Phương Tây với chuyện tiếu lâm :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com

Theo nghĩa đen thì tiếu lâm có phạm vi rộng, gồm những chuyện cười, từ những chuyện có trí tuệ, thậm chí có cả chữ nghĩa đến những chuyện có yếu tố thiên về bản năng (chuyện tục). Nhưng trong thực tế ở ta, nói đến chuyện tiếu lâm người ta thường nghĩ ngay đến những chuyện “loại A” có hơi hướng tình dục hoặc sinh thực khí của con người, nhất là của phụ nữ.

Ở phương Tây, chuyện tiếu lâm cũng không ra khỏi quĩ đạo ấy. Nhưng trong cái “đại đồng” ấy vẫn có những chỗ tiểu dị. Phải nói rằng không phải chuyện tiếu lâm nào cũng gây cười; chuyện tiếu lâm phương Tây có tính xã hội rõ nét rộng rãi như chuyện chế diễu các cộng đồng dân tộc khác. Ngoài ra sở thích thông thường của các chuyện ấy nhằm vào những tình huống trái khoáy “bất như thường”, thị hiếu này có phần không giống chúng ta. Cứ xem việc chọn chuyện cười hay nhất thế giới thì thấy được điều này.

Chúng ta đã có dịch truyện tiếu lâm Tàu, tiếu lâm Nhật và lác đác trên báo chí có các “nụ cười nước ngoài” của Pháp, Anh, Mỹ. Xin giới thiệu một bài viết về chuyện tiếu lâm của một tác giả Pháp:

Hai con giòi gặp nhau trong một quả táo úng. Một con kêu lên: “Ô kìa! Tớ không biết cậu ở cùng khu phố”. Hồn nhiên, thi vị, phi lí, sỗ sàng, đáng ngờ, tục tĩu, thậm chí phân biệt chủng tộc, chuyện tiếu lâm đem lại ý vị vào các câu chuyện giữa bạn bè, tại công sở, tiệm cà phê hoặc trong gia đình. Một số chuyện gây cười, một số khác thì không. Nhưng chúng đến từ đâu vậy?

Từ những năm 90 thế kỷ XX, nhiều chuyên gia đã phân tích kỹ lưỡng thế giới chuyện tiếu lâm. Đối với họ, những chuyện tào lao cũng như các “truyền thuyết đô thị” (cá sấu trong cống rãnh, bắt cóc trong các phòng thử quần áo tại các cửa hiệu, nhện khổng lồ trên các cây ngọc giá (yucca)…). Và các truyện kể dân gian, là thuộc “văn học truyền miệng”. Một trong các nhà nghiên cứu ấy, Jean Bruno Renard trưởng Khoa xã hội học, Đại học Paul Valéry tại thành phố Montpellier đã phát hiện ra rằng một số truyện kể tục tĩu do nhà văn hài hước Jean Roucas sưu tập, đã được nghe kể vào các thế kỉ XIII và XIV dưới hình thức truyện tiếu lâm bằng thơ hay truyện kể bông lơn. Chẳng hạn câu chuyện sau đây đã qua hàng thế kỷ: “Người ta bảo một cô gái cả tin rằng tinh hoàn đàn ông là những quả trứng. Thế rồi cô ta cho biết một hôm mình đã đánh vỡ thật sự một quả trứng đàn ông, chả là lòng trắng đã chảy ra lai láng!”

Bật cười về những điều như nhau là dấu hiệu cùng thuộc về cùng một tập thể.

Trên thực tế, các cảnh do các nhà hài hước dựng lên, góp phần vào việc phổ biến chuyện tiếu lâm. Như vậy, Jerôme Daran, người viết các màn kịch ngắn theo văn của nhà hài hước Florence Foresti, còn viết những cảnh mới mô phỏng thế giới xung quanh và theo kinh nghiệm bản thân. “Tôi tích lũy các tình huống, chuyển hướng, khuếch đại chúng lên để cho sự vật giảm tính nghiêm trọng”. Trong các câu chuyện chuyển tải lên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi một người trong chúng ta sẽ chọn những chuyện hợp với các mối băn khoăn của anh ta. Và có khi anh ta thuật lại cho bạn bè mà không nêu tên tác giả, điều này bảo đảm câu chuyện được hoan nghênh và khiến người ta lại một lần nữa quên mất tác giả.

Chuyện tiếu lâm thường khuyết danh và có tính tập thể. Khi một người tung ra câu chuyện thì danh tính anh ta mau chóng bị lãng quên. Theo Jean Bruno Renard, “một truyện được truyền đi truyền lại qua nhiều thế hệ thì được gọt giũa cho đến khi đạt hình thức hoàn thiện nhất, bảo đảm cho hiệu quả của nó. Nó tuột khỏi tay người sáng tạo ra để sống cuộc sống của bản thân mình. Theo Claude Gaignebet, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Dân tộc học và nhân loại học, thuộc khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn trường Đại học Nice, thì vô số chuyện cười thường pha tục đã được truyền đi theo các thế hệ do đám trẻ con trên thế giới. Nhân vật phổ biến Toto, nguyên mẫu của thằng lỏi con của chuyện dân gian là một ví dụ rõ nét: “Mẹ của Toto sai con đi viện để xét nghiệm nước tiểu của bà. Nhưng do mải chạy nhảy dọc đường, cu cậu làm đổ mất chất lỏng trong lọ. Đang lo lắng không biết làm thế nào, thì Toto thấy một ả ngựa cái đang tè. Nhóc ta bèn lấy nước tiểu đó cho vào lọ. Sau khi xét nghiệm, người cán bộ y tế bảo Toto rằng: “Mẹ cháu sẽ sinh ra một con ngựa làm em cháu đấy!” Toto hối hả về nhà vì cái tin quan trọng ấy, và trông thấy mẹ đang đứng tắm trần truồng dưới vòi hoa sen. Cậu ta gật đầu tự bảo: “Đúng rồi, con ngựa đã thò đuôi ra rồi kìa!”.

