Phụ nữ chịu được bao lâu nếu không có đàn ông: Tâm sự người trong cuộc
Phụ nữ có thể chịu đựng được bao lâu khi bên cạnh họ không còn người đàn ông của mình? Hãy lắng nghe 3 tâm sự khác nhau từ 3 người phụ nữ:
Ảnh minh họa: Sohu.
“Quan hệ của chúng tôi không tốt”
Nhiều người khi đối mặt với sự ra đi đột ngột của nửa kia, phản ứng đầu tiên là đau khổ. Họ than thở khi số phận bất công lấy đi người ấy nhanh chóng đến như vậy. Nhưng Hà Phương thì không quá đau đớn, dù sao cô và chồng cũng chỉ là làm đám cưới, nhưng chưa hẳn đã là một gia đình.
Chồng cô không phải mẫu đàn ông mà cô thích. Anh ấy không có một công việc tử tế, nghiêm túc để làm hàng ngày, lại thích giao du với những người bạn lông bông giống mình. Anh ấy không để tâm đến nỗi lòng của vợ.
“Cô nghĩ tôi lấy cô vì tình yêu à? Cô nghĩ tôi ở với cô vì tình yêu đích thực hay sao. Đừng mong tôi về nhà với gia đình như bao người đàn ông khác” – những lời nói đó của chồng khiến Hà Phương vô cùng tổn thương.
Có lẽ cuộc hôn nhân này đã sai ngay từ đầu. Cô lấy chồng khi còn trẻ, do hai bên cha mẹ sắp đặt. Nhưng cha mẹ không phải người có thể tạo ra hạnh phúc lứa đôi cho cuộc sống sau này của con cái, người tạo ra hạnh phúc ấy cho mình chỉ có thể là chính mình.
Hà Phương nghe tin chồng gặp tai nạn do lạng lách đua xe, cô chỉ thấy lòng tê tái chứ không có bất cứ giọt nước mắt nào. Những người xung quanh khóc lóc thảm thiết khi chồng của Hà Phương không qua khỏi, cô cũng khóc nhưng là vì thương cho số phận oái oăm của mình. Cô trở thành góa phụ khi còn trẻ.
Sau một thời gian, gia đình chồng khuyên Hà Phương nên tìm hạnh phúc cho riêng mình càng sớm càng tốt, đừng tiếp tục sống cô đơn. Và đây là những gì Hà Phương đã nghĩ. Cô không có tình cảm với chồng nên việc tìm kiếm một người đàn ông khác là điều tất yếu.
Chưa đầy nửa năm sau khi chồng qua đời, Hà Phương tái hôn. Điều khác biệt so với trước đây là người đàn ông này rất quan tâm đến cô, cuối cùng cô cũng có thể ở bên người mình thích.
“Tôi sống như góa phụ”
Việc chồng đi làm ăn xa đã mang đến một khoảng trống lớn trong cuộc đời Du Uyên. Nhìn người khác trong làng rời khỏi quê hương kiếm được nhiều tiền, chồng cô rất nóng ruột. Anh nghĩ rằng mình cũng nên làm việc như họ và kiếm thật nhiều tiền.
Lúc đó, trong lòng Du Uyên rất do dự. Rốt cuộc, cô chưa bao giờ đến một thành phố lớn. Những cám dỗ từ thế giới bên ngoài đó đầy ẩn số đối với chồng của cô. Và anh ấy muốn đi, đã quyết định sẽ đi.
Du Uyên hiểu rất rõ tính chồng, về cơ bản anh ấy không dành quá nhiều thời gian và tâm sức cho gia đình. Dù có ở nhà, mọi ngày đối với anh ấy cũng đều là ngày tốt lành nếu để anh ấy đi chơi.
