Phụ nữ nghèo đơn thân – những mảnh đời cơ cực
Dù ở hoàn cảnh nào, người phụ nữ đơn thân một mình nuôi con cũng gặp phải trăm ngàn khó khăn. Họ không chỉ tủi nhục vì phải nuôi con một mình mà còn phải đương đầu, đối mặt và chèo chống với cuộc sống hiện tại, gánh trên đôi vai gầy trách nhiệm nặng nề của một chủ gia đình.
Nỗi tủi nhục của người đàn bà không chồng mà có con
Dù cái nhìn của người đời về chuyện phụ nữ không chồng mà có con hiện nay có thoáng hơn, nhưng những người phụ nữ khát khao làm mẹ này vẫn phải chịu nhiều áp lực áp lực từ gia đình và dư luận xã hội.
Chị H. (Thái Bình) đã gần tứ tuần vẫn đơn thân gối chiếc. Nỗi khát khao làm mẹ trỗi dậy xui khiến chị đến với người hàng xóm gần 70 tuổi goá vợ, tên T.. Khi biết chị có thai, gia đình hai bên ra sức ngăn cản, làng xóm dè bỉu, khinh miệt. Anh em họ hàng ép buộc chị phải đi phá thai. Họ coi chị là người đàn bà hư hỏng, làm ô uế, nhục mạ dòng họ, họ không chấp nhận một thành viên của dòng họ không chồng mà chửa… Con cháu ông T coi chị như kẻ thù, cướp đi sự êm ấm, nền nếp gia đình, dòng họ ông. Dân làng nhìn chị như nhìn kẻ lạc loài, đốn mạt, một con đĩ chửa hoang… Mặc dù ông T. đã rất cố gắng nhưng với sức ép của gia đình, dòng họ, dư luận xã hội đã khiến ông không làm gì được cho chị. Tủi nhục, chị vẫn cố nuốt nước mắt vào trong để gắng giữ lại đứa con. Chị đã phải từ bỏ gia đình ra sống ngoài cánh đồng, tần tảo mót từng hạt lúa, bắt con tôm, con cá để mưu cầu cuộc sống và chờ ngày sinh đẻ. Khi cháu bé được tròn 1 năm, chị đành gửi con lại cho người bà con thân cận để đi làm thuê kiếm tiền nuôi con.
Trường hợp của K.A, nữ công nhân (KCN Bình Dương) lỡ có bầu với người yêu khi chưa cưới cũng thật bất hạnh. Khi biết người yêu có bầu, anh ta đã cao chạy xa bay, để lại chị một mình với đứa con ngày một lớn lên trong bụng và đồng lương công nhân ít ỏi. Khó mà nói hết được nỗi khổ nhục của chị trong những ngày mang thai. Chị đau khổ, tự dằn vặt và ân hận vì đã trót trao thân gửi phận cho kẻ bạc tình. Dằn vặt bởi quyết định có hay không giữ lại đứa con. Gồng mình lên chống chọi với những lời bàn tán xì xào của đồng nghiệp. Cố gắng làm lụng vất vả, tăng ca, làm thêm ngoài giờ để mong có được chút tiền cho ngày sinh nở… Rồi khi đứa con chào đời, nỗi vất vả của chị lại thêm chồng chất. Những ngày đầu của kỳ sinh nở, chị đã phải một mình xoay xở với con và với bản thân mình. Chị tự nấu ăn, giặt giũ mà không được kiêng khem như những bà mẹ khác. Tiền không có, chỉ sau 2 tháng sinh đẻ, chị đã phải tìm đủ mọi việc để làm, từ giặt giũ thuê, đến bốc vác để có tiền nuôi con và nuôi bản thân mình.
Rồi hoàn cảnh đáng thương của chị N.T.L. Chị đã giấu gia đình, dấu con mình về thân thế của người cha nó hơn mười năm nay. Chị không thể nói vì đó là lời thể độc của chị khi chị quyết định xin đứa con từ người đàn ông đó.
Hầu hết phụ nữ đều khát khao làm mẹ, những người phụ nữ đã quyết định một mình sinh con là họ đã xác định được sự thách thức của cuộc sống. Dù khó khăn đến mấy, họ cũng vẫn vượt qua vì hạnh phúc của người mẹ.
Đơn thân gối chiếc
Không phải chịu lời dị nghị, dè bỉu của làng xóm, gia đình, những người phụ nữ sống độc thân cũng gặp không ít khó khăn. Họ phải tự lo cho bản thân về sức khoẻ, về tinh thần. Những lúc khoẻ mạnh không sao, nhưng những lúc đau ốm họ càng thấm thía hơn hoàn cảnh đơn chiếc của mình.
