Phim Mùi cỏ cháy – thêm một bức tượng đài về Thành cổ Quảng Trị
Đến mùa hè năm 2011, tính về mặt thời gian, cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng trị đã lùi xa 39 năm. Chiến tích huyền thoại này mới chỉ được ghi lại trong các trang hồi ký của các tướng tá, trong những bài thơ, những bức tranh hay những ngôi đền đài tưởng niệm… và Xét tới một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, dài hơi, có lẽ sau cuốn truyện tự thuật Được sống để kể lại của nhà điêu khắc Trần Luân Tín, thì bộ phim truyện nhựa Mùi cỏ cháy là tác phẩm thứ hai…Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy. Để đánh giá được những thành công của phim Mùi cỏ cháy thiết nghĩ, cần thấy được những trở ngại, trước hết ngay từ phương diện kịch bản văn học. Hoàng Nhuận Cầm không muốn kể một câu chuyện tình thời lửa khói liên quan đến con sông Thạch Hãn; một lần vào thăm chiến trường xưa của một thiếu phụ gặp nhiều đổ vỡ trong cuộc đời, nay vào Thành cổ để nhớ về người yêu đã nằm lại tại đây; hoặc là cuộc gặp lại trong ngày hôm nay của hai nhân…
Đến mùa hè năm 2011, tính về mặt thời gian, cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng trị đã lùi xa 39 năm. Chiến tích huyền thoại này mới chỉ được ghi lại trong các trang hồi ký của các tướng tá, trong những bài thơ, những bức tranh hay những ngôi đền đài tưởng niệm… và Xét tới một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, dài hơi, có lẽ sau cuốn truyện tự thuật Được sống để kể lại của nhà điêu khắc Trần Luân Tín, thì bộ phim truyện nhựa Mùi cỏ cháy là tác phẩm thứ hai…
Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy.
Để đánh giá được những thành công của phim Mùi cỏ cháy thiết nghĩ, cần thấy được những trở ngại, trước hết ngay từ phương diện kịch bản văn học. Hoàng Nhuận Cầm không muốn kể một câu chuyện tình thời lửa khói liên quan đến con sông Thạch Hãn; một lần vào thăm chiến trường xưa của một thiếu phụ gặp nhiều đổ vỡ trong cuộc đời, nay vào Thành cổ để nhớ về người yêu đã nằm lại tại đây; hoặc là cuộc gặp lại trong ngày hôm nay của hai nhân vật xưa kia thuộc hai chiến tuyến… Tham vọng và cũng là chỗ mạo hiểm của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm là muốn thể hiện lại gương mặt thế hệ mình, nhưng phải là trên cái nền miêu tả trực diện những sự biến của Thành cổ Quảng Trị với những chuyến qua lại trên dòng sông lửa Thạch Hãn, với những trận đánh giằng co, kể cả những trận “huyết chiến” để đổi lấy cái giá trên bàn hòa đàm Pa-ri… Bởi vậy, điều trước tiên kịch bản phải tuân thủ nghiêm ngặt những yếu tố lịch sử. Ví như, năm 1970 và năm 1971, hậu phương lớn miền bắc đã “cạn người”. Bộ Quốc phòng phải gọi nhập ngũ sinh viên đang học năm thứ hai, thứ ba. Ví như, lớp tân binh này được huấn luyện rất cấp tốc và được tung ngay vào chiến đấu ở Thành cổ. Lại nữa, trận chiến Thành cổ dữ dội, quyết liệt đến độ hầu như hoàn toàn vắng các “bóng hồng”. Ví như, chiến sự Thành cổ Quảng Trị căng thẳng, dữ dằn đến độ – như lời các chứng nhân kể lại – thật sự là không thể có phút giây cho những tự sự trữ tình… Với điện ảnh phim truyện, những điều vừa kể trên thật khó “gây mầm” để tạo sức cuốn hút, hấp dẫn.
