Phong cách lãnh đạo độc đoán là gì? Ví dụ về ưu điểm, nhược điểm

Phong cách lãnh đạo độc đoán là người lãnh đạo đưa ra quyết định của mình và yêu cầu cấp dưới của mình làm theo, những ý kiến đóng góp của cấp dưới không được xem trọng.

Một trong những phong cách của các nhà lãnh đạo đó là phong cách lãnh đạo độc đoán. Tuy nhiên có rất nhiều người chưa hiểu rõ về phong cách lãnh đạo này. Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu phong cách lãnh đạo độc đoán ngay trong bài viết dưới đây.

 

1. Độc đoán là gì?

Trong tiếng Anh độc đoán được viết là Arbitrary

Độc đoán là tính từ ám chỉ một người có phong cách làm việc, ứng xử… dùng quyền lực của mình áp đặt những ý kiến cá nhân của mình lên người khác.

Những người có phong cách lãnh đạo độc đoán có đặc điểm có quyền kiểm soát độc lập đối với mọi quyết định và ít khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên khác. Họ luôn cho mình là trung tâm và những thành viên khác có nhiệm vụ xoay quanh họ và thực hiện theo chỉ thị của họ.

 

2. Phong cách lãnh đạo độc đoán là gì?

Phong cách lãnh đạo là cách thức chỉ đạo, giúp các nhà lãnh đạo, quản lý đưa ra những kế hoạch, phương hướng và mục tiêu thực hiện. Phong cách lãnh đạo cũng góp phần lớn vào thành công của doanh nghiệp. Phong cách lãnh đạo thể hiện một phần tính cách con người vị lãnh đạo đó. Đôi khi, trong nhiều tình huống, phong cách lãnh đạo cũng có sức ảnh hưởng tới cả một tập thể.

Lãnh đạo độc đoán là sự quản lý theo mệnh lệnh, mọi quyền lực được tập trung vào người quản lý, lãnh đạo. Họ quản lý bằng những suy nghĩ, ý kiến cá nhân của mình, bác bỏ ý kiến của những người khác.

 Phong cách lãnh đạo độc đoán còn có tên gọi khác là phong cách lãnh đạo chuyên quyền. Đây là kiểu lãnh đạo theo sự độc đoán với mệnh lệnh của cấp trên, mọi quyết định của doanh nghiệp đều tuân theo ý kiến của lãnh đạc.

Đây là phong cách bắt buộc nhân viên phải thực hiện theo chỉ thị của người lãnh đạo mà bản thân sẽ không được đưa ra ý tưởng, đóng góp nào bởi vì người lãnh đạo sẽ bác bỏ những ý kiến đó. Tuy nhiên phong cách lãnh đạo này sẽ mang lại hiệu quả nếu như người lãnh đạo có đủ khả năng, kiến thức và tầm nhìn.

 

3. Đặc điểm của phong cách lãnh đạo độc đáo

+ Một người có quyền quyết định tất cả các phương pháp, quy trình làm việc.

+ Công việc được phân công hoạt động một cách máy móc, cứng nhắc.

+ Các ý kiến khác đều bị bác bỏ

+ Mọi nội quy, nguyên tắc phải tuân theo sự chỉ đạo của người đứng đầu.

+ Các thành viên ít hoặc không bao giờ được nêu quan điểm cá nhân của mình.

 

4. Ưu và nhược điểm của phong cách lãnh đạo độc đoán

* Ưu điểm 

Khi người lãnh đạo có đủ kiến thức, khả năng lãnh đạo và quản lý, thì việc sử dụng phong cách lãnh đạo độc đoán đem lại một hiệu quả nhất định:

+ Hạn chế sự trì trệ: người lãnh đạo sẽ đưa ra các kế hoạch thực hiện một cách nhanh chóng, yêu cầu các cộng sự của mình thực hiện, từ đó hạn chế được tình trạng dự án bị đình trệ do không thống nhất được ý kiến khi xây dựng ý tưởng.

+ Thách thức năng lực của nhân viên: Trong một số tình huống, việc độc đoán của các nhà lãnh đạo sẽ có một sức ảnh hưởng rất lớn tới nhân viên, buộc họ phải hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Điều này sẽ giúp tốc độ hoàn thành kế hoạch nhanh chóng và đảm bảo tiến độ.

+ Tạo áp lực tích cực: Việc đề ra nguyên tắc làm việc, sẽ giúp các nhân viên tự trau dồi kiến thức để hoàn thành công việc hiệu quả, đúng tiến độ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp.

+ Giảm áp lực: Một số cộng sự trong quá trình làm việc, thích phong cách độc đoán, lãnh đạo độc đoán giúp nhân viên đi vào khuôn khổ, tập trung làm việc theo nhiệm vụ được giao.

