Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 | Tạp chí Quản lý nhà nước
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở GDĐT tỉnh Điện Biên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp giúp đỡ của các phòng, ban chuyên môn, các đoàn thể huyện và Đảng ủy, UBND các xã. Đội ngũ cán bộ, viên chức luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, yên tâm công tác; đa số đội ngũ có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh của Nhà nước tiếp tục được thực hiện là điều kiện thuận lợi để huy động và duy trì số lượng học sinh. Nhận thức của nhân dân các dân tộc trong huyện về công tác giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Phòng GDĐT huyện Điện Biên gặp nhiều khó khăn do trình độ chuyên môn nghiệp vụ giáo viên còn chưa đồng đều; địa bàn huyện rộng, đa số đời sống đồng bào dân tộc vùng biên giới còn khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao; nhiều điểm trường mầm non và tiểu học xa trung tâm, còn 39 điểm trường mầm non, tiểu học chưa có điện lưới quốc gia; 4% số phòng học, phòng công vụ, phòng ở bán trú học sinh là phòng tạm; nguồn vốn đầu tư xây dựng, tu sửa nâng cấp cơ sở vật chất các trường còn hạn chế trong khi yêu cầu về cơ sở vật chất ngày càng cao. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm thay đổi nhiều hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực GDĐT.
Trong năm học 2021-2022, huyện có 65 trường, 138 điểm trường, 893 lớp, 24.161 học sinh. So với cùng kỳ năm học trước giảm 2 trường do sáp nhập theo Thông báo số 143-TB/BCS ngày 19/9/2019 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, giảm 4 lớp, tăng 165 học sinh. So với kế hoạch tỉnh giao giảm 3 lớp, tăng 60 học sinh. Tổng số trường mầm non là 26 trường, 305 lớp với 7.521 trẻ; tiểu học: 22 trường, 389 lớp với 10.001 học sinh; THCS: 17 trường, 199 lớp với 6.639 học sinh.Tổng số học sinh dân tộc là 17.929. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non (số trẻ 0-5 tuổi/dân số 0-5 tuổi) đạt 79,4%; tiểu học: đạt 99,9%; THCS: trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 98,3%; từ 11 – 14 tuổi đạt 98,1%.
Để đạt được kết quả những tháng đầu năm học 2021-2022, phòng GDĐT huyện đã tham mưu và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp, phù hợp với đặc điểm của huyện; duy trì tương đối tốt khối đoàn kết nội bộ, thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua. Công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp được thực hiện có hiệu quả, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch UBND tỉnh, huyện giao. Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được đẩy mạnh, tăng cường triển khai bồi dưỡng trực tuyến; đặc biệt là công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; hoạt động chuyên môn, hoạt động dạy và học đi vào nền nếp. Các điều kiện đảm bảo thực hiện kế hoạch được chú trọng; công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, học sinh được thực hiện nghiêm túc.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, phòng GDĐT huyện đã tích cực chỉ đạo các trường rà soát hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường chỉ đạo bồi dưỡng trực tuyến; xây dựng, ban hành kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cấp huyện trực tuyến trong năm học để tạo thuận lợi cho giáo viên các trường tham gia trực tiếp và hạn chế tụ họp đông người.
Một số giải pháp đề ra nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022
Một là, tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, xây dựng khối đoàn kết trong toàn ngành.
Hai là, làm tốt công tác tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện; phối hợp với chặt chẽ với các phòng ban, đoàn thể huyện, UBND các xã, các đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục. Chỉ đạo các trường học tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh để làm tốt công tác huy động và duy trì số lượng học sinh.
Ba là, triển khai kịp thời, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo tới các trường. Tăng cường công tác kiểm tra của phòng GDĐT, công tác kiểm tra nội bộ của hiệu trưởng. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại theo quy định; tăng cường chỉ đạo công tác công khai, dân chủ trong các nhà trường; kiểm tra việc thực hiện kết luận sau kiểm tra. Giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đội ngũ, chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học. Tăng cường công tác phát triển đảng trong các nhà trường.
Năm là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường, nhất là đối với các trường vùng khó khăn, trường kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực tu sửa nâng cấp cơ sở vật chất, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài.
Sáu là, tăng cường công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.