Phố cổ Hội An | Tận hưởng một ngày trọn vẹn
Phố cổ Hội An – điểm đến chưa bao giờ hết hot. Ở đây có những con đường nhỏ phủ kín hai hàng hoa giấy; cứ đến độ là nở hồng trải dài hết tầm mắt; những nét văn hóa Việt xưa cũ còn in hằn trên từng lớp ngói, viên gạch. Cho đến bây giờ có không ít nơi mô phỏng, xây dựng lại phố cổ Hội An nhưng lại chưa có nơi nào gợi ra được cái nét đẹp ngưng đọng của thời gian ấy.
“Em muốn kể anh nghe ngày em về Hội phố
Thăm ngõ nhỏ, tường hoa, mái ngói rêu phong
Giếng Bá Lễ, chùa Ông, đình Phô, hội quán
Trong những câu ca dao cổ tích thơm nồng. “
Mục Lục
Phố cổ Hội An ở đâu?
Phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm ở hạ lưu con sống Thu Bồn cách thành phố Đà Nẵng 28km. Hội An có một vị trí địa lý thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái biển – đảo như: Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài 7km; có đảo Cù Lao Chàm; nổi tiếng với đặc sản Yến sào đắt đỏ;…
>>Xem thêm: Du lịch Hội An nên đi đâu? 5 địa chỉ ăn uống, vui chơi thú vị nhất
Các địa điểm tham quan tại Hội An
Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu không chỉ là biểu tượng của Hội An mà còn là di sản văn hóa Việt Nam. Cây cầu vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn; chính giữa cầu là ngôi chùa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người. Toàn bộ cây cầu và chùa đều được làm từ gỗ sơn son trạm trổ tinh tế; trên mái được lợp bởi ngói âm dương; hai đầu cầu đều có thú ngồi chầu, một bên là khỉ, một bên là chó.
Chùa Cầu là tác phẩm giao thoa giữa 2 nền kiến trúc Việt – Nhật và cũng đã lên tới hơn 200 tuổi.
Khách du lịch đến đây đều muốn có cho bằng được một tấm ảnh để đời với địa điểm này.
Ngoài chùa Cầu Hội An còn có rất nhiều ngôi chùa cổ khác có niên đại hàng trăm năm tuổi như: Chùa Bà; Chùa Ông; Chùa Chúc Thánh; Chùa Phước Lâm; Chùa Vạn Đức; Chùa Hải Tạng.
5 Hội quán cổ nhất tại Hội An
Khống giống ngày nay, Hội An ngày ấy được biết đến với những cái tên như ” Con đường tơ lụa trên biển ” hay ” Thương cảng Faifo “;… Một nơi sầm uất, tấp lập các thương gia từ khắp các quốc gia vì vậy mà các Hội quán được xây dựng để trở thành nơi nghỉ ngơi, ăn uống hoạt động tâm linh chung. Cho đến ngày nay thì những kiến trúc này vẫn còn giữ và trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho các du khách mỗi khi ghé phố Hội.
Hội quán Quảng Đông (số 176 Trần Phú), được xây dựng từ những năm 1885.
Hội quán Phước Kiến ( số 46 trần Phú ), thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu từ những năm 1697.
Hội quán Dương Thương ( 64 Trần Phú ), được xây dựng từ năm 1741.
Hội quán Hải Nam ( số 10 Trần Phú ), được xây dựng vào năm 1875.
Hội quán Triều Châu (157 Nguyễn Duy Hiệu), được xây dựng vào năm 1845.
Đường phố Hội An
Buổi sáng bình dị tại phố cổ Hội An
Có lẽ là ở đâu cũng vậy, vào mỗi buổi sáng mọi người sẽ tấp lập hối hả với những công việc đời thường. Các chị, các mẹ dắt díu nhau đi chợ các ông thì uống trà chơi cờ; thi thoảng lại nghe tiếng dép quẹt vào lòng đường của mấy cô gánh hàng rong.
Theo thống kê thì ngày nay Hội An có tới 1063 ngôi nhà cổ. Những ngôi nhà nhỏ được nối liền tạo thành các con phố nhỏ mang theo nét đẹp của thời gian. Trong đó có nhà cổ Tân Ký với niên đại hơn 200 năm, nay là nơi tham quan của du khách và còn là địa điểm để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia.
Nhà cổ Tân Ký ngày nay, trải qua biết bao sương gió thời gian, bão lũ của thiên nhiên.
Dọc con phố nhỏ là hàng hoa giấy, cứ đến độ là nở rực xa ngút tầm mắt. Đây cũng là một địa điểm được checkin nhiều tới quen mặt trong các chuyến du lịch Hội An.
Những ngôi nhà cổ tại Hội An được quy hoạch nhìn giống như một bàn cờ, cứ đi hết ngõ này là gặp ngõ khác. Nếu bộ mặt của phố hội là những căn nhà dọc trục đường chính nhộn nhịp, đầy các quán xá thì những góc nhỏ rêu phong trong từng con hẻm mới chính là tâm hồn của Hội An.
