Phú Yên: Giá keo tăng mạnh, người dân đổ xô trồng

Thứ tư, ngày 12 tháng 10 năm 2022 | 9:52

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, năm nay toàn tỉnh trồng rừng tập trung 6.000ha, sản lượng khai thác rừng trồng 240.000 tấn. Đây cũng là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ dăm trên địa bàn.

Giá gỗ keo nguyên liệu tăng, sức mua mạnh, thị trường tiêu thụ ổn định khiến người trồng keo phấn khởi. Theo tính toán của những hộ chuyên trồng keo, trồng 1ha rừng mới thì chu kỳ trồng đến khi khai thác là từ 4-5 năm, chi phí đầu tư hơn 30 triệu đồng từ tiền mua cây giống, công trồng và bón phân lót… Khi thu hoạch, năng suất keo trung bình từ 90 – 100 tấn gỗ/ha, nếu rừng keo nào được chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất 120 – 150 tấn/ha. Đầu tháng 8, gỗ keo được bán với giá 1,3 triệu đồng, còn nay tăng lên 1,7 triệu đồng/tấn. Người trồng rừng sau khi thu hoạch trừ chi phí có lãi bình quân khoảng 90 – 100 triệu đồng/ha.

Người dân khai thác cây keo tại xã An Thọ, huyện Tuy An

Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân có 4ha đất trồng keo ở xã An Thọ, huyện Tuy An chia sẻ: Cách đây 5 năm, gia đình tôi trồng 4ha keo. Thời điểm đó, giá keo thấp sập sàn, chúng tôi dự định phá bỏ để trồng sắn, nhưng vì không có tiền đầu tư cho cây trồng mới nên quyết định để vậy. Đến nay, keo đúng tuổi thu hoạch, may sao lại tăng giá mạnh. Với giá bán như hiện nay, gia đình tôi lãi hơn 400 triệu đồng.

Dọc tuyến đường ĐT 644 qua xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, nhiều nhóm công nhân vừa thu hoạch keo, vừa nói chuyện rôm rả. Tại đây, có một nhóm người đang thu hoạch 1 ha cây keo của gia đình ông Trịnh Xuân Hùng. “Năm nay, thương lái đến tận nhà hỏi mua và bao luôn khoản thu hoạch. So với mấy năm trước là năm nay cao hơn. Tính ra, trồng cây keo có lợi nhuận không hề nhỏ, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Người nào có đất trồng 10ha nắm chắc trong tay cả tỉ đồng”, ông Hùng nói.

Theo những hộ dân trồng cây keo, hơn 2 tháng trở lại đây, giá gỗ keo tăng đều và hiện đang nằm ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, gia đình anh Trần Thái Tuấn quê ở Bình Định cũng đang giám sát việc khai thác keo. Anh Tuấn hồ hởi nói: “Cách đây 5 năm, thấy rộ lên phong trào trồng rừng nên tôi từ Bình Định vào huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) mua 7ha đất để trồng keo lai. Vì thiếu nhân lực nên tôi trồng dần hàng năm. Hiện tôi đang thu hoạch những diện tích trồng từ cách đây 5 năm năng suất 100-110 tấn/ha. Ngoài ra, tôi cũng đang thu mua gỗ keo nguyên liệu của mấy hộ dân lân cận bán lại cho nhà máy nhằm kiếm thêm lợi nhuận”.

Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, phong trào trồng keo tuy mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, trồng keo tự phát mà cần tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở đã có công văn đề nghị các địa phương vận động nhân dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp để tránh phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu các loại cây trồng khác./.

 

Quốc Hùng