Và trong kịch bản văn học, Hoàng Nhuận Cầm tỏ ra khá cứng tay khi chọn lựa các chi tiết, các câu thoại thật đắt, lời các bài ca, bài thơ,… để khắc họa gương mặt và số phận bốn nhân vật Hoàng, Thành, Thăng, Long của mình. Bốn chàng lính – sinh viên đến tạm biệt giảng đường và ngôi trường với dòng lưu bút trên tấm bảng đen. Bốn chàng trai chụp ảnh bên bức tượng cô gái đọc sách. Một chàng lính phải chứng kiến cảnh cha mẹ mình chia tay, và xúc động hơn là chính tay anh tận mắt nhìn những thứ tài sản nghèo nàn của thời bao cấp mà cha mẹ anh sắp chia đôi. Người mẹ không kịp đánh con bằng chiếc phất trần, con đã lên đường ra trận… Những chi tiết ấy tôi tin rằng, đã làm rơi nước mắt của nhiều bậc cha mẹ và anh chị em đã có con em hy sinh trên chiến trường. Những cảnh hành quân hay trú quân, nhà biên kịch cũng đã sử dụng thủ pháp “chấm phá” như thế. Điều cần nhấn mạnh là tác giả đã biết nuôi các chi tiết ấy ở những đoạn phim về sau – điều mà không phải nhà biên kịch nào cũng thông thạo. Nửa phim sau, khi mô tả chiến trận ở cung bậc quyết liệt nhất, bút pháp lọc lựa, chấm phá cũng được tận dụng triệt để (tiếng gọi “Mẹ ơi!” lặp lại trên dòng sông Thạch Hãn; cảnh khênh trên vai những bao xác tử sĩ; cảnh chôn cất nhau trong cơn mưa tháng bảy…). Xét cho kỹ, phim Mùi cỏ cháy hầu như không có nhân vật và kiểu kích mâu thuẫn, gỡ mâu thuẫn theo bài bản thông thường. Nhưng đọc kịch bản, xem phim, người ta vẫn nhớ, vẫn khắc ghi vào tâm trí và dành niềm thương yêu, luyến tiếc cho những chàng trai Hà Nội; khắc ghi công ơn cả một thế hệ 18 – 20 tuổi đã ngã xuống trên mảnh đất Thành cổ.
Xét tới công việc của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, phải nói ngay anh đã bình tĩnh và vững vàng tháo gỡ các trở ngại mà chúng tôi đã kể ở trên nằm ngay trong kịch bản văn học. Trước hết là thủ pháp dựng đan xen giữa hiện tại và ký ức; giữa thực và mộng. Sự đan xen này không phải lúc nào cũng “ngọt” nhưng rõ ràng là chúng đã làm súc tích, phong phú hơn một cốt kịch phim rất dễ rơi vào nhàm chán, tẻ nhạt. Đáng nói là, sự đan xen kia xuất hiện ngay cả ở những phân đoạn trận mạc căng thẳng và tạo được hiệu quả cảm xúc đáng ghi nhận (đoạn bà mẹ cầu nguyện trên chùa hay đoạn chiếc phất trần rơi như linh cảm con trai mẹ đã hy sinh). Việc chọn được bốn diễn viên để trao vai Hoàng, Thành, Thăng, Long với vóc dáng ấy, gương mặt ấy cũng là một thành công. Bởi thế hệ những người ra trận hôm ấy dứt khoát phải mang gương mặt khỏe mạnh, trong sáng, tự tin như vậy. Liệu có cần khen Mùi cỏ cháy ở những điều lý ra điện ảnh là phải như vậy, cần như vậy, nhưng với phim ảnh của nước ta hiện nay mọi điều đang bị giản lược hóa, sơ sài hóa, nộm tạm hóa đến ẩu tả, quấy quá đi không? Đó là việc đã công phu tìm ra cho bằng được các hiện vật của thời bao cấp. Đó là việc kiểu tóc, trang phục của các nhân vật chính và hàng trăm nhân vật quần chúng khác trong Mùi cỏ cháy tạo được độ tin cậy cần thiết. Đó còn là việc phục dựng cảnh trí, đào bới giả làm hố bom hố đạn, hầm hào giao thông, trạm phẫu,… phục hiện không khí chiến địa và bản thân chiến trường Thành cổ Quảng Trị xưa kia cũng đã đạt được mức cần thiết. Còn việc Mùi cỏ cháy ít máy bay, ít xe tăng quá; những điểm nổ thưa thớt quá, những đụn khói bom, khói đạn bốc lên còn mỏng mảnh, mờ nhạt,… nguyên cớ chắc ở chỗ kinh phí làm phim còn eo hẹp? Trả lời báo chí, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã nói, kinh phí dành cho Mùi cỏ cháy tiếng là năm tỷ đồng, nhưng cắt lại hai tỷ đồng để Hãng khấu hao máy móc và trả lương cho cán bộ, công nhân viên; gần một tỷ đồng, dành làm hậu kỳ phim ở Thái-lan. Tổng số kinh phí thật sự còn lại hai tỷ đồng.
Mô tả trực diện về điểm nóng Thành cổ năm 1972 và sự hy sinh vô giá của 16.000 chàng trai trẻ từ mọi miền quê tại nơi đây, nhưng Mùi cỏ cháy không sa vào những luận giải lệch lạc, nhằm mục đích xóa nhòa mọi giá trị chiến thắng hoặc lên án chiến tranh chung chung; diện mạo và giọng điệu của Mùi cỏ cháy vẫn là một khúc tráng ca đầy tự hào về lòng yêu nước, niềm tin và tinh thần sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, của non sông xứ sở. Mùa hè năm 2012 sắp tới sẽ kỷ niệm tròn 40 năm chiến công kiêu hùng ở Thành cổ Quảng Trị. Chắc chắn phim Mùi cỏ cháy sẽ là lẵng hoa rất đẹp,rất xứng đáng để dâng lênĐài tưởng niệm các Anh hùng – Liệt sĩ!