Phổ cập giáo dục ở vùng cao Hà Giang

Hà Giang là tỉnh vùng núi cao, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, đời sống kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Ðiều đó gây cản trở lớn trong phát triển giáo dục – đào tạo. Nhưng, với cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp thực tế địa phương, công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) ở Hà Giang thời gian qua đã đạt những kết quả đáng khích lệ; nhất là ở các huyện vùng núi cao như Ðồng Văn, Mèo Vạc.

Ðồng Văn về đích sớm

Từ Hà Nội phải mất gần một ngày đường ô-tô, vượt nhiều con dốc dựng đứng như: Pặc Sum, Chí Khoanh, Lát Xì rồi cổng trời Yên Minh, Quản Bạ cao chót vót, xế chiều chúng tôi mới đến được thị trấn  Ðồng Văn. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nguyễn Văn Khải sau cái bắt tay gặp mặt hồ hởi khoe: Ðồng Văn được công nhận PCGDTHCS vào tháng 12-2005 ở 18/19 xã. So với kế hoạch của huyện, về đích trước hơn một năm; so với kế hoạch của tỉnh, về đích trước hơn hai năm. Cách đây năm năm, khi đề ra mục tiêu hoàn thành PCGDTHCS, huyện cũng đã xác định cái mốc phải đạt là đến năm 2010. Nếu không có cách làm mới, sáng tạo, dựa trên một chiến lược phát triển đúng hướng, khó có thể rút ngắn thời gian thực hiện và đạt được thành quả đáng phấn khởi như ngày hôm nay.

Ðồng Văn là một trong những huyện “đặc biệt” của Hà Giang. Toàn huyện có 19 xã, thị trấn thì có tới chín xã, thị trấn giáp biên (hơn 52km). Trong số 18 dân tộc anh em sinh sống, dân tộc Mông chiếm 87%. Dân trí thấp, đời sống đồng bào còn rất khó khăn, cộng thêm địa hình phức tạp, là rào cản lớn trong việc tiến hành PCGD. Bởi vậy, khi bắt tay vào việc, ngành giáo dục xác định khâu xây dựng đội ngũ là then chốt, quyết định sự thành bại của chiến dịch. Vừa tập trung chỉ đạo công tác phổ cập, bồi dưỡng giáo viên, ngành vừa chú trọng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý. Kết quả từ năm 2000 đến 2005, toàn huyện bồi dưỡng được gần ba trăm giáo viên hệ 9+1 lên 9+3, 269 người văn hóa THCS lên bổ túc THPT, 15 giáo viên tiểu học được đào tạo dạy THCS, gần hai trăm giáo viên có trình độ trung cấp được học lên cao đẳng, đại học. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện nhiệm vụ PCGDTHCS, UBND tỉnh Hà Giang quyết định tăng cường ba đợt giáo viên cho huyện gồm 78 người. Là huyện vùng núi, địa hình phức tạp, cho nên phần lớn các trường trong huyện đều còn trong tình trạng trường liên cấp. Mỗi xã chỉ có một trường phổ thông cơ sở bao gồm cả học sinh mầm non, tiểu học, THCS. Và cũng phần lớn các trường này đều chưa có học sinh lớp 9, chỉ mới có học sinh lớp 8, cho nên chưa thể tách trường. Các thôn, bản phân tán, cách xa trung tâm xã, cho nên trường nào cũng có các điểm lẻ. Học sinh nơi nào có điều kiện thì được học ở các điểm trường, còn lại xa nhà, muốn đi học, nhà trường phải tổ chức cho các em ở bán trú. Duy trì sĩ số thường xuyên, học sinh chăm chỉ học tập là yếu tố quyết định thành công của công tác phổ cập giáo dục, xa hơn nữa là bảo đảm chất lượng giáo dục. Thực tiễn cho thấy, từ khi thực hiện phổ cập tiểu học đến nay, mô hình tổ chức các lớp học bán trú dân nuôi vẫn phát huy tác dụng trong PCGDTHCS. Hiện toàn huyện Ðồng Văn có hơn hai nghìn học sinh bán trú dân nuôi, trong đó tiểu học chiếm hơn một nghìn, THCS gần một nghìn. Mô hình này được thực hiện khá quy củ từ nhiều năm nay, có tác dụng thúc đẩy tiến trình PCGDTHCS khá thuận lợi. Ở xã Lũng Cú, xã cao nhất cực bắc của Tổ quốc, chúng tôi được giới thiệu về hiệu quả của mô hình lớp bán trú dân nuôi. Thầy giáo Nguyễn Văn Hãnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do tại các điểm lẻ chỉ mở các lớp mầm non và tiểu học, cho nên nhà trường “gom” các em lớn tuổi muốn học lên THCS về đây, tổ chức cho các em ăn ở sinh hoạt và học tập một cách thuận lợi. Phụ huynh học sinh ai cũng tích cực đóng góp lương thực (chủ yếu là ngô), ủng hộ vật liệu, ngày công để dựng lớp, dựng nhà ở giúp các em học sinh duy trì việc lên lớp trong suốt chín tháng của năm học.

