Phụ huynh bức xúc khi con bị ép ‘chuyển trường hoặc lưu ban’

Theo chia sẻ của phụ huynh, việc nhà trường ép học sinh phải chuyển trường hoặc ký cam kết không thi lên lớp 10 đã tồn tại nhiều năm, khiến trẻ tổn thương, cha mẹ bức xúc.

cam ket khong thi lop 10 anh 1

* Vì bảo mật, tên các phụ huynh đã được thay đổi.

Chia sẻ với Zing, nhắc lại câu chuyện hơn 2 năm trước, chị An Bích (Hà Nội) chia sẻ vẫn còn cảm giác hối hận. Đó là khi chị đặt bút ký vào tờ đơn cam kết tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 công lập. Ký xong, muốn thu lại để con được thi như các bạn. Lúc đó, con mới chỉ học xong học kỳ I lớp 9.

Chị không phải phụ huynh duy nhất đứng trước sự lựa chọn chuyển cho con sang trường dân lập, ký cam kết không thi lớp 10 công lập hoặc con sẽ không tốt nghiệp, phải lưu ban.

Chuyển trường hoặc lưu ban

Chị An Bích nhớ năm đó, chị là một trong số hơn 30 phụ huynh được mời lên họp với hiệu trưởng để định hướng con không thi vào lớp 10 công lập, chuyển sang học dân lập.

Nữ phụ huynh cho biết năm lớp 9, lực học của con bình thường, học tốt Tiếng Anh nhưng không tiến bộ ở môn Ngữ văn, Toán dù mẹ đầu tư, thuê gia sư, thậm chí 2 giáo viên chỉ để kèm con môn Toán.

Sau này, chị mới vỡ òa nguyên nhân là ở lớp, con không hợp tác với cô. Giáo viên chỉ chú trọng học sinh giỏi, không tiếc lời mạt sát học sinh học không tốt. Ban đầu, chị còn tưởng do con ác cảm với cô. Khi nghe các phụ huynh khác kể lại, chị mới tin.

Vì thế, dù gia đình đầu tư, lực học của con không nổi trội và nằm trong nhóm trường định hướng không thi.

“Tại cuộc họp, hiệu trưởng khẳng định con tôi thi không nổi. Hàng ngày, cô giáo chủ nhiệm liên tục nói con không thi được, gia đình nên thế này thế kia, nhà trường sẽ tạo điều kiện để con tốt nghiệp. Đó là lý do tôi quyết định ký vào tờ đơn ấy ”, chị An Bích giải thích.

Không phải là câu chuyện cũ, năm học này gia đình chị Quỳnh Mai (có con theo học tại trường THCS ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) còn không có nhiều lựa chọn như vậy. Hôm 16/4, đúng vào thứ bảy, chị nhận giấy mời lên trường họp vào ngày hôm sau. Chị không phải phụ huynh duy nhất dự cuộc họp đó.

Tại cuộc họp, giáo viên yêu cầu họ chuyển trường cho con vào tuần tiếp theo, giới thiệu một trường tư thục để con học nốt thời gian còn lại của lớp 9 và học lên THPT. Con họ thậm chí không được xét tốt nghiệp, chứ chưa nói đến việc thi vào lớp 10 nếu vẫn học tại trường.

Sau khi nhận thông tin, chị về trao đổi với con. Gia đình quyết định không chuyển và cho con 2 lựa chọn. Nếu con vẫn đuối môn Toán và cần học lại lớp 9, bố mẹ đồng ý. Trong trường hợp con cố gắng để làm bài kiểm tra cuối học kỳ II, gia đình sẽ hỗ trợ. Cuối cùng, con nhờ mẹ tìm gia sư dạy kèm để nỗ lực nốt trong thời gian còn lại.

Chị Quỳnh Mai nói thêm con chị học tốt Ngữ văn và Tiếng Anh nhưng lại kém môn Toán. Đó là lý do chị nằm trong nhóm phụ huynh phải lên trường họp.

cam ket khong thi lop 10 anh 2

Phụ huynh cho con chuyển trường sau đề nghị của giáo viên. Ảnh: PHCC.