Sau khi đi làm ăn xa, chồng cô về cơ bản không quan tâm nhiều đến gia đình ngoại trừ việc về quê mỗi năm một lần vào dịp Tết Nguyên đán, tiền lương hàng tháng cũng chỉ đưa rất tượng trưng. Không phải Du Uyên không gọi chồng về mà là anh ấy từ chối, thậm chí còn nói cô không hiểu những khó khăn của chồng. Anh ấy hỏi cô cứ gọi chồng về làm gì, ở nhà thì có gì mà rắc rối, khó khăn. Anh ấy không hiểu rằng cô đang chăm sóc gia đình và phải đối phó với những lời đàm tiếu trong làng. Cuộc sống của cô không hề dễ chịu.
Du Uyên không hề thoải mái với cảnh chồng có cũng như không. Cô tự hỏi tại sao mình phải tự làm những việc này để chồng tự do bay nhảy bên ngoài. Cuộc hôn nhân này có ý nghĩa gì? Càng nghĩ, cô càng không hiểu nhưng lại không dám đề nghị chia tay. Ngay cả khi chồng không có ở nhà, cô cũng sẽ tự mình gánh chịu.
“Bây giờ tôi không cần một người đàn ông nào giúp đỡ, tôi có thể tự mình nuôi con trưởng thành. Có lẽ đây là định mệnh của tôi. Mọi thứ đều không thể ép buộc”, Du Uyên nói.
“Đêm ngày không có anh ấy, tôi đã quen rồi”
Đối với Quỳnh Anh, những gì đã xảy ra vẫn hệt như một giấc mơ mà cô không muốn tỉnh. Vợ chồng cô đã có hơn 20 năm hạnh phúc. Cũng chính vì sự tương sinh của cả hai mà cuộc sống gia đình họ ngày càng tốt đẹp và sung túc hơn. Tình yêu kết trái ngọt là hai đứa con xinh và ngoan ngoãn.
Nhưng từ khi bệnh tật giáng xuống chồng của Quỳnh Anh, gia đình cô trở nên vô hồn. Trong thời gian đó, cô không biết mình đã cầu nguyện bao lâu bên giường bệnh, còn hy vọng có thể đánh đổi mạng sống của mình để lấy mạng sống của chồng, nhưng phép màu đã không xảy ra.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, người ở lại vẫn phải chiến đấu kiên cường và một người mẹ đơn thân với 2 đứa con thì càng phải kiên cường gấp bội.
Những người xung quanh nhìn Quỳnh Anh sống một mình đều khuyên cô nên quên đi nỗi đau trong quá khứ, nhìn về phía trước, tìm cho các con một người cha, tìm cho mình một người đàn ông để mà nương tựa. Đáp lại, Quỳnh Anh chỉ cười hiền. Cô không có ý định tái hôn.
“Tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ tìm được người nào đối xử với tôi tốt như anh ấy. Đây là số phận. Vị trí của anh ấy trong tim tôi không ai thay thế được, tôi cũng không muốn tìm ai để lấp vào khoảng trống trong tim mình. Tôi đã dần quen với những ngày đêm không có chồng bên cạnh. Tôi có thêm thời gian để nhớ về anh ấy, thêm thời gian để thương tiếc cho tình yêu đã chết của chúng tôi”, Quỳnh Anh trải lòng.
Ba người phụ nữ đã kết hôn nói lên sự thật khi đối mặt với sự ra đi của chồng. Mỗi người một hoàn cảnh, một ý kiến khác nhau về việc họ có thể chịu đựng nỗi cô đơn trong bao lâu, nhưng dù vội vã tìm duyên mới hay giữ mãi bóng hình cũ, lựa chọn của họ đều đáng được trân trọng.
Bởi hôn nhân đúng là như vậy. Có những sự gắn bó trở nên vĩnh cửu không gì chia cắt nổi kể cả cái chết, có những nỗi đau, niềm bất hạnh trong hôn nhân nếu vượt quá sức chịu đựng thì cách tốt nhất là nên giải thoát, tìm cho mình một lối đi riêng. Đời người ngắn ngủi, chọn cách sống để về sau không cần nói lời nuối tiếc mới là sống hết mình.