 + Tạo sự phân chia rõ rệt giữa người lãnh đạo và các thành viên khác.

* Nhược điểm

+ Lãnh đạo độc đoán dễ gây bất đồng quan điểm và mất đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm.

+ Các nhà lãnh đạo độc đoán thường bỏ qua những ý kiến của người khác, nên những thành viên cảm thấy ý kiến của mình không được tôn trọng, không có sự xây dựng, góp ý.

+ Tính độc đoán có thể sẽ khiến những cơ hội và giải pháp đơn giản bị bỏ lỡ hoặc bị tiêu diệt không được phát triển.

 + Đôi lúc một số quyết định của các nhà lãnh đạo sẽ phạm phải sai lầm nghiêm trọng, việc không lắng nghe ý kiến mọi người, chỉ quan tâm tới ý kiến của bản thân dần sẽ hướng sự việc đi theo những hướng xấu, không có kết quả.

 

5. Một số ví dụ về các nhà lãnh đạo độc đoán

 + Tổng thống Mỹ Abraham Lincon được nhận xét là một nhà lãnh đạo chuyên quyền vì những quyết định mà ông đã đưa ra trong cuộc nội chiến. Trong lịch sử nước Mỹ, có rất nhiều bất ổn, đòi hỏi đất nước cần có một tổng thống táo bạo, sẵn sàng đưa ra các quyết định dứt khoát. Khi đó Linconln đã vươn lên trở thành nhà lãnh đạo độc đoán nhưng vẫn chú trọng kết hợp hài hoà với thái độ đúng mực.

+ Steve Jobs – một doanh nhân, sáng chế người Mỹ, cựu tổng giám đốc điều hành của Apple. Ông có một câu nói rất nổi tiếng: “Dân chủ không tạo nên những sản phẩm tuyệt vời. Để làm được điều đó, anh cần một nhà độc tài thông thái”. Câu nói ấy thể hiện phong cách lãnh đạo đậm chất độc đoán. Ông có thái độ rất quyết liệt với ý kiến của các chuyên gia, chỉ hành động theo ý kiến riêng của bản thân, chính sự độc đoán của mình, ông đã tạo lên được những thành công đặc biệt. Ông rất quyết đoán với các quyết định của mình, ông bỏ ngoài tai tất cả những phản đối của người ngoài. Ông tới Apple khi nơi đây đang rơi vào khửng hoảng, giá cổ phiếu thấp trầm trọng, nhờ quyết định dứt khoát của mình, ông đã cứu Apple một bàn thua trông thấy.

+ Bill Gates với một phong cách lãnh đạo độc đoán đã đem lại thành công cho Microsoft. Ông nhìn vào kết quả đạt được của nhân viên để lựa chọn những cá nhân xuất sắc. Phong cách lãnh đạo độc đoán của ông đưa nhân viên vào một môi trường thử thách khắc nghiệt, khiến họ phải cố gắng vượt qua thành tích cũ của họ. Điều này tạo động lực tuyệt vời cho những nhân viên có năng lực tốt.

 

6.  Một số biện pháp cải thiện phong cách lãnh đạo độc đoán.

– Lắng nghe những ý kiến đóng góp của các thành viên khác trong nhóm. Mặc dù bạn có thể chỉ tin vào những quy nghĩ, quyết định của mình, nhưng những người khác cũng cần được sự công nhận ý kiến của họ. Lắng nghe cấp dưới có thể bạn sẽ tìm ra một hướng đi mới, đúng đắn hơn so với những suy nghĩ ban đầu của bạn.

– Thiết lập những quy định rõ ràng: bạn cần thiết lập những quy định về nguyên tắc làm việc của bạn và đảm bảo rằng những thành viên khác tán thành và tình nguyện thực hiện nó.

– Trở thành người lãnh đạo có tâm, có tầm để nhân viên tin cậy, trao quyền quyết định cho bạn. Bạn cũng cần tuân thủ và thực hiện những nguyên tắc đã thiết lập trước đó.

 – Hãy đưa ra các lời khuyên, đóng góp hoặc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ của các thành viên trong nhóm, nếu có thể bạn nên cung cấp cho họ những kiến thức chuyên môn để họ hoàn thành tốt công việc của mình.

 – Ghi nhận sự nỗ lực của nhân viên: ai cũng mất động lực nếu sự cố gắng của mình không được công nhận, luôn luôn bị khiển trách. Bạn đừng nên chỉ nhìn vào những sai lầm của họ mà hãy cố gắng nhìn vào mặt tích cực để động viên, chắc chắn đó là những động lực để họ cố gắng.

Trên đây là những thông tin về phong cách lãnh đạo độc đoán mà Luật Minh Khuê muốn gửi tới bạn đọc. Cảm ơn bạn đá quan tâm theo dõi.