Phụ nữ tuổi trung niên – vất vả tìm việc làm
So với lao động trẻ tuổi, con đường tìm việc làm của nhiều phụ nữ tuổi trung niên rất gian nan do đa phần các công ty, cở sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, cửa hàng… chủ yếu chỉ tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 – 35.
Phụ nữ tuổi trung niên làm việc thời vụ tại một cơ sở chế biến thủy sản. Ảnh: T.Q
Có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề giáo viên mầm non của nhiều trường tư thục, do công việc ngày càng nhiều, trong khi sức khỏe không cho phép nên năm 2018, chị Trần Thảo (Phường 1, TP. Bạc Liêu) quyết định xin nghỉ việc với mong muốn tìm được công việc khác phù hợp hơn. Thế nhưng đến nay đã gần 2 năm, mặc dù tranh thủ từ nhiều mối quan hệ quen biết, cũng như thường xuyên tìm kiếm thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, trên báo và liên hệ, theo dõi thông tin tại các trung tâm dịch vụ hỗ trợ việc làm, song, cơ quan, doanh nghiệp nào cũng thông báo độ tuổi tuyển dụng không quá 35, khiến chị nản lòng. Không xin được việc, chị Thảo đành ở nhà bán hàng online kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Còn chị Nguyễn Thị Tư (Phường 5, TP. Bạc Liêu) sau nhiều năm làm công nhân ở công ty chế biến thủy sản, do lớn tuổi lại mắc bệnh về xương khớp nên hiệu suất làm việc không cao, chị chuyển sang làm thời vụ, đến năm 40 tuổi chị xin nghỉ việc vì đồng lương quá bấp bênh. May nhờ được người quen giới thiệu làm nhân viên dọn dẹp, rửa chén ở một quán ăn. Chị Tư bày tỏ: “Độ tuổi trên 40 muốn tìm được việc làm thật khó, chỉ có thể làm các công việc chân tay như giúp việc nhà, trông trẻ, rửa chén… Dù công việc có vất vả, nặng nhọc đến mấy tôi vẫn cố gắng, vì thật sự mà nói, tìm kiếm việc làm là chuyện không dễ dàng”.
Thực tế cho thấy lao động nữ ở độ tuổi trung niên dù là lao động phổ thông hay lao động có trình độ trung cấp, đại học sẽ rất khó có cơ hội tìm được việc làm. Ngoài các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, sở trường… thì độ tuổi cũng là một tiêu chí bắt buộc trong tuyển dụng nhân sự vì lao động lớn tuổi không còn nhanh nhẹn, sức khỏe giảm sút dẫn tới năng suất lao động thấp hơn lao động trẻ. Chưa kể, nếu tuyển người lao động lớn tuổi vào làm việc thì phải thỏa thuận lại mức lương, nếu thỏa thuận mức lương cao do có thâm niên làm việc thì doanh nghiệp sẽ phải đóng các khoản về chế độ chính sách như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cao hơn so với người trẻ. Đây cũng là lý do khiến cánh cửa việc làm trở nên hẹp hơn với lao động nữ tuổi trung niên.
Có thể nói, trong bức tranh tối, sáng của thị trường lao động phổ thông, cánh cửa cho lao động nữ lớn tuổi rất hẹp. Bởi, nếu chẳng may mất việc, họ sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm mới, trở thành lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc sẽ không có nguồn lương hưu khi về già. Hơn hết, trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, Nhà nước, bản thân lao động nữ lớn tuổi cũng cần tự lo cho nghề nghiệp của mình bằng cách tích cực trau dồi tay nghề, tích lũy kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, lao động nữ lớn tuổi cũng cần vừa làm, vừa học thêm một nghề tay trái phòng khi mất việc thì vẫn còn được một con đường khác để tạo nguồn thu nhập cho bản thân.
Minh Luân