Dạo quanh những con phố nhỏ khiến mình nhẹ lòng với những bộn bề của thực tại; nhưng lại nặng lòng về những hoài niệm xưa cũ.
Đêm Hội An
Đèn lồng được xem như linh hồn của Hội An về đêm; những chiếc đèn lồng được treo đầy khắp các con phố hay ngõ nhỏ. Vào ngày 14 âm hàng tháng, Hội An đồng loạt tắt đèn vào lúc 20h, khi này cả khu phố cổ sẽ chỉ còn ánh sáng mờ ảo, ma mị của những chiếc đèn lồng.
Đèn lồng được chế tác thủ công với rất nhiều hình dáng và hoa văn khác nhau nhưng đều mang chung một nét văn hóa người Việt.
Những chiếc đèn lồng với đủ các sắc màu khác nhau
Sông Hoài – đêm hoa đăng
Đêm Hội An thì không thể thiếu sông Hoài. Tuổi tối, dòng sông in bóng những ngôi nhà cổ kính, thắp sáng bởi những ánh đèn vàng lung linh. Bạn có thể thuê một chiếc thuyển nhỏ, xuôi theo dòng sông Hoài để nhìn ngắm Hội An tĩnh lặng, lấp lánh những ánh đèn mờ đầy màu sắc.
Mình cứ mãi nhớ về những chiếc đèn hoa đăng lung linh đầy màu sắc trôi trên dòng sông Hoài; nó trôi cùng ánh nến nhỏ chở theo bao mong ước, hy vọng của hàng triệu du khách. Có thể bạn cũng sẽ giống tôi, chúng ta chỉ mất vài giây để thả đèn nhưng lại tốn rất nhiều thời giờ để nhớ về nó.
Những chiếc đèn hoa đăng được bán với giá từ 3000đ – 10.000đ
Tìm lại ” Ký ức Hội An “
Được biểu diễn vào tất cả các buổi tối trong tuần ( trừ thứ 3 ) tại 200 Nguyễn Tri Phương – Cẩm Nam – Hội An. Show Ký ức Hội An với 500 diễn viên chuyên nghiệp luôn đưa đến cho khán giả một đêm đầy cảm xúc.
Đêm diễn đã gây án tượng mạnh với những hình ảnh như: Cô gái dệt vải; con đường ánh sáng; buổi trình diễn áo dài truyền thống của hàng trăm cô gái … Hay các cảnh hoành tráng như màn rước dâu bằng voi thời kỳ Chăm Pa; màn diễn đầy cảm xúc Thuyền và Biển; được mong đợi nhiều nhất là sự tái hiện thương cảng Faifo Hội An nổi tiếng khi xưa với màn biểu diễn mang tên Bến Bờ… Còn nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc khán giả không thể kìm được cảm xúc nữa.
Ru mình trong những lễ hội truyền thống tại Hội An
Vốn là thương sầm uất, nơi buôn bán trao đổi hàng hóa của các thương gia các nước Trung – Đài – Nhật – Ấn Độ – Hà Lan -… ngày trước; Hội An bỗng trở thành nơi giao thoa của các nền văn hóa các nước. Có lẽ vì mang đôi nét văn hóa du nhập nên những lễ hội truyền thống Hội An ngày nay có một bản sắc riêng và được du khách cả trong và ngoài nước yêu thích.
Những lễ hội nổi tiếng của Hội An như: Lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng; Lễ hội tưởng niệm các tổ sư ngành nghề; Kỷ niệm các bậc thánh nhân hay các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt là ngày rằm 14 hàng tháng
Nếu đến đúng dịp, bạn sẽ có cơi hội thử sức với những trò chơi dân gian như: Đánh bài chòi; hò khoan; hò giã gạo; thi đấu cờ tường;… những trò chơi tưởng chừng đã bị lãng quên hàng chục năm về trước.
Biển Hội An
Thiên nhiên thật sự quá ưu ái cho mảnh đất này. Không chỉ có cả ngàn căn nhà cổ, những con sông thơ mộng; Hội An còn có riêng cho mình những bãi biển đẹp nao lòng.
Biển Bình Minh
Cách phố cổ Hội An khoảng 20km, biển Bình Minh được xem như viên ngọc quý của Châu Á. Ở đây nước biển xanh như ngọc, dải cát mịn trải dài 9km. Sáng sớm tới đây tắm biển, ngắm nhìn bình minh và lặng người với hình ảnh kéo lưới của các ngư dân.
Đến đây bạn có thể tham gia vui chơi tại Vinpearl Nam Hội An
Biển Cửa Đại
Biển Cửa Đại chỉ các phố Cổ chừng 5km nhưng vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên vậy nên nơi này khá nhộn nhịp và có nhiều nơi vui chơi nghỉ dưỡng sang trọng. Vẻ đẹp của biển Cửa Đại được xem như một địa điểm lý tưởng cho tuần trăng mật. Buổi tối đi dạo bên bờ biển cũng rất thú vị, bạn sẽ nghe tiếng sóng biển vỗ nhẹ ngắn nhìn những ánh đèn nhỏ lung linh trải dài khắp bờ biển.
