Phụ huynh rối trí trước “ma trận” thuốc bổ não cho con

Đánh vào tâm lý sự lo lắng của các bậc phụ huynh, mỗi khi đến mùa thi, thị trường bán thuốc bổ não hay còn gọi là thuốc “tăng cường trí nhớ” lại có dịp nở rộ. Với những lời mời chào có cánh như: “Cung cấp dưỡng chất dành cho não, giúp bổ não, tăng cường trí nhớ, tăng sự tập trung thích hợp cho người luyện thi”, hay “Thuốc giúp các sĩ tử giành kết quả tốt”… Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc này khi không có hướng dẫn của bác sĩ.

“Ma trận” thuốc tăng cường trí nhớ

Hầu như năm nào, đến mùa thi, thị trường thuốc bổ não cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Năm nay lại càng đặc biệt hơn khi các sĩ tử phải “cày ngày, cày đêm” trên zoom với màn hình máy tính hoặc một chiếc điện thoại thông minh nhỏ như lòng bàn tay.

Nhiều phụ huynh nháo nhào hỏi nhau kinh nghiệm làm thế nào để bồi bổ cơ thể, đồng thời tăng trí nhớ cho con. Trong các hội nhóm, họ đưa ra kinh nghiệm của bản thân về chế độ dinh dưỡng nhưng cũng không quên “xui” nhau mua thuốc “tăng trí nhớ”. Chúng tôi đã có những khảo sát tại một số quầy thuốc trên địa bàn Hà Nội. Qua khảo sát, trên thị trường hiện nay rao bán rất nhiều loại thuốc “tăng cường trí nhớ”. Nguồn gốc xuất xứ cũng hết sức đa dạng, từ hàng trong nước cho đến những hàng nhập khẩu, xách tay từ Mỹ, Australia như Brain Fuel, Focus R, Ginkgo B with Vinpocetine vốn dĩ vẫn mặc định cho người lớn tuổi, người mắc rối loạn tuần hoàn não… thì nay đã được người bán gắn thêm chức năng “tăng cường trí nhớ” cho sĩ tử.

Đến phố Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội), nơi được coi như trung tâm bán thiết bị y tế và thuốc Tây, khi nghe chúng tôi có ý muốn mua “thuốc bổ não, tăng tập trung” cho học sinh ôn thi, các nhân viên nhà thuốc giới thiệu rất nhiệt tình. Một điều đặc biệt, tại cửa hàng bán thuốc này nhân viên cho rằng, đây là thuốc bổ não nên không cần đơn của bác sĩ. “Không cần phải đơn đâu chị, vì là thuốc bổ nên cứ uống vào là bổ. Ở đây bọn em có đủ cả các loại thuốc như magie B6, Vinpocentine hay Piracetam… chị cứ mua thử cho cháu uống, đảm bảo có hiệu quả ngay. Cứ đến những ngày chuẩn bị thi, số lượng bán ra tăng gấp đôi, nhiều khi không có hàng mà bán”, nhân viên tên M. đon đả giới thiệu.

Chị Nguyễn Thanh Tâm (Quốc Oai, Hà Nội) cũng đi tìm thuốc tăng trí nhớ cho con. Chị Tâm chia sẻ: “Cháu nhà tôi năm nay cuối cấp 3, cháu phải học nhiều và rất căng thẳng. Thương con tôi cũng chỉ biết nấu những món ngon và mua thuốc bổ cho con uống. Tôi được một người bạn từng có con đỗ đại học mách nước làm những món bổ dưỡng, tốt cho trí nhớ như ăn cá thu, cá hồi… Bên cạnh đó tôi còn ép con uống các loại thuốc bổ mà thấy họ quảng cáo là “bổ não”, tăng trí nhớ. Mỗi tháng tiền thuốc “tăng trí nhớ” cho cháu cũng xấp xỉ 3 triệu đồng, toàn thuốc nhập từ Mỹ. Biết là tốn kém lắm nhưng tôi cũng không tiếc, miễn sao con có chế độ tốt nhất”.

Theo chị Tâm, thuốc “tăng trí nhớ” chủ yếu chị mua trên mạng, vì thấy quảng cáo rất hay. Các sản phẩm chủ yếu được quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ, Australia. Đúng như lời chị Tâm, các loại “thuốc tăng trí nhớ” xách tay chủ yếu bán trên mạng Internet. Như trên trang “muathuoctot.” có quảng cáo: “Bạn muốn bổ sung chất dinh dưỡng cho não để chống chọi với những kỳ thi căng thẳng sắp tới? Bạn muốn bổ sung nhiều vitamin để tăng cường trí nhớ? Thực phẩm chức năng bổ não, tăng cường trí nhớ cho học sinh và người già – F… phân phối chính hãng từ Mỹ chính là giải pháp tốt nhất cho bạn”.

Khi mạng Internet ngày càng trở nên phổ biến với mọi người thì cũng là lúc các bậc phụ huynh như lạc vào “ma trận” với các loại thuốc bổ não. Và khi ấy rất nhiều gia đình đã “nhắm mắt” mua thuốc cho con với ý nghĩ đã là thuốc bổ thì “không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác”. Một điều đặc biệt nguy hiểm, rất nhiều người được hỏi có biết gì về nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc này không thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời là “không”.

Chúng tôi có liên lạc với một trang web chuyên bán các loại thuốc “tăng trí nhớ cho học sinh” có địa chỉ “thuocbo.”. Nhân viên trực máy tại các trang web này tỏ ra là một người bán hàng chuyên nghiệp, họ trả lời điện thoại với chúng tôi như một bài đã được lập trình sẵn: “Chị mua thuốc bên em là đúng địa chỉ rồi đó. Thuốc ở đây đều là hàng xách tay từ Australia, Mỹ, Nhật… Chất lượng thì không cần phải bàn cãi nhiều”.

