Phong Cách Lãnh Đạo – Cách Lựa Chọn Phù Hợp Cho Doanh Nghiệp
Mục Lục
Phong Cách Lãnh Đạo – Cách Lựa Chọn Phù Hợp Cho Doanh Nghiệp
Nếu trở thành một nhà lãnh đạo, bạn sẽ lựa chọn hay phù hợp với phong cách làm việc nào trong rất nhiều trường phái khác nhau? Hãy cùng SSBM Việt Nam tìm hiểu về các phong cách lãnh đạo và các yếu tố để lựa chọn hoặc hoàn thiện phong cách của mình qua nội dung bên dưới nhé.
1. Phong cách lãnh đạo là gì?
Phong cách lãnh đạo đề cập đến các phương pháp và hành vi của nhà quản trị khi thực hiện các nhiệm vụ như: giám sát, chỉ đạo,… nhân viên dưới quyền. Phong cách lãnh đạo của một người được xác định thông qua cách họ lập chiến lược và thực hiện kế hoạch để có thể đáp ứng được mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của tổ chức cũng như việc quản trị nhân sự dưới quyền mình.
2. Tầm quan trọng của phong cách lãnh đạo
Nhà nghiên cứu Daniel Coleman – thông qua một nghiên cứu trên một bài báo của tờ Harvard Business Review – đã khảo sát và phân tích hơn 3.000 nhà quản lý cấp trung. Nghiên cứu này nhằm tìm ra những hành vi lãnh đạo cụ thể và ảnh hưởng của chúng đối với kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận. Kết quả cho thấy phong cách lãnh đạo của một nhà quản trị ảnh hưởng đến 30% lợi nhuận cuối cùng của công ty.
Mặt khác, khi hiểu được sự giống và khác nhau của các phong cách lãnh đạo, bạn có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu và sự phù hợp của chúng với bản thân. Từ đó, bạn có thể lựa chọn làm việc theo cách phù hợp nhất với cá tính để quá trình lãnh đạo thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều lần.
3. Các phong cách lãnh đạo thường gặp
Dưới đây là một số phong cách lãnh đạo được áp dụng phổ biến hiện nay.
3.1. Lãnh đạo tầm nhìn
Lãnh đạo tầm nhìn là phong cách lãnh đạo dựa trên việc chia sẻ mục tiêu cuối cùng của nhà lãnh đạo với các nhân viên dưới quyền và cho mọi người tự do tính toán, triển khai, thử nghiệm đổi mới… với mục tiêu. Những người theo phong cách lãnh đạo này thường hứng thú với những điều mới mẻ, có tư duy hướng tương lai và đặt mục tiêu là ưu tiên hàng đầu trong công việc.
3.2. Lãnh đạo huấn luyện
Những nhà lãnh đạo lựa chọn phong cách lãnh đạo huấn luyện tập trung vào từng cá nhân đang làm việc dưới quyền của mình. Họ thường nâng cao hiệu quả công việc thông qua việc đào tạo và huấn luyện trên diện rộng. Ngoài ra, họ luôn cố gắng đảm bảo thời gian huấn luyện 1-1 với nhân viên nhằm chắc chắn rằng bất kỳ ai làm việc cho họ đều có cơ hội được phát triển.
3.3. Lãnh đạo liên kết
Phong cách của những nhà lãnh đạo này chú trọng vào sự gắn bó của cả team như một tập thể, làm cho cả team hoạt động hiệu quả và luôn đưa ra các chính sách thưởng phạt rõ ràng cho cả team. Họ làm cho nhân viên thấy được rằng mỗi cá nhân trong tổ chức đều là một phần tử liên kết vô cùng quan trọng đối với khả năng vận hành tổng thể của doanh nghiệp. Những nhà lãnh đạo này thường quan niệm rằng “con người và đội nhóm là trên hết”.
3.4. Lãnh đạo dân chủ
Lãnh đạo dân chủ được đánh giá là phong cách lãnh đạo đạt hiệu quả nhất theo nghiên cứu của Lewin. Theo như lý thuyết, các nhà lãnh đạo sử dụng phong cách này thường khuyến khích các thành viên trong nhóm đưa ra ý kiến, nhưng họ vẫn luôn có chính kiến mạnh mẽ để đưa ra quyết định cuối cùng. Họ làm cho nhân viên của mình cảm thấy được tôn trọng và hài lòng với quyết định cuối cùng được đưa ra.
Tuy nhiên, việc thu thập ý kiến của tất cả mọi người thường mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các cuộc thảo luận quy mô lớn. Đây là vấn đề mà nhà lãnh đạo theo phong cách lãnh đạo dân chủ cần lưu ý và tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp.
