Phụng Hiệp: Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng cây sương sáo
Phụng Hiệp: Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng cây sương sáo
Trong một vài năm gần đây, do cây mía bị rớt giá nên một số hộ dân ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã chuyển sang trồng cây sương sáo và mang lại nguồn thu nhập cao. Chú Đặng Công Tịnh ở ấp Tân Hưng là một hộ tiêu biểu trong việc chuyển đổi này.
Sương sáo (còn được gọi là Tiên thảo) là loại thảo mộc không chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe mà còn có hương thơm vô cùng đặc biệt. Đây cũng là một trong những nguyên liệu chính cung cấp cho các công ty sản xuất nước uống có nguồn gốc thảo mộc trong nước.
Đặc tính của cây sương sáo dễ trồng, nhanh thu hoạch, chỉ cần xuống giống trồng một lần, mỗi kỳ thu hoạch nhổ tuyển, dậm lại, chừa gốc lưu vụ không cần trồng mới như các loại cây rau màu khác. Mỗi lần trồng có thể thu hoạch được 3 – 4 năm và một năm thu hoạch 2 – 3 lần. Năng suất mỗi lần thu hoạch từ 700kg – 1tấn /1.000m2 sương sáo đã phơi khô.
Theo chân chú Tịnh để đến những liếp xanh rì cây sương sáo, chú Đặng Công Tịnh, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, cho biết: “Trước đây, những liếp đất này được Chú trồng mía. Nhưng cây mía liên tục bị rớt giá, nên Chú bắt đầu chuyển đổi cây trồng. Do ít vốn, nên chọn cây rau màu để trồng và Chú đã tìm đến cây sương sáo”.
Năm 2019, chú Tịnh có 2.000m2 cây sương sáo đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân mỗi lần thu hoạch khoảng 1,8 tấn sương sáo khô, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, có vụ lên đến 36.000 đồng/kg. Sau 3 lần thu hoạch, trừ các khoản chi phí Chú thu về lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Chú Tịnh tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên 4.000m2, vụ vừa rồi Chú thu hoạch được khoảng 3,5 tấn sương sáo khô với giá bán 18.000 đồng/kg, cho thu nhập 63 triệu đồng.
Cây sương sáo bắt đầu phất lên ở vùng Phụng Hiệp, do phù hợp với khí hậu, ít sâu bệnh, dễ bảo quản bằng cách phơi khô, để lâu không bị hỏng. Đặt biệt cây sương sáo là một trong những nguyên liệu làm thức uống thảo mộc tốt cho sức khỏe, nên tin rằng nghề trồng sương sáo của bà con nông dân sẽ còn tiếp tục phát triển.