Giá mỗi hộp thuốc cũng không phải là rẻ, dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, tùy vào hàng xách tay từ nước nào. Khi chúng tôi hỏi các nhân viên bán thuốc trên các trang mạng về tác dụng phụ, hướng dẫn sử dụng thì đều bị các nhân viên này né câu trả lời. “Chúng em chỉ là nhân viên bán hàng chứ không có chuyên môn gì về ngành dược. Tất cả thông tin đều được ghi trên hộp cả. Chị cứ an tâm, đây là thuốc bổ chứ không phải thuốc điều trị mà lo tác dụng phụ hay quá liều. Bọn em lấy thuốc đều dựa vào những phản hồi của khách hàng. Những loại này có tác dụng, có phản hồi tốt thì bọn em mới dám nhập về và bán”, nhân viên bán hàng Online tại trang “thuocbo.” cho hay.

Sử dụng bừa bãi sẽ phản tác dụng

Thực tế, thời gian vừa qua đã có không ít những khuyến cáo của các chuyên gia về việc lạm dụng thuốc bổ, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu khoa học, não có thể hoạt động được là nhờ vào hàng tỷ chất dẫn truyền xung thần kinh và thụ thể. Những hoạt chất được gọi là nootropics (chất cải thiện khả năng hoạt động của hệ thần kinh), giúp cải thiện chất lượng dẫn truyền xung thần kinh, nên có thể giúp cải thiện khả năng nhận thức, thường được dùng để tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung và làm chậm lại quá trình suy giảm nhận thức, mất trí nhớ cũng như chứng sa sút trí tuệ do lão hóa.

Các thuốc nootropics chỉ được kê toa bởi các bác sĩ có chuyên môn và thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân có vấn đề về khả năng nhận thức như Alzheimer’s, sa sút trí tuệ và tăng động suy giảm ở trẻ em (ADHD). Việc lạm dụng các thuốc tác động lên hệ thần kinh có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng theo thời gian. Nootropics có thể gây ra những tác dụng phụ lên hệ thần kinh (đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ) và hệ tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy)…

Tuy nhiên, áp lực thi cử cùng với sự xáo trộn thói quen sinh hoạt trong suốt quá trình ôn luyện, nên có khá nhiều học sinh và sinh viên đã lạm dụng các thuốc hỗ trợ khả năng ghi nhớ và tập trung trong mùa thi để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nhưng sau kỳ thi hầu như các học sinh này rơi vào trạng thái mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ và khó tìm lại được nhịp sinh học bình thường.

Có thể thấy, các bác sĩ, chuyên gia về dinh dưỡng đều khẳng định hiện chưa có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng trí nhớ hay tăng khả năng học tập. Trên thị trường có những loại thuốc bổ não, điều trị sự suy giảm trí nhớ ở người già, người đột quỵ, chấn thương sọ não, Alzheimer… Chính vì thế, trước những “ma trận” mà người bán bày ra, các gia đình cần phải tỉnh táo, cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng cho con em mình.

Khi sử dụng các loại thuốc bổ não, an thần hay tăng cường tuần hoàn não thường khiến người dùng có đầu óc tỉnh táo, tập trung cao độ trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nguyên tắc của các loại thuốc kích thần kinh là sau giai đoạn kích thích sẽ là sự ức chế, mệt mỏi. Trường hợp sử dụng liên tục, kéo dài còn khiến người dùng phụ thuộc thuốc, thậm chí có thể gây teo não và nhiều tác dụng phụ khác. Các loại thuốc bổ não chỉ dùng với trường hợp thiếu hụt cần bổ sung theo sự chỉ dẫn, kê đơn của bác sĩ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thanh Thu, Trưởng khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TW1, cho biết: “Vài năm trở lại đây tôi bắt đầu thấy hiện tượng cứ đến gần mùa thi là phụ huynh thi nhau đi mua thuốc bổ não hay còn gọi là thuốc tăng trí nhớ cho con, nhưng trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định là nó có hiệu quả trong việc tăng trí nhớ. Hoặc nếu có thì nó chỉ mang tính chất hỗ trợ. Chế độ sinh hoạt điều độ cho con về thể chất và tinh thần rất quan trọng. Thể chất tức là phải có chế độ ăn uống điều độ, đầy đủ,  phải có nghỉ ngơi phù hợp với sức khỏe. Đặc biệt giấc ngủ của các con vô cùng quan trọng. Giấc ngủ sẽ quyết định tới sức khoẻ và trí nhớ của các con, bình thường các con phải được ngủ 6 – 8 tiếng/ ngày. Chỉ cần lấy ví dụ đơn giản thế này, chúng ta là những người trưởng thành nhưng chỉ cần một đêm mất ngủ thì hôm sau cơ thể sẽ mệt mỏi, không buồn làm việc gì. Nhiều đêm mất ngủ thì ban ngày không làm được việc, hoặc làm việc mất tập trung…. Nếu để các con thức đêm ôn thi ngày này qua ngày khác thì ban ngày đi học sẽ buồn ngủ, học không tập trung, không tiếp thu được bài trên lớp. Nguyên tắc của các loại thuốc kích thần kinh là sau giai đoạn kích thích sẽ là sự ức chế, mệt mỏi. Do vậy, nếu lạm dụng quá sẽ dẫn đến ảnh hưởng về tâm thần, gây chán ăn, mệt mỏi. Trường hợp sử dụng liên tục, kéo dài còn khiến người dùng phụ thuộc thuốc, thậm chí có thể gây teo não và nhiều tác dụng phụ khác. Các loại thuốc bổ não chỉ dùng với trường hợp thiếu hụt cần bổ sung theo sự chỉ dẫn, kê đơn của bác sĩ”.