Về nguyên nhân giúp huyện đẩy nhanh PCGDTHCS, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Văn Khải cho biết: Năm 2003, năm đầu thực hiện chương trình này, có ba xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn. Sang năm 2004 có thêm mười xã và năm 2005 có năm xã được công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS. So với nghị quyết, kế hoạch ban đầu, Ðồng Văn về đích trước gần năm năm. Từ kết quả này, cũng theo Trưởng phòng Nguyễn Văn Khải, ngoài các phần “cứng” bắt buộc phải làm tốt, làm hết sức, thì việc nắm bắt kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên cần được vận dụng một cách sáng tạo, cụ thể theo tình hình thực tiễn từng địa phương. Bảo đảm thông tin hai chiều, thống nhất từ huyện đến cơ sở, nắm bắt tình hình cụ thể, sâu sát từng tháng, từng quý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tìm biện pháp chỉ đạo cụ thể. Không chỉ vậy, việc PCGDTHCS ở đây còn được đưa vào công tác sinh hoạt đảng, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên cấp ủy. Chính quyền cũng bắt tay vào; vừa lãnh đạo, vừa chỉ đạo; trong đó Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm Trưởng ban chỉ đạo PCGDTHCS. Về mặt chuyên môn, ngành giáo dục giao trách nhiệm đến từng cán bộ, giáo viên. Giáo viên lấy chất lượng giáo dục học sinh làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

Chuyện ở Mèo Vạc

Rời Ðồng Văn, chúng tôi tới huyện Mèo Vạc. Giống Ðồng Văn, đây cũng là huyện vùng cao núi đá, sương mù che phủ quanh năm. Nhiều năm về trước, để mở con đường hơn 20 km từ Ðồng Văn sang Mèo Vạc, những người thợ làm đường phải ngày đêm treo mình, miệt mài đục đẽo từng thước đá, xuyên dốc tạo đường đi. Bây giờ thì đường nhựa đã phẳng lì. Huyện Mèo Vạc có hơn 63 nghìn dân, trong đó 70% là người dân tộc Mông, sống rải rác tại 199 xóm, bản của 18 xã, thị trấn. Ðến cuối năm 2005, vẫn chưa xã nào thoát diện 135. Cái nghèo, cái đói đeo đẳng đã kìm hãm sự học tập, tiến bộ của con em đồng bào các dân tộc. Toàn huyện mới chỉ có 6/17 trường PTCS có lớp 9 và phần lớn ở các vùng thuận lợi. Ở các xã vùng khó khăn, nhất là ba xã giáp biên giới: Xín Cài, Sơn Vĩ, Khâu Vai, học sinh ít có điều kiện học lên bậc cao hơn. Năm 1999, Mèo Vạc  được công nhận hoàn thành PCGDTH. Theo kế hoạch, đến năm 2006, tiếp tục hoàn thành PCGDTHCS. Ðể đạt mục tiêu, nói như Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nguyễn Thị Thanh Minh thì quan trọng nhất là phải tìm ra các điểm yếu để khắc phục. Theo đó, khó khăn “đặc trưng” thứ nhất là học sinh đến trường thiếu chuyên cần, do các tháng giáp hạt nhiều gia đình không đủ ăn. Hai là, giao thông chưa đến được trung tâm xã, việc quản lý học sinh và quan tâm đời sống giáo viên khó hơn. Ba là, bà con đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích của việc đưa con em đến trường, chưa coi việc học tập là cần thiết. Ðó là chưa nói đến sự bất đồng về ngôn ngữ, học sinh ngại nói tiếng phổ thông. Cũng theo chị Minh, học sinh trong độ tuổi từ 15 đến 18 lại là lực lượng lao động chính trong gia đình, do vậy rất khó vận động các em đến lớp. Trong khi đó, phong tục tập quán của bà con ở địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ, nhiều học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm. Nếu không giải quyết tốt các yếu tố nói trên, thì mọi sự đầu tư xây dựng  trường lớp, đội ngũ giáo viên cũng bằng thừa.

