Phim ‘Yêu nữ thích đồ hiệu’ hé lộ những bí mật sau 10 năm
Tác phẩm đắt đỏ về một tòa soạn thời trang tốn hơn một triệu USD cho trang phục và minh tinh Meryl Streep suýt bỏ vai vì bị trả thù lao quá thấp.
The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích đồ hiệu) là một trong những bộ phim tiêu biểu của năm 2006. Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lauren Weisberger, xoay quanh hậu trường một tòa soạn thời trang hư cấu ở New York.
Phim đạt doanh thu hơn 320 triệu USD – gấp 9 lần kinh phí sản xuất – đồng thời nhận hai đề cử Oscar, một giải Quả Cầu Vàng cùng nhiều giải thưởng khác. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày phim ra rạp, êkíp sản xuất lần đầu tiết lộ trên Pop Sugar những chuyện chưa kể về hành trình đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng.
Meryl Streep suýt bỏ vai vì cátxê ban đầu quá thấp
Nữ diễn viên chính Meryl Streep – người được nhận đề cử Oscar lần thứ 14 cho vai tổng biên tập quyền lực Miranda Priestly – tiết lộ mình thích kịch bản phim nhưng từ chối vì mức cátxê mà hãng Fox đưa ra. “Đề nghị đó khiến tôi nghĩ rằng mình bị xúc phạm” thì hẳn là nó phản ánh giá trị thực của tôi với dự án”. Meryl Streep chia sẻ bà có thêm bài học về khẳng định giá trị bản thân ở tuổi 55 bởi nhà sản xuất lập tức tăng cátxê lên gấp đôi khi nghe bà từ chối.
Tổng biên tập Vogue là nguyên mẫu cho nhân vật chính
Tác giả nguyên tác văn học Lauren Weisberger vốn là trợ lý của Anna Wintour – nữ Tổng biên tập nổi tiếng quyền lực của tạp chí Vogue. Dư luận tin rằng bà là nguồn cảm hứng cho nhân vật Miranda Priestly trong truyện và trên phim.
Thoạt đầu, Anna Wintour không ủng hộ dự án này, khiến hầu hết nhà thiết kế và tên tuổi nổi bật của sàn catwalk tránh xuất hiện trong phim do lo sợ làm phật ý bà. Sau khi phim ra mắt, Anna Wintour phá bỏ những nghi ngại khi chia sẻ bà thích cả diễn xuất của Meryl Streep lẫn bộ phim. Trong một buổi công chiếu, Anna Wintour diện trang phục của Prada bước lên thảm đỏ.
Anne Hathaway không phải lựa chọn đầu tiên cho vai Andy
Nhân vật nàng học việc “khốn khổ” Andrea Sachs (Andy) ban đầu được nhắm cho Rachel McAdams bởi tên tuổi của nữ diễn viên này sau The Notebook và Mean Girls. Tuy nhiên, Rachel McAdams nhiều lần từ chối dự án, bất chấp nỗ lực của hãng phim bởi cô không muốn mình tiếp tục thể hiện những vai diễn giống nhau.
Ứng cử viên tiếp theo được cân nhắc là Anne Hathaway – người vừa ghi điểm với The Princess Diaries và Ella Enchanted. Ở thời điểm này, nữ diễn viên chưa thực sự nổi tiếng, mới chỉ được thủ vai chính trong các phim dành cho thanh thiếu niên. Anne phải rất nỗ lực để được chú ý. Khi tới gặp nhà sản xuất, cô lén viết chữ “Hãy thuê tôi” lên bãi cát trong vườn và khéo léo để vị giám đốc sản xuất nhìn thấy sau khi cô ra về.
The Devil Wears Prada đóng vai trò bước ngoặt trong sự nghiệp của Anne Hathaway, mở cánh cửa cho cô đến với những tác phẩm lớn hơn sau này.
Emily Blunt được gọi thử vai sau khi bị từ chối đóng “Eragon”
Có hơn 100 nữ diễn viên được cân nhắc cho vai nàng trợ lý đỏng đảnh Emily trong phim nhưng nhà sản xuất chưa tìm được ai phù hợp. Emily Blunt lúc này đang tham gia thử vai cho một bộ phim khác của hãng Fox là Eragon nhưng không được chọn. Tình cờ, bộ phận thử vai đặt cuộn băng của Emily Blunt vào chồng đĩa Prada. Nhà sản xuất xem xong thì bị thuyết phục dù Emily Blunt nói giọng Anh còn nhân vật trong phim là người Mỹ.
Đây là vai diễn đưa tên tuổi Emily Blunt tới kinh đô điện ảnh và tạo bàn đạp cho thành công sau này của cô.
