Phúc Thọ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo- tiền đề phát triển toàn diện
Phát triển toàn diện “đức – trí – thể – mỹ” cho học sinh
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GD&ĐT huyện đã triển khai thực hiện, cụ thể hoá Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế”. Nhờ đó, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của GD&ĐT huyện nhà.
Thống kê đến nay, toàn huyện có 97 cơ sở giáo dục, với 73 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập; 1 trường mầm non tư thục; 1 THPT dân lập; 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 21 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn. Trong đó có 53/73 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt 72,6%; trong đó, 5 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ trao tặng máy tính hỗ trợ học sinh nghèo.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong đơn vị trường học tiếp tục được huyện quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa. 21/21 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Công tác xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2.
Các nhà trường chủ động tiến hành nhiều biện pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp của huyện cơ bản đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn (từ 80% trở lên). Đội ngũ giáo viên không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp nhằm phát huy tối đa tính tự học, sáng tạo của học sinh.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Cường cho biết, địa phương đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đang chuyển dần từ giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chú trọng giáo dục truyền thống, lịch sử quê hương, kỹ năng sống, ý thức tự giác.
Quang cảnh trường THPT huyện Phúc Thọ.
Từ chủ trương định hướng giáo dục trên, học sinh trên địa bàn huyện Phúc Thọ ngày càng phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ; hình thành và hoàn thiện kỹ năng cơ bản, năng động, sáng tạo, sống có trách nhiệm, có ý chí tự lực, tự cường, tham gia xây dựng quê hương. Hằng năm, qua đánh giá, xếp loại, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt 95% trở lên; học sinh học lực giỏi đạt trên 30%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt trên 99%, tốt nghiệp THPT đạt trên 97 %.
Chất lượng mũi nhọn được chú trọng, số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi thành phố, quốc gia, quốc tế không ngừng nâng cao về số lượng, chất lượng giải. Trong 5 năm qua, toàn huyện có 1 học sinh đạt huy chương vàng quốc tế; 1 học sinh đạt huy chương đồng cấp quốc gia; 287 học sinh đạt giải cấp thành phố các môn văn hóa, khoa học, khoa học kỹ thuật; trong đó có 3 giải nhất, 27 giải nhì, 95 giải ba và 159 giải khuyến khích.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển
Để tiếp tục phát triển hơn nữa GD&ĐT trong thời gian tới, UBND huyện Phúc Thọ đang triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 – 2025”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt trên 50%, trẻ mẫu giáo đạt 100%; huy động ít nhất 85% trẻ em khuyết tật thể nhẹ học hoà nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non; huy động 100% trẻ 5 tuổi vào học lớp 1, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.
Huyện Phúc Thọ tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2021 – 2022.
Huyện cũng phấn đấu đến năm 2025, 50% thư viện tại các cơ sở giáo dục đạt tiên tiến trở lên, trong đó có 2 thư viện điện tử, 5 thư viện xuất sắc; 10% số trường tiểu học, THCS có sân bóng đá mini, sân bóng rổ; xây dựng thư viện mở, thư viện xanh, khu vui chơi vận động, vườn rau an toàn. Đồng thời có thêm 12 đến 14 trường đạt chuẩn mới; 8 trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, cũng nhằm phát huy nội lực, khai thác tốt hơn mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt nguồn nhân lực, UBND huyện đã ban hành Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 22/02/2022 về “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo”.
Thời gian qua, các cấp ủy chính quyền và ngành GD&ĐT thường xuyên quán triệt nội dung Đề án đến đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh nhà trường và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Giáo dục truyền thống quê hương anh hùng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người Phúc Thọ, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển huyện nhanh, bền vững, đúng hướng.
Trog thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phát triển GD&ĐT huyện. Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Tập trung rà soát tham mưu bổ sung quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa trong công tác giáo dục…
“Trên cơ sở nhận thức rõ quan điểm của Đảng: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, huyện Phúc Thọ đang nỗ lực hình thành và xây dựng đội ngũ trẻ có năng lực, trình độ, làm nền tảng vững chắc để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, vững bước đi lên cùng Thủ đô văn hiến anh hùng…”
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Cường.