Biển An Bàng
Không náo nhiệt và sầm uất như biển Cửa Đại; người Hội An có vẻ như đang cố gắng giữ lại sự tự nhiên hoang dại của nơi này. Biển An Bàng cũng có những nét đẹp giống như những bãi biển nổi tiếng khác; cũng có bờ cát trắng trải dài uống lượn theo những con sóng biển, làn nước trong xanh như ngọc và những con sóng nhỏ êm đềm.Vì vậy mà người ta muốn giữ cho nó những gì tự nhiên nhất để mỗi du khách tới đây sẽ cảm nhận được sự khác biệt.
Một số bài viết bạn có thể tham khảo thêm như:
Món Ngon Hội An
Theo cảm nhận của một cô gái miền Bắc thì mình thấy món ăn miền trung ngon điên đảo, chỉ có điều hơi cay. Để trả lời cho câu hỏi muôn thủa ” Hội An ăn gì? ” thì cùng mình điểm lại những món ngon được xem như đặc sản Hội An nhé!
Cơm gà Hội An
Chắc chắn nếu quay lại Hội An thì đây sẽ là món đầu tiên mà mình lựa chọn. Vì muốn ăn được hết những món lạ của Hội An nên hôm ấy ăn được có một chút xíu thôi, nhớ mãi luôn. Cơm gà Bà Buội nghe bảo rất nổi tiếng, dường như được đi liền với sự phát triển của Hội An. Gà ở đây đều là gà vườn, thịt ăn ngọt và thơm dữ dội, phần cơm chiên cũng không hề bị ngán.
Địa điểm nổi tiếng, lại nằm tại khu du lịch nhưng giá chỉ có 35.000đ/ suất – bao no.
Cao Lầu – Hội An
Mải chơi đến mấy cũng không được bỏ lỡ món ngon này đâu nha! Món Cao Lâu có ở Hội An từ rất lâu đời, đây là món ăn yêu thích của các thương gia ngày trước. Sợi cao lầu dai, giòn, có màu vàng đục đặc trưng, thường được ăn kèm với nước dùng từ tôm, thịt và rau sống.
Thịt nướng cuốn bánh tráng
Món vặt no nê và ngon mê mẩn tại Hội An. Thịt được nướng còn nóng xòe xèo đưa tới liền tay, cuốn cùng vị chua của khế, chan chát của rau sống ăn kèm nước chấm thì chẳng còn gì tuyệt hơn.
Bánh mỳ Hội An
Món ngon nổi tiếng của người Việt, mỗi nơi mỗi vị bạn chớ có thấy quen mặt mà bỏ qua nhé! Bánh mỳ ở đây có vẻ mỏng hơn bánh mỳ Pháp cổ điển ở Hà Nội hay Sài Gòn; sau khi được kẹp với ba tê, thịt, rau, … được phết với nước sốt rồi đưa vào lò nước giòn, nóng hổi.
Hoành Thánh – Hội An
Ở đây có hoành thánh nước và hoành thánh khô. Nếu như hoành thánh nước có sự đậm đà của nước dùng thì hoành thánh khô lại giòn dai hấp dẫn.
Bánh bèo – Hội An
Bánh bèo được xem như món ăn sáng mặc định của người Hội An. Chỉ với 2000đ thôi là bạn đã có một bát bánh bèo thơm ngon, với phần thịt mỡ chiên giòn đi kèm với phần nước chấm chua cay.
Bánh Xèo – Hội An
Được xem là đặc sản Hội An; món bánh xèo thơm phức nhân tôm, thịt, trứng, giá… khi ăn thường được cuốn cùng các loại rau sống. Nước chấm ở Hội An cũng được pha rất cầu kỳ mà mỗi quán lại một cách pha riêng. Quán mình ăn nước chấm được làm từ nước tương; đậu phộng xay; gan heo; pha với bột gạo và gia vị.
Trà Mót – Hội An
Không phải quán xá sang chảnh, trà Mót Hội An thường là những quán ven đường, dân dã. Loại nước uống thơm mát, thanh lọc cơ thể. Cách trang trí bằng cánh hoa sen và lá trà nhìn cũng ” rất Hội An ” ấy chứ nhỉ.
Bình dị lắm, cảm tưởng như đã lỡ mua nhầm phải một chiếc vé đi về tuổi thơ chứ chẳng còn là chuyến du lịch đến xứ lạ nữa rồi. Dù không còn là một thương cảng lớn như thời kỳ hưng thịnh, Hội An đã trở thành trung tâm du lịch của không chỉ các tỉnh miền Trung mà của cả nước. UNESCO đã công nhận Hội An là một trong các di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4 tháng 12 năm 1999. Vào năm 2017, Hội An được xếp thứ 13/25 địa điểm du lịch tốt nhất thế giới do trang TripAdvisor đánh giá.
Trên đây là những chia sẻ của mình về mảnh đất phố Hội mộng mơ; nếu bài viết này có thể giúp ích gì đó cho chuyến đi sắp tới của bạn đừng quên để lại bình luận nha!