Không chỉ học sinh lớp 9 chịu áp lực từ việc “cam kết tự nguyện” không thi học chuyển trường, theo phản ánh của chị Kim Ngân, trường THCS nơi con chị đang học (thuộc quận Cầu Giấy) đã yêu cầu gia đình lựa chọn dù con còn chưa thi học kỳ II của lớp 8.

“Vừa rồi, kết quả thi giữa kỳ của các con kém, khoảng 1/3 học sinh trong lớp dưới trung bình. Cô gặp từng phụ huynh nhưng không phải để tìm giải pháp cho con học tốt hơn mà thông báo gia đình cần có kế hoạch cho con. Hai sự lựa chọn cho chúng tôi là con lưu ban hoặc chuyển trường. Đương nhiên, cô giáo mới nói chuyện, chưa bắt làm cam kết”, chị Ngân kể.

Chỉ 2-3 ngày sau cuộc gặp, một phụ huynh đã chuyển trường cho con, rời nhóm chat chung của lớp. Trong khi đó, vì con không muốn sang môi trường mới, gia đình chị Ngân cho con ở lại.

Trẻ tổn thương vì bệnh thành tích của người lớn

Dù quyết định ở lại, tiếp tục cố gắng ở môi trường quen thuộc, con của chị Kim Ngân vẫn cảm thấy hoang mang khi giáo viên đề nghị con chuyển trường khi còn chưa hết năm lớp 8.

Một tuần nữa, con thi học kỳ II. Sau buổi nói chuyện giữa cô giáo và mẹ, con chịu sức ép kinh khủng, nỗ lực học trong trạng thái tâm lý bất an, lo lắng.

Mỗi tuần, ngoài giờ học ở trường, con còn được gia sư kèm cặp thêm 5-6 buổi nhưng vẫn không thoát khỏi nỗi lo bị rớt lại. Theo lời chị Ngân, gia đình và con đang “tự bơi” khi trường, giáo viên không có phương án đồng hành.

“Con lại đang trong độ tuổi nổi loạn, tâm sinh lý bất thường. Chúng ta đều biết đến mấy vụ học sinh tự tử. Lẽ ra, dù thế nào, trường cũng không có quyền gây áp lực lên bọn trẻ như vậy”, chị Ngân chia sẻ.

Chị An Bích cũng đã cùng con trải qua những năm THCS khó khăn vì sức ép học tập, đặc biệt khi con học môn Toán không tốt. Chị kể năm học lớp 8, con trai từng suýt tự tử khi thường xuyên nghe cô giáo mắng chửi.

“Cô mắng ‘chúng mày đầu đất, đầu xi măng à mà học mãi không hiểu’, nói chung rất xúc phạm trẻ. Có lần, con bỏ về giữa buổi rồi chui xuống gầm bàn khóc nức nở. Tôi gặng hỏi mãi, con mới kể cô nói con ‘cậu đẹp trai như thế này mà học dốt thì tốt nhất về bảo bố mẹ cho lấy vợ đi, không phải học’. Câu nói đó chắc gây tổn thương ghê gớm thằng bé mới khóc như vậy”, chị Bích chạnh lòng khi nhớ lại.

Chị đã nhắn tin hỏi giáo viên và được trả lời cô chỉ đùa, nhờ vậy, chuyện mới êm xuôi.

Đến lớp 9, con lại tổn thương hơn khi chị Bích phải lên trường, ký cam kết con tự nguyện không thi vào lớp 10 công lập. Năm đó, khi trường tổ chức ôn thi, con cùng những học sinh không được thi vẫn phải đến học để đủ sĩ số. Các bạn luyện đề, con không biết làm gì nên đưa sách bài tập ra làm.

cam ket khong thi lop 10 anh 3

Nhiều học sinh bị tước quyền thi vào lớp 10 công lập. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Hôm Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, con lại thổn thức nhìn bạn bè cùng trang lứa đi thi.