3.5. Lãnh đạo tạo tốc độ
Với phong cách lãnh đạo tạo tốc độ, các nhà lãnh đạo thường đặt ra mục tiêu cực kỳ cao và khó khăn, đồng thời mong muốn nhân viên của mình phải đạt được mục tiêu đó. Không chỉ đặt mục tiêu cao cho người khác, họ cũng luôn dành cho bản thân sự hà khắc nhất định khi làm việc và gặt hái mục tiêu, như một lẽ đương nhiên. Các nhà lãnh đạo này thường cầu toàn, luôn hướng đến sự chỉn chu và mong người khác cũng làm được như vậy.
3.6. Lãnh đạo độc đoán
Đối với phong cách lãnh đạo độc đoán, nhà quản trị thường tự đưa ra quyết định mà không lấy ý kiến từ nhân viên cấp dưới hay của bất kỳ ai. Chính vì vậy, nhân viên thường không được cân nhắc hay nêu ra ý kiến của bản thân trước khi thực hiện nhiệm vụ mà cấp trên giao phó mà chỉ có thể làm theo yêu cầu của nhà lãnh đạo.
Thực tế cho thấy, đây là phong cách hiệu quả khi được áp dụng trong môi trường doanh nghiệp với phần lớn người lao động phổ thông cần nhiều sự giám sát cũng như có ít hoặc không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc giám sát quá chặt chẽ có thể kìm hãm sự sáng tạo và khiến nhân viên cảm thấy bị gò bó dẫn tới khả năng giữ chân nhân viên thấp hơn, vòng đời nhân sự ngắn lại.
4. Những yếu tố ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo
Một nhà lãnh đạo khi hình thành phong cách làm việc của riêng mình sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến.
4.1. Văn hóa doanh nghiệp
Tính truyền thống của một doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng tương tự lịch sử của một đất nước hay nền nếp của một gia đình. Những nhà quản trị thế hệ sau thường kế thừa hoặc chịu ảnh hưởng bởi phong cách lãnh đạo của chính cấp trên trước đây của họ. Ngoài ra, văn hóa và nguồn gốc của một doanh nghiệp cũng có vai trò chi phối phong cách làm việc của nhân viên nói chung và nhà quản lý nói riêng. Nhà lãnh đạo cần biết phát triển những điểm phù hợp và hoàn thiện những thiếu sót để doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả.
4.2. Tâm lý nhà lãnh đạo
Một người lãnh đạo non trẻ sẽ khó phát huy được hết thế mạnh của bản thân do còn sự dè dặt nhất định. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho doanh nghiệp và cả chính nhà lãnh đạo đó. Hoặc đôi khi, ám ảnh tâm lý từ những thành công hay thất bại của bậc tiền bối cũng có thể trở thành nguyên nhân gây nên sức ép cho phong cách lãnh đạo hiện tại của một nhà quản trị.
4.3. Thực lực của nhà lãnh đạo
Nhà lãnh đạo có nhiều kiến thức sâu rộng, chuyên môn giỏi và cá tính mạnh thì thường theo phong cách lãnh đạo độc đoán nhiều hơn để yêu cầu nhân viên làm theo ý mình. Ngược lại, những người lãnh đạo có tính cách ôn hòa và kỹ năng chuyên môn không quá xuất sắc thường huy động ý tưởng từ nhân viên nhiều hơn và lựa chọn các phong cách lãnh đạo nhã nhặn hơn.
5. Lựa chọn phong cách lãnh đạo phù hợp
Để có thể xây dựng phong cách lãnh đạo phù hợp với bản thân mình, nhà quản trị có thể tham khảo một số câu hỏi sau đây:
-
Bạn quan trọng điều gì hơn: Mục tiêu hay mối quan hệ?
-
Bạn lựa chọn hình thức làm việc với một mục tiêu đã được định trước hay để mọi người tự do lựa chọn?
-
Bạn muốn đưa ra quyết định một mình hay dựa trên ý kiến của tập thể?
-
Bạn và doanh nghiệp của bạn muốn tập trung vào mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ khác nhau tùy vào tính cách, quan điểm và trải nghiệm của mỗi người. Đó cũng sẽ là cơ sở để một người quản lý có thể lựa chọn phong cách lãnh đạo phù hợp.
Tìm hiểu về khóa học MBA của SSBM Việt Nam.
Qua bài viết trên đây, SSBM Việt Nam tin rằng bạn đã có thêm một góc nhìn cụ thể về các phong cách lãnh đạo cũng như có thêm một kim chỉ nam để định hướng về một phong cách phù hợp với bản thân nhất. Điều này chắc chắn sẽ giúp cho quá trình phát triển cá nhân nhà lãnh đạo cũng như một doanh nghiệp thuận lợi và suôn sẻ hơn.