Stanley Tucci nhận lời chỉ 72 tiếng trước khi phim bấm máy
Thật khó tin nhưng đoàn phim không tìm ra diễn viên nào hợp với vai biên tập viên tận tụy Nigel. Trước khi phim bấm máy 72 giờ, Stanley Tucci gật đầu đồng ý. Nam diễn viên 46 tuổi không ngờ The Devils Wear Prada đem lại cho ông nhiều mối duyên đến vậy. Ông hợp tác với Meryl Streep lần đầu tiên trong dự án này và sau đó trở thành người chồng màn ảnh của nữ minh tinh tài năng vào năm 2009, trong phim tình cảm – hài Julie and Julia.
Cũng nhờ sự quen biết và hợp tác với Emily Blunt, Stanley Tucci được mời tới đám cưới của cô rồi “phải lòng” chị gái nữ diễn viên. Ông làm đám cưới năm 2012 và sống hạnh phúc tới nay.
Meryl Streep bắt chước giọng nói quyền lực từ Clint Eastwood
Người ta thường nghĩ một nữ Tổng biên tập quyền lực và khó tính của ngành thời trang sẽ sở hữu tông giọng cao, sẵn sàng “thét ra lửa”. Nhưng khi Meryl Streep cất lời thoại đầu tiên trong phim, cả êkíp lẫn khán giả đều sững sờ. Đó là một giọng nói rất nhỏ, nhẹ nhàng nhưng chứa đầy sự đanh thép và lạnh lùng.
Meryl Streep thừa nhận bà lấy cảm hứng cho nhân vật của mình từ tài tử Clint Eastwood. “Ông ấy không bao giờ lớn giọng nhưng ai cũng phải nín thở lắng nghe. Ông ấy tự động trở thành người quyền lực nhất trong căn phòng”. Còn về ngoại hình, bà nghĩ tới người mẫu 85 tuổi Carmen Dell’Orefice với mái tóc bạch kim đặc trưng.
Cũng chính Meryl Streep thay đổi lời thoại cuối cùng, cũng là lời thoại đáng nhớ nhất trong phim: “Everyone wants to be us” – “Ai cũng muốn được như chúng ta”. Trước đó, câu nói này là “Everyone wants to be me” (Ai cũng muốn được như tôi).
Trang phục trong phim trị giá một triệu USD
Đoàn phim không phải chi trả toàn bộ số tiền cho phục trang. Rất nhiều nhà thiết kế danh tiếng ủng hộ quần áo và phụ kiện để tạo nên tác phẩm hào nhoáng này. Người thiết kế phục trang Frankel ước tính giá trị của toàn bộ quần áo, váy, giày, phụ kiện được sử dụng trong phim lên tới khoảng một triệu USD, trong đó đắt nhất là chiếc vòng 100.000 USD hiệu Fred Leighton mà Meryl Streep đeo trên cổ.
Tới nay, The Devil Wears Prada nằm trong số các phim có phần phục trang đắt đỏ nhất, quy tụ hàng loạt thương hiệu nổi tiếng.
Đoàn phim không đủ tiền thuê bối cảnh
Để hiện thực hóa ý tưởng của The Devil Wears Prada, các nhà sản xuất và đạo diễn mất nhiều năm xây dựng kịch bản cũng như thuyết phục hãng phim đầu tư vào dự án. Họ được trao một khoản kinh phí khá khiêm tốn, 41 triệu USD, nên quá trình quay phim chỉ diễn ra trong 55 ngày với nhiều tính toán chi li.
Bối cảnh căn hộ sang trọng của Miranda Priestly thực tế là nhà của một người bạn của nhà sản xuất. Họ không đủ tiền thuê hoặc dựng riêng một nơi như vậy cho bộ phim nên đã nhờ tới sự giúp đỡ.
Ngoài khó khăn tài chính, đoàn phim còn phải đối mặt với việc Anna Hathaway thường xuyên bị bạn trai quát mắng mỗi lần đi quay đêm, khiến tâm lý nữ diễn viên bị xáo trộn mạnh.
Bộ phim sẽ không có phần tiếp theo
Cho dù The Devil Wears Prada đại thắng về doanh thu đồng thời sách gốc sẽ có phần hai, êkíp thực hiện phim lại không muốn làm phần tiếp. Meryl Streep nói bà không có ý định hóa thân thành Miranda Priestly một lần nữa, còn “nữ trợ lý” Anna Hathaway cho hay bộ phim đã thành công vào đúng thời điểm. “Tốt nhất là hãy để nó như vậy”.
Thanh Trần
>> Xem thêm:
10 bộ phim nổi tiếng nói về phụ nữ