Ðể giải quyết những hạn chế này, ngành giáo dục – đào tạo huyện ưu tiên mở các lớp mẫu giáo năm tuổi, trong đó tập trung ở các lớp học 20 buổi. Ðây là cách làm sáng tạo, vì học ở đây khó có thể huy động học đủ theo chương trình 36 buổi cho nên chương trình được rút gọn (rút phần cứng), mềm hóa chương trình cho các lớp học huy động học sinh ra lớp muộn. Các lớp học giúp các em nắm được kiến thức sơ bộ để vững vàng bước vào lớp 1. Cách làm này cũng giúp học sinh bớt e dè, nhút nhát trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Ngoài ra, ngành còn vận động, khuyến khích giáo viên tự học tiếng dân tộc thiểu số. Nhiều giáo viên sau một năm đứng lớp đã có thể vào bản giao tiếp với phụ huynh, cán bộ xã bằng tiếng dân tộc thiểu số để vận động học sinh đến lớp. Lớp bán trú dân nuôi cũng là giải pháp giúp học sinh duy trì sĩ số đều đặn. Tại các xã đặc biệt khó khăn, học sinh đều được tỉnh hỗ trợ sách, vở, bút, mực… Cũng như Ðồng Văn, đặc trưng của Mèo Vạc là địa hình, các thôn bản phân tán, vì vậy các lớp học phân tán. Hiện toàn huyện có 219 điểm trường, trong đó trung bình cứ một trường chính có khoảng 12 điểm trường vệ tinh (12 trong 1). Tại các điểm trường, học sinh phải học ở các lớp ghép (toàn huyện có một trăm lớp ghép hai trình độ). Ðến nay, toàn huyện có hơn 2.000 học sinh THCS và 500 học sinh tiểu học được học bán trú. Tất cả đều được hưởng ngân sách của tỉnh hỗ trợ (khoảng 45 nghìn đồng/ học sinh). Ngoài ra, lương thực do dân đóng góp hằng năm (15 kg ngô/ hộ). Từ khi triển khai thực hiện PCGDTHCS (năm 2001) đến nay toàn huyện Mèo Vạc có 14 xã hoàn thành. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện, nhất là cấp ủy, chính quyền các xã và sự cố gắng của tập thể ngành giáo dục – đào tạo Mèo Vạc; năm 2003 huyện được công nhận đạt chuẩn năm đơn vị, năm 2004 được công nhận đạt chuẩn sáu đơn vị và năm 2005 thêm ba đơn vị được công nhận. Trong năm 2006 này, hai đơn vị phấn đấu hoàn thành chuẩn PCDGTHCS và hai xã cuối cùng sẽ hoàn thành vào năm 2007. Trưởng phòng Nguyễn Thị Thanh Minh cho rằng: Ðây là kết quả đáng phấn khởi trong điều kiện huyện còn nhiều khó khăn. Ngoài sự chủ động của ban chỉ đạo, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, thì giáo viên trực tiếp giảng dạy là một yếu tố quyết định cho sự thành công của công tác PCGDTHCS ở huyện Mèo Vạc nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung.

Dẫu còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng với quyết tâm cao, cách làm năng động, sáng tạo từ thực tiễn phổ cập ở mỗi cơ sở, tin rằng mục tiêu đến năm 2007, toàn tỉnh Hà Giang đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHCS sẽ thành hiện thực, góp phần cải thiện và nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cực bắc của Tổ quốc.

(Theo edu.net)

[TT: L.M.H]