnh Hà Giang đã thử nghiệm 2 mô hình tại 2 huyện Vị Xuyên và Bắc Quang. Kết quả cho thấy cam hái từ đầu tháng 12 âm lịch bảo quản theo phương pháp mới sau hơn 80 ngày vẫn mọng nước, vỏ còn chắc và màu sắc tươi nguyên. So với cam được bảo quản bằng các loại hóa chất, rõ ràng quả cam ứng dụng công nghệ mới đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Ưu điểm nổi bật của công nghệ màng bán thấm là không sử dụng hóa chất độc hại.
Phương pháp bảo quản rất đơn giản và phù hợp với trình độ kỹ thuật của người nông dân. Sau khi thu hoạch, người trồng cam chỉ cần rửa sạch rồi xoa lên vỏ cam một lớp sữa BQE – 1. Ngay lập tức, dung dịch kết tủa tạo thành một lớp màng bán thấm siêu mỏng trên bề mặt quả. Lớp màng sẽ ngăn cản các loại nấm mốc, vi sinh vật từ môi trường xâm nhập vào quả cam và giúp giới hạn 0, từ không khí vào bề mặt quả, hạn chế quá trình bay hơi nước để giữ cho quả không bị hao hụt khối lượng và luôn tươi… Để kiểm chứng quá trìnhlàm chậm bốc hơi nước của công nghệ này đã tạo “màng bán thấm” cho 20kg cam tươi, sau đó để 10kg ở ngoài và 10kg bọc trong túi nilon. Sau 3 tháng, 10kg để ngoài hao 1,2kg còn 10kg được bọc trong túi nilon hao 0,9kg.
Nhìn chung, chất lượng quả sau bảo quản tương đối đồng đều. Mã quả đẹp, tỷ lệ hỏng chỉ từ 2 – 3%, thấp hơn hẳn so với tỷ lệ hỏng 15% khi sử dụng hóa chất: Nhiều bà con sau khi tự thử nghiệm trên 60 quả cam cũng bị thuyết phục trước sự tiện ích của màng bán thấm BQE – 1. Cùng một thời điểm đưa vào bảo quản nhưng quả cam sử dụng hóa chất như trước đây có vỏ nám và hóp lại do mất nước, còn quả cam ứng dụng công nghệ mới còn tươi nguyên, khi ăn vẫn giữ nguyên hương thơm đặc trưng của cam. Ngoài những tiêu chuẩn như đảm bảo vệ sinh an toàn, đảm bảo chất lượng, dễ sử dụng, màng bán thấm BQE-1 còn một ưu điểm, đó là giá thành rẻ.
Chỉ 60 nghìn đồng/kg sữa BQE-1 có thể bảo quản cho 1 tấn cam. Do vậy, dù ứng dụng khoa học mới ở giai đoạn thử nghiệm nhưng hầu hết các chủ vườn cam sau khi được giới thiệu công nghệ đều quyết định sử dụng phương pháp bảo quản này. Các chủ vườn cam đã bắt đầu quan tâm đến chất lượng và uy tín của sản phẩm. Họ hiểu rằng thương hiệu cam sành chỉ có thể xây dựng nên từ niềm tin của người tiêu dùng.