Không vượt qua được sự mặc cảm của bản thân, ảnh hưởng của thân thế, chị L.T.K đã quyết định sống đơn độc. Là con của ông giáo làng, chị không thể có con khi không có chồng. Ngoài 40 tuổi chị vẫn một mình một bóng trong ngôi nhà 2 gian cha mẹ để lại. Mỗi lần nghe tiếng trẻ con bên hàng xóm khóc, lòng chị lại trào dâng một cảm giác thiếu vắng chống trải và nỗi khát khao cuộc sống gia đình người phụ nữ lại day dứt chị. Những giọt nước mắt tủi thân, cô đơn hàng đêm vẫn thấm ướt chiếc gối đơn lẻ của chị. Những hôm trái gió trở trời, đau ốm chị chỉ biết một mình nằm còng keo góc giường. Nhiều lần chị lả đi vì ốm, vì mệt may mà có bà con hàng xóm đến thăm phát hiện kịp.
Chị Th. còn sống sót sau vụ tai nạn xe máy cách đây 10 năm. Chồng và đứa con trai thân yêu của chị đã mất trong vụ tai nạn đó. Bản thân chị sống tàn tật với một chân còn lại và không còn khả năng lao động. Chị phải vật lộn với cuộc sống, đối mặt với nỗi sợ hãi cướp đi hạnh phúc của mình. Với chị niềm hạnh phúc nhất là ngắm nhìn những tấm ảnh của chồng và con mình.
Kinh tế khó khăn và gánh nặng gia đình
Dù họ là ai, họ cũnglà người chịu gánh nặng gia đình vì họ là trụ cột trong cái gia đình cái gia đình ấy. Và họ luôn là những người phụ nữ nghèo, bất hạnh.
Chị Nguyễn Thị T. (Lý Thành, Yên Thành, Nghệ An), đã không thể có được một tấm chồng do gia cảnh nghèo khó, bố mẹ ốm yếu. Đến cái tuổi “quá lứa, lỡ thì” đành xin một đứa con ngoài giá thú để nuôi với hy vọng cháu sẽ là người chăm lo tuổi già. Hiện nay, một mình chị tần tảo, làm lụng để nuôi 4 miệng ăn, chăm nom bố mẹ già ốm yếu và đứa con gần 2 tuổi.. Căn nhà lợp tôn của chị giột nát, nước chảy thành giọt mỗi khi có mưa chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài hai cái chõng tre ọp ẹp.
Chị Phạm Thị S. (Thạch Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình), chồng mất do tai nạn đã 5-6 năm nay, để lại cho chị gánh nặng gia đình: mẹ già trên 80 tuổi và 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 8 tuổi. Chị Nguyễn Thị H. (Yên Thành, Nghệ An) tuy có chồng mà như không. Chồng chị đã bỏ chị và 2 đứa con nhỏ vào Nam làm ăn mấy năm rồi mà chưa có tin tức gì. Một mình tần tảo nuôi mẹ già và 2 đứa con nhỏ chưa tròn 5 tuổi. Cả người mẹ và đứa con trai của chị đều tàn tật, đi lại khó khăn. Người mẹ tàn tật do di chứng của bệnh thần kinh nên chỉ chập chững đi lùi vài bước quanh quẩn trong trong nhà. Đứa con trai 5 tuổi chân què do bị bỏng nước sôi 3 năm trước, chân cháu ngày càng bị co rút lại và khó khăn cho việc đi lại. Chị Hồng làm quần quật suốt ngày nhưng cái đói vẫn đến với gia đình chị “Cái gì em cũng làm, họ kêu chi em mần nấy, nhưng con em, mẹ em cứ ốm nên em vẫn cứ nghèo”
Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị T. (Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An), mẹ goá con côi cũng đầy nước mắt. Chị Tiến bị bệnh thấp khớp nên luôn đau yếu. Con trai chị học hết lớp 7 phải bỏ học, đi làm thuê để lấy 5.000 VNĐ mỗi ngày trang trải cho cuộc sống 2 mẹ con. Biết con bỏ học là thiệt thòi nhưng cũng chẳng biết làm sao “Nó phải bỏ học vì tui không làm được gì cả”. Tuy nhiên, hàng ngày chị vẫn phải gắng gượng lê từng bước để làm những công việc trong gia đình. Cũng vì bệnh tật, chị Cao Thị X. (Thạch Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình) đã khuynh gia bại sản, lại còn nợ nần chồng chất. Không chỉ bản thân chị bị bệnh tim phải phẫu thuật mà đứa con gái khoảng 10 tuổi của chị cũng phải phẫu thuật cơ delta.