Phục hồi chức năng trẻ bị vẹo cổ do tật cơ

KTV Phạm Thị Thanh Truyền – Khoa PHCN

I. ĐỊNH NGHĨA

Vẹo cổ do tật cơ là tình trạng cơ ức đòn chũm (UĐC) bị xơ hóa, co rút dẫn đến tư thế đầu nghiêng về phía bên có khối u cơ và mặt xoay về phía đối diện, ít có khả năng đưa đầu về đường giữa thân người.

Một khối u nằm trên cơ UĐC được phát hiện rõ nhất trong khoảng từ 1- 2 tuần tuổi sau sanh. Thời gian đầu u có thể mềm không gây trở ngại nhiều cho tầm vận động (TVĐ) cột sống cổ. Sau đó khối u dần dần hóa thành mô sợi làm hiện tượng vẹo cổ tăng dần vì cơ UĐC bị co rút lại, làm giới hạn TVĐ cột sống cổ. Thời gian sau thường có biến dạng thứ cấp như sọ mặt bị lép, má xệ, mắt nhỏ, vẹo cột sống, xương đòn và vai bên có tật cao hơn bên bình thường

veoco1

II. NGUYÊN NHÂN

Chưa được biết rõ, có nhiều giả thuyết cho rằng do di truyền, nhiễm khuẩn, chèn ép thai trong tử cung, chấn thương trong khi đẻ (thường do đẻ ngược).

III. LÂM SÀNG

Phát hiện ra bệnh thường do bác sĩ sản khoa, nếu đứa trẻ sơ sinh mang sẵn trong cơ những bướu thường nhận thấy 10 hay 15 ngày sau. Bướu lớn dần trong vòng 2-4 tuần, sau đó nhỏ dần và bướu mất trong khoảng 5-6 tuần.

Biến dạng thường thấy sau đó là: đầu méo, mắt xệ, một nữa mặt bẹt, xương chũm lồi, xương đòn và vai thường có tật cao hơn phía bình thường.

IV. ĐIỀU TRỊ

1.Bảo tồn

   Bằng phương pháp vật lý trị liệu phải được thực hiện sớm vài tuần đầu sau khi sinh.

2.Phẩu thuật

   Khi phương pháp điều trị bảo tồn không có kết quả thì sau 6 tháng phải được chuyển mổ.

V. LƯỢNG GIÁ

Lượng giá khởi đầu phải được thực hiện bởi KTV vật lý trị liệu và dựa theo tiêu chuẩn sau đây:

  • Hình dáng tổng quát của đứa trẻ, đặc biệt tư thế của đầu tương quan đối với thân người và chi.
  • Hình dáng và tính chất cơ ức đòn chũm( khối u)
  • Tầm vận dộng cột sống cổ.
  • Mức độ đối xứng của mặt và sọ- đầu ở vị trí đường giữa và mặt xoay về phía trước.
  • Có đau khi cử động hoặc sờ đến khối u không.
  • Các dấu hiệu khác: các phản xạ bất thường và các biến dạng khác nếu có.

VI. VẬT LÝ TRỊ LIỆU-PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

1.Mục đích

  • Ngăn ngừa cơ ức đòn chũm rút ngắn.
  • Lấy lại tầm vận động bình thường của cột sống cổ.
  • Sửa tư thế tốt,ngăn ngừa các biến dạng thứ cấp xảy ra ở sọ mặt và cột sống cổ.

2.Kỹ thuật

* Bài tập 1: Day, bóp nắn khối xơ cơ ức đòn chũm.

Tư thế bệnh nhân:

  • Đặt trẻ nằm trên đùi người nhà,vai trẻ trùng với mép đùi,đầu bệnh nhân được nâng đỡ bởi tay người điều trị, cổ duỗi và nghiêng bên lành, mặt quay về bên có khối xơ.

Kỹ thuật:

  • Một tay KTV nâng đỡ đầu trẻ
  • Tay kia dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ và ngón giữa ấn day trên khối u xơ, lưu ý không day trên da để tránh làm phồng đỏ gây đau rát cho trẻ.

* Bài tập 2: Kéo giãn cơ ức đòn chũm

veoco2

Tư thế bệnh nhân

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế như tư thế để day khối xơ.

Kỹ thuật

  • Người điều trị 2 tay nâng đỡ đầu trẻ ở tư thế thoải mái giúp trẻ không quấy khóc hoặc giãy dụa.
  • Thực hiện kéo giãn bằng cách đưa đầu trẻ đến vị trí ngửa – xoay dần mặt trẻ về bên bệnh.
  • Thực hiện động tác kéo giãn chậm, người điều trị cảm nhận độ căng vừa phải của cơ được kéo giãn thì lập tức ngừng lại 5 giây rồi đưa đầu trẻ về vị trí trung tính.
  • Kéo giãn kết hợp day, xoa bóp xen kẽ trong quá trình điều trị.

* Bài tập 3: Kéo giãn bằng tư thế.

  • Cho trẻ bú ở vú ngược bên với bên bệnh nhằm kích thích trẻ xoay đầu về bên bệnh giúp kéo giãn cơ làm tăng tầm vận động cổ( ví dụ trẻ bị cơ bên phải thì cho bú vú bên trái của mẹ)
  • Bế trẻ nằm nghiêng và đầu nghiêng bên lành( bên bệnh ở phía dưới).
  • Đặt đầu trẻ ở tư thế trung tính khi ngủ.

* Những điểm cần lưu ý:

  • Người không có chuyên môn không nên tự ý kéo giãn cho trẻ đề phòng tai biến nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.
  • Không đặt đầu xoay khi trẻ ngủ về một trong hai phía bên lành hay bên bệnh như 1 số tài liệu viết bởi sẽ gây thêm nghẹo cổ( nếu đầu mặt xoay bên bệnh) hoặc trẻ bị chèn ép đường thở( nếu đặt đầu mặt xoay bên lành).
  • Ba bài tập trên được thực hiện cho đến khi trẻ đạt được tầm vận động cổ hai bên như nhau.Khối u sẽ tự mất sau đó khi trẻ được 6- 8 tháng tuổi
  • Chỉ thực hiện day, xoa bóp khi khối u không có nóng , đỏ, đau
  • Kéo giãn nhẹ nhàng , không kéo giãn tối đa ngay tức khắc mà kéo giãn từ từ .
  • Không tập khi trẻ khóc , chống đối.
  • Tập trước khi cho ăn
  • Theo dõi dấu hiệu khó thở ,tím tái thì ngừng tập.

Tài liệu tham khảo:

   1.Sách chuyên khảo dùng cho cán bộ ngành Phục hồi chức năng