Phục hồi da sau nặn mụn đúng cách
Mụn trứng cá thật sự là nỗi đau đầu của nhiều người, bất kể giới tính hay ở độ tuổi. Nhiều người thường chọn đi nặn mụn vì nghĩ rằng đó là cách nhanh nhất để loại bỏ hoàn toàn nhân mụn, giúp da nhanh chóng khoẻ mạnh. Thực tế là sau khi nặn mụn da thường sưng tấy, đỏ hơn, kích ứng và cực kỳ nhạy cảm khiến nhiều người vô cùng hoang mang, loay hoay không biết làm sao da để da giảm bớt sưng, đỏ. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu cách chăm sóc, phục hồi da sau nặn mụn trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Có nên đi nặn mụn hay không?
Từ trước đến nay, có vô vàn quan điểm trái chiều về việc liệu có nên đi nặn mụn hay không. Nhiều Bác sĩ khuyên không nên nặn mụn vì dễ gây tổn thương da, từ đó làn da dễ gặp các tình trạng như sẹo rỗ hay thâm mụn.
Một số Bác sĩ thì lại cho rằng dù không có nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của việc lấy nhân mụn trong điều trị mụn trứng cá, họ vẫn nhận thấy được lợi ích của phương pháp này qua quá trình thực hành hàng ngày trên lâm sàng khi điều trị mụn cho bệnh nhân. Các Bác sĩ này đồng thuận rằng vẫn nên đi nặn mụn, nhưng phải xác định rõ nên nặn mụn gì và ở giai đoạn nào.
Về bản chất, nặn mụn đơn giản là biện pháp cơ học sử dụng lực từ bên ngoài để lấy nhân mụn và chất nhờn ra khỏi bề mặt da. Có thể nói rằng đây là cách nhanh nhất để loại bỏ nhân mụn. Tuy nhiên, cần xác định rõ là nặn mụn không có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành các nhân mụn mới, nặn mụn chỉ phần nào giúp thông thoáng lỗ chân lông giúp da dễ dàng hấp thu các hoạt chất điều trị mụn, từ đó mang lại hiệu quả trị mụn nhanh và tốt hơn.
Những trường hợp nên nặn mụn
Như đã đề cập ở trên, không phải tất cả các bệnh nhân đều nên nặn mụn mà tùy thuộc vào chỉ định của Bác sĩ Da liễu thông qua thăm khám để xác định loại và giai đoạn bị mụn của từng bệnh nhân.
-
Các loại mụn nên nặn: bao gồm những mụn không viêm, có thể lấy nhân mụn định kỳ được. Mụn không viêm là các loại mụn đầu trắng, mụn đầu đen, sợi bã nhờn. Một điều lưu ý là đối với mụn này chỉ nên nặn khi mụn đã chín, gom cồi, se nhân.
- Các loại mụn không nên nặn: các tình trạng mụn còn non (nốt mụn mới mọc lên) hay mụn nang, mụn viêm, mụn bọc cấm kị việc nặn mụn. Khi cố tình cạy mụn non sẽ làm tổn thương bề mặt da, vết thương ngày càng lan rộng, từ đó thâm mụn sẽ nặng hơn. Còn đối với mụn nang và mụn bọc, việc cố tình cạy và nặn nhân mụn ra khỏi da sẽ làm ổ viêm nhiễm lây lan từ vùng này sang vùng khác cũng như không thể lấy hết mủ máu ở dưới da, làm da bị tổn thương nặng hơn, từ đó tình trạng viêm nhiễm ngày càng tồi tệ hơn.
Bệnh nhân khi mắc phải mụn viêm, sưng, đỏ, đau thì tuyệt đối không nặn mụn mà nên kiên trì bôi thuốc theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu, chờ một khoảng thời gian cho mụn gom hẳn, hết phản ứng viêm thì mới nặn lấy nhân mụn ra khỏi bề mặt da. Một số hoạt chất có thể giúp quá trình gom nhân mụn diễn ra nhanh hơn như benzoyl peroxide, BHA, tea tree oil…
Nên đi nặn mụn bao lâu một lần?
Nghe có vẻ khó tin nhưng rất nhiều người có hội chứng nghiện nặn mụn. Ban đầu, những người thích nặn mụn đơn giản chỉ vì muốn loại bỏ những nốt mụn xấu xí trên da. Nhưng dần dần, hành động này đã trở thành thói quen của họ và việc nghiện nặn mụn là không thể tránh khỏi.
Hãy nhớ rằng đừng phụ thuộc vào việc nặn mụn vì nặn mụn chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề, quan trọng nhất vẫn là tìm ra nguyên nhân gây mụn và phương pháp phù hợp để điều trị mụn. Nếu bệnh nhân vẫn muốn đi lấy nhân mụn thì tuỳ tình trạng da, tuỳ cơ địa phục hồi của mỗi người mà sẽ có khoảng cách giữa các lần nặn mụn khác nhau, ít nhất 2-3 tuần mới nên đi lấy nhân mụn một lần.
Phục hồi làn da sau nặn mụn
Làn da sau nặn mụn thường cực kỳ yếu và nhạy cảm, vì vậy cần hết sức quan tâm tới làn da ở giai đoạn này và lựa chọn một chế độ chăm sóc da phù hợp.
