Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bến Tre: Nhẫn tâm với một cô giáo yêu nghề

Suốt bốn năm nay, một giáo viên mầm non phải khốn khổ khiếu nại đòi số tiền lương nghỉ việc theo chế độ, nhưng Hiệu trưởng Trường Mầm non Trúc Giang (Phường 1) và Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Bến Tre hết sức vô cảm. Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND tỉnh, song xem ra cách giải quyết càng bộc lộ sự kém về kiến thức pháp luật, thay vào đó là quyền lực áp đặt, vu khống của Hiệu trưởng và Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bến Tre…


Ghen ghét, đố kị hại giáo viên

Cô giáo Nguyễn Thị Bạch ở Trường Mầm non Trúc Giang, TP Bến Tre, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm Mầm non, từ tháng 1-2002 đến 1-9-2007 được kí hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng theo định kì, giảng dạy tại Trường Mẫu giáo Phường 1, TP Bến Tre (nay là Trường Mầm non Trúc Giang). Trong lúc đang nghỉ chế độ thai sản mới được hai tháng thì Hiệu trưởng mới về thay, bà Nguyễn Thị Túy Y (học chung trường với cô Bạch) đơn phương cắt hợp đồng lao động mà không báo trước. Lí do bà Y cho là “hết hạn hợp đồng”. Đồng thời, bà cấu kết với Trưởng phòng GD&ĐT TP Bến Tre Trần Khánh Dư giải quyết chế độ cho cô nghỉ việc. Thời gian công tác từ ngày 1-1-2002 đến ngày 1-9-2007 tại Trường Mầm non Trúc Giang, cô Bạch đã có 5 năm 9 tháng (tức 69 tháng) làm việc liên tục. Với mức lương cơ bản đóng bảo hiểm xã hội hệ số 2,12 (lương tối thiểu 450.000 đồng/tháng). Vậy mà khi vừa về nhận chức Hiệu trưởng, bà Nguyễn Thị Túy Y buộc cô Bạch phải kí lại hợp đồng lao động mới có thời hạn 12 tháng rồi tự tiện cắt hợp đồng lao động, cho nghỉ việc, phụ cấp mỗi năm 1/2 tháng lương. Trưởng phòng GD&ĐT TP Bến Tre, ông Trần Khánh Dư (nay là Phó Chủ tịch UBND TP Bến Tre) chỉ đạo tính thời gian công tác của cô Bạch được 47 tháng rồi cho ra con số 4 năm và chỉ trả cho cô 1.200.000 đồng (4 năm x 300.000 đồng/năm) với mức lương bị hạ xuống 600.000 đồng/tháng (bị quỵt mất 22 tháng lương). Ông Trần Khánh Dư giải thích: “Mỗi năm ba tháng hè, giáo viên không được trả lương”. Cách giải quyết này không những vi phạm pháp Luật Lao động, mà còn vi phạm đạo đức xã hội. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, dẫn tới hậu quả mẹ con cô Bạch điêu đứng, mất việc làm trong 2 năm là vi phạm khoản 3, Điều 111 Bộ Luật Lao động. “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lí do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động”. Vậy mà Hiệu trưởng và Trưởng phòng GD&ĐT bảo thủ, bao che, lấp liếm cho nhau để bảo vệ hành vi sai trái.

Sửa sai nửa vời…
Sau khi bị cắt hợp đồng, cô giáo Bạch phải gửi con cho người thân rồi đội đơn đi gõ cửa quan từ năm 2008 đến nay. Hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT, UBND thành phố Bến Tre và nhiều cơ quan chức năng có gần 20 loại văn bản trả lời đều trật. Cô giáo Bạch khiếu nại đòi số tiền nghỉ việc theo chế độ nhưng sự đùn đẩy trách nhiệm cứ luẩn quẩn. Tất cả đều giải quyết bằng cách ra thông báo, phiếu chuyển đơn, hoặc phiếu hẹn… mà không một cơ quan nào ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo. Vì con còn nhỏ, thất nghiệp, chồng không có việc làm, cô Bạch đến gặp trực tiếp Trưởng phòng GD&ĐT Trần Khánh Dư, ông lên giọng: “Cô về tìm tất cả các bộ luật và các quy định của Nhà nước, nếu có chỗ nào nói bồi thường thì tôi sẽ bồi thường thiệt hại cho cô”. Khi cô Bạch đem ra “Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” cùng nhiều điều quy định trong Bộ luật Lao động và những quy định của Bộ GD&ĐT thì ông Dư từ chối.

Trong lúc bị mất việc, cô Bạch theo học Cao đẳng Sư phạm mầm non để có trình độ đạt chuẩn. Năm 2008, cô dự thi tuyển viên chức, đạt điểm cao nhất trong các ứng viên dự thi. Vừa trúng tuyển vào làm được 5 tháng thì do ghen ăn tức ở, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình Minh (thuộc Phường 7, TP Bến Tre) bà Nguyễn Thị Hồng lập báo cáo vu khống, bôi nhọ cô Bạch: “Không tuyển cô Nguyễn Thị Bạch với lí do lớn tuổi, hợp đồng giảng dạy ở các năm trước đây đã xảy ra nhiều dư luận”. Bà Hồng còn bịa ra chuyện họp Hội đồng xét tuyển viên chức và đưa ra tập thể giáo viên toàn trường lấy lí do cô Bạch lớn tuổi, cần tuyển lớp trẻ để kế thừa, không tuyển cô Bạch vào biên chế. Năm 2007, khi đang còn giảng dạy tại Trường Mầm non Trúc Giang (Phường 1), cô Bạch được Chủ tịch UBND thị xã (nay là TP) Bến Tre Nguyễn Tấn Đạt cấp Giấy chứng nhận đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, kí ngày 22-8-2007.

Vin vào những lời vu khống, bịa đặt của bà Hồng, ngày 27-2-2009, ông Dư kí Công văn số 53/PGD&ĐT gửi UBND TP Bến Tre trả lời việc xử lí đơn khiếu nại của cô Bạch, “sao y” những lời lẽ nói xấu của bà Hồng. Buộc cô giáo Bạch phải ra Bộ GD&ĐT ở Hà Nội khiếu nại. Trong Quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non ban hành ngày 26-10-2006 kèm theo Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT, tại khoản 2, Điều 4 nêu rõ: “Tuổi đời của người dự tuyển từ đủ 18 tuổi đến dưới 45 tuổi”.

Trong khi tham gia dự thi tuyển vào trường Mầm non Bình Minh (tháng 9-2008) cô giáo Bạch chưa đầy 42 tuổi. Sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT gửi UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu “xem xét, giải quyết và trả lời, giải thích, động viên bà Nguyễn Thị Bạch yên tâm công tác”. Vậy mà đến nay đã 4 năm, Phòng GD&ĐT TP Bến Tre và UBND TP Bến Tre mới chỉ sửa sai được lỗi nhận tuyển cô giáo Nguyễn Thị Bạch vào giảng dạy tại Trường Mần non Bình Minh. Còn việc ông Trần Khánh Dư và Hiệu trưởng Trường Mầm non Trúc Giang Nguyễn Thị Túy Y không trả lại tiền lương nghỉ việc đúng chế độ cho cô giáo Bạch vẫn luẩn quẩn như gà mắc tóc.

(Còn nữa)

Theo nguoicaotuoi.org.vn