Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang mập mờ trong sử dụng kinh phí
(GLO)- Vừa qua, Thanh tra huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã phát hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện sử dụng các nguồn kinh phí không rõ ràng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và giáo viên.
Thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ, trong 3 năm (2017-2019), ngân sách huyện Mang Yang đã cấp cho Phòng GD-ĐT hơn 21,1 tỷ đồng để chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập. Sau đó, Phòng GD-ĐT đã quyết toán hơn 15,4 tỷ đồng, còn dư trả lại ngân sách hơn 5,7 tỷ đồng. Tuy nhiên qua kiểm tra, Thanh tra huyện phát hiện nhiều trường hợp cấp không đúng đối tượng như: một số em học sinh khuyết tật đã được nhận chế độ riêng nhưng vẫn được cấp, gia đình đã thoát nghèo nhưng một số em học sinh vẫn có tên trong danh sách nhận hỗ trợ.
Từ ngày 28-1-2018 đến 8-10-2019, các trường nộp trả về Phòng GD-ĐT hơn 338 triệu đồng. Đây là số tiền nằm trong khoản hơn 15,4 tỷ đồng đã được quyết toán. Về nguyên tắc, đơn vị này phải nộp về cho ngân sách nhưng Phòng GD-ĐT lại để ngoài sổ sách và chi cho đối tượng khác.
Theo giải trình của ông Nguyễn Tấn Minh-kế toán của Phòng GD-ĐT huyện Mang Yang, sau khi rà soát danh sách của các trường nhận thấy ngoài việc một số trường hợp được cấp không đúng đối tượng (học sinh con hộ đã thoát nghèo, học sinh khuyết tật… vẫn được cấp hỗ trợ), còn có một số em là đối tượng nghèo nhưng các trường lại không đưa vào danh sách hỗ trợ.
Khi phụ huynh phản ánh thì một số trường đã tự điều chỉnh từ em cấp không đúng đối tượng sang cho các em thiếu. Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường phải nộp trả số tiền cấp sai và lập danh sách đề nghị cấp bổ sung cho các em bị bỏ sót. Ông Minh cũng cho biết đã yêu cầu các trường mang tất cả hồ sơ như: giấy chứng nhận hộ nghèo, đơn đề nghị, danh sách ký nhận nộp về Phòng GD-ĐT để kiểm tra.
Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, vì thời gian lập danh sách để chi trả chế độ cho các em để quá lâu nên các trường lập và tổng hợp có nhiều thiếu sót. Một số phụ huynh học sinh người dân tộc thiểu số làm thất lạc sổ hộ nghèo, sổ hộ nghèo sai tên, các em học sinh đã học hết cấp ra trường… nên khi trường nhận tiền về cấp phát thì xảy ra sai sót.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả kiểm tra và báo cáo của các trường đề nghị bổ sung, ông Minh đề nghị các trường rà soát danh sách học sinh hộ nghèo từ các thôn, làng và UBND xã, thị trấn xác nhận để lập danh sách đề nghị bổ sung đúng đối tượng, tránh bỏ sót đối tượng. Ông Minh giải thích, vì số lượng học sinh nhiều, tồn đọng trong 3 năm học với 39 trường nên mất nhiều thời gian kiểm tra hồ sơ.
Vì chưa thể giải quyết nội dung này nên ông Minh đã tự ý cân đối lấy số tiền thu hồi cấp bù cho các em học sinh còn thiếu nên không nộp trả lại ngân sách số tiền hơn 338 triệu đồng. Với khoản tiền này, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành tiến hành rà soát, kiểm tra.
Trong một diễn biến khác, Thanh tra huyện cho hay: Một số trường tham gia dạy bổ túc văn hóa phản ánh rằng, sau khi đơn vị nhận kinh phí thì phải nộp lại 10-15% với số tiền hơn 78 triệu đồng cho cán bộ, lãnh đạo Phòng GD-ĐT.
Qua làm việc, Phòng GD-ĐT lý giải: Năm 2019, Phòng được UBND huyện giao kinh phí chi trả tiền bổ túc văn hóa là 550 triệu đồng. Trên cơ sở đề nghị của các trường, tháng 10-2019, Phòng GD-ĐT đã tiến hành lập thủ tục chi trả cho 6 trường với số tiền nói trên. Khoảng 1 tuần sau đó, đại diện các trường có “bồi dưỡng cho anh em” Phòng GD-ĐT trên tinh thần tự nguyện, không có gợi ý trích lại?! Tuy nhiên, sau khi có ý kiến về việc này, ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng GD-ĐT đã chỉ đạo thu hồi và tiến hành trả lại cho các đơn vị để chi trả chế độ cho giáo viên.
LÊ GIA