Giai đoạn làm sạch
Vào những ngày đầu tiên sau khi đi nặn mụn, người bệnh chỉ nên dùng sữa rửa mặt cực kỳ dịu nhẹ để làm sạch da. Một lưu ý khi rửa mặt là không nên chà xát quá mạnh mà nên rửa cực kỳ nhẹ nhàng, tránh ảnh hưởng vết thương. Đặc biệt, ở thời điểm này không được sử dụng sữa rửa mặt có hạt hay các loại nước tẩy trang, tẩy tế bào chết vật lý hay hoá học, và tuyệt đối tránh xa máy rửa mặt vì tất cả những thứ kể trên rất dễ gây kích ứng da, làm vết thương bị tổn thương sâu hơn, dễ bị chảy máu, từ đó vết thương lâu lành hơn.
Phục hồi và bảo vệ da
Sau nặn mụn, bảo vệ và phục hồi da là vô cùng quan trọng. Trong khoảng 3 ngày đầu sau nặn mụn, cần hạn chế hết mức có thể sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Cho dù ở nhà hay phải ra khỏi nhà, sử dụng kem chống nắng và che chắn làn da cẩn thận là điều vô cùng quan trọng vì da sau khi nặn, các san thương mụn sẽ trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời và dễ bị tổn thương bởi tác động của tia UV.
Sử dụng kem chống nắng giúp tạo ra lớp màng bảo vệ da, tránh tình trạng tăng sắc tố sau viêm, giảm sự hình thành thâm mụn, từ đó làn da cũng hồi phục nhanh chóng hơn. Có một lời khuyên là nên đi nặn mụn vào tối thứ 6 vì làn da sẽ có 2 ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, phục hồi ở nhà, hạn chế được việc phải ra khỏi nhà và sử dụng các sản phẩm trang điểm.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần sử dụng dưỡng ẩm hay lotion để phục hồi hàng rào bảo vệ da. Các sản phẩm dưỡng ẩm, lotion cần chứa những hoạt chất như HA, B5, peptide để quá trình phục hồi da diễn ra tốt hơn:
-
HA (Hyaluronic Acid): HA là một glycosaminoglycan tự nhiên được tìm thấy ở mô liên kết trên cơ thể. Glycosaminoglycan là những mạch dài carbohydrate không phân nhánh, hay còn gọi là polysaccharide. HA là thành phần chính của cấu trúc da, giúp duy trì làn da luôn căng bóng, mịn màng. Đặc biệt, hyaluronic acid còn có khả năng làm phục hồi vết thương nhờ khả năng liên kết các phân tử nước và giữ nước tốt, làm dịu những làn da nhạy cảm, đang bị kích ứng.
-
B5: B5 hay còn gọi là acid pantothenic, là một trong những vitamin quan trọng nhất cho cơ thể con người giúp duy trì một sức khỏe tốt. Ở da, B5 giúp sản sinh ra 1 enzyme gọi là coenzym A (CoA). CoA phá hủy acid béo và triglyceride trong cơ thể, giảm sự hoạt động bã nhờn, từ đó ngăn ngừa mụn. Ngoài ra, B5 còn thúc đẩy sự phát triển của elastin, glycan, collagen giúp chữa lành vết thương cho làn da.
-
Peptide: peptide là các đoạn protein được hình thành từ nhiều loại amino acid liên kết với nhau bởi liên kết peptide. Khi collagen bị phân hủy sẽ hình thành các chuỗi peptide, chuỗi này phát tín hiệu ra xung quanh rằng da đang bị tổn thương để kích thích quá trình tăng sinh collagen. Khi thoa peptide lên da, đó là một dấu hiệu báo rằng vùng da này đang yếu, cần được phục hồi. Lúc này, quá trình tăng sinh collagen nội sinh được kích thích giúp da khỏe mạnh hơn. Peptide mang đến nhiều công dụng như chống lão hoá, phục hồi da, giảm nếp nhăn, tăng độ căng bóng da…
Cuối cùng, điều quan trọng nhất để sở hữu làm da đẹp sạch mụn đó chính là có một lối sống lành mạnh. Tất cả mọi người nên ghi nhớ và tuân thủ điều này bất kể có đi nặn mụn hay không. Hãy luôn giữ cho tinh thần luôn thoải mái, đi ngủ sớm, ăn uống lành mạnh, chăm tập thể dục, không sử dụng nhiều chất kích thích. Với lối sống lành mạnh, Doctor Acnes tin rằng làn da sẽ nhanh chóng phục hồi những tổn thương sau mụn, giúp da trở nên đẹp rạng rỡ hơn.
Đúc kết lại từ những điểm đã nêu, nhân mụn vẫn nên được lấy nếu mụn đủ chín và đã hết tình trạng viêm nhiễm. Sau khi nặn mụn cần chăm sóc da cẩn thận để da nhanh chóng hồi phục và đẹp hơn. Nếu vẫn băn khoăn về nặn mụn và cách chăm da sau nặn mụn, hãy đến với Doctor Acnes để được các Bác sĩ Da liễu thăm khám và hướng dẫn cụ thể các bước chăm sóc da mụn.
Tài liệu tham khảo