Cũng may, lên lớp 10, con trai chị Bích được theo học ở trường dân lập phù hợp. Nữ phụ huynh kể đầu năm, con tâm sự “như được thay não” ở môi trường mới. Con được giáo viên quan tâm hơn nên chịu khó học hành và lọt vào tốp đầu của lớp, còn được thi học sinh giỏi.

Bốn bạn khác học cùng lớp với con hồi lớp 9 cũng không được thi nên vào học cùng trường, cùng lớp với con. Các bạn đều thay đổi tích cực.

“Nhưng nhiều vấn đề thời cấp 2 của con sẽ theo mẹ con suốt, không thể quên được. Tôi thấy rõ con tổn thương và có những năm tháng học trò thực sự bất ổn”, chị An Bích tâm sự.

Phụ huynh bức xúc

Làm mẹ, nhìn con bị tước đoạt quyền học tập, chịu tổn thương tâm lý, phụ huynh đau xót bao nhiêu lại càng bức xúc với cách làm của trường bấy nhiêu.

Theo chị Kim Ngân, trường yêu cầu phụ huynh lựa chọn ở thời điểm quá sớm. Lực học của các con cũng không phải quá kém, loanh quanh mức trung bình, tiên tiến.

Chị đánh giá cách làm đó rất phản giáo dục. Giáo viên không có quyền ép các con. Kể cả trẻ lưu ban hay thi không đỗ, đó đều là kết quả từ sự lựa chọn của con và con gánh chịu. Nhưng trước khi có kết quả, giáo viên, gia đình cần có trách nhiệm hỗ trợ, động viên, cho các con cơ hội phấn đấu.

“Thế nhưng, vì thành tích, trường lại cho mình quyền sàng lọc, ép con chuyển trường khi mà con vẫn còn thời gian và mong muốn học tiếp. Các con còn có kỳ thi cuối kỳ II và một năm lớp 9, tức hoàn toàn còn cơ hội để phấn đấu”, chị Kim Ngân bức xúc.

Sau buổi nói chuyện, chị cũng đã phân tích với cô các con thi kém vì thời gian dài học online, lúc đi học trở lại, nhiều trẻ liên tục là F0, F1, nghỉ học thêm một tháng nữa. Do đó, kết quả học tập chịu ảnh hưởng, kiến thức chắp vá, bập bõm.

Dù đã trao đổi, chị vẫn cảm thấy trường không có kế hoạch dạy tăng cường mà chỉ ép học sinh lựa chọn. Với tình hình hiện tại, chị đoán hết năm học, một số gia đình có thể chấp nhận chuyển trường vì con không chịu nổi sức ép.

Vốn dĩ, gia đình chị định chuyển trường cho con từ năm ngoái nhưng con không đồng ý. Khi sự việc đáng buồn này xảy ra, chị ân hận vì không cho con học trường dân lập từ lớp 6 mà lại để con vào trường công lập gần nhà. Nếu thế, họ đã có thể chọn cho con môi trường giáo dục đúng nghĩa, con thích học, thích thầy cô, có người dẫn dắt con sống có mục tiêu, trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo chị Kim Ngân, không phải gia đình nào cũng có thể lựa chọn khi học phí dân lập thường rất cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều nhà.

Chị Quỳnh Mai cũng bức xúc không kém khi sau thời gian dài học online, các con có thể thi không tốt. Tuy nhiên, trường lại ép chuyển trường hoặc đề nghị học sinh không thi.

“Đây không phải là giáo dục. Chuyển trường không giúp kết quả của học sinh tốt hơn. Chuyển chỉ là cách chạy trốn. Giáo viên nói trường mới sẽ dễ hơn, các con dễ tốt nghiệp cũng như học tiếp lên cấp 3 ở trường đó. Tôi cho rằng làm như vậy, các con không tiến bộ hay nhận ra cần nỗ lực hơn”, chị Quỳnh Mai chia sẻ.