Chuyện tiếu lâm được lan ra dần dần, trước tiên giữa đám bạn bè hoặc trong gia đình. Như thế nó có chức năng quan trọng về tính giao lưu và chất gắn kết xã hội. Theo Pascal Froissart nhà giáo – nghiên cứu về khoa học thông tin – liên lạc tại viện CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học) thì các chuyện ấy thuộc về Folklore (văn hoá dân gian) riêng của mỗi tập đoàn quốc gia hay xã hội. Đúng thế, khi cười về những điều như nhau, thì có thể được nhận ra cùng thuộc về một tập đoàn có cùng những giá trị chung, và được phân biệt với các tập đoàn khác thường bị chế nhạo. Những điều châm biếm này giúp phát biểu tự do các ý thức chính trị hoặc xã hội không đúng đắn. Đấy thường nhất là các trường hợp các câu chuyện có tính kì thị giới tính, kì thị chủng tộc, bài Do Thái…

Kể chuyện tiếu lâm cũng là một cách để xua đuổi những nỗi bất hạnh, sợ hãi, lo âu. Tính hài hước giúp vượt lên các chấn thương tinh thần. Nó làm thành một chiếc van an toàn về mặt tâm lý xã hội.

Chọn chuyện hay nhất trong 40.000 chuyện, trắc nghiệm với 350.000 khản giả internet.

“Nhận ra một người Flamand trong hiệu giày dép như thế nào”?
– Đấy là người thử các hộp đựng giày.

Câu chuyện này được người Wallon ở Bỉ kể để chế nhạo người Flamand, và người Pháp lại kể để chế diễu người Bỉ. – Người Bỉ phản kích bằng các câu đố kiểu: “Tại sao người Pháp thích các câu chuyện của người Bỉ? – Bởi vì chúng dễ hiểu.

Điểm chung của các chuyện hài hước này là vừa có tính cộng đồng hoặc tính dân tộc, vừa có tính thế giới, bởi lẽ thường gặp lại trên các miền trái đất khác. Câu chuyện người Bỉ của “chúng ta” thường cũng trùng với các câu chuyện mà người Anh kể về người Ai-rơ-len.

Ngày nay chuyện tiếu lâm được phổ biến rộng rãi bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù bị cạnh tranh bởi các trang trên Internet dành cho các truyện cười, các tập truyện loại ấy vẫn cứ thấy bán nhan nhản ngoài phố. Hiện nay, hàng đầu là những chuyện về các phụ nữ tóc vàng: “Mất điện trong một cửa hàng lớn… Một cô tóc vàng bị kẹt hàng 3 tiếng đồng hồ trong thang máy”. Hoặc: “Khi nước tắm của bé nóng quá thì một phụ nữ tóc vàng làm thế nào? – Bà ta mang găng tay”.

Còn một vấn đề quan trọng: “Chuyện tiếu lâm nào hay nhất thế giới? Để giải đáp, Richard Wiseman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hertford shire (Anh) và là người sáng lập ra “phòng thí nghiệm tiếng cười”, đã đưa thực nghiệm 40.000 chuyện cho 350.000 khán giả Internet của 70 nước. Được chọn là chuyện sau đây: “Hai người đang đi săn trong rừng. Bỗng một người ngã gục, bất tỉnh như chết. Người kia dùng điện thoại di động kêu cứu: “Bạn tôi chết rồi, biết làm sao bây giờ!” Đầu dây đằng kia đáp: “Hãy bình tĩnh, trước hết hãy xác định anh ta đã chết thật chưa.” Thế là đùng, một phát súng vang lên. Người đi săn nói: “ Được rồi đấy, anh ta chết thẳng cẳng ra rồi, thế bây giờ tôi phải làm gì?”

Nhưng hãy coi chừng nếu bạn thấy câu chuyện này vừa ý mình, thì đừng đem kể cho các bạn hữu, vì nó có thể đem lại điều tai họa. Hãy xem câu chuyện sau đây, cũng nổi tiếng hay nhất thế giới, nằm ở giữa một kịch ngắn của Monty Python. Mỗi lần có người nghe kể hoặc đọc chuyện ấy thì cười bò ra đến mức tắt thở. Hậu quả: kết thúc một câu chuyện mãi mãi vẫn là bí ẩn.

Theo Tiphaine Bellambe
Tạp chí Cam’intersse